Đông
tàn, xuân đến, tiết trời mát dịu, mọi người được sảng khoái tinh thần
để vui với bạn bè và người thân. Đặc biệt, ba ngày Tết là ba ngày thư
thái, cho nên bếp lửa được nghỉ ngơi nhiều hơn ngày thường. Nhà nhà hạ
hỏa, mấy vị nội trợ thảnh thơi rảnh rỗi. Thời gian biểu sinh hoạt cũng
linh động, mọi người trong gia đình không cần xem đồng hồ để về đúng giờ
theo bổn phận hàng ngày; còn khi về nhà, sẵn có bánh tét, bánh chưng,
dưa món, đồ nguội, mứt bánh, thì dễ dàng giải quyết bữa ăn ngày Tết.
Bếp
hạ hỏa không quan trọng bằng người ta hạ hỏa. Ba ngày Tết là ba ngày
mọi người dành cho nhau nụ cười hiền hòa và lời chúc tốt đẹp. Chuyện vất
vả đời thường, chuyện phiền toái trong giao tiếp, mọi sự bằng mặt không
bằng lòng, hãy để lại phía sau.
Thời
tuổi nhỏ, Tết là thời gian sung sướng nhất. Tết có áo quần mới, được
nghỉ học và đi chơi; Tết được thoải mái, con nít không ngại bị người lớn
chê trách. Nhưng khi diện bộ đồ mới trong mấy ngày đầu năm, trẻ em đều
được bố mẹ khuyên không nên nói bậy, nên hòa nhã với mọi người, không
vung tay vung chân với anh em, chúng bạn,… Đầu năm trẻ phải như thế thì
quanh năm mọi việc mới hanh thông, còn đầu năm mà hung hăng, nói bậy thì
xui xẻo cho cả năm.
Ngày
nay, không khí Tết có phần bớt thiêng liêng, cha mẹ không nói nhiều với
con cái về những chuyện giữ gìn cử chỉ và ý tứ trong những ngày đầu
năm; tuy nhiên trong niềm vui chan hòa của mọi người, trong cảnh vật
tươi tắn của mùa xuân, giới trẻ sẵn sàng thích nghi với nếp sống lành
mạnh và cũng tránh được những thái độ gay gắt thường ngày. Một ví dụ dễ
thấy, mấy ngày nghỉ Tết, ngoài đường nam thanh nữ tú đi xe máy nhộn
nhịp, cho nên thỉnh thoảng xảy ra va quẹt, tông nhau; trừ những trường
hợp tai nạn đáng kể, còn không thì ai ai cũng dễ dàng bỏ qua; nếu có ai
bực tức hơi quá thì những người quanh đó cũng can ngăn, thôi đầu năm
chín bỏ làm mười, đừng quan trọng hóa chuyện không may.
Ước
gì quan hệ giữa người và người tốt đẹp như thế kéo dài cả năm. Ước gì
mọi người đằm tính hơn khi đối phó với những bất trắc, những xung đột,
những rủi ro do hoàn cảnh, do mình, hoặc do người khác đem lại. Bất hạnh
thay, cơn giận tàn phá con người và cả xã hội vô cùng khó lường.
Từ
đâu cơn giận ập đến tôi? Nguyên nhân gần thì không cùng: những cư xử và
hành động của người khác bất ngờ gây thiệt hại cho tôi, một lời nói hay
cử chỉ làm mất uy tín hoặc mất danh dự của tôi, ai đó vu khống tôi, một
biến cố thình lình gây đau khổ cho tôi, người yêu tự dưng phụ phàng
tôi, thủ trưởng trù dập tôi, nhân viên làm mất uy tín của tôi, vợ con
gây bất hòa với tôi, không nghe lời tôi, học trò hỗn láo với tôi, thầy
cô phê bình tôi quá đáng,…
Cơn
giận đến với bất cứ lứa tuổi nào, nhưng sắc thái có thể tùy theo già,
trẻ. Người già giàu kinh nghiệm sống thì cơn giận hầu như sâu cay hơn,
dai dẳng hơn, nhưng chọn lọc hơn, còn người trẻ thì giận có vẻ dễ dàng,
ào ào bùng nổ và cũng dễ cho qua. Ngày nay, giới trẻ nổi nóng nhiều quá,
trên đường phố, trong trường học, kể cả trong quán cà phê, bàn nhậu.
Thanh thiếu niên sẵn có màu nóng, lại thêm bị ảnh hưởng của phim ảnh và
trò chơi bạo lực, cho nên chuyện “yêng hùng” hảo hán càng phổ biến, dầu
cho nguyên nhân chẳng ra gì, có khi lãng xẹt: một câu nói khích cũng gây
ra đâm chém nhau, một cái nhìn gọi là “nhìn đểu” cũng là nguyên nhân để
người bị nhìn rượt theo để ăn thua đủ với người nhìn. Rồi chuyện tình
ái lăng nhăng tay ba, tay tư ở tuổi vị thành niên dẫn tới giải quyết cạn
tàu ráo máng bằng hung khí, có khi gây ra án mạng.
Ngày
trước, con gái ra đường phố thì thường giữ gìn ý tứ, cốt cách đoan
trang; nhưng bây giờ, không hiếm hiện tượng nữ sinh xử sự hung hăng như
con trai, cũng đánh nhau giữa đường, lại thêm trò chiến thuật lột áo
giữa công chúng thì thật độc đáo. Phải chăng những cơn giận như thế là
ngụy tạo trong hoàn cảnh xã hội ngày càng phô bày nhiều tranh chấp quả?
Phải chăng chuyện “yêng hùng” cá nhân là bệnh hay lây, làm vẩn đục môi
trường xã hội, khiến một bộ phận thanh thiếu niên thiếu tình nhân ái và
thờ ơ trước những điều chướng tai gai mắt của ngay bạn bè mình, cùng
trang lứa với mình; thậm chí xem trò đánh nhau, lột áo nhau là trò vui,
đáng làm video clip để tung lên mạng cho nhau xem?
Khi
hứng chịu một thiệt thòi bất ngờ, lắm khi phủ phàng, con người liền có
phản ứng; làm thinh cũng là phản ứng, mà giận là một phản ứng rất dễ
bùng nổ thành hành động thiếu suy xét. Có những cơn giận ngút trời và
cũng có những cơn giận ngấm ngầm đợi thời cơ bộc phát. Giận đời, giận
người mà có thêm rượu quên sầu thì vô cùng nguy hiểm vì người giận không
làm chủ bản thân. Giận có thể đưa đến hành hung, đâm chém, hoặc dùng
lời lẽ cay chua, độc địa hướng về người khác; còn nếu giận mình và thêm
nữa, buồn về mình, thì dễ có phản ứng tiêu cực cho bản thân, thậm chí tự
kết liễu đời mình.
Giận
chính là vấn đề của bản thân, chứ không ai tống cái giận qua cho mình.
Nếu giận mà không kiềm chế thì “giận quá mất khôn”, cuối cùng chỉ hại
mình và hại người thân của mình. Sau này, dầu khi đã hả cơn giận và nhìn
thấy hậu quả của nó, mình có hối lỗi thì cũng đã muộn.
Người
hay nóng giận thường làm xấu đi quan hệ giữa họ với môi trường giao
tiếp. Họ thường bị mê mờ, hay đổ thừa cho người khác, ở nhà thì đổ thừa
cho vợ con (hay chồng con), ở cơ quan thì đổ cho cấp trên hay người cộng
sự, ngoài đường thì tội vạ gán cho người khác…
Thật
ra, giận là một thể hiện tình cảm rất bình thường – sống ở đời, ai ai
cũng có hỷ, nộ, ái, ố – và con người sống hòa bình với nhau khi biết
chấp nhận niềm vui nỗi buồn của nhau, biết sống chung với tính khí từng
người. Nhưng người nào đụng một chút là giận, và giận bộc phát như lửa,
thì đó là một bệnh lý. Khi một người đang giận, tim đập nhanh hơn và
huyết áp tăng lên, có khi gặp những biến chứng khó lường. Giáo sư Howard
Kassinove tại khoa Tâm lý Trường Đại học Hofstra ở New York, cho biết:
“Rất nhiều khảo sát cho thấy người bị bệnh giận có tỷ lệ cao về tim và
đột quỵ”.1
Đây
là đối tượng nghiên cứu và chữa trị của y học và tâm lý học phương Tây.
Nhưng để chữa trị thì trước hết và quan trọng nhất là nhận thức của con
bệnh. Tất nhiên khi ngọn lửa giận đang bùng cháy, hoặc khi cơn giận
đang âm ỉ trong đầu chờ bùng nổ, thì nểu không khéo, lời khuyên phần lớn
đều vô hiệu, thậm chí phản tác dụng; chỉ khi nào cơn giận đã nguôi
ngoai, thì khoa học mới can thiệp. Các chương trình quản trị cơn giận
dạy con người phải điều hòa phản ứng của họ với hoàn cảnh căng thẳng
thông qua ứng dụng những kỷ thuật thư giản và trị liệu dựa trên kinh
nghiệm. Những chương trình đó đôi khi bao gồm huấn luyện kỹ năng sống
cho tốt: Gia tăng trình độ nhận thức của mỗi người – công nhân, viên
chức, hay cha mẹ, vợ chồng – làm cho giảm căng thẳng hay thu bớt những
cảm xúc giận.
Phương
Đông thì không có điều kiện trị y học như phương Tây, nhưng nếu con
người sống nhu hòa thì có thể kiềm chế được cơn giận. Một sự nhịn là
chín sự lành… Người muốn chữa trị bệnh giận thì trước hết phải nhận thức
được nóng giận là nguy hại cho bản thân và cho những người xung quanh.
Khi đã ý thức được điều đó thì bản thân tự chiêm nghiệm về cái giận, từ
đó mới tìm cách làm thế nào để kiểm soát cơn giận. Hay nhất là mình cách
ly môi trường thường gây ra cơn giận, đồng thời kết giao với những
người sống điềm tĩnh, cương nghị, nhu hòa. Một vị nữ Phật tử, bà con với
tôi, vốn tự nhận nóng tính, cho biết, nhờ sau này có nhiều dịp tiếp xúc
với quý ni cô nên chị đã đằm tính và dễ chan hòa với mọi người.
Nhưng
con người khó ra khỏi hoàn cảnh sống của mình, chỉ có tự mình đẩy cơn
giận đi ra xa, xem như nó không đáng có, nó là vô thường. Nếu bạn đang
bị cơn bệnh giận hoành hành, và nhận thức ít nhiều về tác hại của nó sau
mỗi lần giận, xin bạn hãy nghiên cứu chữ Nhẫn, nhất là Nhẫn trong Phật
giáo.
Chữ Nhẫn 忍 gồm chữ Đao 刀(con dao) ở trên và chữ Tâm 心 ở dưới. Nếu biết nhẫn thì tâm làm chủ con dao, nếu không biết nhẫn thì con dao tàn phá tâm, như cơn giận tàn phá con người.
Nhẫn
không nhất thiết phải là khướt từ tranh luận, bỏ qua phân định đúng
sai. Có Nhẫn, con người biết phản ứng nào, trong thời điểm nào là đem
lại lợi ích cho mình và cho người. Nhẫn không phải là triết lý xa vời,
Nhẫn áp dụng ngay trong đời sống hàng ngày, trong gia đình, trên đường
phố, trong cơ quan. Người biết nhẫn là người làm chủ tình cảm và lý trí,
với thái độ thể hiện tâm từ bi, từ đó biết làm dịu tình hình, giải tỏa
chuyện đúng sai khi tình thế thuận lợi và nếu thấy cần thiết, còn nếu
không, thời gian sẽ đi qua, mọi sự là vô thường.
May
thạy quanh ta có biết bao nhiêu người sống với Nhẫn, nếu không, cơn
giận của những hỏa diệm sơn, của những mái đầu xanh lẫn mái đầu bạc, sẽ
thiêu đốt cả thế gian này. Trong kinh Nhẫn Nhục, Đức Phật dạy: “Nhẫn là thuyền lớn vượt qua bể khổ, Nhẫn là thuốc hay cứu sống muôn người”.
Xuân
về, nên dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, người viết bài này không
lý luận nhiều, cho nên xin kết thúc bằng câu chuyện ngụ ngôn sau đây:
Ngày
xưa, có một cậu bé tính khí nổi nóng thất thường. Cha cậu cho cậu một
bao đinh và bảo cậu, cứ sau mỗi lần nổi nóng, hãy dùng búa đóng một cây
đinh vào hàng rào gỗ trước nhà. Ngày đầu tiên cậu bé nổi tam bành 37 lần
và cậu đóng 37 cây đinh vào hàng rào. Những ngày sau cũng thế, cứ nóng
bao nhiêu lần thì đóng chừng đó số đinh. May thay, số đinh đóng hàng
ngày giảm dần. Cậu bé nhận ra rằng, nén cơn giận là dễ hơn đóng đinh
trên hàng rào. Cuối cùng, cũng đến ngày cậu không còn nổi giận nữa. Cậu
tự hào kể với cha về chuyện đó, và người cha khuyên cậu từ nay, cứ mỗi
ngày cậu nén giận thì hãy cứ nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào. Ngày qua
ngày, cuối cùng cậu bé thưa cha tất cả đinh đã được nhổ ra. Người cha
nắm tay con và dẫn con ra hàng rào.
“Con
ơi, con đã làm thật tốt, nhưng kìa, hãy nhìn những dấu đinh trên hàng
rào! Hàng rào không còn giống như trước nữa. Khi con la lối trong cơn
giận, những câu đó để lại vết sẹo như những dấu đinh này. Khi con đâm
dao vào một người rồi rút dao ra, dầu sau này con nói ‘xin lỗi’ không
biết bao nhiêu lần, thì vết thương cũng vẫn còn đó”.
Chú thích:
1. Theo Valerie Ulene, special to the Los Angeles Times, 11-10-2010: When anger reaches the danger zone.
Cao Huy Hóa