Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Mẹ và quê hương
19/01/2012 18:07 (GMT+7)

Mẹ tôi. Ảnh tác giả cung cấp.

Khi những cánh mai vàng đang cựa mình rời khỏi nụ để đón mùa xuân đến, những tiếng xẻng cào sát mặt đất thành tiếng làm tôi giật mình, cố rời khỏi tấm chăn ấm áp bắt đầu một ngày mới.

Sáu giờ sáng, khi nhịp sống chưa bắt đầu, xe cộ chỉ có vài chiếc qua lại nơi con phố vắng vẻ vậy mà những tiếng ồn ấy cứ vang lên. Tôi cố rướn mình nhìn qua cửa sổ, bão tuyết vùng New England những ngày gần đây lên tới hơn 20 inch.

Trời còn mờ sáng, tuyết rơi nhiều hơn, tôi cố gắng nhìn giữa không gian mờ ảo đó. Thì ra tiếng ồn ấy phát ra từ mẹ tôi, tôi thấy mẹ đang lom khom cầm cây xẻng cố gắng xúc tuyết cho tôi kịp giờ làm.

Mặc vội cái áo lạnh, đội đại cái nón len, tôi chạy ra ngoài phụ mẹ một tay. Tết bên tôi là những ngày đông lạnh, rét buốt làn da, tha thiết thèm thuồng giọt nắng ấm nơi quê nhà.

Tôi qua Mỹ năm mười tuổi, khi chưa sõi tiếng ta và không biết tiếng người. Khi dần bắt nhịp được với cuộc sống, lạ ở chỗ càng sống lâu ở Mỹ tôi càng rành tiếng Việt hơn.

Nơi tôi ở không có trường dạy tiếng Việt, tôi tự học lấy bằng những bài báo qua mạng, tôi dặn mình không quên nguồn cội. Dù ở nơi nào thì tôi cũng là người Việt Nam, tôi tự hào với dòng máu dân tộc đang chảy trong người mình.

Những bông hoa tuyết rơi chạm tay tôi, chạm vào ký ức xa xưa làm tôi mơ đó là cánh mai vàng. Trong ký ức của con bé mười tuổi như tôi vẩn còn in sâu ngày Tết nơi quê nhà. Cái nỗi niềm chờ đợi nồi bánh tét của mẹ đang sôi ùn ục trong nồi vẩn còn thơm mãi đến bây giờ.

Tôi nhớ lắm dòng người chen chúc nhau đi chùa đêm giao thừa và không bao giờ quên khi đi chợ hoa cùng mẹ để chọn nhành mai đẹp nhất đem về nhà. Nhà tôi nghèo lắm, nên mỗi lần tới tháng Chạp tôi lại tha thiết chờ mong cái Tết. Được mặc quần áo mới, được khoe nụ cười tươi, được xem múa lân, được tiền lì xì, được, được nhiều thứ mà giờ tôi có chạy khắp xứ người mênh mông cũng không tìm lại cái được tôi đã mất.

Tôi còn nhỏ mà tha thiết vậy, nên phần nào tôi hiểu được nổi nhớ diết da của mẹ. Dù vậy, năm nào mẹ cũng chưng dọn nhà cửa tươm tất đón Tết. Nào là mâm ngũ quả, bánh tét, bánh chưng, mứt. Cha tôi còn chặt cành khô sau nhà, vấn hoa giả lên và thích thú với nhành mai tự tạo.

Mỗi lần xong xuôi hết mọi thứ, mẹ tôi lại ngồi ngắm nhìn một góc nhỏ quê hương mang theo nơi viễn xứ, một góc nhỏ ấy mà nỗi nhớ thì bao la muôn trùng. Mẹ không nén nổi niềm xúc động, mũi mẹ cay cay hương mứt gừng, nước mắt mẹ trào tuôn mặn môi thấm vị của nồi thịt kho ngày Tết. Mẹ nhớ quê hương, mẹ thèm được sum vầy, và mẹ nhớ nhất là ngoại.

Ngoại đã hơn sáu bảy năm chờ lá thư của đứa con xa gởi về, ngoại mong mẹ quên đi vết hằn của thời gian đã đánh dấu từng đường nhăn dưới đuôi mắt. Rồi cuối cùng mùa xuân năm 1996 mẹ cũng về nước.

Vẫn với không khí xuân ấm áp, vẩn bánh tét, bánh chưng xanh, người người và đất trời nô nức, quê hương rộn rã hơn ôm đứa con xa vào lòng. Ngoại nhìn mẹ, vẫn ánh mắt xa xưa lo lắng, mẹ như muốn ôm ngoại vào lòng oà khóc. "Má ơi con đã về", vậy mà cái ước mơ nhỏ nhoi đó cũng không thể nào thực hiện được.

Mộ ngoại đầy bánh mứt ngày Tết, nghi ngút khói hương đón xuân bên kia thế giới. Mẹ lau vội dòng nước mắt, ngăn ngang cảm xúc đang chực trào: "Diễm Thúy, con đã ăn gì chưa?"

Đi làm về, tôi thấy cha hì hục đóng lên cuốn lịch mới. Mẹ lau lại những tấm lá chuối đông đá mua hôm qua, chuẩn bị gói bánh tét. Những tấm lá chuối còn chưa tan hết được cái lạnh chờ đợi ôm trọn những hạt nếp trắng vào lòng. Mẹ tôi như đang gói trọn nỗi niềm thương nhớ, yêu thương về nơi xa xăm bên kia nữa vòng trái đất.

Chắc gần kề ngày Tết nên mẹ chạnh lòng, nhớ về quãng thời gian xa đã mất, nhớ ngoại tôi, và chắc là đang nhớ đứa con trai duy nhất sống xa nhà. Ánh mắt mẹ chợt buồn: "Chắc thằng Tí nó đang đi chợ Tết, chứ thường bão tuyết nó sẽ nhớ gọi về". Mẹ đang chờ điện thoại của anh tôi từ bên Texas, từ đó qua đây chỉ hơn bốn giờ bay, vậy mà vì cuộc sống nên cái Tết cũng phải xa nhà.

Nước mắt chảy xuôi, ngày nào ngoại chờ mong mẹ, giờ mẹ lại ngồi trông đứa con xa. Tôi nghẹn ngào không nói nên lời ngồi xuống phụ mẹ lau lá chuối mà cõi lòng nghẹn thắt, lạnh hơn cả tuyết rơi bên ngoài.

Tôi mong một ngày nào đó sẽ cùng mẹ về quê hương yêu dấu, được hưởng một cái Tết ấm cúng nơi quê nhà. Được sống lại khoảng thời gian mà mẹ đã mất. Dù đi đâu đi chăng nữa thì tôi biết, ở bên kia đại dương, một mảnh đất hiền hòa cong cong hình chữ S luôn đợi tôi về.

Quê hương là đất Mẹ hiền từ lúc nào cũng mong những đứa con xa, và Mẹ ơi có biết những đứa con ấy lúc nào cũng mong muốn trở về, vẫn chung thủy với quê hương, vẩn nhớ hoài cái Tết, như cánh mai vàng chỉ chung thủy với mùa xuân.

Diễm Thúy

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/xuan-que-huong/2012/01/me-va-que-huong/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang