Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Giao thông Yangon - Hà Nội hai thái cực & Phật giáo
05/07/2012 21:18 (GMT+7)


Vì sao một thành phố nghèo như Yangon lại quy củ và yên bình đến thế? Vì sao họ có thể làm ra những công trình vĩ đại khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ?... Một loạt câu hỏi về lý thì khó trả lời, nhưng nhìn dưới góc độ… lạ một chút thì hóa ra cực kỳ đơn giản.

Theo quan điểm cá nhân tôi, là quốc gia Phật giáo, Myanmar có tới 95% dân số theo đạo Phật, họ nhìn nhận, giải quyết các vấn đề dưới góc độ Phật giáo.

Bị cấm vận trong rất nhiều năm nên Yangon khá nghèo so với thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Nhưng lạ ở chỗ họ bình thản, tự tại với cuộc sống hiện có, không “cắm đầu cắm cổ vào kiếm tiền” như ở ta. Sau những giờ phút vất vả bươn chải kiếm sống, họ lại có những thời khắc ngồi tĩnh lặng trong chùa hay thậm chí ở ngoài sân chùa, niệm Phật, suy ngẫm về bản thân, về nhân quả. Tiền kiếm được họ chỉ tiêu một phần, số còn lại công đức để mở mang, tu bổ chùa chiền, giúp đỡ người tu tuyệt đối. Một điều dễ dàng cảm nhận ở những người tôi được tiếp xúc ở Yangon là họ rất tôn trọng luật pháp, tôn trọng giới luật của nhà Phật.


Rất hiếm khi nhìn thấy cảnh sát giao thông trên đường phố Yangon.
Nhưng khi mất điện, cảnh sát xuất hiện nhanh chóng để điều khiển giao thông.


Trong khi đó tại Hà Nội, nếu vắng bóng CSGT là nhiều người vô tư vượt đèn đỏ, vi phạm an toàn giao thông. Thậm chí người đi bộ, đi xe đạp vi phạm luật phớt lờ cả CSGT. Ảnh internet.

Suốt mấy ngày ở Yangon, tuyệt nhiên tôi không thấy một vụ va chạm, đánh chửi nhau nào, thậm chí to tiếng cũng không. Hình như quan niệm “gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy” như triết lý luân hồi, nhân quả-báo ứng khiến họ “chùn” lại trước mỗi sự việc thì phải.

Một điều lạ, đáng khâm phục nữa là người tham gia giao thông ở Yangon rất chấp hành pháp luật. Mỗi khi từ đường phụ nhập vào đường chính, họ luôn dừng xe quan sát, có khi đợi vài phút để an toàn mới nhập xe vào làn. Người đi bộ có thể sang đường bất kỳ chỗ nào, nhưng nếu họ dừng ở các vạch sơn phân làn để quan sát thì gần như an toàn tuyệt đối, bởi không thấy ai đè vạch, lấn làn. Nhiều khi xe ở làn đường họ đang lưu thông bị dồn lại, trong khi làn bên cạnh rất vắng, họ vẫn kiên nhẫn chờ, không lách sang. Bởi nếu lách sang là có thể gây tai nạn và bị phạt nặng.

Lạ hơn nữa là họ tự giác chấp hành chứ không phải vì có cảnh sát giao thông trên đường phố, cũng không hề có camera giám sát hiện đại như nhiều nước khác.



Hệ thống vạch chỉ dẫn giao thông được sơn rất sắc nét ngay trên mặt đường.
Người dân di chuyển trên những chiếc xe chật cứng, nhưng không thấy ai phàn nàn.
Sự nhẫn nhịn đến tuyệt vời của họ giúp hóa giải rất nhiều điều.



Kiểu tham gia giao thông không ai nhường ai, đấu đầu vào nhau thế này kiểu gì đường chả tắc.

Tại Yangon, rất ít thấy cảnh bán hàng trên vỉa hè, càng ít khi thấy quán rượu, bia trên hè phố. 
Trong khi ở Hà Nội lại rất ít vỉa hè phố không có quán bia hơi, quán rượu hay chè chén. Nhiều khi quán bia hơi còn tràn cả xuống lòng đường. Còn đâu lối đi cho người đi bộ?


Người dân Yangon rất thân thiện. Những đàn chim bồ câu thoải mái kiếm ăn ngay trên phố, không một ai xua đuổi hay bắn trộm. Nếu ở Hà Nội thì sao?

 

Bài học từ chùa Vàng Shwedagon

 

 

Tại Yangon có chùa Shwedagon hay Chùa Vàng, được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất Myanma. Tại đây có lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Tháp chính của chùa cao tới 98 mét (tính đến đỉnh awngten thì cao 124m). Trên tháp này được được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15 g) và một số viên kim cương nhỏ hơn. Xung quanh tháp là những tấm vàng ròng dát mỏng được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống. Vậy nhưng du khách rất hiếm khi nhìn thấy cảnh sát bảo vệ, ngoại trừ lối vào tâm tháp, nơi an vị pho tượng phật cổ có viên kim cương khổng lồ giữa trán.

Đây được coi là biểu tượng của Myanmar. Mỗi ngày thu hút hàng chục ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đến chiêm bái. Có thông tin nói UNESCO từng ngỏ ý muốn công nhận Shwedagon là Di sản thế giới, nhưng Myanmar không chấp nhận. Bởi lẽ bản thân Shwedagon là di sản, công nhận hay không cũng thế mà thôi. Hơn nữa đây là biểu tượng phật giáo, không thể đem gì so sánh với Đức Phật - bậc đại Từ, đại Bi, đại Trí, đại Dũng.

Tìm hiểu về Shwedagon càng thấy rõ, bên cạnh ý thức tuyệt vời của người dân ở đây, các công trình văn hóa, xã hội ở Yangon thể hiện rõ sự nhất quán, kế thừa, tiếp nối một cách bài bản của nhà chức trách.

Còn rất nhiều thứ thú vị đáng suy ngẫm giữa một Yangon nghèo nhưng quy củ, thanh bình, giao thông luôn thông suốt, với một Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, nhưng giao thông suốt ngày ách tắc, đường xá đào lên lấp xuống... Ngắm nhìn Yangon và Hà Nội, chợt "ngộ" ra nhiều điều, nhưng tựu chung lại thì: Muốn đô thị văn minh, giao thông thông suốt, cần những quyết sách có tầm của những người có tâm triển khai-thực hiện. Thiếu một trong hai thứ này thì dù có cấm ô tô, hay tăng thêm phí cũng chỉ là giải pháp tình thế cho phần ngọn mà thôi.

Có rất nhiều bài học cho Hà Nội và các đô thị ở Việt Nam qua cách nhìn từ Yangon hay nhiều thành phố khác trên thế giới, nhưng vấn đề là chúng ta có dám học không, ai học, ai làm, bao giờ làm?... Đây là điều cực đơn giản nhưng cũng vô cùng khó…

 

Hà Phương

Theo: An ninh Thủ đô 

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang