Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chuyện buồn "bẻ cành chặt cây"
26/01/2012 20:20 (GMT+7)



Một cành lộc to tự tay bẻ được

Suốt dọc đường từ Hồ Gươm về nhà, mình tôi quan sát thấy, tại những nơi cây xanh được canh phòng nghiêm ngặt bởi những người bảo vệ thì những người hái, bẻ lộc không dám bén mảng tới, còn ở những chỗ không có ai trông coi, diếu vóng tới thì cây xanh bị tàn phá không thương tiếc bởi những người hái lộc thiếu ý thức. Với những cây thấp thì người ta bế nhau, tâng nhau lên để vít cành, bẻ ngọn, còn những cây cao to thì họ trèo lên tít trên để “tàn sát” cây.

Không chỉ bẻ cây làm lộc cho riêng mình, tiện thể đang ở trên cây người trèo còn “ban” lộc cho nhiều người đứng ở dưới khi sẵn sàng bẻ hộ mỗi người một, vài cành với vẻ rất... hào phóng. “Độc” hơn, và chơi trội hơn, có người còn mang cả dao rựa đi “chặt” cây với mong muốn lấy được cành cây to hơn, dài hơn, cành lá sum xuê hơn bởi theo như họ thì như vậy lộc mới dài, mới to và nhiều...(?!).

Nhiều kẻ còn vô tâm, vô ý tới mức họ bẻ lộc, chặt cây xanh ngay tại các cổng đền, cổng đình chùa... mà không hề sợ. Vốn ở những nơi này hay trồng các loại cây xanh là: đa, si, mà theo tâm niệm của những người đi bẻ lộc thiếu ý thức thì những loại cành lộc cây này rất nhiều... lộc, bởi chúng to, khỏe, phát triển rất nhanh và mạnh.

Chính vì vẫn còn rất nhiều những người dân thiếu ý thức, và có cách nghĩ rất ấu trĩ như vậy trong việc đi hái lộc xuân nên tình trạng cây xanh vẫn bị tàn phá, triệt hạ qua thời khắc Giao Thừa là một thực trạng buồn. Vẫn biết rằng chuyện hái lộc đầu xuân mang hàm ý may mắn đã là một tập tục truyền thống và đẹp từ xa xưa, song người xưa hái lộc chỉ là hái một búp lộc non với một nhánh nhỏ, ngắn không hề làm đau cho cây cối, chứ không như người nay hái lộc theo kiểu chặt phá, bẻ cả những cành lớn làm cây xanh không thể phát triển được nữa thì liệu có còn chăng là nét đẹp (?!).

Thiết nghĩ, vào thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới mọi người dân nên từ bỏ thói quen hái lộc cây, mà hãy chuyển qua mua lộc của những người mưu sinh bày bán phục vụ bên đường, như thế hàm ý về việc rước lộc về nhà trong thời khắc năm mới không hề giảm, mà lại không làm ảnh hưởng tới cây xanh, cảnh quan môi trường sống của chính mình và cộng đồng...                                                                                                       

Gia Long (Hà Nội)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang