Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Sự kiện Đản sinh là nguyện lực sâu xa của Bồ tát
Lam Yên
17/04/2012 13:36 (GMT+7)



Nguyện lực của Bồ tát là dấn thân cho sự nghiệp phục vụ thế gian với chủ đích tuyệt đối, thuần khiết và hoàn toàn bất vụ lợi.

 

Dòng thời gian trôi qua có thể mang đi tất cả những buồn vui của cuộc sống, nhưng không thể cuốn đi một điều kỳ vĩ mà nhân loại đã mấy ngàn năm quy ngưỡng. Đó là sự xuất hiện của một con người siêu phàmthái-tử Sĩ-đạt-ta (Siddhattha). Một tin mừng thật sự đã đến với loài người, một sự kiện hy hữu đã xuất hiện nơi cỏi đời. Ngày ấy vĩnh viễn trở thành mốc son lịch sử, đã được nhân loại trên khắp thế giới tôn vinh ghi nhận.

 

Sau khi thị hiện đản sinh dưới gốc Vô ưu, Thái Tử ung dung bước đi bảy bước trên bảy đóa sen, cao thanh tuyên thuyết thông điệp: “Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn” trong niềm hân hoan vui kính của chư thiên và nhân loại. Sự xuất hiện ấy đã cảm kích lay động tâm hồn vị đạo sĩ thông tuệ đang tu hành nơi Hy-mã-lạp sơn, đã phủ phục, nghiêng mình chiêm bái, vui mừng đến rơi lệ.

 

Quán triệt nhân duyên, Bồ tát lìa Đâu -suất hồi nhập sa bà

 

Sự giáng trần là nguyện lực đã nung nấu từ vô lượng kiếp trong lòng Bồ tát Hộ Minh tại cung trời Ðâu-Suất, nay hoa linh thoại đã đúng thời tái hiện, việc Bồ tát làm không chỉ vì một nguyên nhân sâu xa là đưa chúng sinh đồng tiến về bờ giác, mà còn vì xua đi cái bóng đen định kiến từ lâu đã bao trùm lên xứ Ấn, trong một xã hội đa thần. Bồ tát bèn phó chúc ngôi vị lãnh đạo chư Thiên cho ngài Di-Lặc (Maitreya, Metteyya) phát nguyện hồi nhập sa bà cứu độ chúng sinh đang trong biển lửa sinh tử. Và ánh sáng của bồ tát đã chiếu thấu vạn vật, con người nơi đất Ấn, nơi đã bị bàn tay của những kẻ thần quyền cai trị, nhưng cũng chính con người này sẽ là nền tảng tối hậu cho tiến trình đoạn tận các chi phần móc xích Thập nhị nhân duyên, hướng đến giác ngộ.

 

Đứng trên quan điểm của Phật giáo Đại thừa, sự đản sinh của đức Phật tại Ấn Độ không chỉ là nguyện lực nhiều kiếp sâu xa của Bồ tát Hộ Minh nơi cung trời Ðâu-Suất mà còn là “đại sự nhân duyên” như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện đã mô tả: “Chư Phật Thế Tôn, duy dĩ nhất đại sự nhân duyên cố, xuất hiện ư thế; Dục lịnh chúng sinh khai tri kiến sử đắc thanh tịnh cố, xuất hiện ư thế; dục lịnh chúng sinh nhập Phật tri kiến đạo cố, xuất hiện ư thế.” (Các chư Phật chỉ vì một đại sự nhân duyên mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời). Tất cả những điều Bồ tát làm nhằm chỉ bày “tri kiến Phật” nơi mỗi con người. Tri kiến ấy là kết quả của một quá trình tu bồ tát hạnh trong nhều số kiếp, từng thọ qua nhiều thân tướng khác nhau, và Bồ tát Hộ Minh là hiện thân của đức Phật- Thích- Ca -Mâu -Ni đản sinh nơi cuộc đời.[[1]]

 

Nơi vườn Lâm-tỳ-ni, dưới gốc vô-ưu, Bồ tát thị hiện giáng trần

 

Vào năm 624-BC, Bồ tát thị hiện giáng trần tại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) miền Trung xứ Ấn, trong Hoàng-tộc Thích-Ca (Sakya), thuộc người Nhã Lợi An,  dòng Bà-la-môn, làm con vua Tịnh phạn (Suddhodana), và hoàng hậu Ma-ha-ma-ya. Một dòng dõi phụng hành kinh Vệ-đà và nắm quyền tế tự, thống nhiếp mọi Tôn giáo đương thời, với chủ trương triết lý “Phạm ngã nhất như” [[2]]. Vì cho rằng sự phụng hành triết lý này với hy vọng đạt được chân lý bất tử.

 

Vesak, ngày trăng tròn tháng 4 năm ấy. Vũ trụ như ngưng đọng, vạn vật như thể hiện tiếng lòng hân hoan trong phút giây nhiệm màu cùng các vị thiên vương đến cung hạ Thái tử, chào đón bậc vĩ nhân xuất thế… Tất cả hình ảnh ngày ấy đã thật sự mở ra một tương lai huy hoàng đối với nhân loại. Thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) vô cùng náo nhiệt, dân chúng từ khắp nơi đổ về mang theo những vật phẩm quý báu nhất để dâng lên đức vua, mừng cho dòng tộc Thích Ca (Sakya) vừa sinh được một hoàng nhi cao quí, người sẽ tiếp nối sự nghiệp của hoàng triều và sẽ làm rạng rỡ đất Ấn.

 

Lúc ấy sự lo lắng hòa trong nỗi vui mừng của hoàng cung, trong ngày thái tử đản sinh. Tịnh Phạn vương nghe danh vị đạo sĩ thông thái tu hành lâu năm ở Hy-mã-lạp-sơn, bèn cho mời ông vào hoàng cung xem tướng cho thái tử.

 

Vừa diện kiến kim tướng hài nhi, đạo sĩ A-tư-đà chắp tay đảnh lễ, và ông lặng người xuống, những giọt nước mắt cảm động chợt lăn dài trên đôi gò má già nua, nhăn nheo đầy phong sương của Đạo sĩ. A tư -đà đã khóc! nhà Vua hỏi vì sao ông khóc? Tư -đà trả lời trong giọt lệ châu sa. Bần đạo mừng vì đã có thánh nhân xuất hiện, nhưng buồn vì bần đạo thiếu phước thiếu duyên, sinh nhằm thời không có Phật pháp. Khi đoá hoa đàm đến thời kỳ khai nở thì tuổi bần đạo không thể kéo dài để nhìn thấy vị Thánh nhân chuyển bánh xe pháp.

 

Với phước tướng tranh nghiêm thể hiện qua nhiều tướng tốt của thái tử, mà Tư-đà đã đoán biết đây sẽ là bậc chuyển bánh xe Pháp, đem niềm hạnh phúc thực sự đến cho nhân loại. Sự cảm động đến rơi lệ của kẻ già nua, như sự đánh thức nhân loại đang hiện diện giữa cuộc đời một miền tin tươi sáng vào ngày mai.

 

Có lẽ A-tư-đà không chỉ khóc cho chính mình mà còn khóc cho nhân loại, cho những ai vẫn còn đang triền miên với tham dục, oán hận, thù hiềm, nghi kỵ, thiếu niềm tin…

 

Ngài khóc cho những người còn chơ vơ, lạc lõng, mờ mịt, không tìm được hướng đi trong cuộc đời thật ngắn ngủi này. Ngài khóc cho những mảnh đời bất hạnh, khóc cho sự phân biệt đối xử bất công của giai cấp đang nắm quyền thống trị kia, khóc cho những kẻ cùng đinh trong xã hội không có cơ may để tiếp cận ánh sáng của phật pháp, khóc vì họ mãi mãi sẽ là người đáng thương nhất, khi phải cuối đầu không được nhìn ba gia cấp cao hơn trong xã hội Ấn độ đang tranh hùng tranh bá này….

 

Giọt nước mắt của Tư Đà là niềm vui, cảm động, hạnh phúc, và là giọt nước thanh tịnh, vì đã có con người siêu phàm sẽ dẫn dắt nhân loại đang trong đêm dài tối tăm bước ra ánh sáng.

 

Từ thân cắt ái, thệ thành vô thượng chính đẳng chính giác

 

Từ sau chuyến du ngoạn, thái tử đã mục thị 4 hiện tượng sinh già bệnh chết của kiếp con người, và Ngài đã phát thệ thuyết: “ ngã nhược bất đoạn sinh lão bệnh tử ưu bi khổ não, chung bất hoàn cung” [[3]] . Mặc dù sống trong cuộc sống đầy đủ của bậc vương giả, nhưng thái tử luôn từng giờ từng phút ý thức được sự xả bỏ trong cái thân ngũ uẩn giả tạm cần xả bỏ để đi tìm chân lý tối thượng.

 

Do vậy, thái tử chấp nhận với những điều kiện đầy đủ của cuộc sống thế tục trong trong chốn hoàng cung là dịp để thuyết phục vua cha, cũng là thể hiện trọn vẹn nghĩa hiếu đạo, để rồi 19 năm sau, thuận theo luật lịnh của hoàng triều, thái tử thực hành bổn phận của bậc vương tử là thành thân với công chúa Da-du-đà-la (Gopa-Yasodhara) và hạ sinh cho hoàng cung một vị hoàng nhi thập phần tuấn tú.

 

Vào năm 29 tuổi, một đêm trăng huyền ảo lung linh, bên dòng A-nô-ma đơn độc, thái tử đã gởi lại vương bào cho hoàng gia, và nơi ấy, sẽ là nhân chứng cho sự ra đi của bậc thoát phàm. Ngài đã tham kiến học hỏi những vị đạo sư thông tuệ đương thời, nhưng tất cả những phương pháp của họ cũng không thể đoạn tận sinh tử triền phược. Do vậy, thái tử đã quyết tâm tìm ra một con đường mà hòan toàn có thể chấm dứt sinh lão bệnh tử, đó chính là đoạn tận các móc xích của vòng “thập nhị nhân duyên” .

 

Dưới cội bồ đề, thâm nhập thiền quán, hàng phục ma vương

 

Sáu năm ròng nơi khổ hạnh lâm, những tháng ngày đạm bạc rau rừng thay cơm, nước nguồn làm mạch sống, ép xác khổ hạnh cho đến khi sức cùng lực kiệt, chí khí hao mòn mà vẫn không có lời giải đáp cho những băn khoăn trăn trở mà Ngài đang ưu tư. Cuối cùng, Ngài đã phát đại thệ: “nhược ngã bất thành chính đẳng giác, bất khởi vu thử tòa.” (nếu chưa chứng ngộ được chân lý, ta quyết không rời tòa bồ đề này).

 

Sau đó Ngài vận dụng hết năng lực thiền định đã học qua từ những vị đạo sư danh tiếng đương thời, kết hợp phương thức tự điều phục thân tâm, và quyết tâm ấy đã được thực hiện nơi cội bồ-đề, ánh sáng giải thoát đã tỏa rạng từ bậc đại giác, Ngài đã thành công với đại nguyện, chứng ngộ các cấp bực quả vị mà Ngài hướng đến.

 

Trong thời gian 49 ngày thâm tư miên mật trong đại định, Ngài đã thứ lớp hàng phục chúng ma, và tất cả chúng đã phải quy phục bởi sự kiên định bất động của Ngài.

 

Muôn tinh tú chiếu soi, lý trung đạo đã triệt, với tâm bất tư nghì

 

Theo thuyết Nam truyền, “Nam truyền vị công nguyên ngũ nguyệt, ngũ viên nhựt” chép rằng: sau khi chứng ngộ, dưới cội bồ đề đức Phật đã chứng nhập tam muội, hưởng thọ niềm vui của giải thoát, các pháp do Ngài chứng ngộ, thậm thâm mà vi diệu, chúng sinh khó mà lãnh ngộ. Như “Sa di Hàn Bộ Hòa Hi ngũ phần luật, quyển thứ 5” chép: “Ngã sở đắc pháp, thậm thâm vi diệu, nan giải nan kiến, tịch mặc vô biên, trí giả sở tri, phi ngu sở cập, chúng sinh lạc trước tam giới quật trạch, tập thử chư nghiệp, hà duyên năng ngộ, thập nhị nhân duyên thậm thâm vi diệu nan kiến chi pháp! Hựu phục tức nhứt thiết hành, tái đọan chư lưu, tận tư ái nguyên, vô dư nê hằng, ích phục thậm nan! Nhược ngã thuyết giả, tùng tự bì lao.” [[4]] (tạm dịch: những pháp mà ta chứng được, khó thấy khó hiểu tịch mặc vô biên, cái biết của kẻ trí không phải là cái điều người ngu không biết, chúng sinh chỉ đắm trong cái vui của nhà lửa tam giới, nên các nghiệp do đây mà sinh khởi, thì làm sao có thể ngộ pháp thập nhị nhân duyên thậm thâm vi diệu khó nghĩ bàn này! Nếu suy tư tận cùng nguồn ái, đoạn tận chi phần vô minh, thì các hành ngay nơi này mà đoạn dứt, chứng vô dư y niết-bàn, lợi ích này lại không thể nghĩ bàn! Những điều ta nói, các ông hãy nên tự thân tu tập và thể nghiệm.)

 

Lộ trình chứng đắc của đức Phật đi từ trạng thái khai ngộ lý nhân duyên, triệt chứng chân tướng của Trung đạo quán, và ngay sau đêm chứng ngộ, Đức Phật lìa khỏi tòa bồ đề, bắt đầu chuyến du hóa đến vườn Lộc giả, độ cho những người bạn đồng tu trước kia, với bài pháp “Tứ Diệu đế”, trong chuyến du hóa đầu tiên. Sau đó là cuộc hành trình du hóa từ thượng nguồn cho đến hạ nguồn sông Hoàng hà, không nơi nào mà không có dấu chân của đức Phật đi qua.

 

Tâm từ bi sáng soi, lửa hận thù sẽ tắt

 

Đất ấn ngày ấy là sự tranh hùng tranh bá của các bộ tộc, dẫn đến máu chảy thành sông, và thế giới hiện giờ nào có khác!? Sự khủng hoảng về mọi hiện tượng (lãnh thổ, kinh tế, chính trị, văn hóa, vật chất và tinh thần) là những điều mà thế giới đang khẩu chiến, trong nước tình hình bất an, tệ nạn xã hội tăng trưởng như bão táp, đạo đức nhân cách của con người thoái hóa trầm trọng…

 

Chính vì nhưng lẽ ấy, thông điệp đản sinh của đức Phật sẽ đem đến cho con người tính ý thức, như một phương pháp giữ tâm tĩnh lặng, từ bi, bất tư nghì, bất bạo động, vì vạn pháp theo duyên mà vận hành. Thế cuộc hưng thịnh, suy tàn, có không, đắc thất, thăng hoa, tàn lụi… đều thuận theo lý nhân duyên, đã do duyên sinh thì không nên vì sự nhường ngôi đổi vị, vì sự thạnh suy mà sinh luyến chấp đau khổ, thù hận chất chồng. Hãy sống tĩnh giác với những gì đang hiện hữu và tồn tại quanh ta đó là người có sự an trú trong chính giáo của Như Lai.

 

Chúng ta nên suy tư về sự tồn vong của Phật Pháp, suy tư về sự giải thoát trong lộ trình tu hành của mình, suy tư các vấn đề xung đột và hận thù ngày càng khốc liệt là vì đâu? Hãy vận dụng bi-trí để hóa giải hận thù, đừng để nhân loại phải hứng chịu bao thương tâm, đó là nhiệm vụ của người biết “thừa tự pháp”.

 

Đức Phật thường khuyên các tỳ kheo, “Này các Tỷ-kheo! hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Người và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật”. Và này các Tỷ-kheo, nếu các Người là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Người trở thành những người mà thế gian nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp", mà cả Ta cũng trở thành người mà thế gian nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”. [[5]]

 

Kẻ xuất trần là người chỉ biết “thừa tự pháp” mà không “thừa tự vật”. Vì thừa tự pháp mới giúp con người đoạn tận nguồn ái, diệt tận tham luyến, không bước vào ngũ dục lạc phiền trược của thế gian; ngược lại, nếu thừa tự vật là chúng ta đã tự mở cho mình một cửa ngục, ở đó cánh cửa vĩnh viễn sẽ không có ngày ra…

 

Thương thay cho bao mảnh đời không nơi nương tựa, khóc cho sự ngu si của tâm tưởng con người luôn tìm cách huỷ hoại lẫn nhau, huỷ hoại mần sống, hủy hoại môi trường mà trong đó có con người. Sự thù hiềm, bôi nhọ, phân chia sắc tộc, phân biệt tôn giáo, cạnh tranh lãnh thổ, với những hành động ngu si mà con người đang tìm cách huỷ diệt nhau… đó là vấn nạn mà chúng ta nên suy nghĩ.

 

Thành tâm hướng về ngày Khánh đản

 

Hôm nay, kỷ niệm ngày khánh đản, nhìn lại cuộc đời đức Thế Tôn đã đi qua, lộ trình Ngài tu tập, chuyển hóa chúng sinh, những giáo lý vô giá mà Ngài đã để lại cho nhân loại thừa hưởng quả là có giá trị tối thượng đối với con người, nhưng cốt yếu là chúng ta có “thừa tự” những giá trị ấy bằng hành động thiết thực hay không? đó là điều mà chúng ta đang hướng về Đức bổn sư như một sự tri ân trong ngày khánh đản PL-2600 năm này.

 

Đức Phật đã để lại kho tàng giáo lý mà nhân loại thừa hưởng quả là vô giá, trong đó bao hàm những quy luật đạo đức, giới luật để trau dồi thân tâm huệ mạng, đồng thời những phương thức hữu ích để hướng con người đến chân- thiện- mỹ. Phương thức ấy đã soi sáng cho hành động, cho tư duy con người và soi sáng trên lộ trình giác ngộ giải thoát.

 

Phật đản PL- 2600 năm không chỉ tái hiện một hình ảnh thanh bình trong nhân loại, mà còn thúc liễm những người con Phật trong mùa an cư tồn tâm dưỡng tính, loại trừ phiền nào nhiễm ô, thanh lọc tâm hồn bằng lời kinh tiếnng kệ, bằng giới pháp, bằng hạnh nguyện của đức Từ phụ đã để lại nơi nhân thế, làm tư lương cho đời sống tu hành, thì dù Phật có còn hiện hữu hay không, đóa hoa vô ưu mấy ngàn năm ấy vẫn là đóa hoa bất diệt.

 

Dòng lệ A-tư-đà có lẽ không bao giờ phôi phai và vẫn âm ba trong tiềm thức người con Phật. Cùng hướng về ngày đản sinh của đức Từ phụ bằng cả trái tim tin yêu của người con Phật.

 Lam Yên

Phúc kiến- Quý Đông, tháng 3, 2012



[[1]] Ý nghĩa Đản sinh, viết bởi Lam Yên, nguồn tập san Pháp Luân số 26.

[[2]]  Trích “So sánh Phật học và tinh thần phân tích tâm lý học”. tác giả Doãn Lập, nhà xuất bản Ba Thuộc, Thành Đô, Trung Quốc, 2003.

[[3]] Đại chính tạng. quyển 3, trang 633.

[[4]] Đại chính tạng. quyển 2, trang 103

[[5]] Trung bộ, kinh Thừa tự pháp (Dhammadàyàda sutta), bản dịch của HT. Minh Châu.

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=4142&SubID=2&ID=3

Các tin đã đăng:
Về đầu trang