Người trí thức đọc xong hay xem phim xong thì bàn luận, phân tích đủ
chuyện về triết lý Phật đà cao siêu được hình tượng ẩn dụ và gởi gấm qua
tác phẩm. Người ít học thì rút ra bài học đạo lý bình thường, dễ hiểu
để áp dụng vào cuộc sống; chẳng hạn có bà mẹ la con rằng cn đừngbắt
chước Bát giới mà tham ăn thèm ngủ suốt ngày, lại có người thì bảo đừng
tưởng bở như thầy Tam Tạng, có ngày yêu tinh nó ăn thịt đấy…lũ trẻ con
thì cuồng nhiệt tán tụng và tranh nhau đónh vai Tôn Ngộ Không cứu thầy,
diệt yêu quái…ai ai cũng hâm một tác phẩm văn học và tác phẩm đã được
chuyển thể điện ảnh này.
Phải thừa nhận rằng không có một tác phẩm văn học nào trên cả thế
giới đạt được sự phổ biến cao hơn Tây Du Ký, và cũng không tác phẩm nào
đưa triết lý của đạo Phật đến được với quần chúng thành công hơn Tây du
ký.
Người viết nhớ không nhầm thì đã có một cuộc khảo sát ở Trung Quốc vớ
các em thanh thiếu nhi, xem trong 4 nhân vật chính của Tây du ký , ai
là người được hâm mộ nhất. Bất ngờ thay, đứng đầu bảng được trẻ em Tàu
hâm mộ là Tôn Ngộ KHông và thầy Tam Tạng lại đội sổ. Hóa ra dù trẻ
con, các em vẩn yêu mến những con người biết hành hiệp tượng nghĩa,
diệt ma trừ yêu, trọng nghĩa tình thầy trò, xông pha gian khổ mà lại
chịu nhiều oan trái. Hơn nữa các em còn biết ghét những kẻ nhẹ dạ, cả
tin thích nịnh nọt, chỉ biết xét người qua bè ngoài một cách cố chấp và
thiếu trí huệ (người viết trăm vạn lần tạ lỗi cùng thầy Tam Tạng khi
viết đến đây. Tất cà tại ông Ngô Thừa Ân bày ra đấy)
2- Bàn về Tây du ký có trăm vạn chuyện để nói, người viết chỉ viết về một trích đoạn mà bản thân rất thích:
Hồi 16: Núi Hắc Phong yêu quái trộm áo Cà sa.
Câu chuyện như vầy:
Thầy trò Đường Tăng và Tôn Ngộ Không khi đến gần núi Hắc Phong thì
thấy chùa Quan Âm. Cả hai liền ghé vào thắp hương và xin nghỉ chân, Hòa
thượng trụ trù chùa này đã 270 tuổi, “Có khoảng 700 chiếc áo cà sa.
Hào thượng ấy hay diện lắm, biểu khiêng 12 tủ áo ra. Đôi bên giăng dây;
tủ áo để giữa, lấy áo cà sa vắt từ cái, chỉ cho Tam Tạng với Hành Giả
coi.Thiệt là:Rằn rực cả nhà, đỏ đen bốn phía, những là kết hàng may gấm,
thêu chữ đính vàng”
Sao lại có mấy con số 12, 270, 700 ở đây nhỉ? Cụ Ngô Thừa Ân hẳn
không viết nhầm. Ngược lại., cụ có một ý tưởng thật vô cùng hài hước. Cứ
tưởng tượng cả một tòa nhà rộng lắm mới chứa nổi mười hai tủ áo ấy,
chúng ta mới thấy được cái biển lòng tham không đấy của con người. Giờ
đây, mấy cô minh tinh màn bạc hay người mẫu cũng không nhiều tủ đựng áo
bằng.Và khốn thay, chủ nhân ông của 700 cái áo cà sa kia là một nhà tu
hành hơn hai thế kỷ rưỡi, tánh lại hay diện.Ườ, ông ấy diện với ai trong
cái xó khỉ ho cò gáy, cách Trường An mươi muôn dặm đường? Ui chao! Thế
mới thấy cái lòng tham, lòng chấp ngã nặng nề như ri thì quả là độc nhất
vô nhị.
Nếu cụ Ngô Thừa Ân dừng lại ở đây thì có lẽ cũng không có gì đáng nói, ta hãy nghe tiếp chuyện cụ kể:
“Tôn Ngộ Không tức thì chạy vô mở gói, lấy áo của Thầy mình đem
ra; màu sáng do cà sa chiếu thấu hai tập giấy; mở giấy ra thì thấy hào
quang chói mắt, ánh sáng rực nhà; thầy nào cũng thất kinh, gãi đầu, le
lưỡi; nhứt là sư già trụ trì thấy áo, muốn lấy được mà thôi.
Sãi già liền khóc, quỳ xuống nói với Tam Tạng rằng:
- Tôi lấy làm vô duyên, xấu phước lắm!
Tam Tạng đỡ dậy nói rằng:
- Chuyện chi xin Thầy nói, làm sao lại khóc than?
Sãi già nói rằng:
- Mới giỡ áo báu ra, trời đà vừa tối, phần con mắt tôi lòa chằng
nhìn thấy rõ. Ấy là xấu phước vô duyên, không tủi làm sao cho đặng? Phải
chi thầy rộng rãi cho tôi mượn vào phòng coi cho sáng đêm nay, đến rạng
đông thì trả”
Đoạn hội thoại này theo người viết thì chúng ta xem phìm hẵn thú vị
hơn. Một ông sư già hom hem rồi, khóc nước mắt nước mũi chảy lậm lòa
lậm luện, lại quỳ xuống để van xin được xem kỹ cái áo cà sa. Hoạt kê đến
thế mà thôi. Cụ Ngô Thừa Ân tài tình thật!
Tuy nhiên tâm viên ý mã không dừng lại nơi đây. Cái đoạn kết của con đường lòng tham dẫn dắt chúng ta đi bào giò cũng bi đát.
Khi ấy sãi già đem gói áo vào phòng, hối đệ tử thắp đèn cho kịp, ôm gói áo mà khóc, nước mắt dầm dề…
Các sãi lấy làm lạ hỏi rằng:
- Vì cớ sao ông khóc làm vậy?…
Sãi già nói:
- Coi một giây một lát, rồi cũng như không? Ta 270 tuổi rồi, sắm cà sa hơn mấy tủ, xét lại mấy trăm áo đó, không bằng cái này. Nếu mặc đặng một ngày, chết cũng đặng nhắm mắt…
Có một hòa thượng nhỏ tên là Quảng Trí, ló cổ ra bạch rằng:
- Ông muốn bận hoài cũng không khó chi
Sãi già nghe nói, nửng rỡ hỏi rằng:
- Con tính làm sao đó?
Quảng Trí bạch rằng:
- Hai thầy trò họ ngày đi mê mệt, tối ngủ li bì, sẽ phá cửa vào
phòng cắt cổ đi cho rảnh, lại đặng gói đồ và con ngựa, áo cà sa truyền
tử lưu tôn. Sãi già nghe nói mừng lắm, alu nước mắt mà khen rằng:
- Kế ấy hay lắm, hãy đem dao búa cho mau
Có hòa thượng nhỏ là Quảng Mưu can rằng:
- Kế ấy không khéo, không khéo. Mình làm mưu hại nó, phải giữ thế
mới xong, anh mặt trắng thì dễ lắm, chú mặt lông e khó chịu, mình giết
mà không đặng, nó hại mình như chơi. Tôi xin dâng kế này. Đổ dầu bó củi
mà thiêu. Họ tưởng là cháy chùa, mình khỏi mắt thường nhân mạng.
Sãi già khen rằng:
- Hay lắm! hay lắm!
Sãi già bèn truyền vác hết mấy đống củi, chất giáp vòng chùa. Tội ác
thế là hình thành. Giết người cướp của một cách thâm hiểm. Không cần nói
dông dài làm gì, chúng ta tự chiêm nghiệm lấy mà thôi.
3- Rõ ràng đây chỉ là chuyện trong tiểu thuyết,
chuyện bịa đặt do tài hư cấu của nhà văn Ngô Thừa Ân. Thấy Huyền Trang
thực sự trong chuyến đi thỉnh kinh là một bậc đại trí, kiên trì tâm
nguyện dũng lược và tài giỏi, đức độ, phẩm hạnh tuyệt luân. Các bạn có
thể đọc tác phẩm Muôn dặm không mây của Tô Như Vân,
NXB Tổng Hợp, 2006, Tp. HCM để hiểu thêm sự nghiệp kỳ vĩ của bậc cao
tăng này. Cụ Ngô Thừa Ân thừa biết chuyện đó, thế mà viết chuyện để ca
ngợi đạo Phật lẽ nào lại chọc giận các tăng nhân như ri. Sao không cho
một con yêu quái đi cướp cà sa? À! Mà sao yêu quái lại đi cướp cà sa thì
không lô gich dù cái cà sa này rất quý giá. Thôi thì mượn tạm ông sãi
già vậy, vừa hợp lý, vừa nêu bật sức mạnh khủng khiếp của lòng tham. Và
chúng ta hiểu chẳng qua cụ chỉ muốn cường điệu để nói tới cai tác hại to
lớn của lòng THAM, một trong tam độc trong lời dạy của Đức Phật: Tham,
Sân, Si. Trong quyển Tây du ký có rất nhiều chương hồi viết về lòng
tham, chương hồi nào cũng hay. Tham trường sinh bất tử, tham tài hóa,
tham sắc tướng, tham danh vọng…đủ cả. Tội nghiệp thay, Thầy Tam Tạng lại
là đối tượng cho các lòng tham tấn công. Toàn là chuyện bịa trong tiểu
thuyết ấy mà. Có thật sự lòng tham tác động đến nhân sinh này khủng
khiếp như cụ Ngô Thừa Ân viết không nhỉ?
4- Tuy nhiên nhìn vào cuộc sống hiện tại trên toàn
thế giới, chúng ta thấy lòng tham khuynh loát quá nhiều con người. Bao
tội ác không tưởng nổi đã trở thành hiện thực.Thậm chí ngay cả mẹ giết
con, anh giết em, chồng giết vợ, tàn sát người không đắn đo, cướp đất,
cướp nhà, tham ô, nhũng lạm…Phải chăng tất cả đều dấy lên từ lòng THAM?
Không tôn giáo nào phê phán lòng tham quyết liệt hơn Phật giáo. Chỉ
riêng mảng này thôi để nói rằng đạo Phật đã cung cấp môt số giải pháp
cho xã hội hiện nay thì chẳng có gì, không có gì là quá đáng. Mọi người
cứ việc giữ năm giới của người tu tại gia thì xã hội đã tốt đẹp đến ngần
nào.
Đọc lại phần trích trên của Tây du ký để có dịp xét lại bản thân
mình, đừng để lòng THAM biến mình làm nô lệ. Một khi đã để lòng tham
nhuộm đen trái tim chúng ta thì không một thủ đoạn ghê gớm nào mà chúng
ta không dám làm. Hãy nhìn lại ông sãi già trong truyện để lấy đó làm
gương.
*Phần in nghiêng là trích từ ấn bản điện tử truyện Tây du ký của vnthuquan.com
NGUYÊN PHÚC| Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 114