Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thông điệp Phật đản của Tổng Giám đốc UNESCO
04/05/2013 15:29 (GMT+7)




Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, tôi muốn bày tỏ những lời chúc chân thành nhất đến tất cả Phật tử trên toàn thế giới. Tôi xin chúc mừng Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya trong việc tổ chức Đại lễ năm nay với một hội thảo quốc tế về chủ đề “Giáo dục và trách nhiệm công dân toàn cầu theo quan điểm của Phật giáo”. Đây là một chủ đề rất hợp thời và có sự liên quan mật thiết với xã hội.

Chúng ta đang sống trong thời đại của sự không chắc chắn. Những cá nhân bị vùi dập bởi sự thay đổi, và khắp mọi nơi xã hội đang trải qua cuộc khủng hoảng và những thiên tai, bất bình đẳng sâu sắc và những căng thẳng dai dẳng. Thách thức địa phương đang ngày càng được toàn cầu hóa và phức tạp dần. Trong bối cảnh này, chưa bao giờ giáo dục lại quan trọng như vậy - giáo dục là quyền cơ bản của con người, là cần thiết cho nhân phẩm của con người, và là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Đức Phật dạy rằng: “Hòa bình đến từ bên trong, đừng mất công đi tìm kiếm bên ngoài”.

Giáo dục là cách tốt nhất để xây dựng hòa bình từ bên trong, bằng cách đem đến cho tất cả mọi người những công cụ mà họ cần để tự hoàn thiện. Trong một hành tinh chịu nhiều áp lực, giáo dục là một sức mạnh để hình thành cách tư duy và hành động mới, xây dựng những xã hội đàn hồi để có thể thích ứng với sự thay đổi và giảm thiểu tác động của nó. Mỗi người phải thừa nhận trách nhiệm mà chúng ta phải thực hiện đối với người khác và với hành tinh của chúng ta. Đây là một suối nguồn cho sự đoàn kết toàn cầu, chúng ta cần phải giải quyết những thách thức mà tất cả các xã hội đang phải đối mặt trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng. Để làm được điều này, giáo dục là vấn đề cốt yếu.

Những mục tiêu này làm cơ sở cho hoạt động giáo dục trong mọi phong trào mà ở đó UNESCO đang dẫn đầu, cũng như công việc của chúng tôi trong việc thúc đẩy giáo dục cho sự phát triển bền vững vì hòa bình, nhân quyền và sức khỏe. Bồi dưỡng công dân toàn cầu giữ vị trí trung tâm của chương trình “Sáng kiến đầu tiên của giáo dục toàn cầu” do Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, đưa ra vào tháng 9-2012 và UNESCO đang hướng đến. Mục đích của chúng tôi là trang bị cho trẻ em, thanh niên và người lớn những kiến ​​thức, thái độ và kỹ năng để cho phép họ đưa ra những lựa chọn và quyết định có trách nhiệm trên cơ sở của sự đoàn kết và tôn trọng. Giáo dục là cách để liên kết “địa phương” với “toàn cầu” và để đảm bảo mọi người hành động trên cơ sở những giá trị được chia sẻ và tinh thần trách nhiệm.

Bồi dưỡng công dân toàn cầu thông qua giáo dục là vấn đề cốt tủy để xây dựng nền hòa bình đích thực và bền vững. Điều này còn quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện và vững bền hơn. Mục tiêu của chúng tôi là phải trao quyền cho tất cả nữ giới và nam giới, bé gái và bé trai để họ cùng nhau hành động cho sự thay đổi tích cực.

Đây chính là lý do Hội thảo Quốc tế lần này rất là quan trọng. Chúc quý vị thảo luận hiệu quả và chờ đợi kết quả của quý vị.

Minh Phú chuyển ngữ

http://giacngo.vn/phatgiaonuocngoai/2013/05/04/37C442/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang