Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thèm cái chộn rộn chiều cuối năm
20/01/2012 15:03 (GMT+7)

Ngày cứ trôi, mọi người cứ háo hức, riêng mình thấy bần thần, thấy trông trống một chút gì trong lòng. Và nhớ...

Chiều cuối năm, bà ngoại thường sang nhà gói giúp bánh chưng, bánh tét. Nếp, đậu xanh, lá chuối và lạt mẹ đã mua sẵn về từ hôm trước. Ăn cơm trưa xong là chị em chúng tôi đã thấp thỏm mong cái dáng gầy gầy, khòm khòm của ngoại hiện ra trước ngõ.

Nhớ bàn tay gầy gầy của ngoại - Ảnh: Minh họa

 Được ngồi bên ngoại, đưa từng tàu lá chuối, từng cái lạt giúp ngoại còn vui hơn gấp mấy lần cầm gói kẹo ngoại cho khi vừa vào nhà. Bàn tay xương xương của ngoại gói bánh, cột lạt đến đâu là chị em tôi lại dõi mắt theo đến đó, y như khán giả xem một nghệ nhân biểu diễn.

Mà công nhận ngoại giỏi thiệt, gói bánh chưng bằng tay, không khuôn mà cái nào cũng như cái ấy, vuông vức, đàng hoàng cho đến cả khi nấu xong, vớt ra. Thường thì khi còn một ít nếp và đậu xanh, ngoại cho chúng tôi tập gói. Những lần đầu tiên tập gói, năm nào sau khi vớt ra, cái bánh không ra hình thù gì của tôi gói cũng bị tuột lạt, vào nước. Vậy nhưng vui lắm.

Dần dần, qua sự chỉ dẫn của ngoại, tôi cũng đã biết gói được tương đối thế nào là cái bánh tét, thế nào là cái bánh chưng, cột đường lạt thế nào cho vừa, bẻ mép lá thế nào cho kín.

Những năm chị đi làm trong Sài Gòn, chiều cuối năm nào tôi cũng chạy ra chạy vào ngỏng cổ nhìn ra đường sắt trông chị về. Nhà ở gần đường sắt, cũng gần ga nên chị thường đi tàu lửa. Hành lý đem về không gì hơn ngoài một ít quần áo, một ít quà bánh cho ba mẹ và em út ở nhà.

Một năm vất vả, cực khổ nơi đất lạ quê người, về tới nhà, bỏ vali xuống là chị lại vào xem giúp nhà dọn dẹp, sửa sang, rửa ráy gì không. Và chị không quên chia quà cho tôi và bé út. Đâu nhiều nhặn gì, chỉ là gói kẹo thôi nhưng tôi thấy lòng vui và ấm áp lạ. Cảm giác trông chờ và đón một người thân ở xa về ăn Tết trong chiều cuối năm ít nhất tôi đã được trải nghiệm 3 lần.

Có năm, chạng vạng chiều ba mươi mà chị vẫn chưa về. Tôi cứ ra ngõ sau đứng chờ. Ba mẹ bảo chắc là tàu bị trễ, thôi vào nhà đợi, ở ngoài trời rủi đau rồi sao ăn Tết. Lòng buồn rười rượi, tôi đi vào. Hơn 8 giờ tối chị mới về. Tôi chạy ra sân, ôm chầm lấy chị như sợ bị ai đó lấy mất.

Chiều cuối năm, năm nào ba cũng làm một mâm cúng ông nội. Ba bảo đáng lẽ làm đám giỗ, nhưng chộn rộn quá, nhà cũng không khá giả gì, nhớ ngày ông mất mà cúng mâm cơm, ông cũng ấm lòng rồi. Loanh quanh làm gì rồi tôi cũng chạy lại phụ ba đun củi nồi nước sôi, nhổ lông gà, lông vịt. Rồi trước trong lúc chờ mẹ nấu nướng, dọn đồ lên mâm, bà đèo tôi trên chiếc xe đạp cũ lên thăm và thắp hương mộ ông nội. Thường thì là cuối chiều, đường đất mấp mô, lầy lội.

Trong khói hương nghi ngút, khu nghĩa địa có khá nhiều người đến viếng người thân. Sau 1 năm với biết bao công việc bộn bề, đây là lúc người ta nghĩ về người đã khuất với tất cả lòng chân thành. Đó đây, tiếng khóc sụt sùi ẩn hiện trong sương chiều. Lòng nghe se lại.

Ba dắt tôi đến bên mộ ông nội, đốt hương, lấy hoa ra và bảo tôi thắp hương và cắm hoa để ông ấm áp. Ông nội mất khi ba tôi vừa 5 tôi. Ba bảo muốn nói với ông điều gì tôi cứ nói, ông sẽ nghe và phù hộ tôi mạnh khoẻ, học hành tiến bộ. Rồi hai cha con về cho kịp những việc bề bộn khác ở nhà.

Chiều cuối năm, lòng thấp thỏm theo gánh cải mẹ gánh về còn ít hay nhiều. Buổi chợ cuối năm, người mua nhiều hồi ít hơn người bán. Dụm dành được luống rau, đám cải nào, bà con mình cũng đem xuống chợ bán để kiếm thêm vài đồng lo Tết nhất.

Gánh cải kĩu kịt trên vai mẹ xuống chợ từ sáng. Có năm, chiều tối ba mươi Tết, gánh cải lại theo về đến non nửa. Bỏ đi thì tiếc, gánh về thì cả nhà chỉ biết đứng nhìn nhau, nhìn công sức của mấy tháng trời giờ chỉ biết đem cho mấy con gà và bỏ vào chuồng trâu. Cho thì không ai lấy vì cả xóm ai cũng trồng rau, trồng cải. Mà nào dám cho cái của đã như gần héo hắt, xác xơ sau 1 ngày chợ. Đành tự mong rằng chắc sang năm sẽ bán được hơn. Nhưng rồi, năm nào cải bán được hết thì giá lại quá rẻ. Mẹ quảy đôi trạc trống trơn về mà những tiếng thở dài dù cố giấu vẫn không ngăn lại được.

Bà ngoại yếu dần. Chị lấy chồng. Ba vái xin lại đám giỗ ông nội trước 1 tháng. Chiều cuối năm chỉ còn trông chờ gánh cải mẹ mang về. Cái chộn rộn cũng vơi đi. Niềm vui, sự háo hức cũng không còn nguyên vẹn. Bộn bề với bao công việc, mẹ đặt mua luôn bánh chưng, bánh tét gói sẵn dưới chợ. Buồn thật sự mà không biết làm sao.

Tết cứ đến, tiếng cười nói, tiếng Karaoke hát xập xình bên nhà hàng xóm tràn vào đầu ngõ từ những ngày 27, 28.

Riêng tôi, lòng cứ thấy bơ vơ như đang tìm lại cái gì rất quý vừa đánh rơi đâu đây.

Nguyễn Thành Giang

http://giacngo.com.vn/tetnhamthin2012/tetvietkhapnoi/2012/01/20/12C619/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang