Dựng nêu đón ngày tết về là một phong tục lâu đời và rất đẹp của dân tộc ta.
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè
Câu ca dao trên, cũng như câu đối:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh
Làm tôi nhớ cây nêu vô cùng!
Thời gian gần đây, cây nêu đã ít thấy dần đi, đến đỗi nhắm mắt lại tôi khó mà có thể hình dung cây nêu chính xác là như thế nào.
Nếu không khéo giữ gìn, vài mươi năm nữa nêu sẽ trở thành một hoài niệm dĩ vãng.
Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng, tại sao, để Phật giáo hóa ngày tết, chúng ta lại không dựng nêu Phật giáo kiểu mới ở chùa.
Cùng với tiếng pháo, cây nêu ngày xưa công dụng của nó dường như là đuổi
tà ma, quỷ quái, rồi từ đó trở thành một biểu tượng ngày tết.
Bây giờ Phật tử chúng ta vẫn dựng nêu kiểu mới, vừa có tác dụng biểu
tượng ngày tết theo truyền thống, vừa có tác dụng làm đẹp sân chùa, tăng
hiệu quả điểm nhấn chùa trong không gian ngày tết, vừa có tác dụng như
một phương tiện truyền thông.
Cây nêu dựng ở chùa vẫn sẽ là một cây tre cao như truyền thống, cong
xuống một cách dịu dàng. Trên cây nêu, chúng ta có thể treo một dải lụa
trên đó viết một câu Phật ngôn để dải lụa phấp phới đung đưa theo gió
xuân.
Trên cây nêu, chúng ta có thể treo đèn kết hoa như cây thông để tạo không khí ngày lễ hiện đại.
Là một biểu tượng ngày tết, cây nêu cần được chiếu sáng vào ban đêm. Có
thể tạo ra tiếng linh du dương bằng cách treo thêm vào cây nêu dụng cụ
âm thanh cổ truyền bằng đồng phát ra tiếng kêu thanh tao khi có gió.
Vì là nêu kiểu mới, chúng ta không sớm hạ nêu theo phong tục, mà có thể
để nêu trang trí đến qua rằm tháng giêng hay hết tháng giêng, và cũng có
thể dựng nêu sớm hơn.
Nếu cố gắng dựng được thật cao, để tạo ra điểm nhấn ngày tết cho chùa,
từ đó chùa trở thành điểm nhấn tết cho đường phố, xóm làng.
Cây nêu cần chiếu sáng nhiều màu đỏ và rực rỡ để có thể nhìn thấy từ xa, cũng nhằm mục tiêu tạo điểm nhấn như trên.
Phật tử chúng ta có thể bổ sung nhiều hình thức cho cây nêu trước sân
chùa, với các yếu tố dân tộc, Phật giáo, hiện đại, sang, đẹp và trang
trí phong phú.
Cũng mong rằng những tết về sao chùa nào cũng dựng nêu mới, nêu Phật, để góp một yếu tố vào việc Phật giáo hóa ngày tết.
Trong lý luận tổ chức sự kiện hiện đại, sự kiện phải là điểm nhất trên
cả hai trục không gian và thời gian, với cố gắng tạo ra tác động làm cho
thời gian sự kiện khác với ngày thường. Cây nêu mà ở đây là nêu kiểu
mới – nêu Phật giáo có tác dụng nhấn ở cả hai mặt, tạo không gian, thời
gian khác với ngày thường.
MT
Nguon: http://www.phattuvietnam.net/3/12778.html