Trong các nghi thức hành trì, trong pháp
hội đàn tràng Phật Giáo Bắc Truyền có một nghi thức chuyên về vũ đạo
còn gọi là Phật Vũ, đây là một trong những nghi thức xuất hiện từ rất
sớm trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, căn cứ
theo sự ghi chép của các bộ Kinh Điển Đại Thừa, như trong Kinh Bát Thập
Hoa Nghiêm quyển 36 có đoạn chép: "Bồ Tát Ma Ha Tát vì lời ích của
chúng sanh, cho nên tất cả những việc như ca kỷ nghệ thuật của thế gian
không cần phải học như, thơ văn vịnh tán, ca múa nhạc kịch, kể truyện
vui cười v.v... đều cho là việc thiện" .
Vũ đạo, theo quan niệm của thế gian, đây
là một môn nghệ thuật dùng hình tướng và động tác để thể hiện những ước
mơ, nguyện vọng, tình cảm, hỷ lạc, phẩn nộ, ai thương của con người mà
không cần dùng đến ngôn ngữ, cũng có thể khiến người khác hiểu và cảm
thông được thông qua các động tác. Vũ đạo cũng có thể dùng các động tác
để thể hiện tích truyện xưa.v.v...
Vũ đạo cũng có thể khiến cho người xem
cảm nhận được những chân lý của cuộc sống, vui buồn theo tích truyện mà
mình đang thưởng thức, đồng cảm cùng tích truyện, và đôi khi thông qua
việc thưởng thức nghệ thuật vũ đạo, con người có thể đạt đến sự tỉnh ngộ
hồi chuyển thân tâm. Chính vì những tiện ích trên, vì vậy vũ đạo được
các vị truyền giáo đại sư Phật Giáo sử dụng để chuyển tải ngôn ngữ Giáo
lý Đại Thừa đến với các dân tộc ở Đông Phương, vượt qua sự trở ngại của
ngôn ngữ, cũng như sự không đồng nhất về truyền thống văn hóa.
Nói đến dùng ca múa xướng kị để làm Pháp
môn tu hành và cũng là phương tiện độ sanh thì trong Kinh Bát Thập Hoa
Nghiêm Phẩm Nhập Pháp Giới có đoạn chép: "Thiện Tài đồng tử khi đi tham
vấn Phổ Cứu Chúng Sanh Dạ Thần, thỉnh thần chỉ bảo, như thế nào để tu
hành, Dạ Thần kể rằng về thuở quá khứ từng có người lấy việc ca múa để
cúng dường Phật, Phật Đà liền phóng hào quang lông trắng giữa chặn mày
phủ khắp thân của người đó, nhờ đó nên đắc được pháp phương tiện bất
thoái tạng giải thoát môn.".
Ấn Độ là một trong những nước có nền
nghệ thuật ca múa lâu đời nổi tiếng thế giới, đồng thời cũng là một
trong những cái nôi của nghệ thuật vũ đạo của nhân loại. Vũ Đạo có từ
rất sớm và được ghi chép trong nhiều sách sử cổ xưa Ấn Độ, ngày nay
trong các bộ Kinh cổ của Phật Giáo cũng còn có nhiều đoạn ghi chép về
việc tấu nhạc ca hát trong cung đình Ấn Độ cũng như trong pháp hội Phật
Giáo, qua đó cho thấy vào thời kỳ Phật còn tại thế, việc ca múa hát
xướng đã rất được lưu hành.
Vũ Đạo được coi như một trong những môn
nghệ thuật của nhân loại, thời thượng cổ khi trình độ dân trí còn thấp,
sự hiểu biết về các hiện tượng tự nhiên trời đất còn rất mơ hồ, những
hiện tượng biến hóa của thiên nhiên như đất, nước, gió, lửa, cho đến
bịnh đau già chết của con người, loài người không thể không lo âu sợ hãi
và cũng không có cách nào để hiểu và giải thích được các hiện tượng
này, cho nên cho rằng tất cả các hiện tượng này là do có sự tác động của
các thế lực ngoài vũ trụ, như là thượng đế, thần thánh.v.v... Vì thế
nên cần phải tôn thờ cúng bái cầu nguyện để được phù hộ chở che, đây
chính là một trong những nguyên nhân chính để hình thành tôn giáo, cũng
như các nghi thức lễ tế trong tôn giáo.
Trong các nghi thức của các tôn giáo cổ
xưa, người được đứng ra thực hành các nghi thức tết lễ thường là các vị
Vu Sư, dân gian thường gọi là ông đồng bà cốt, trong nghi thức tế lễ các
vị Vu Sư thường dùng vũ đạo làm phương cách để thỉnh thần thánh cũng
như diễn đạt những ý niệm linh thiên. Vì vậy dần dần vũ đạo trở thành
một trong những nghi thức quan trọng và phương tiện chính trong việc
giao tiếp với thần thánh, cũng như thể hiện ý niệm của các bậc linh
thiêng trong các buổi tế lễ.
Vũ Đạo còn một tác dụng nữa là có thể
tập hợp được quần chúng, khi mọi người cùng tham gia vào múa hát tinh
thần sẽ được liên kết và hình thành một hệ tư tưởng chung nhất, và cuối
cùng sẽ nẩy sinh hiện tượng đồng tông đồng giáo, đây là cốt lỏi quan
trọng để cho một tôn giáo hình thành, phát triển và tồn tại, chính vì
vậy mà hầu hết các tôn giáo trên thế giới, ít nhiều đều có vũ đạo của
riêng mình và đây là một trong những đặc điểm truyền thống chung nhất
cho sự hình thành của các tôn giáo.
Vũ Đạo trong Phật Giáo được hình thành
có từ nguồn gốc vũ đạo của Bà La Môn Giáo kết hợp với truyền thống vũ
đạo cung đình cổ xưa Ấn Độ, theo sự ghi chép trong Kinh Lê Câu Vệ Đà,
người Ấn Độ thời cổ đại có rất nhiều hoạt động tôn giáo tín ngưỡng cũng
như các hội hè đình đám trong dân gian cũng như cung đình, đa số đều có
dùng đến âm nhạc và vũ đạo, đến đầu công nguyên thì có học giả Bà La Đa
Mâu Ni đúc kết kinh nghiệm về nghệ thuật ca múa của tiền nhân Ấn Độ, tạo
thành bộ Vũ Luận (Natya-Sastra) tổng kết lại quá trình hình thành cũng
như phát triển của nghệ thuật ca múa, hí kịch, thanh nhạc, vũ đạo của Ấn
Độ trong suốt gần 1000 năm.
Phật Giáo Ấn Độ thời kỳ đầu khi tín
ngưỡng tôn thờ Xá Lợi Phật, xuất hiện, hình thành và phát triển trong
Phật Giáo, các tháp miếu tôn thờ Xá Lợi Phật đại đa số đều do cư sĩ tại
gia quản lý, ban đầu người dân đến các tháp Phật chỉ để lễ bái, nhiễu
tháp kinh hành để tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật, lâu dần do những
nhu cầu tín ngưỡng cũng như truyền thống, tập tục tôn thờ thần thánh của
người dân Ấn Độ, Đức Phật được người dân tôn sùng như một vị thần linh
và các nghi thức tế lễ cúng kính trong dân gian cũng như cầu nguyện dần
dần được đưa vào trong Phật Giáo, và hình thành ý niệm tín ngưỡng tôn
thờ cầu nguyện trong Phật Giáo.
Phật Giáo thời kỳ đầu đa số Tăng sĩ cũng
như tín đồ đều có nguồn gốc từ đạo Bà La Môn, cho nên các hình thức tế
lễ, vũ đạo, âm nhạc của Bà La Môn Giáo được đưa vào trong các nghi thức
thờ cúng của Phật Giáo là một việc hết sức tự nhiên và rất ít gặp phải
sự chống đối, nhất là Phật Giáo Đại Thừa với tinh thần "tùy thuận chúng
sanh" tạo ra một tính cách Phật Giáo mới dựa trên tinh thần dân tộc để
hóa độ, cho nên tất cả những gì là tinh hoa của dân tộc đều được Phật
Giáo Đại Thừa dung nạp và chuyển hóa thành các pháp "Tùy Duyên" để hoằng
truyền Thành Đạo.
Phật Vũ trong Phật Giáo ở Ấn Độ một số
được ghi chép trong các Kinh điển Đại Thừa , ngoài ra còn có một số Phật
vũ kịch được các vị Tổ sư biên trước ra sau khi Phật diệt độ như kịch
vũ "Xá Lợi Phất Chi Sở Thuyết" của ngài Mã Minh Bồ Tát, kịch vũ "Long
Vương Chi Hỷ" của Ngài Giới Mục Vương.v.v... cho đến các dấu tích còn
lại trên các phù điêu, điêu khắc các công trình kiến trúc của Phật Giáo,
qua đó cho ta thấy thời kỳ đầu của Phật Giáo sau khi Phật diệt độ, chư
vị Tổ sư dùng vũ kịch Phật Giáo để truyền giáo trong các lễ hội đã rất
thịnh hành tại Ấn Độ.
Phật Giáo Đông Truyền, các nghi thức tế
lễ cũng như vũ nhạc trong Phật Giáo Đại Thừa cũng được truyền vào Đông
Độ. Đông Độ được xưng là "Lễ nhạc chi ban" nơi mà lễ nhạc được coi là
văn hóa, vì vậy khi vũ nhạc của Phật Giáo được truyền vào lập tức được
người Đông Độ tiếp thu và chấp nhận.
Thời kỳ đầu đa số người tín ngưỡng Phật
Giáo đều là vua chúa và các tầng lớp quý tộc, cho nên các vị truyền giáo
đại sư thường dùng các pháp phương tiện thuộc về tín ngưỡng, lễ nghi
cúng bái để đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ, đồng thời coi đây cũng là
một trong những phương tiện hữu hiệu để truyền bá Đạo Phật.
Các nước thuộc hệ thống Bắc Truyền Phật
Giáo, hầu như trong các nghi thức lễ tế tín ngưỡng Phật Giáo, đều có sự
hiện diện của các vũ đạo Phật Giáo; như Tây Tạng có Kim Cang Phật Vũ,
Hàn Quốc có Vô Ngại Phật Vũ, Nhật Bản có Lâm Ấp Bát Nhạc Phật Vũ, Trung
Quốc có Liên Hoa Đài Vũ, Việt Nam có Lục Cúng Hoa Đăng Vũ .v.v...
Phật Giáo Đông Truyền bằng hai đường
thủy và bộ, đường thủy truyền qua Việt Nam hình thành trung tâm Phật
Giáo Luy Lâu, đường bộ truyền qua Trung Quốc hình thành hai trung tâm
Phật Giáo ở Lạc Dương kinh đô nhà Hán và Bình Thành. Âm nhạc vũ kịch từ
rất sớm được truyền vào Việt Nam như trong sách Ngô Chí chép: "... khi
ra đường người ta thường nghe có tiếng khánh lẫn tiềng trống kèn, bọn rợ
Hồ đi theo thắp hương hai bên xe...". Cũng trong sách Ngô Chí lại có
đoạn chép : "Xưa Chu Phù.....làm thứ sử Giao Châu, bỏ sách vở thánh
hiền... thường mặc áo đỏ vàng, đầu bịt khăn, gảy đàn đốt hương...". Qua
đó cho ta thấy từ rất sớm âm nhạc vũ kịch Phật Giáo đã được chư vị
Truyền Giáo Đại Sư truyền vào Việt Nam.
Phật
Giáo Việt Nam đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần thì phát triển cực thạnh và
vũ nhạc Phật Giáo cũng theo đó thăng hoa, vũ nhạc thời này còn có sự ảnh
hưởng của nhạc vũ Chiêm Thành, ngày nay trên các bệ đá thời Lý Trần
cũng như trên các phù điêu của các chùa chiền thời kỳ này đều có hình
ảnh của các vũ công múa hát, qua đó có thể nhận định đến thời kỳ này vũ
nhạc Phật Giáo đã phổ biến trong dân gian.
Căn cứ theo sử liệu thì vũ nhạc Phật
Giáo Trung Quốc được truyền vào khoảng cuối thời Tây Hán, từ các nước
Trung Á được gọi là "Thiên Trúc nhạc", đến thời Nam Bắc Triều có Quy Tư
nhạc do tướng Phù Kiên đi đánh nước Quy Tư đem về với Ngài Cưu Ma La
Thập, sau đó "Quy Tư Nhạc" kết hợp cùng với nhạc truyền thống của Trung
Quốc thành "Tây Kinh Nhạc" trong đó có vũ khúc "Vu Điền Phật Vũ " rất
nổi tiếng. Theo sách Ngụy Thư chép: "Khan Sanh Vương tánh tình kiêu
dũng... thường tại yến hội múa Kim Cang Lực Sĩ Vũ".
Đến thời Tùy Đường thì vũ nhạc Phật Giáo
phát triển đạt đến thời kỳ cực thạnh, ngày này hầu hết các bức tranh
bích họa trong các ngôi chùa thời Đường nhất là ở Đôn Hoàng đều có vết
tích hình ảnh của các vũ công Phật Giáo cũng như các lễ hội Phật Giáo có
biểu diễn vũ nhạc. Thời kỳ này chư Tăng đi qua Tây Trúc cầu pháp rất
đông tạo thành một trào lưu trong Phật Giáo, làm cho văn hóa Đông Tây
được thông thương trong đó có Phật vũ, những vũ khúc nổi tiếng của Phật
Giáo được truyền vào Đông Độ như : "Ngũ Phương Sư Tử Vũ" , "Phật Thuyết
Thái Tử Đoan Ứng Kinh".v.v...
Đến đời Tống vũ kịch Phật Giáo hoàn toàn
hòa nhập vào nghệ thuật kịch vũ bản địa, tạo thành những kịch vũ thuần
chất Phật Giáo Bắc Truyền như "Mục Liên Cứu Mẫu", "Thiên Thủ Quán Âm
Vũ", "Ngư Lam Quán Âm Vũ", nhưng nổi tiếng nhất là "Bồ Tát Biến Vũ" tức
là do một đoàn chư Tăng mặc áo đắp y, đầu đội mão Vân Quan biểu diễn Bồ
Tát dâng hoa cúng dường Phật. Vũ khúc "Bồ Tát Hiến Hoa" này được truyền
rộng rãi ra các nước lân cận, nhất là Việt Nam và đây có thể là nguồn
gốc của vũ khúc "Lục Cúng Hoa Đăng" của Phật Giáo Việt Nam.
Vì sao Phật Giáo lại sử dụng vũ đạo
trong các nghi thức tín ngưỡng truyền thống của mình, theo tinh thần của
Kinh Bát Thập Hoa Nghiêm quyển thứ 56 lại có chép: "Bồ Tát Ma Ha Tát
khi đạt đến thành tựu kỷ sảo của các phương tiện cứu cánh bỉ ngạn, chỉ
có một niệm tinh cần luôn hướng về hóa độ hết thảy chúng sanh, cho nên
ra vào trong sanh tử... cho đến những việc như, ca múa vũ kịch đều có
thể thị hiện, không có việc nào mà không tinh xảo". Qua đó có thể thấy
từ rất lâu, chư Bồ Tát đã dùng đến các việc như ca múa vũ kịch làm pháp
môn hành trì để làm phương tiện độ sanh.
Đại Thừa Phật Giáo theo tinh thần của
Kinh Pháp Hoa là dùng ca múa xướng kị để cúng dường Phật, đây chính là
nguyên nhân cho việc ca múa được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ của
Phật Giáo Đại Thừa. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phân Biệt Công
Đức có chép: "Phật dạy nên lấy hương bột, hương thoa, hương đốt và các
thứ trống, kỹ nhạc, ống tiêu ống địch, kèn không hầu, các bài múa chơi,
dùng tiếng giọng tốt để ca ngâm tán tụng khen ngợi.v.v... cúng dường
công đức tháp của Phật, tất cả việc làm đó đồng với việc đọc tụng kinh
điển.".
Vũ Đạo theo tinh thần của Đại Thừa Phật
Giáo là một trong những nghi quỹ tối thắng nhất, đầy các công đức lực
kiến giải Phật Pháp cũng như giải thoát cứu cánh. Vũ đạo có thể trong
một lúc thể hiện đầy đủ Tam thân Phật, Thanh Tịnh Pháp Thân, Viên Mãn
Báo Thân và Thiên Bá ức Hóa Thân. Người đang múa là tự thân thể nhập
thanh tịnh thế giới thân tịnh cảnh tịnh, nên đồng nghĩa với Pháp giới
thanh tịnh nên hiện Thanh Tịnh Pháp Thân.
Vũ đạo từ cảnh tịnh thân tịnh, thể hiện
các động tác vũ đạo thanh tịnh, ứng hiện thân cụ túc viên mãn của chư
Phật đến trước quần chúng, khiến cho quán chúng nhận chân thân Phật,
phát tâm Bồ đề viên mãn, cho nên đồng nhất với thân tâm thanh tịnh viên
mãn đạt đến thành tựu nhị thân thanh tịnh viên mãn, chính đây là cốt lõi
của hành giả thực hành vũ đạo của Đại Thừa.
Đại chúng dự vào vũ hội tự mình cảm nhận
được tông chỉ của Phật Thừa sanh tâm hoan hỷ phát Bồ đề tâm tu hành
giải thoát, đây tức là những vị Phật của tương lai đồng nghĩa với Thiên
Bá ức Hóa Thân Phật, đây là ý nghĩa cũng như công năng của vũ đạo được
sử dụng trong các nghi lễ của Phật giáo.
Vũ Đạo trong Phật Giáo được hình thành
đầu tiên do như cầu tín ngưỡng, sau đó được các nhà Truyền Giáo Đại Sư
sử dụng làm phương tiện để truyền bá Phật Pháp, cho nên mục đích cũng
như ý nghĩa của vũ đạo trong Phật Giáo có hàm ý khác hẳn với các tôn
giáo khác như: Phật Giáo dùng vũ đạo làm phương tiện để hoằng pháp lợi
sanh. Phật Giáo dùng vũ đạo biểu đạt tâm thành kính dâng lên cúng dường
Tam Bảo. Phật Giáo dùng vũ đạo để cổ vũ tinh thần, tán thán công đức của
chư Phật, Bồ Tát, thậm chí đến cả chúng sanh làm sao cho họ cảm động
phát tâm kính tin Tam Bảo tu hành giải thoát. Đạo Phật dùng vũ đạo để
cảm ân, tán thán công đức của chư Phật, thâm ý vi diệu của Pháp Bảo,
thanh tịnh hòa hợp của Tăng Già.
Vũ đạo Bà La Môn Giáo - Ấn Độ
Phật Vũ: Phật Thuyết Thái Tử Đoan Ứng Kinh - Phật Giáo Nhật Bản
Bồ Tát Vũ - Phật Giáo Nhật Bản
Lâm Ấp Phật Vũ - Phật Giáo Nhật Bản
Tăng vũ Phật Giáo Hàn Quốc
Đồng La Phật Vũ - Phật Giáo Hàn Quốc
Đường Đại Đôn Hoàng Phi Thiên Vũ - Trung Quốc
Vũ đạo Thiên Thủ Quán Âm - Phật Giáo Trung Quốc
Tăng Vũ Phật Giáo Tây Tạng
Kim Cang Vũ _ Phật Giáo Tây Tạng
Tăng Vũ Lục Cúng - Phật Giáo Việt Nam
Tăng Vũ Đàn Tràng Giải Oan Thích Kết - Phật Giáo Việt Nam
Lục Cúng Hoa Đăng - Việt Nam
Tăng Vũ Lục Cúng Hoa Đăng - Phật Giáo Việt Nam
Múa Bài Bông - Vũ Khúc Phật Giáo Đời Trần Việt Nam