Mỗi
lần đến lễ giáng sinh của Đức Phật, chúng ta hãy thành kính gợi lại
những hình ảnh vô thượng của đức Bổn sư đã hiến mình cho lý tưởng Từ bi
của Ngài để phục vụ cho hạnh phúc của chúng sanh. Ngài đã từ bỏ cung
vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn để đi tìm chân lý. Ở nước ta, vua Trần
Nhân Tông cũng giống như Đấng Từ Phụ, đã từ bỏ ngai vàng để hiến mình
cho lý tưởng độ sanh. Vì thế, nghĩ về ngày Đản sanh của đức Phật, ta
lại nghĩ về thời đại vàng son của Phật giáo vào thời đại Lý- Trần trên
đất mẹ chúng ta.
Phật
giáo Việt Nam qua nhiều biến thiên lịch sử, tồn tại trong một quốc gia
chịu nhiều tang thương chinh chiến vẫn có những nét đặc thù riêng lẽ
từ kiến trúc, điêu khắc, hội họa, nghệ thuật, văn chương cho đến những
câu hò, điệu ru, tiếng hát, đều xuất phát từ tinh hoa Phật pháp. Đạo
Phật đi vào lòng người ở thời Lý Trần bằng tất cả sự nghiệp, tư tưởng,
lời nói, hành động của các vị vua, quan, Thiền sư đã thực hiện trong
cuộc sống bằng sự Từ bi, Vô ngã, Vị tha. Vua quan và dân chúng trong
thời đại ấy đều thấm nhuần giáo lý Phật nên họ đã hình thành được cuộc
sống tốt đẹp và đưa đất nước đến đỉnh cao của phồn vinh hạnh phúc. Nền
văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này là những kho tàng quý giá. Những
áng văn của các Thiền sư đã mở ra một cách nhìn mới mẻ, một không khí
lạc quan yêu đời. Thơ văn của các Ngài đã mang chất liệu “Phật hóa” và đã len lõi thẩm thấu vào dòng tâm thức của đông đảo quần chúng. Suối nguồn thi ca được xuất phát từ “Nguyên lý thực tại tuệ giác”
giúp cho mọi người nhận ra được nội tâm đích thực của con người. Nên
các Thiền Sư, vua, quan trong thời đại Lý Trần đã thực sự áp dụng đem
đạo vào đời một cách sinh động trong việc an dân trị nước. Đây là điểm
son của dân tộc và Phật giáo Việt Nam mà không ai có thể phủ nhận được.
Phong cách của các Ngài luôn thể hiện những đường nét “tự tại ung dung,”
do thấu triệt nguyên lý sống của Đức Phật. Ngài muốn nhìn thẳng vào
thực tại con người và cuộc đời để phản tỉnh tự mình cất bước lên đường
trở về cội nguồn quê hương cao đẹp. Nếu con người không ý thức được cuộc
đời là ảo ảnh, tất cả sẽ bị cuồng phong lôi cuốn. Nên bản hoài của Đức
Phật khi thị hiện cõi ta bà này nhằm “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.”
Nghĩa là chỉ chỗ tuyệt cùng cho chúng sanh thấy, biết và thể nhập Phật
tánh sẵn có của mình. Nhằm giúp con người nhanh chóng nhận được chân
tướng của vạn pháp để làm chủ được đời mình, không vì trần cảnh, bên
ngoài mà đi lệch hướng, không bị hụt hẫng khi muốn quay về với chính
mình.
Lịch
sử đã in đậm những dòng chữ vẻ vang ca ngợi, khâm phục khi nhắc đén
các vị Vua đời Trần. Nghệ thuật lãnh đạo tối cao của các Vua Trần
thường lấy “Đức” trị dân, khiến lòng dân tôn kính, sẵn sàng
hy sinh vì nên độc lập tự chủ cho muôn người. Vua tôi trên dưới hoà hợp
một lòng tạo thành sức mạnh, đánh tan mọi thế lực xâm lăng của quân
Nguyên Mông. Hầu hết các vua quan cùng nhân dân thời bấy giờ đều tôn
sùng Đạo Phật; từ đặc tính hạt giống Phật pháp có sẵn trong lòng mọi
người. Đó là điều kiện thuận lợi cho Đấng Quân Vương trở thành Thiền Sư,
dắt dẫn người dân từng bước hướng lên đỉnh cao của sự giác ngộ; luôn
phát triển tâm linh hòa nhập vào hội thăng hoa của đất nước. Trong đó,
đáng kể nhất là ngọn đuốc sáng Thiền học Việt Nam của Trần Nhân Tông “Trúc Lâm Đại Đầu Đà”
thống nhất giáo hội, khởi lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử; phù hợp bản
sắc người Việt Nam. Ngài là vị Vua anh minh sáng suốt, khi xuất gia là
một vị Tổ sư mang ánh đạo vàng soi khắp nhân gian.
Thật là một con người tuyệt diệu! Có lối hành xử viên dung cả đời lẫn đạo trong tinh thần “Vận hành vô hành”
tạo cho con người một lối sống mới đầy chất liệu nhân bản siêu việt.
Trúc Lâm làm sáng dậy tinh thân tu học với niềm tin mãnh liệt rằng, làm
Phật làm Tổ bởi chính con người thật của mình, không tìm kiếm mệt mỏi
ngoài mình. Tức là “Phật tại tâm,” quay về tự tâm “tìm Phật trong nhà”
chẳng tìm cầu bên ngoài. Trần Nhân Tông đã ảnh hưởng tư tưởng Phật học
và Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ, biểu hiện rõ nét sau khi đã trở
thành Thiền Sư trên núi Yên Tử. Ngay khi còn trong chốn cung đình, tư
tưởng đó đã tản mạn toát lên qua áng thơ tuyệt tác, lời đẹp và ý siêu
thoát. Trần Nhân Tông đã ứng dụng tư tưởng thiền trong cuộc đời nhập thế
và xuất thế của Ngài qua cội nguồn tâm linh.
Bởi
vì chỉ có tinh tấn trong chánh pháp mới thấy đâu là thật tướng của
phiền não khổ đau, đâu là ý tưởng xấu xa vọng khởi mà diệt trừ để tiến
vào trạng thái tự tại hồn nhiên của thật tánh viên giác trong chính
mình. Thật vậy, chính mình cần phải quay đầu về đời sống nội tâm điều
phục bản ngã, đoạn trừ vô minh, xa lìa chấp thủ. Vì chính những cái đó
mới là tác nhân làm cho tâm mình vẫn đục, dao động và ngăn cản ánh sáng
tuệ giác đang loe lói trong tâm. Để giải quyết những trở ngại trên thì
người học Phật cần phải luôn luôn chánh niệm tỉnh giác trong lúc đi,
đứng, ngồi, nằm quán chiếu cuộc sống hàng ngày của chính mình.
Tóm
lại, tư tưởng Phật tại tâm được nói trong Cư Trần Lạc Đạo là ngọn đuốc
sáng để cho thế hệ Tăng Ni chúng ta noi theo. Từ đó có thể kiến tạo
một đời sống tâm linh, liễu ngộ Phật tính, nhận biết tâm, tu sửa tâm,
và thanh tịnh hóa được tâm thì thật tánh viên giác trong chính mình
được biểu hiện. Nhưng sau khi phát hiện được con người thật của mình
thì lúc đó sẽ thấy không có mình, không có ta, là vô ngã, đồng nhất thể
với tất cả mọi người. Từ đó dẫn tới một cuộc sống vị tha, tích cực vì
lợi ích của tất cả mọi người và mọi chúng sanh.
Viết tại Tu viện Giác Hải- Việt Nam 4/3/ Tân Mão
Thích Quảng Hiếu
Theo hoalinhthoai.com