Tết còn là dịp để những người xa
quê hướng về quê hương “Dù đi xa ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình”.
Trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, Tết nguyên đán vẫn luôn
được người dân Việt Nam gìn giữ mặc dù trong thời đại ngày nay những
phong tục ngày tết cổ truyền không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng nhìn
một cách tổng thể thì Tết cổ truyền vẫn mang những nét truyền thống của
dân tộc ta tự bao đời. Nhân dịp tết đến xuân về cùng nhau ngồi ôn lại
không khí tết cũng quả là một điều thú vị. Nhớ nao lòng cái tết xưa và
hân hoan với tết nay với những đổi thay từng ngày của đất nước.
Nhớ Tết xưa những bà mẹ quê chuẩn bị tết
từ rất sớm. Ngay từ tháng 10 mẹ đã chuẩn bị đàn gà, để dành những ống
gạo nếp ngon nhất để gói bánh chưng, lo chắt chiu dành dụm tiền để tết
đến con được quần áo mới. Bọn trẻ con thì mong tết từng ngày. Mỗi lần
đi học về lại viết lên bức tường ngoài ngõ: “… Tết sắp đến rồi còn 3
ngày nữa thôi…Tết sắp đến rồi, còn hai ngày nữa thôi…Tết sắp đến rồi còn
1 ngày nữa thôi…”
Những ngày giáp tết mẹ xách làn đi chợ
mua đủ thứ: vài bó lá dong, cân thịt mỡ, bò đỗ xanh, miến, mứt tết, vài
chùm quất, trái bưởi to tròn đầy, những dây vàng hương…Mẹ đi chợ đến mấy
lần mà vẫn quên mua…Chợ tết đầy đủ thứ bánh trái, hoa quả. Mọi người
mua bán tấp nập nhưng không chen lấn, ngã giá như ngày thường. Ai cũng
mua bán với nụ cười cởi mở cầu mong một năm may mắn, làm ăn thịnh vượng.
Nhất là trong buổi chợ chiều 30 tết người bán thì bán rẻ, người mua thì
lại không nỡ trả giá, nài nỉ.
Bố trải cái mâm gỗ dài, gấp lá dong thành
từng cặp, đong gạo nếp ra chậu, cho đỗ ra mâm thau, thịt mỡ thái mỏng
ướp gia vị đựng trong cái bát to chuẩn bị gói bánh chưng. Mấy anh chị em
vây quanh bố để được bố gói cho những cái bánh chưng vuông vuông nhỏ
xíu. Đến tối cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng trong hơi ấm của
bếp lửa đỏ rực. Mẹ làm bánh mật, bánh rán, bánh bao để đón giao thừa.
Đêm giao thừa không khí như tĩnh lặng hơn vì ai cũng lo chuẩn bị đón năm
mới. Những đứa trẻ không dám đi chơi xa vì sợ về nhà “xông đất” nhà
mình nên chỉ quanh quẩn trong sân, ngoài ngõ với những quả bóng bay
xanh, đỏ.
Thời khắc giao thừa thiêng liêng. Gần
mười hai giờ là đâu đó tiếng pháo nổ đì đoàng, xác pháo bay đầy đường.
Mẹ cúng mâm cỗ đón giao thừa cả trong nhà, ngoài sân. Bố vớt bánh chưng
ra mâm. Vậy là mâm cỗ đêm giao thừa đầy đủ các thứ bánh, trái. Mẹ mừng
tuổi cho mỗi đứa một phong lì xì “hay ăn, học giỏi”. Tết ngày ấy nghèo
nhưng ấm cúng vô cùng. Không khí ngày tết cũng khác, nao nao lạ.
Tết nay không khí đã khác xưa nhiều.
Người ta không còn mong tết đến với tâm trạng háo hức và chờ đợi nữa. Có
lẽ vì cuộc sống bon chen hối hả, người ta quên mất sự hiện diện của
tết. Lũ trẻ thì không mong tết nhiều như trước kia vì chúng quanh năm
đều được ăn ngon mặc đẹp. Mọi người cũng không cần phải chuẩn bị tết từ
sớm. Chỉ cần đến siêu thị hay gọi điện thoại là đầy đủ các thứ, mang đến
tận nhà vừa ngon lại vừa đẹp mắt.
Tết bây giờ cũng chẳng mấy ai thích ăn
bánh chưng. Nhiều người còn không gói bánh chưng chỉ mua dăm ba cái cho
lên mâm cúng gọi là có hương vị ngày Tết. Mâm cỗ tết ngày nay cũng khác
với mâm cỗ ngày xưa. Không còn thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh mà
được thay bằng nhiều thứ có hương vị lạ. Mâm cỗ không cầu kỳ khác ngày
thường là mấy.
Nhưng dù xưa hay nay thì tết vẫn là dịp
để người ta hướng về gia đình, quê hương. Mỗi lần giáp tết những chuyến
xe, sân ga lại đông nghìn nghịt. Những người đi làm ăn xa cố mua vé để
về quê kịp đón tết cùng gia đình. Tết là dịp để mọi người quây quần bên
nhau, cùng nhau ôn lại những thành quả cũng như những thất bại trong năm
qua và cùng quyết tâm phấn đấu cho năm tới. Dù công việc có bận rộn đến
nhường nào thì đêm 30 tết ai cũng mong mình được ở bên gia đình, bên
những người thân thương yêu để cùng đón giao thừa. Trong thời khắc
chuyển giao thiêng liêng ấy lòng người như trùng xuống, thấy trân trọng
biết bao sự đầm ấm của gia đình bên mâm cỗ đêm 30. Sáng mồng một Tết
người người đi lễ chùa, cầu mong những điều bình an trong năm mới. Ngày
nay, đời sống khá rả tiền phúng viếng lễ nghi cũng khác. Đủ thứ từ vàng
mã cho đến tiền mặt. Ai cũng mong sao bày tỏ được cái tâm của mình với
thần linh mong cầu no ấm, yên vui, xua đi những điều không may mắn của
năm qua.
Tết cũng là dịp để con cái báo hiếu với
bố, mẹ, ông bà. Trẻ nhỏ thì được người lớn lì xì. Còn con cái, cháu chắt
lại mừng tuổi ông bà, mong ông bà sống lâu, sống khỏe.
Tết còn là dịp để về quê thăm ông bà, cha mẹ để được hòa mình vào những lễ hội mang đậm truyền thống văn hóa dân gian.
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về người người
háo hức được cùng nhau đi chơi hội. Người ta tìm đến lễ hội không chỉ để
tham gia vào những trò chơi dân gian mà còn để được hòa mình vào không
khí xuân vui tươi đầm ấm, để được gần nhau hơn, thấy tâm hồn dịu lại,
quên đi những lo toan hàng ngày.
Dù không khí và cách đón tết mỗi thời
mỗi khác nhưng tâm hồn con người lúc xuân sang, tết đến thì vẫn thế. Vẫn
một tâm trạng nôn nao mong được về bên gia đình, vẫn háo hức được cùng
tay trong tay với những người thân yêu hòa mình vào tiết trời xuân ấm áp
tươi vui và càng thêm trân trọng từng phút giây cuộc sống…
Q.G