Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cảm nhận sau mùa Phật đản
Tàm Quý
31/05/2013 14:28 (GMT+7)

Qua những thông tin về Phật đản được đăng tải trên phattuvietnam.net, bút giả có đôi điều nhận định như sau: 

Lấy Phật giáo Hà Nội làm ví dụ, mùa Phật đản 2013 đã được diễn ra từ cấp cơ sở đến cấp trung ương:

+ Ở cấp tự viện: Đơn cử như các chùa Quán Sứ, Hòe Nhai, Bằng A, Hưng Khánh... đã tổ chức: Đạp xe, rước kiệu, đi bộ, khóa tu, giảng pháp, tắm Phật... Mỗi pháp hội thu hút từ 1000 người trở lên, số lượng thanh niên, sinh viên tham gia đông đảo, quy mô, có tổ chức. 

+ Đối với Phật giáo cấp phường, xã: Đơn cử như xã Cự Khê huyện Thanh Oai: Phật đản liên xã Cự khê tổ chức luân lưu từ chùa này sang chùa khác được tổ chức hàng năm. Năm nay tổ chức ở chùa Khúc Thủy, các chùa Cự Đà, Khê Tang tổ chức rước kiệu Phật đến tham dự lễ rất đông. Điều này tạo nên không khí chung cho không khí Phật đản trong toàn quốc.

+ Đối với Phật giáo cấp quận, huyện ở Hà Nội: Hầu hết các quận, huyện đều tổ chức lễ đài Tập trung, thu hút tăng ni Phật tử trong và ngoài huyện đến dự lễ. Thành phần ngoài tăng ni Phật tử luôn có sự hiện của lãnh đạo chính quyền cấp ngang hàng đến dự lễ. Điển hình như: Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Đông Anh... các hoạt động thường có: Văn nghệ, Đọc thông điệp, viễn văn, ý nghĩa Phật đản, phát biểu của chính quyền, trao quà từ thiện, nghi lễ, tắm Phật, thả chim bồ câu, bóng bay cầu nguyện hòa bình. Dù là nghi lễ cấp huyện nhưng nhìn chung chưa thu hút đông lực lược Phật tử tham gia. Vì nghi lễ tổ chức trong khuôn viên nội tự nên thành phần bị hạn chế. Ngược lại, tổ chức tại mỗi chùa nên có các hoạt động ngoài khuôn viên tự viên nên thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

+ Đối với Phật giáo cấp tỉnh, thành phố. Điển hình như Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Huế, Nghệ An, Lào Cai...hình thức cũng như ở cấp quận, huyện, nhưng quy mô lớn hơn. Năm nay trùng hợp với kỷ niệm 50 năm ngày vị pháp thiêu thân của Bồ Tát Quảng Đức nên các hoạt động Phật đản tại niềm Nam diễn ra sôi nổi hơn, tuyên dương về công hạnh của Bồ Tát Quảng Đức. Tiêu biểu như các hoạt động: Triển lãm ảnh, diễu hành xe hoa, thuyền hoa, 7 hoa sen lớn trên sông, đạp xe diễu hành v.v... Nhìn chung, Ở cấp tỉnh, thành làm Phật đản có thể làm quy mô, hoành tráng vì có kinh tế, điều kiện. Tỉnh nào làm tốt hay không phụ thuộc vào điều kiện của Phật giáo mỗi tỉnh, thành.

+ Trung ương hội Phật giáo năm nay tổ chức ở chùa Quán Sứ. Các cấp cơ sở tổ chức Phật đản từ đầu tháng 4 âm, cao điểm từ mùng 8-14 âm lịch.  Năm nay Trung ương hội PG tổ chức Phật đản thông lệ như mọi năm vào ngày 15. Đức Pháp chủ, phó pháp chủ, thành viên thường trực Hội đồng trị sự TW phía bắc đều tham dự. Về phía chính quyền có: Phó thủ tướng và quan chức chính phủ đến dự. 

Từ Phật giáo trong nước, nhìn ra Phật giáo các nước trong khu vực như: Thái, Hàn, Đài, Trung đã có những hình  thức tổ chức lễ Phật đản khá phong phú: 

+ Thái Lan với truyền thống Phật giáo lâu đời, nên lễ hội Phật đản hay còn gọi là lễ Vesaka được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm rất trang trọng, ý nghĩa. Phái đoàn VN đã đến tham dự và phát biểu. Các vị cao tăng quốc tế và bản địa tập trung nên khí thế uy hùng. Ngoài ngày lễ Vesaka, Thái Lan còn có ngày lễ té nước. Thời gian tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15 dương lịch. Lễ té nước chịu sự ảnh hưởng của lễ tắm Phật của Phật giáo.

+ Tại Hàn Quốc, lễ Phật đản gắn với văn hóa bản địa thể hiện rõ trong trang phục, lễ nghi, kiến trúc. Các chú tiểu được thế phát xuất gia trong những ngày lễ trang trọng này. Không gian trang hoàng Phật đản trang nghiêm, sắc màu đèn lung linh lộng lẫy, tượng đài Đức Phật rực rỡ huy hoàng. Đó là đặc trưng của Phật giáo xứ Hàn.

+ Phật giáo Đài Loan có sự khác biệt trong việc tổ chức lễ Phật đản. Năm 2012, lễ Phật đản sau ngày 15 âm, năm nay tổ chức trước ngày 15. Thời gian cụ thể hàng năm phải là ngày chủ nhật, là ngày của mẹ (mother day). Lễ đài trang trí trước phủ tổng thống, thành phần tham dự gồm chư tăng, Phật tử, chính quyền từ trung ương đến địa phương, đặc biệt, có sự hiện diện phát biểu của Tổng thống Mã Anh Cửu. Chương trình diễn ra rất có tổ chức, quy mô. Bàn tắm Phật được bố trí thành hàng dài để mọi người đi nhiễu quanh có thể tắm Phật được thuận tiện. Năm nay, tuy trời mưa to nhưng chư tăng vẫn mặc áo mưa ngồi tĩnh tọa trên pháp tòa, Phật tử vẫn thành kính bay bưng tượng Phật đản sinh.

Tại Đài Loan Ngoài lễ đài Phật đản tập trung, những không gian Phật đản sinh, tượng Phật, chậu tắm Phật được bố trí rất nhiều ở khu công cộng: Ngã ba đường, khu đông dân cư. Tại mỗi khu tắm Phật ở chỗ đông dân cư được các tình nguyện viên Phật tử mặc áo đồng phục đứng hướng dẫn mọi người đi lại hành lễ. Vì trùng với ngày của mẹ (mother day) nên trẻ em đi lễ rất đông. Dưới hình thức này nên người dân bất cứ lúc nào cũng có cơ hội tắm Phật, tham dự nghi lễ. Kênh truyền hình luôn phát những thời pháp của chư Tăng về đề tài đản sinh. Đó là những nét quy mô, hiện đại... của Phật giáo Đài Loan.

+ Phật giáo Trung Quốc: phần lớn các chùa ở TQ đều tổ chức Phật đản vào ngày mùng 8 tháng 4. Nhưng vẫn có chùa tổ chức Phật đản vào ngày rằm như chùa Nga Mi, đạo tràng bồ tát Phổ Hiền....Thành phần tham dự chủ yếu chư tăng và Phật tử.

Tổng kết: Ngày Phật đản là ngày mừng Đức Phật ra đời, có đức Phật ra đời mới có Đạo Phật, có đạo Phật mới có tinh thần Từ Bi, Trí tuệ và các đạo đức cho nhân sinh, cho thế giới. Vì vậy tổ chức lễ Phật đản là điều cần làm tốt đối với các quốc gia có Phật giáo, đối với mỗi tín đồ tin Phật giáo. Đặc thù mỗi vùng miền, quốc gia, khu vực có khác nên tổ chức Phật đản cũng khác để phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng, pháp luật từng địa phương. Một trong những yếu tố cần và đủ sau đây để thành tựu lễ Phật đản:

-    Phối hợp tốt với chính quyền cơ sở thì đại lễ mới thành tựu, thuận lợi. Điển hình như Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan. 

-    Có kịch bản, kế hoạch cụ thể, chi tiết, có tiêu chí hoạt động cho từng hoạt động.

-    Tổ chức Phật đản cần phát huy được vai trò của từng Tăng ni, Phật tử để trở thành những người hoằng pháp trong mùa Phật đản. 

-    Tổ chức Phật đản phải đến được từng người, từng nhà chứ không nên hạn cục trong khuôn viên tự viện.

-    Các hoạt động trong mùa Phật đản phải phong phú từ nội dung đến hình thức để thu hút đông đảo quần chúng chú ý, tham gia: Như diễu hành thuyền, xe hoa, đạp xe, rước kiệu, bày lễ đài tại khu đông dân cư v.v...

-    Buổi tối là thời gian nghỉ làm việc của người dân, nên thời gian tổ chức các hoạt động Phật sự vào buổi tối sẽ thu hút được đông đảo quần chúng hơn. Người dân có thể thức đến 12h đêm để dự lễ chứ khó có thể dậy từ 4h sáng để đến chùa dự lễ. Đồng thời làm buổi tối sẽ dùng được ánh sáng của điện khiến không gian nghi lễ sẽ thêm màu sắc. 

Mỗi năm, mùa Phật đản lại về. Đây là cơ hội tốt để mỗi người nhìn lại mình, tu sửa thân tâm, thực hành lời Phật dạy, đó là việc làm cần nhất để báo ơn Phật nhân lễ kỷ niệm đản sinh của Ngài.

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/diendan/23950-c%E1%BA%A3m-nh%E1%BA%ADn-sau-m%C3%B9a-ph%E1%BA%ADt-%C4%91%E1%BA%A3n.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang