Cùng lúc,
tâm cũng cần những hình thức lễ hội linh động với nhân sinh mà giao hòa
với tổ tiên, trời đất vô hình nhưng có mặt thường hằng và khắp nới trong
ý niệm của đời sống.
Sắc màu Tết xưa trong phiên chợ Tết Gia Lạc được chị Hồ Thị Hoàng Anh phục dựng tại TP.HCM
Người phía đông dãy Trường Sơn, cho rằng
năm mới là đầu xuân: Đó là người Việt, người Trung Quốc. Người phía tây
Trường Sơn cho năm mới là cuối mùa xuân: Đó là người Lào, người
Campuchia… Trong khi đó, hầu hết các dân tộc trên thế giới, kể cả Nhật
Bản và đa số dân Nam Hàn theo lịch Tây – Gregorian – đón năm mới vào mùa
Đông. Và sự lựa chọn năm mới này càng đi xa vòng quanh thế giới và đặt
vào những thời điểm khác nhau thì hóa ra “năm mới” không còn là “cung
chúc tân xuân” nữa mà nó hiện ra muôn hình, muôn vẻ – cung chúc tân… hạ,
thu, đông – xuất phát từ truyền thống lựa chọn của từng nhóm dân tộc,
từng giống người. Mỗi sự lựa chọn đều có lý do tâm lý, tình cảm, phong
thổ và thiên nhiên của nó.
Tết Huế xưa - Ảnh: Bảo Toàn
Khi còn ở quê nhà, nhất là thời kỳ ở
Huế, ý niệm “Xuân về, Tết đến” vừa tự nhiên, vừa thiêng liêng như cả
không gian, thời gian và đất trời đều dọn mình sẵn sàng để thưởng xuân,
đón tết. Hoàng mai đơm nụ, trúc đào trổ bông để chào xuân như một định
luật tự nhiên mà con người chỉ vâng theo chứ không thể nào đổi khác. Cho
đến khi rời xa quê hương, sống ở Mỹ thì cái “sốc văn hóa” đầu tiên đối
với tôi là sớm mồng Một Tết đầu tiên rơi vào ngày giữa tuần. Người lớn
vẫn đến sở làm việc, trẻ nhỏ vẫn đến trường học, chẳng ai quan tâm có
một ngày gọi là Tết Nguyên đán trên đất nước này. Khung cảnh đa chủng
tộc, đa văn hóa của Mỹ đã đem cái truyền thống lễ hội đón mừng năm mới
của mỗi dân tộc lặng lẽ đi về vùng trời sâu thẳm và xa vời trong ký ức
của họ.
Nhớ năm Quý Tỵ 2013, sau hơn ba mươi năm
tha hương nhớ Tết, sau ngày nghỉ hưu tôi mới được về quê ăn Tết ở làng.
Dẫu hoàn cảnh đổi thay, nhưng tinh thần đón Tết của một làng quê ven
thành phố Huế, làng Liễu Cốc hạ của tôi vẫn như xưa. Không khí chuẩn bị
cho ngày Tết vẫn là những hình ảnh quen thân giống như từ ngày tôi còn
bé.
Trẻ con với các đồ chơi dân gian trong phiên chợ Gia Lạc - Ảnh: Bảo Toàn
Tết Huế mở đầu vào tháng Chạp với cái
lạnh ghê người. Tháng Chạp là “trạm” thử thách cuối cùng hàng năm đối
với tuổi già và người bệnh tật. Người không đủ sức qua “truông” thường
ra đi trong tháng Chạp để về đất sum họp ăn Tết với tổ tiên. Bởi vậy,
nguyên cả tháng Chạp hầu như ngày nào tôi cũng được bà con hết xóm Dưới,
qua xóm Giữa, vào xóm Cụt, đến xóm Côi… mời ăn giỗ - kỵ lơ cả cơm nhà.
Cứ thế, hết lễ giỗ, lễ chạp gia đình, dòng tộc đến lễ cúng tất niên nhà,
tiệm, xóm, làng, cỗ rước, cỗ đưa, giao thừa, xông đất… làm cho không
khí Tết rộn ràng, nếp sinh hoạt làng xã sống động và lòng người lâng
lâng với cảm giác như được sống hòa quyện với đất trời.
Tôi và gia đình đã sống qua 32 mùa Xuân ở
Mỹ. Thời gian trải nghiệm cũng tạm đủ dài để chính mình cảm nhận được
rằng, cái điệu sống đượm nhuần văn hóa mà người ta thường gọi nôm na
“đất lề quê thói” không đơn giản là một quy ước xã hội giữa những con
người với nhau. Nó là kết tinh của mối ràng buộc thiêng liêng giữa con
người, hoàn cảnh và thiên nhiên. Nó không đơn thuần là cuốn lịch thời
gian xoay vần quanh tạo vật. Bởi vậy, có một sự phân định khá rạch ròi
giữa năm mới và tết. Năm mới là cái mốc thời gian vật lý. Tết là lễ hội
thân - tâm. Thân phải chịu đựng những tháng mùa đông giá lạnh, xám ngắt
nên cần được thu nhiễm chút năng lượng mặt trời ấm áp và hoá lá trổ mầm
xinh đẹp. Cùng lúc, tâm cũng cần những hình thức lễ hội linh động với
nhân sinh mà giao hòa với tổ tiên, trời đất vô hình nhưng có mặt thường
hằng và khắp nới trong ý niệm của đời sống.
Lịch Gregorian còn gọi là tây lịch hay
dương lịch là một hệ thống ghi dấu thời gian do Giáo hoàng Gregory XIII
san định lại từ lịch Julian vào năm 1582. Ngày nay, theo thống kê của
Liên Hiệp Quốc, năm 2013 thì trên thế giới có đến 97% các nước dùng lịch
Gregorian làm tiêu chuẩn hành chánh, sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ có dưới
70% dùng lịch tây này làm cột mốc thời gian cho lễ hội mừng năm mới.
Việt Nam cũng nằm trong số các nước dùng lịch Tây Greorian để đo ngày
tháng và làm tiêu chuẩn sinh hoạt; nhưng không dùng ngày đầu năm dương
lịch để mừng năm mới. Ở châu Á, Trung Quốc là nước sau cùng quyết định
dùng tây lịch khi vào năm 1912, Tôn Dật Tiên bất chấp sự chống đối của
luồng sóng bảo thủ giữ âm lịch theo truyền thống Trung Hoa cho đất nước,
ban hành quyết định lấy dương lịch làm tiêu chuẩn ngày tháng cho hệ
thống hành chánh trong toàn đất nước.
Mấy tháng mùa xuân về với Huế, tôi có
lắng nghe những ý kiến của các nhân vật có thẩm quyền về văn hóa và ảnh
hưởng chính trị trong nước đưa ra ý kiến “nên hay không” chọn ngày Tết
Nguyên đán vào dịp đầu năm dương lịch thay cho âm lịch như hiện nay. Sự
chọn lựa thay thế này, Nhật Bản đã thực hiện vào ngày 1-1-1873. Người
Nhật gọi là “Sơ nhật chánh nguyệt Meiji 6” (治6年1月1日 Meiji rokunen
ichigatsu tsuitachi). Tôi có dịp tiếp xúc với một số trí thức Nhật ở độ
tuổi cao niên. Phần lớn họ cho rằng, thay đổi ngày lễ hội đầu năm truyền
thống đượm tính phương Đông thành kiểu “Tết Tây” đã làm nhạt đi ý nghĩa
thiêng liêng của ngày kỷ niệm truyền thống mang nặng cả linh hồn dân
tộc và niềm tự hào con cháu Thái Dương Thần Nữ.
Thói quen lâu ngày trở thành “thiên
tính” thứ hai, cho nên chẳng có gì là không thay đổi được nếu cần thiết
và đừng bám chặt vào quá khứ. Có những quá khứ đẹp như một mối tình thơ
mộng đầu tiên đã mất. Nhưng cũng có những quá khứ vẫn huy hoàng trong
hiện tại như mùa xuân, ánh nắng, mặt trời đến hẹn lại lên; như hoa cúc
hoa mai đến mùa lại nở; như ngày Tết đến độ lại về.
Hôm nay, xa mùa Tết quê hương trở về đếm
lại từng ngày tuổi già trên đất Mỹ, tôi nhớ những ngày Tết ở quê nhà và
nói đủ mình nghe: “Đang đẹp như thế thì có gì cần phải đổi.” Xin nâng
một tách trà xanh và chúc mừng quê hương năm mới.
Trần Kiêm Đoàn (Hoa Kỳ)