“Vui thay Phật ra đời, Vui thay pháp được giảng”
Trong niềm vui chung đó, giới Tăng Ni, Phật tử Việt Nam chắp tay
nguyện cầu cho Phật pháp trường tồn chúng sinh an lạc.
Sự kiện đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh vào ngày
rằm tháng tư, là sự kiện vô tiền khoáng hậu của nhân loại. Sự kiện hi
hữu này được kinh tán thán như sau: “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, khó gặp được ở đời. Người ấy là ai? Là Như Lai, bậc A la hán, Chính Đẳng Giác. Sự xuất hiện của Người này, này các thầy Tỳ kheo, khó gặp ở đời’’.
Ngài thị hiện ở đời và đem giáo pháp của Ngài đã
chứng ngộ giảng dạy để cứu độ chúng sinh ra khỏi biển khổ, và chứng đạt
giải thoát. Chính vì thọ nhận được pháp lạc như thế, nên Tôn giả Udayi
trong khi hành thiền độc cư, đã nói lên lời tán thán đức Phật, được ghi
trong bản kinh Trung Bộ II : “Thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ
pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho
chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều pháp bất thiện cho
chúng ta. Thế Tôn là vị đã đem lại nhiều thiện pháp cho chúng ta”.
Ngài thuyết pháp chỉ với mục đích duy nhất là đoạn
khổ và chỉ ra con đường diệt khổ, tự thân Ngài tuyên bố không tranh chấp
hơn thua với ai, không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với
Ngài: “Này các Tỳ kheo, Ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời
tranh chấp với Ta. Này các Tỳ kheo, người nói pháp không tranh chấp với
một ai ở đời” (Tương Ưng III, 165). Do vậy, hình ảnh bậc Đạo sư của
chúng ta là hình ảnh của một vị luôn luôn ung dung tự tại, không âu lo,
không sợ hãi, không phiền não, ngày đêm chỉ biết nuôi dưỡng lòng từ
thương chúng sinh như con đỏ:
“Khi ngủ không lo âu, Ta không thấy tai hại,
Khi thức chẳng sợ hãi, Một chỗ nào trên đời.
Ngày đêm không khởi lên, Do vậy Ta nằm nghỉ,
Phiền não bận lòng Ta. Tâm từ thương chúng sinh”
(Tương Ưng I, 136)
Với chí nguyện “Từ bi cứu khổ chúng sinh” mà Ngài thị
hiện ở đời, rồi xuất gia, tầm đạo, chứng đạo và thuyết pháp độ sinh cho
đến hơi thở cuối cùng. Ngang qua kinh nghiệm tu tập tự thân, không có
ai là bậc Đạo sư của Ngài để truyền đạt cho Ngài, cũng không có ai ban
phép mầu cho Ngài, hay tự thân hóa hiện từ một vị Thượng đế, thần linh
nào cả. Ngài là một con người như chúng ta, nhờ tự thân nỗ lực mà tìm ra
con đường giải thoát giác ngộ.
Thế nên, Ngài có vị trí tối thượng ở đời, một vị trí
không thể có một Đức Phật thứ hai trong suốt hiện kiếp của một Đức Phật
tại thế. Kinh Tăng Chi, tập I, trang 37 đã ghi lại sự tán thán này như
sau: “Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ Kheo, không có được trong
một thế giới có hai vị A la hán, Chính đẳng chính giác, không trước
không sau, xuất hiện một lần; sự kiện này không có xảy ra”.
Với toàn bộ ý nghĩa nội dung đoạn kinh trên, chúng ta
thấy ngay trong hiện kiếp này chỉ có một Đức Phật thị hiện, không có
hai. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật duy nhất thị hiện ở thời hiện
tại – Thời đại của chúng ta đang hiện hữu, có vị trí có một không hai
trong lịch sử loài người. Ngài là một con người toàn bích, giác ngộ đã
làm cho chúng sinh biết, đã nói, đã chỉ ra con đường trước đây chưa từng
ai khám phá, chưa có ai từng tuyên thuyết về sự thật khổ và con đường
giải thoát khổ: “Không có một vị Tỳ kheo, này Bà la môn, thành tựu
một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn, bậc A la
hán, Chính Đẳng Giác thành tựu. Này Bà la môn, Thế Tôn là bậc làm khởi
dậy con đường trước đây chưa từng hiện khởi, làm cho biết con đường
trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng
nói, là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo”. (Trung Bộ III, trang 110)
Chính Ngài là người đầu tiên khám phá ra con đường
giác ngộ giải thoát và tự mình thực thi con đường ấy. Con đường ấy là
một tiến trình gồm 5 giai đoạn, có thể nói bắt đầu từ Giới rồi đến Định,
Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến. Nó được cụ thể hóa thành con
đường Thánh đạo mười ngành, khởi đầu bằng Chính tri kiến, Chính tư duy,
Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính
định, Chính trí và Chính giải thoát. Nhờ vậy, mà Đức Phật đã rống lên
tiếng rống Sư tử, biểu trưng cho sự ưu việt thượng thừa của Chính pháp
Như Lai.
Kể từ sau khi thành đạo, Ngài không ngừng thuyết pháp
độ sinh và nhanh chóng thành lập các hội chúng. Hội chúng xuất gia bao
gồm hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức xoa ma ni, Sa di, Sa di ni sống theo
nếp sống phạm hạnh, không gia đình, thoát ly sự ràng buộc các dục, thiểu
dục tri túc và cuối cùng là chứng đạt tâm giải thoát, tuệ giải thoát,
vượt thoát sầu bi khổ ưu não. Đối với hội chúng tại gia bao gồm nam cư
sĩ, nữ cư sĩ thụ trì tam quy ngũ giới, sống theo mười nghiệp thiện,
không nên tham đắm các dục lạc, làm các công đức thiện lành, sống đúng
chính pháp, thu hoạch tài sản vật chất do chính mình làm ra, lợi mình và
lợi người, lợi cả hai. Cả hai hội chúng đều được đức Phật khuyến cáo
bằng sự nỗ lực cá nhân để hành trì chính pháp đã lãnh thọ, đã được
truyền trao “Như Lai chỉ là bậc Đạo sư dẫn đường, hãy tự mình thắp đuốc
lên mà đi!”.
Do đó, trong cuộc hành trình về miền đất an lạc, Thế
Tôn luôn mong muốn các đệ tử của mình tinh tiến lập hạnh nguyện tu trì,
thực hành giới, tâm luôn an trú vào định để cuối cùng là bừng sáng trí
tuệ mà các kinh điển truyền thống diễn đạt là các đệ tử Như Lai tu
hành phải đạt cho được lõi cây Phạm hạnh, đừng có bao giờ dừng lại ở
giác cây, vỏ cây, vỏ trong, vỏ ngoài và cành lá của Phạm hạnh. Điều
đó có nghĩa rằng một người sống một đời sống hướng thượng chỉ khi nào
đạt được lõi cây Phạm hạnh thì mới đạt được cứu kính hoàn toàn và hạnh
phúc lâu dài. Và hạnh phúc chỉ có mặt khi vắng mặt được tất cả mọi khổ
đau. Vậy là mọi người con Phật thật sự hạnh phúc và tràn đầy hỷ lạc:
“Vui thay Phật ra đời,
Vui thay pháp được giảng …”
(Kinh Pháp Cú)
Chính ngay tại thế giới này, nơi chúng ta đang hiện
hữu, không gian và thời gian đang bước sang năm thứ 2 của thập niên thứ
hai, thế kỷ đầu thiên niên kỷ thứ III. Thời điểm mà tri thức của con
người ngày được nâng lên một tầm cao mới. Văn minh khoa học điện tử đã
tạo ra ngày càng nhiều những sản phẩm vật chất tiện nghi phục vụ cho mọi
sinh hoạt cuộc sống nhân sinh, hẳn nhiên nhu cầu về tâm linh càng được
phải nâng cao hơn nữa trong đời sống hiện đại.
Do vậy, chính ngay trong lúc này, trách nhiệm và sứ
mạng của những Sứ giả Như Lai, Sứ giả Hoằng pháp, Tăng Ni Phật tử, đệ tử
của Đức Phật là tích cực dấn thân, vui gánh những gánh nặng đang gánh “Luôn du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người”
thể hiện tính quyết tâm cao hơn nữa, đem giáo lý cao thượng, tỉnh giác
của đức Thế Tôn, san sẻ vào đời… giúp những con người hữu duyên với Phật
pháp, nhận chân được thực tướng của các pháp trong thế gian vốn là vô
thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh… để luôn giữ được chính niệm, tỉnh
giác trước mọi chi phối, mê hoặc của ác ma vật chất, sự cám dỗ của sự
ham ưa hưởng thụ của nghiệp thức vô minh.
Đó cũng là ý nghĩa đích thực của việc hoằng pháp độ
sinh, có giá trị thiết thực lợi đạo, ích đời. Nó càng ý nghĩa hơn nữa
khi pháp của Đức Phật thuyết giảng khắp nơi trên thế giới, trên mọi miền
đất nước, ngay cả biên cương, hải đảo, vùng sâu, vùng xa … bất cứ ai
hiện hữu trên cõi đời. Hình ảnh tôn giả Phú Lâu Na vượt qua bao chướng
duyên để thuyết pháp độ sinh nhằm đem ánh sáng Phật pháp đến những nơi
sầu khổ và bất hạnh; Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông từng đi lên núi, vào
rừng, vượt đèo lội suối, dựng am, xây chùa, thuyết pháp “thập thiện” để
giáo hóa cho biết bao nhiêu người cùng khổ ở các miền quê. Việc Ban
Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo Hoằng
pháp toàn quốc cũng như cho vùng miền ở các tỉnh, thành như: Đắc Lăk,
Đà Nẵng, Kiên Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Vĩnh Phúc và nhiều sự kiện
khác nữa trong thời gian qua cũng không ngoài mục đích đưa đạo vào đời
và làm cho đời thêm tươi sáng.
Năm 2012 là năm kết thúc nhiệm kỳ VI của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam. Việc tổ chức các khóa tu, thuyết pháp, biên soạn tài
liệu hoằng pháp cho phù hợp với tầm nhìn hôm nay và mai sau, là nội
dung ưu tiên hàng đầu trong chương trình hoạt động của Ban Hoằng pháp.
Nhất là tiếp tục triển khai chương trình đào tạo 2 lớp Cao - Trung cấp
giảng sư, tập huấn Hoằng pháp viên cho nam nữ Phật tử có năng lực dấn
thân phụng sự Phật pháp. Đặc biệt, là kết hợp với Văn phòng Trung ương
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức các khóa bồi dưỡng, tuyên truyền
tiến tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII (Nhiệm kỳ 2012 -
2017) Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ diễn ra trong cuối năm 2012, năm
nay.
Nhân ngày Khánh đản của Đức Bổn Sư, chúng ta nhất tâm
hướng về Ngài, thành tâm dâng nén hương lòng của niềm tin Tam Bảo, của
quyết tâm thực thi lý tưởng vì Đạo vì Đời. Ngưỡng mong ánh sáng Từ bi và
Trí tuệ của Thế Tôn tỏa chiếu khắp thế gian, đem lại lợi lạc cho hết
thảy cho chúng sinh./.
HT. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN