Trà là thức uống không thể thiếu trong Thiền đường của các thời khoá toạ thiền, vì sau mỗi thời toạ thiền, sau khi xã thiền, thiền Tăng nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn để chuẩn bị hành thiền và uống trà giải lao. Trong thiền đường gọi uống trà là “phổ trà” đây là nghi thức dâng trà cúng dường cho các thiền Tăng trong thiền đường và cũng từ đây danh xưng Thiền trà được ra đời.
Thiền trà dần trở thành công án của Thiền tông, được chư vị Thiền sư đưa vào thiền đường để làm đề tài thiền quán tu tập, có một công án về trà nổi tiếng nhất thời bấy giờ là công án “uống trà đi” của Thiền Sư Triệu Châu, chính vì vậy mà dần dần cách uống trà của Thiền Tăng trở thành Thiền trà, đạo lý trong khi pha và uống trà trở thành trà đạo.
Thiền trà cứ thế dần dần lan toả trở thành một pháp môn thiền tập và văn hoá ẩm thực được hầu hết tín chúng và Tăng lữ của Phật Giáo Bắc Truyền đón nhận, rồi sau đó trở thành nét văn hoá nhã tịnh cao sang trong văn hoá ẩm thực đông phương được người dân đón nhận, nhất là tầng lớp trí thức bị hấp dẫn bởi đạo lý trong Trà đạo, Thiền trà dần trở nên nổi tiếng bởi bản sắc mang đậm tính chất truyền thống đông phương trong tinh thần thiền định của Phật Giáo Bắc Truyền, ảnh hưởng ra khắp thế giới.
Tinh thần Thiền vốn một chữ “Ngộ” cốt lõi của Trà Đạo trong chữ “Nhã”. Người thực tập thưởng thức Thiền trà nếu “Ngộ” được chữ “Nhã” trong Trà thì được coi như là ngộ được đạo của trà vậy, cho nên để cho thiền tập và thưởng thức trà có thể ngộ được đạo của trà, chư vị Thiền sư đã lập nên một quy trình và tư tưởng trong phương thức tu tập, trong thực tập Thiền với trà, để cho thiền sinh có thể chuyển hoá từ mê đi đến ngộ, từ tục đi đến nhã, từ huyên náo trở thành thanh tịnh và đây là bước đầu tiên để thấm nhuần đạo của Thiền trà.
Vì là Thiền Trà nên tinh thần cốt lõi của Thiền là “Không” dẫn đạo xuyên suốt quá trình tìm ra giác ngộ trong đạo của trà, và “Không” là chỉ cho sự triệt phá hết thảy chấp trước của bản ngã và là mục đích để buộc người thực tập thiền trà phải chiêm nghiệm để đạt đến, cho nên khi thực tập trà đạo thiền sinh dùng thiền quán lại quán sát, đừng để bất cứ một niệm chấp trước nào làm mê muội mình.
Thiền trà là một công án thiền tập, được sinh ra trong tu tập Thiền định, vậy nên thiền quán “Thiền là trà, trà là thiền”, hay “Thiền và trà chỉ có một vị” là điều trước tiên để khi người thiền tập thiền trà có ý niệm tỉnh thức và sau đó loại bỏ hết thảy tạp niệm đối đãi của thế giới, của nhân sinh để rồi an lạc.
Nếu như có thể quán niệm thể hội hết thảy hoàn cảnh, tịnh thanh đối với trược uế, tao nhã đối với thế tục của thế giới xung quanh thành một niệm duy nhất đó là: thanh là thanh, trược là trược, nhã là nhã, tục là tục, thể tuy là hai mà tánh chỉ là một, thực tập Thiền trà trong quán niệm như vậy là bước đầu đã hiểu được đạo của trà.
Ngồi thực tập thưởng thức một chén Thiền trà có khác nào khơi dậy thể tánh giác ngộ của chính chúng ta, cũng không khác nào như hương của trà bốc lên từ trong chén, không bình, không chén, không nước sôi, không người pha thì làm sao có hương trà thơm ngát, nếu không trà thì tất cả những vật kia đều là vô nghĩa.
Nhận chân và quán sát được tánh Thiền trong Trà thì thanh tịnh cùng một thể tánh với ô trược, chuyển trược thành tịnh, nhã có từ tục chuyển tục thành nhã thể tánh không sai khác, để tâm thể ngộ tự tánh của các pháp, không còn trụ trong bất cứ hoàn cảnh nào tự do tự tại đó mới thật là “Đạo” của Thiền trà.
Thiền tập thiền trà rất là công phu, người thực hành Thiền trà thường được xưng là “Trà chủ” người thưởng thức Thiền trà được gọi là “Trà khách”. vì sao được xưng là trà chủ, ngoài là người pha trà chính ra, điều quan trọng nhất vị trà chủ phải là người có thể thiền quán để thể nhập tinh thần triết học cốt lõi của văn hoá Thiền trà là “Chánh, Thanh, Hoà, Nhã”.
“Chánh” nếu là người xuất gia là phải trụ trong Bát chánh đạo để hành Thiền trà, còn cư sĩ tại gia thì phải luôn là chánh nhân quân tử, là cốt lõi của đạo làm người. “Thanh” là thanh bạch tịnh không, nhất trần bất nhiễm là cảnh giới của thiền, thanh cao nho nhã của tục đế. “Hoà” là Lục hoà cộng trụ của Tăng, hoà hợp kính trên nhường dưới là cách đối đãi của bậc thượng nhân ở đời, “Nhã” cư trần bất nhiễm, tứ đại giai không, buông xã hết thảy là cốt cách của Thiền gia, thanh cao nhã nhặn giản đơn như đầy đủ chất cao sang quý phái thế đế, đây là bốn tính chất trong tinh thần cốt lõi của thiền trà mà vị Trà chủ cần phải thực tập và thiền quán khi pha trà để tinh thần “Thiền trà một vị” được thành tựu.
Thiền giả thực tập “Trà khách” thưởng thức trà cũng cần dựa vào tinh thần thọ hưởng đạo của Thiền trà để thực tập đó là “Cảm ân, bao dung, phân hưởng, và kết duyên”, vì chỉ có thể thực tập quán nhập vào trong bốn tinh thần này thì người thực tập uống trà mới có thể hội ngộ được sự vi diệu của Trà đạo, tận hưởng được hết thảy cảm giác thể tánh thanh tịnh tịch lạc của Thiền trà.
Nếu ta dùng tâm “Cản ân” để uống một chén trà, thì chén trà này không còn nhỏ bé như trên tay ta nữa mà đã trở thành pháp hải từ bi, như giọt nước cam lộ trên nhành liễu của Bồ Tát Quán Thế Âm “một giọt rơi xuống thành cam lộ tưới khắp đất trời thành mùa xuân”, không những chúng ta đang uống mà ba đời chư Phật, pháp giới thánh phàm cũng cùng ta đang uống, không những chúng ta đang thưởng thức trà mà tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta cũng đang cùng ta thưởng thức, không những chúng ta đang thoát khỏi sự khô khát mà pháp giới chúng sanh “tình dữ vô tình” đang cùng chúng ta nhuộm thắm sự tươi mát của nước cam lộ, và đây là sự thể hiện tinh thần “Hoà” của Thiền trà, người biết dùng tâm như vậy để uống trà thì đã một phần nào đó thể nhập được đạo lý của Thiền trà.
Nếu ta dùng tâm “Bao dung” để uống một chén trà, thì chén trà này không còn là chén trà bình thường nữa mà nó là pháp thuỷ vi diệu bắt nguồn từ từ bi thuỷ sám mà ra, khi ta uống chén trà trong tâm này thì bao nhiêu nghiệp chướng đời trước bao nhiêu oán thù của xa xưa đều trong khoảnh khắc mà dứt sạch, bao nhiêu oan trái thảy đều tiêu tan.
Người biết dùng tâm bao dung để uống trà thì trên cuộc đời này họ không có kẻ thù, trong cuộc sống họ không người đối nghịch và ngược lại cuộc đời, được chan hoà trong thương yêu và tha thứ, trong an lạc và giúp đỡ quan tâm, đây là sự thể hiện tinh thần “Chánh” của Thiền trà, nếu như biết dùng tâm như vậy để uống trà thì là thêm một lần thể nhập với Đạo lý thiền của Trà đạo.
Nếu ta dùng tâm “phân hưởng” để uống một chén trà, thì chén trà này không còn là trà bình thường nữa trở thành vị ngọt của tô đà trên bếp của Phạm thiên, nhiều như cát sông Hằng, lớn như núi Tu Di có thể cúng dường hết thảy thập phương Chư Phật pháp giới Hiền Thánh Tăng, tâm ta như rộng hơn có thể phát nguyện cứu giúp những người khổ đau cơ cực trên nhân thế, bằng bố thí tài vật hay trợ giúp bằng tinh thần làm vơi bớt đi khổ đau của cuộc đời vốn đầy dãy chông gai ô trược, đây là sự thể hiện tinh thần “Thanh” trong Thiền trà, nếu như biết dùng tâm như vậy để uống một chén trà thì đã thật hơn ngộ được tâm ý của Trà đạo.
Nếu ta dùng tâm “Kết duyên” để uống một chén trà, thì hương vị của trà thật là nồng thơm, hương thơm giác ngộ của chư Phật, hương thơm từ bi cứu độ của Bồ tát, nếu như chúng ta thiền tập đầy đủ hương thơm này thì đây là một chất liệu kết dính tuyệt vời, kết duyên cùng chư Phật, để có ngày thành Phật, kết duyên cùng Bồ tát, để nuôi trồng từ tâm cứu độ quần sanh, kết duyên cùng pháp giới chúng sanh, để lòng từ thêm lớn, kết duyên cùng mọi người, để tình thương thêm rộng, kết thiện duyên tịnh hoá nhân tâm làm cho thế giới ngày thêm hoà bình, làm cho thiên nhiên ngày thêm tươi đẹp, làm cho con người thêm nhã nhặn an vui, kết pháp duyên để người thêm trí tuệ, thêm lòng từ để tịnh hoá nhân tâm, đây là sự thể hiện tinh thần “Nhã” trong đạo của thiền trà, người biết dùng tâm như vậy để uống một chén trà thì thật là viên mãn khi thưởng thức một hương vị trà thanh cao.
Chư Phật uống trà, trà thành trí tuệ, Bồ tát uống trà, trà là hương vị Từ bi, Thanh văn uống trà, trà là thánh quả, Tăng già uống trà lục hoà cộng trụ, Thiền sư uống trà, trà là thiền định, cư sĩ uống trà, trà là cảm ân, thế nhân uống trà, trà là phân hưởng, chúng sanh uống trà, trà là bao dung, pháp giới uống trà, trà kết duyên lành, đạo trong thiền trà là như vậy, ngộ trong thiền trà cũng chỉ bấy nhiêu.
Người biết pha trà, kẻ biết thưởng trà, trà chủ hay trà khách đều không khác vậy. Chỉ một ấm trà chứa tròn pháp giới, chỉ một chén trà đựng hết non sông, ý thiền tâm ngộ chỉ có người uống trà vẫn còn ngồi đó, hương thơm vị nồng ngát cả trà am.