Đức Phật và đệ tử của Ngài từ dân gian đi vào quyền quý, từ cội bồ
đề vào đến hoàng cung, từ Tứ Đế chuyển pháp Đại Thừa, sắc biến thành
không, không có trong sắc, đạt đến vô sở đắc, vô quái ngại, đắc A Nậu
Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Mô hình kiến trúc "Thất Trùng Già Lam" chùa Pháp Môn - Tây An
Cho nên những gì chúng sanh có, Đạo Phật đều đầy đủ, những gì chúng sanh cần Đạo Phật không thiếu, chỉ có khác bởi không bị "có không" ràng buộc, cũng chẳng vì "được mất" mà sanh phiền, "tùy duyên ứng hiện, trục loại tùy hình" đây
là tư tưởng, tinh thần chủ đạo của sự hình thành Phật Giáo Đại Thừa và
là kim chỉ nam cho sự phát triển của Phật Giáo Bắc Truyền.
Phật lìa hoàng cung để thành Phật, rồi lại trở về hoàng cung để
chuyển pháp, khi Đạo Phật đông truyền, duyên lành cụ túc gặp được các vị
quân vương phát tâm hộ pháp, hiến điện đường để làm nơi thuyết giáo,
tạo phạm cung để làm chổ phụng thờ, cho nên kiến trúc của Phật Giáo Bắc
Truyền có dư âm của hoàng cung đế khuyết, danh từ thường dùng trong
điện đường vương giả được Phật hóa tịch tĩnh thanh tao, oai nghiêm
thanh tịnh, trở thành danh từ thông dụng của mọi người khi nói đến kiến
trúc của Phật Giáo Phương Đông.
Điện, Đường là danh xưng chung cho tất cả các tòa
kiến trúc thuộc hệ thống kiến trúc truyền thống cung điện phong kiến
phương Đông, đai diện là Trung Hoa. Kiến trúc của tự viện Phật Giáo Bắc
Truyền do có sự hưởng của nền kiến trúc cung điện Trung Hoa, nên danh
xưng Điện, Đường cũng được dùng để gọi cho những tòa kiến trúc của Phật
Giáo, cho nên chức năng cũng như phẩm vị của từng tòa kiến trúc trong
tự viện Phật Giáo Bắc Truyền, cũng phải y theo sự quy định chặt chẽ của
lễ chế kiến trúc truyền thống cung điện Đông Phương.
Những tòa kiến trúc được gọi là Điện hay Đường trong hệ thống tự viện
của Phật Giáo Bắc Truyền, chúng ta dựa theo danh xưng đó, biết được
chức năng cũng như phẩm vị của từng tòa kiến trúc. Điện là kiến trúc thờ
tự Phật và Bồ Tát, nơi để chư Tăng cùng Phật tử hành lễ. Đường là kiến
trúc hoằng giáo, nơi để chư Tăng dùng trong việc thuyết pháp hành đạo.
Trong hệ thống kiến trúc Tòng Lâm Phật Giáo Bắc Truyền lấy Đại Điện
làm trung tâm, Đại Điện còn được xưng là Chánh Điện, hay Đại Hùng Bảo
Điện, có nơi gọi là Phật Điện, Kim Điện, còn gọi theo tên của từng Tượng
Phật Bồ Tát được thờ trong điện như: Tỳ Lô Điện, thờ tượng Tỳ Lô Giá
Na Phật; Dược Sư Điện; Tam Thánh Điện; Điện thờ đức Di Lặc Bồ Tát; Viên
Thông Bảo Điện thờ đức Bồ Tát Quán Thế Âm; Địa Tạng Điện, trong sách
Thích Môn Chánh Thống quyển 3 Tháp Trụ Chí chép: "Nay trong Điện tôn trí
tượng Đức Thích Ca, Văn Thù, Phổ Hiền, A Nan, Ca Diếp, Phạm Vương, Kim
Cang..."
Vi Đà Điện, Kim Cang Điện, Tứ Thiên Vương Điện: là nơi tôn thờ các vị Hộ Pháp thần, Hộ Giáo thần trong Phật Giáo.v.v...Trong sách Tăng Sử Lược quyển hạ chép:
"Đời Đường niên hiệu Thiên Bảo nguyên niên (742) khi năm nước ở Tây
Vực đến xâm chiếm Trường An, có truyền thuyết kể rằng các vị Thiên
Vương hiện thân giúp Vua Đường Huyền Tông ngăn giặc, khi vua chạy về
các thành và châu, phủ ở tây bắc đều thấy có thờ tượng Thiên Vương, về
sau ra lịnh cho các chùa đều phải cất điện riêng để phụng thờ Thiên
Vương..."
Tạng Kinh Các (Lâu), Chuyển Luân Điện, Xá Lợi Điện:
là nơi tôn trí Kinh Điển, Pháp vật đồng thời cũng là nơi tôn thờ Xá Lợi
Phật hoặc thánh Tăng. Trong sách Đàm Châu Sùng Phúc Thiền Viện Thiên
Phật Các Ký chép: "Các sau khi dựng xong, nguy nga cao đến chín tầng,
tượng Đức Phật Thích Ca, Di Lặc, Dược Sư được tôn trí ở giữa, một ngàn
tượng Đức Phật được thờ xung quanh..."
Khai Sơn Đường, Tổ Sư Đường, Ảnh Đường, La Hán Đường: là nơi tôn thờ các vị La Hán, lịch đại Tổ Sư, của phật giáo nói chung và của Tông Phái nói riêng. Trong sách Lâm Gian Lục chép:
"Tùng Lâm trong thiên hạ hưng thạnh, Tổ Đường tôn thờ tượng Đạt Ma Tổ
sư, bên phía Tây thường tôn trí tượng ngài Bách Trượng Đai Trí Thiền
Sư, bên phía Đông thường thờ các bậc tôn túc khai sơn liệt vị Tổ sư..."
một góc kiến trúc thất trùng già lam chùa Long Hưng - Chánh Định - Hồ Bắc
Pháp Đường: trong sách Lục Học Tăng Truyện chép:
"Pháp đường còn gọi là giảng đường, là nơi diền thuyết Phật Pháp, quy
y, thọ giới, tập hội. Trong kiến trúc tự viện có vị trí quan trọng chỉ
đứng sau Phật Điện, thông thường được cất đằng sau Chánh Điện. Pháp
đường được ngài Đạo An đời Tấn xây dựng...". Sau đó các tông phái Phật
Giáo Bắc Truyền theo sự tu trì của tông phái mình đổi tên Pháp Đường
thành Thiền Đường, Bản Đường, Học Giới Đường, Sám Hối Đường, Niệm Phật
Đường, Vân Thủy Đường, là nơi tập chúng giảng Kinh, thuyết Pháp, hội
họp, khóa tu, Phật thất.v.v…
Trai Đường, Thực Đường, Khách Đường, Tẩm Đường, Phương Trượng, Trà Đường, Diên Thọ Đường,
là khu sinh hoạt thường ngày của chư Tăng như: ăn cơm, tiếp khách,
nghĩ ngơi, khu vực trú xứ của trụ trì, nơi trụ trì tiếp khách, nơi chư
Tăng thực hành trà đạo, trú xứ của các bậc cao niên túc hạ trong Tòng
Lâm.
Đại đa số các ngôi chùa xưa của Phật Giáo Bắc Truyền khi xây cất chùa
chiền các bậc tôn túc thường chú ý chọn nơi sơn thanh thủy tú, phước
địa dõng kim liên, để xây cất chùa, và yếu tố Phong Thủy cổ truyền luôn
là ý niệm chỉ đạo trong việc đặt hướng, địa vị xây cất. Khi xây dựng
một ngôi chùa đầu tiên và trên hết là định vị tìm vị trí tốt nhất trong
cuộc đất để xây dựng Chánh Điện, rồi sau đó xây dựng Tiền Điện và Hậu
Điện, hoàn thành trục kiến trúc trung tâm của chùa.
Đây là kiến trúc tam trùng già lam một ngôi chùa tại Nam Kinh - Trung Quốc
Trong sách Đàm Châu Bạch Lộc Sơn Linh Ứng Tự Đại Phật Điện Ký chép:
"Thế Tôn di giáo, đệ tử nhơn vì pháp mà tương phùng, nên phải y theo
pháp mà trụ... khi xây dựng trú xứ, việc trước tiên phải xây dựng Đại
Điện, để an vị Tượng Phật Bồ Tát, để tất cả mọi người khi đến biết là
trú xứ của Như Lai mà làm nơi quy hướng, ngày đêm tu hành, làm cho chánh
pháp được trụ ở thế gian dài lâu là báo ân đức của Phật vậy".
Nếu ngôi chùa xây dựng thuộc thể chế kiến trúc Tam Trùng Già Lam thì có Tam Quan, Đại Điện và Pháp Đường, nếu xây theo Ngũ Trùng Già Lam thì gồm có Sơn Môn, Thiên Vương Điện, Đại Điện, Pháp Đường, (Phương Trượng) và Tàng Kinh Các, nếu là xây theo thể chế Thất Trùng Già Lam
thì gồm có Sơn Môn, Bảo Tháp, Thiên Vương Điện, Đại Điện, Pháp Đường,
Phương Trượng, Tạng Kinh Lâu, đây là trục trung tâm của kiến trúc các
ngôi chùa truyền thống của Phật Giáo Bắc Truyền.
Hai bên của trục kiến trúc chính thường phối trí hai dãy kiến trúc
phụ thường được gọi là phối điện hoặc là Đông Đường, Tây Đường, nếu như
chùa có trường lang bao bọc hai bên thì gọi là Đông Lang, Tây Lang.
Trai đường, Thiền Đường, Già Lam Điện, Tổ Đường, Bồ Tát Điện, Pháp
Đường, Niệm Phật Đường.v.v...
Hình ảnh kiến trúc chụp từ trên cao chùa Tường Phù nằm trong quần thể kiến trúc Linh Sơn Đại Phật - Vô Tích
Trong sách Tín Châu Thiên Ninh Tự Ký chép: "Vào đến
cổng chùa lầu các mái chùa xen nhau trùng điệp, bước lên Quang Minh
Điện (Phật Điện), bên phía tây có Vân Hội Đường (Thiền Đường), nơi đón
nhận các phương Tăng chúng đến tu học, lại có Pháp Bảo Tạng, nơi tàng
chứa Đại thừa Pháp bảo, đai chuyển luân, để quảng nhiếp chỉ đạo các căn
bản pháp. Phía đông có Hương Tích Trù (Trai Đường) lo thanh trai dưa
muối đạm bạt, cạnh có Chức Sự Đường (khố đường) thâu nhập của bố thí
của đàn na. Đặc biệt Thiện Pháp Đường (giảng đường) được dựng ở trục
trung ương để diễn dương diệu pháp, sau Thiện Pháp Đường, khai Tỳ Da
Trượng Thất (Phương Trượng) để thọ đạo chúng Tăng."
Kiến trúc Điện Đường Phật Giáo Bắc Truyền, danh xưng có từ nguồn gốc
kiến trúc cung điện truyền thống Đông Phương, nhưng khi được Phật hóa
những danh từ được Tăng già chấp nhận, được dùng rộng rãi trong hầu hết
các trụ xứ Phật Giáo Bắc Truyền và trở thành một phần không thể thiếu
trong văn hóa sống thanh tịnh của Phật Giáo Đông Phương.
Thích Tâm Mãn
(chuaminhthanh.com)