Kiểm
điểm những việc được và chưa được để hy vọng nhiều hơn, làm việc nhiều hơn,
sáng suốt hơn, cho hy vọng ấy. Trong mọi hy vọng, hy vọng lớn nhất trong cõi Ta
Bà Kham Nhẫn này chính là Đức Phật Di Lặc và Hội Long Hoa tương lai.
Đức
Di Lặc được nói đến trong kinh điển hệ Pali Nam tông và hệ Sanskrit Bắc tông
như vị Phật tương lai, kế tiếp Đức Phật Thích Ca. Trong những kinh Đại thừa, hầu
hết có những lời thuyết pháp chỉ dạy của Đức Di Lặc.
Danh
hiệu Di Lặc (Maitreya) dịch là Từ Thị, vì lấy Đại Từ làm căn bản, cho nên được
gọi là bậc Đại Từ Bi tương lai (Kinh Phật
thuyết Di Lặc đại thành Phật). Bồ tát Di Lặc từ những kiếp xa xôi đã tu tâm
Từ vô lượng, nên gọi là Từ Thị. Ngài còn có tên là A Dật Đa (Ajita), Vô Năng Thắng,
phát nguyện từ trong kiếp binh đao, bảo vệ chúng sanh. Lòng từ bi vô cùng, tất
cả xấu ác không thể thắng được nên có danh hiệu như vậy. Vào thời tương lai,
các chúng sanh mỏng tham sân si, thực hành Mười Thiện, kính tin Phật, Bồ tát Di
Lặc sẽ vào lúc ấy chứng đắc Giác ngộ vô thượng (Kinh Đại Bảo Tích). Vì bổn nguyện như vậy, thế nên ngày ngài ra đời
thế giới này biến thành tịnh độ (Kinh Phật
thuyết Di Lặc hạ sanh).
Đức
Di Lặc còn được xem là vị lập ra Duy thức tông, một trong hai tông chủ yếu của
Đại thừa (tông kia là Tánh Không tông hay Trung đạo tông), khi ngài truyền cho
hai ngài Thế Thân và Vô Trước những bí yếu của Duy tâm, Duy thức.
Qua
cuộc đời của các đại sư trong lịch sử Phật giáo, có vẻ như cõi Đâu Suất cũng
không xa lắm, vì các ngài có những liên hệ, liên lạc với cõi ấy và với Bồ tát
Di Lặc, như các ngài Đạo An, Thế Thân, Vô Trước, Huyền Trang, Ngưỡng Sơn, Hám
Sơn, Hư Vân…
Chúng
ta kể một chi tiết trong cuộc đời ngài Huyền Trang. Huyền Trang là một trong những
người đầu tiên tín ngưỡng Đức Di Lặc. Đây cũng chính là động cơ thúc đẩy ngài đến
Ấn Độ để học Duy thức học.
“Có
lần ngài bị bọn cướp định giết để tế thần. Ngài quán tưởng, cầu nguyện Đức Di Lặc.
Ngài mong ước được tái sanh ở đó để học Duy thức. Sự thiền định mạnh mẽ đến độ
ngài cảm thấy như ở trên đỉnh núi Tu Di, tới cung trời Đâu Suất và gặp Bồ tát
Di Lặc. Sau đó bão cát nổi lên, bọn cướp sợ hãi và thả ngài” (Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả,
H.T Thích Minh Châu, ĐH Vạn Hạnh xuất bản).
Ngài
nguyện vãng sanh về Đâu Suất và khi chết các điềm lành hiện ra khiến mọi người
chung quanh phải tin là ngài đã trở về Đâu Suất.
Thiền
sư Hư Vân (1840-1960) khi bị tra khảo đánh đập đã ngưng thở, nhưng môn đồ thấy
thân thể còn ấm nên cứ để như vậy. Bảy ngày sau, ngài tỉnh dậy, cho biết là đã
đến nội viện cung trời Đâu Suất. Ở đó có vài mươi vị, trong đó có nhiều vị ngài
quen biết, nghe Đức Di Lặc thuyết định Duy thức. Đức Di Lặc nói ngài hãy trở về
vì chưa xong phận sự, và nói cho ngài nghe một bài kệ Duy thức sâu sắc.
Chỉ
trong lịch sử Trung Hoa, đã có nhiều hiện thân của Bồ tát Di Lặc ở tại thế gian
mà nổi tiếng nhất là Hòa thượng Bố Đại, Phó Đại sĩ.
Như
một câu của Duy thức, “Ba cõi duy tâm tạo”. Những vị đã chứng nghiệm “duy tâm tạo”
có lẽ thấy không gian ngăn cách cõi này với cung trời Đâu Suất cũng không xa lắm.
Và cũng thế, với thời gian. Thời gian Đức Di Lặc hạ sanh ở trái đất này đối với
các vị đã chứng ngộ chắc cũng không lâu lắm, dù với người thường chúng ta thì
hàng triệu triệu năm.
Chúng
ta không biết đích xác bao giờ Bồ tát Di Lặc hạ sanh. Có thể vài triệu hay vài
chục triệu năm nữa, vì những gì nói trong kinh điển chúng ta không thể tính
toán theo con số đời thường. Nhưng dù bao nhiêu lâu đi nữa, khì còn ở trên trái
đất này, trong cõi Diêm Phù Đề này, chúng ta vẫn luôn luôn hướng tới thời đại của
ngài để hy vọng. Chính trong niềm hy vọng đó mà chúng ta hoàn thiện cuộc đời
chúng ta.
Đức
Phật Di Lặc sẽ hạ sanh ở trái đất này chứ không ở nơi nào khác. Lúc ấy điều kiện
của trái đất này là:
“Thời
ấy khí hậu điều hòa, bốn mùa thuận tiết. Nơi thân con người không có 108 thứ bệnh.
Tham dục, sân giận, ngu si không nặng nề lắm. Tâm người quân bình đều đồng một
ý, gặp mặt vui vẻ, nói với nhau lời tốt… Bấy giờ Bồ tát Di Lặc trên trời Đâu Suất
quán sát cha mẹ, rồi giáng thần từ hông phải sinh ra như Ta (Phật Thích Ca) trong
kiếp này” (Kinh Phật thuyết Di Lặc hạ
sanh).
Và
điều kiện con người trên trái đất này để Đức Di Lặc hạ sanh là:
“Đức
Phật Thích Ca nói: A Nan, Bồ tát Di Lặc khi xưa tu hành Bồ tát đạo phát nguyện
như vầy: ‘Nếu chúng sanh mỏng dâm, nộ, si, thành tựu Mười Thiện, Ta vào lúc ấy
mới thành Giác ngộ Vô thượng’. A Nan, vào thời tương lai có các chúng sanh mỏng
dâm, nộ, si, thành tựu Mười Thiện, Bồ tát Di Lặc sẽ vào lúc ấy đắc Giác ngộ Vô
thượng. Tại sao vậy? Do Bồ tát ấy có lực bổn nguyện như vậy (Di Lặc Bồ tát sở vấn hội, Kinh Đại Bảo Tích)”.
Điều
kiện để Đức Phật hạ sanh chính là do ở nơi thế gian này và do chúng sanh mỏng
dâm, nộ, si, thành tựu Mười Thiện. Bởi thế chẳng nên hỏi bao giờ Đức Di Lặc hạ
sanh, mà phải hỏi chúng ta đã đủ điều kiện về phần chúng ta chưa để Đức Di Lặc
hạ sanh. Bởi vì Đức Di Lặc thành Phật là cho chúng ta chứ không phải cho Ngài.
Trong
lịch sử loài người, chúng ta thấy loài người không bao giờ bị bỏ rơi, mà mối
liên hệ giữa trái đất này và Đức Di Lặc vẫn luôn luôn tồn tại và được củng cố.
Chúng ta luôn nằm trong công trình tương lai thành Phật của Đức Di Lặc.
Thế
nên, mong chờ thời đại của Đức Di Lặc là mong chờ một xã hội hài hòa, hài hòa
vì xã hội đó vận hành theo mười nghiệp thiện; một xã hội hòa bình vì có căn bản
là đại từ đại bi; một xã hội mà động lực không là sự mong cầu vật chất mà mong
cầu tâm linh. Một xã hội thông minh, một xã hội Duy thức, biết cái gì là giá trị
tạm thời, cái gì là giá trị vĩnh cửu. Một xã hội mà tất cả mọi lãnh vực của đời
sống con người được Phật hóa, vì xã hội đó trực tiếp có Phật.
Với
người bình thường như chúng ta, mỗi khi niệm Nam mô Đương lai hạ sanh Di Lặc
Tôn Phật là đã thấy vui rồi, đã nối kết cuộc đời mong manh và long đong phiêu dạt
của mình với Hy vọng Vĩ đại của trái đất này rồi.
Thế
nên, tượng Phật Di Lặc, tượng Phật lớn nhất thế giới, cao gần gấp đôi tượng Nữ
thần Tự do, sắp được hoàn thành ở Ấn Độ. Với Việt Nam, hầu hết các chùa đều có
tượng Đức Di Lặc. Và chúng ta cũng có tượng Đức Di Lặc ở núi Cấm, Thiên Cấm
sơn, lớn nhất châu Á. Sau một thế kỷ 20 chiến tranh tang tóc, chia rẻ phân ly
và kiệt quệ vật chất lẫn tinh thần, người Việt Nam cần hy vọng để vươn lên. Và
có hy vọng nào lớn hơn Hy vọng của Đức Phật tương lai là Bồ tât Nhất sanh bổ xứ
Di Lặc. Chẳng thế mà ở miền Nam, nơi tận cùng của đất nước, cũng trong thế kỷ
20 có vài giáo phải tin rằng Đức Di Lặc và hội Long Hoa sẽ xuất hiện ở vùng đất
này.
Ngay
cả những người chưa phải Phật giáo, những phong trào khắp nơi trên thế giới bảo
vệ trái đất khỏi bị ô nhiễm, khỏi sự thay đổi khí hậu, bảo vệ sự đa dạng sinh học
của trái đất, bảo vệ ‘ngôi nhà trái đất’ chung cho tất cả chúng ta, xây dựng
cho trái đất và con người càng ngày càng tốt đẹp hơn, những người ấy đang sống
trong niềm hy vọng về một thế giới mới, phải chăng dù một cách vô thức, họ đang
sống trong niềm tin Di Lặc? Phải chăng mọi sự tiến bộ của con người và mọi lãnh
vực hoạt động của nó, dù vô tình hay hữu ý, đều là sự tiến bộ đến thời đại của
Đức Di Lặc?
Những
người thực hành Bồ tát hạnh, ‘Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh’ thì rõ
ràng đang chuẩn bị, đang tham gia vào công trình của Đức Di Lặc, tức là thời đại
của Phật Di Lặc và hội Long Hoa.
Niềm
hy vọng đó, hạnh phúc tối hậu của trái đất và con người, không biết từ đâu, do
nhóm người nào, đã từ lâu, đã thành truyền thống, được thể hiện nơi ngày mồng một
Tết. Ngày mồng một Tết là ngày “vía” của Đức Di Lặc.
Ngày
mồng một Tết đã thành sự gắn kết niềm vui và hy vọng an bình hạnh phúc của người
Việt Nam cho cá nhân, gia đình và xã hội, với niềm vui, sự an bình hạnh phúc của
Đức Phật Đại Từ Di Lặc và công cuộc giải thoát và giác ngộ cho chúng sanh của
Ngài. Lễ Tết không chỉ là sự gặp gỡ chúc lành cho nhau, vui vẻ ăn uống với
nhau, cùng hy vọng với nhau về một xã hội, một thế giới hòa bình và thịnh vượng,
mà còn là dịp để thực hiện các điều đó bằng cách rãi tâm Từ và nguyện sống theo
Mười điều thiện để xây dựng một xã hội hiền thiện như là điều kiện căn bản cho
Đức Phật tương lai hạ sanh.Tết không chỉ là sự kết nối, hài hòa giữa người với
người, mà còn là dịp thiêng liêng nhất để kết nối với bổn nguyện và công trình
của Đức Phật Di Lặc tương lai và thời đại vinh quang của Ngài. Mỗi lần Tết là
chúng ta thêm một lần in đậm sự cam kết thiêng liêng của Đức Di Lặc với số phận
của trái đất này để chúng ta sống đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn.
Trong
những ngày lễ, các ngày vía chư Phật, chư đại Bồ tát hiện nay của Phật giáo Việt
Nam, có hai ngày lễ lớn mang tầm vóc quốc gia là lễ Phật đản và lễ Vu Lan rằm
tháng 7. Ước mong rằng ngày lễ Đức Di Lặc, trùng hợp với ngày đầu năm mới, cũng
được cử hành trọng thể ở các chùa và tại nhà, phổ biến ra xã hội để thành một
phong tục, một ngày lễ lớn của xã hội.
Vì Đức Di Lặc là Đức
Phật tương lai kế tiếp sắp tới của chúng ta.