Chuyên đề Sẽ đến lúc đón Tết cổ truyền theo dương lịch trên báo VTC News khởi đầu bằng quan điểm của Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ rất nhiều độc giả.
Để có cái nhìn đa chiều, VTC News xin đăng tải ý kiến của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng:
Nói thì hay lắm
- Ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt nam với anh có ý nghĩa như thế nào, thưa anh?
Tết cổ truyền là ngày mọi người được nghỉ ngơi, gặp gỡ và thăm hỏi sức khoẻ của nhau. Nhà nhà người người đã, đang và sẽ nhộn nhịp chuẩn bị cho gia đình mình một cái Tết tươm tất để chào đón bạn bè, người thân, đồng nghiệp đến nhà mình.
Hơn tất cả, đây là truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam đã có từ ngàn đời nay. Cứ mỗi dịp Tết về, ai cũng cảm thấy bồi hồi điểm lại một năm cũ đã qua, một năm mới sắp tới và phấn đấu hơn cho năm kế tiếp đang gõ cửa.
|
| | Tại sao mình phải chọn ăn theo tết của người ta mà đánh mất đi bản sắc riêng của mình. | |
| |
- Trên báo điện tử VTC News, đã có khá nhiều ý kiến tranh luận về quan điểm của Giáo sư Võ Tòng Xuân quanh việc nên có một lộ trình để tiến tới đón Tết cổ truyền theo dương lịch . Anh nghĩ thế nào về quan điểm này của Giáo sư Xuân?
Tôi nghĩ là không nên đón Tết theo dương lịch, bởi bất cứ đất nước nào trên thế giới đều có cái tôi, có lòng tự tôn dân tộc của họ.
Đó chính là màu sắc văn hoá riêng của mỗi đất nước mà toàn bộ thế giới phải tôn trọng.
Tại sao mình phải chọn ăn theo Tết của người ta mà đánh mất đi bản sắc riêng của mình. Mọi người đều biết rằng Tết cổ truyền Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người dân.
Thậm chí khách nước ngoài cũng biết phát âm từ
‘Tết’. Lễ hội này trong tiếng Anh còn được đem nguyên vào là
‘Tet holiday’ thì tại sao mình lại phải bỏ nét đẹp đó.
- Thử tưởng tượng Việt Nam ăn Tết dương lịch thì sẽ thế nào, thưa anh?
Lúc đó sẽ không có mai vàng, có đào thắm, bởi đào nào mai nào nở vào dịp Tết dương lịch? Còn nếu bảo loài hoa cho ngày Tết cũng chỉ là tượng trưng thì chắc cũng không còn gì để nói nữa.
Tượng trưng là truyền thống, là văn hoá chứ không phải có ai đó ngồi nghĩ ra. Không lẽ ăn Tết dương lịch thì mọi người sẽ phải nghĩ ra một loài hoa khác cho dịp đó? Thử nghĩ xem nếu hoa hồng, hoa cúc dùng để báo hiệu Tết thì sẽ buồn cười thế nào (cười).
- Nhưng nếu cứ ăn Tết cổ truyền trong khi thế giới vẫn làm việc bình thường sẽ khiến cho kinh tế Việt Nam bị lỡ nhịp so với quốc tế?
Bao nhiêu năm nay kinh tế Việt Nam vẫn vậy, có đi xuống hay đi lên hoặc dậm chân tại chỗ phụ thuộc vào kinh tế thế giới.
Bây giờ chuyển sang ăn Tết dương lịch có đảm bảo rằng kinh tế sẽ đi lên không? Hoà nhập không phải là ăn Tết theo người ta, hoà nhập như thế thì hoà tan lúc nào cũng không biết được đâu.
Mà tôi thấy mỗi dịp Tết, mọi người lại đi sắm sửa đủ các vận dụng cho mình và gia đình, từ quần áo, mỹ phẩm, bánh trái đến những thứ khác đều có sức mua cao hơn hẳn ngày thường. Tết chính là dịp để kích cầu mọi người mua sắm, kinh tế cũng từ đó mà đi lên chứ đâu có đi xuống đâu?
- Nhật Bản trước đây cũng ăn Tết âm lịch nhưng sau này chuyển sang ăn Tết dương lịch, họ đã làm rất tốt sự chuyển dịch này và hiệu quả kinh tế là thấy rõ?
Mọi người nói thì hay lắm, phải học tập nước này nước nọ, vấn đề là có học tập được hay không. Cần phân tích kỹ rằng kinh tế Nhật Bản đi lên là do nguyên nhân nào, liệu có phải đơn giản chỉ bỏ Tết âm lịch là kinh tế cứ vèo vèo đi lên không. Nếu như thế thì chắc người ta bỏ hết lễ hội cổ truyền quá.
Đơn giản cứ nhìn sang Thái Lan xem, họ ăn tết Songkran vào giữa tháng tư mà kinh tế họ có tụt dốc không phanh không?
Hay Lào, Campuchia, Myanmar đều là những đất nước đang phát triển mà họ đâu có mảy may ý định bỏ ngày Tết cổ truyền để đọ với Nhật Bản?
Muốn giữ Tết cổ truyền- Dường như hai chữ ‘cổ truyền’ đã bị xem nhẹ trong ý kiến bỏ ngày Tết âm lịch phải không anh?
Việt Nam bây giờ cũng hội nhập với thế giới. Đủ các ngày lễ từ nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam như Valentine, Noel, Halloween…
Điều đó là tốt, thế nhưng du nhập thì du nhập, mình vẫn phải có cái gì đó để giới thiếu với bạn bè quốc tế chứ. Không lẽ bảo tôi là Việt Nam có truyền thống và văn hoá lâu đời, nhưng không có lễ hội gì của chúng tôi đâu vì chúng tôi thấy các bạn phát triển quá nên chạy theo bắt chước rồi. Thế thì có cái gì là của riêng người Việt?
|
| | Nếu bỏ ngày Tết cổ truyền, thì mọi người cũng nên quên dần cái tên ‘Việt Nam’ đi mà thay vào đó là ‘Vietnam’. | |
| |
- Anh có mối quan hệ với rất nhiều bà con Việt kiều ở nước ngoài, theo anh họ có mong muốn ăn Tết theo phương Tây không khi họ sinh sống và làm việc trong môi trường đó?
Càng xa quê, họ càng mong đến dịp Tết cổ truyền để được về thăm bạn bè, quê hương cũng như chứng kiến sự thay đổi từng ngày của đất nước.
Nếu ăn Tết dương lịch thì thôi khỏi về thăm thú nhau nữa, vì Tết tây họ phải quan tâm đến những mối quan hệ, công việc, bạn bè của họ ở bên đó, chỉ có Tết cổ truyền họ mới thu xếp để về Việt Nam được thôi. Không phải ai ở nước ngoài thì cũng thích Tết tây hơn Tết ta đâu.
- Lời cuối cùng, anh muốn gửi gắm điều gì tới những người có ý kiến bỏ ngày Tết cổ truyền?
Mỗi người một ý kiến, nhưng tôi chắc chắn rằng số đông sẽ phản đối, kể cả 70% dân số là nông dân cũng như thế.
Nếu bỏ ngày Tết cổ truyền, thì mọi người cũng nên quên dần cái tên ‘Việt Nam’ đi mà thay vào đó là ‘Vietnam’. Tôi mong muốn được giữ nguyên ngày Tết cổ truyền như bây giờ.
- Xin cảm ơn anh