Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tết Đoan Ngọ
22/06/2012 21:45 (GMT+7)




“Nếu Tết Nguyên Đán là mở đầu một năm thì Tết Đoan Ngọ là mở đầu một mùa vụ chính trong năm, có nơi còn gọi là lễ Hạ Điền hay lễ diệt sâu bọ. Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, vào mùng 5 tháng 5 âm lịch, nông dân tổ chức lễ hội ở đình làng cúng tế cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt - Ngày này cũng là ngày lễ diệt sâu bọ phá hại mùa màng.” (1)

Về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ thì hiện nay có nhiều giả thuyết khác nhau. Theo tương truyền, Tết Đoan Ngọ nhằm để kỷ niệm cái chết bi tráng của đại thi hào Khuất Nguyên thời Chiến Quốc của Trung Quốc. Khuất Nguyên - “nhà chính trị, nhà thơ nước Sở thời Chiến Quốc, tên Bình, tự Nguyên, xuất thân tầng lớp quý tộc nước Sở. Từng giữ các chức Tả đồ, Tam lư đại phu dưới thời Sở Hoài Vương. Ông phản đối bọn quý tộc dốt nát đồi bại lại hay bài xích người hiền đức; chủ trương thực thi luật pháp một cách nghiêm minh, thu nhận hiền tài, liên kết với Tề chống Tần. Vì thế ông bị giới quý tộc sàm tấu hãm hại, bị cách chức. Sau khi Sở Khoảnh Tương Vương lên ngôi, ông bị lưu đày ra vùng Động Đình Hồ ngày nay. Về sau, chính trị nước Sở ngày càng thối nát, kinh đô Dĩnh (nay là Tây Bắc Kinh Sa, Hồ Bắc) cũng bị quân Tần đánh phá, ông phẫn uất tuyệt vọng, nhảy xuống sông Mịch La tự tử. Ông từng lấy phương ngôn nước Sở, dùng hình thức ca dao dân gian để sáng tạo nên một thể thi ca mới, mà đời sau gọi là Sở từ. Tác phẩm có 25 thiên như Ly tao, Thiên vấn, Cửu ca, Cửu chương,... trí tưởng tượng phong phú, lời văn đẹp đẽ, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.” (2)

Qua nguồn tư liệu lịch sử này chúng ta thấy, Khuất Nguyên là một người có tài, lại rất khảng khái, can trường. Nhìn cảnh đất nước suy vi, lê dân bá tánh lầm than, ông đau lòng mà can gián vua không được. Sở Vương không nghe lời can gián của ông sang Tần bị chết, ông liền nhảy xuống sông Mịch La để kết liễu đời mình. Dân gian còn truyền tụng rằng, khi đến sông Mịch La, Khuất Nguyên đã gặp được ông lão đánh cá, Khuất Nguyên than thở rằng:

 Tết Đoan Ngọ hằng năm, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt đều tổ chức Lễ hội trái cây, thu hút đông đảo du khách và nhân dân địa phương tham quan. Ảnh: LỆ THU
Đời đục cả chỉ một mình ta trong / Đời say cả chỉ một mình ta tỉnh.

Ông lão đánh cá mới khuyên rằng:

Đời đục cả sao ta không khuấy cả bùn dơ để đục với đời / Đời say cả sao ta ông ăn luôn bả rượu để cùng say với đời. Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự trầm, đúng vào ngày mùng 5 tháng 5. Nhân dân thương tiếc nên tổ chức lễ kỷ niệm ông vào ngày này. Trong lễ kỷ niệm này, người ta tổ chức đua thuyền với ý nghĩa là để tìm xác Khuất Nguyên, đồng thời cho gạo vào ống tre thả xuống sông làm đồ cúng tế. Đó chính là nguồn gốc bơi thuyền rồng và gói bánh chưng dịp mùng 5 tháng 5.

Một truyền thuyết khác lại cho rằng: Ngày xưa có một đôi trai gái dân tộc Thái cùng lớn lên và yêu nhau sâu sắc. Nhưng bố mẹ của hai bên không đồng ý cho họ lấy nhau. Ngày mùng 5 tháng 5 nọ, hai người cầm tay nhau cùng nhảy xuống đầm Đại Long. Để kỷ niệm đôi trai gái này, mùng 5 tháng 5 hằng năm, người dân tộc Thái lại đến bên đầm Đại Long để cho thanh niên lựa chọn ngươi yêu lý tưởng. Thanh niên nam nữ quay quần bên nhau ca hát nhảy múa. Chàng trai ném cái bánh chưng gói sẵn cho cô gái được anh ta ưng ý. Nếu cô gái cũng vừa ý chàng trai, liền cầm lấy chiếc bánh chưng, sau đó hai người dắt tay nhau rời khỏi mọi người, đến dưới một cây lớn tình tự.

Ngoài ra, Tết Đoan Ngọ còn gắn với các truyền thuyết về các nhân vật lịch sử như Tào Nga, Ngũ Tử Tư, Việt Vương Câu Tiễn...

Cũng có người cho rằng Tết Đoan Ngọ chủ yếu gắn liền với thời tiết, vì vào ngày này là bắt đầu chuỗi ngày nắng nhất trong năm. Trong điều kiện thời tiết khác thường như vậy, người Bách Việt cổ chủ trương không đi làm đồng, để bảo vệ sức khỏe, chỉ nên tổ chức nấu nướng để cúng tổ tiên và ăn uống, đồng thời tổ chức tắm sông, đua thuyền rồng... để giải nhiệt, cầu mưa, đeo bùa ngũ sắc cho trẻ em để tránh tà ma hại, hoặc đi hái thảo dược với niềm tin thảo dược sẽ có dược tính cao nhất vào giờ ngọ trong ngày.

Thật ra các truyền thuyết này dần mai một, ít người biết. Đến nay, người ta chỉ biết rằng, vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch phải làm lễ tạ ơn trời đất, cầu cho cây trái sinh sôi nảy nở, có được một vụ mùa bội thu. Vào ngày này, “từ sáng sớm lúc trẻ con còn ngủ chưa dậy người ta lén bôi hồng hoàng vào thóp thở, vào ngực, vào rốn để trừ trùng. Cho trẻ đeo chỉ ngũ sắc và một cục hồng hoàng với những túi nhỏ tết hình quả đào, quả khế, quả ớt... bằng the lụa màu sặc sỡ. Trẻ nhỏ còn được nhuộm móng tay móng chân bằng lá móng, trừ ngón tay trỏ và ngón chân trỏ. Ngay từ sáng sớm người ta ăn rượu nếp, ăn mận, ăn đào, cho là để giết sâu bọ. Nhiều làng có tục ăn trứng luộc, ăn kê (kê ăn lẫn với đường cát và bánh đa). Người lớn, cả đàn bà uống tí chút rượu hòa tam thần đan hay hồng hoàng, cũng để giết sâu bọ.

Nhà nào nhà nấy làm cổ cúng gia tiên. Vì đương mùa dưa hấu, nhiều nơi cúng bắt buộc phải có dưa hấu với đường cát.

Giữa buổi trưa, người ta đi hái lá mồng năm, bất cứ lá gì, nhưng ưa chuộng nhất là lá ngải cứu, lá đơn, lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối... đem về phơi khô, để nấu nước uống cho là lành, lá đơn mồng năm chữa bệnh đơn cho là rất hay, lá ngải cứu mồng năm trị bệnh đau bụng rất kiến hiệu.” (3)

Hàng năm, vào dịp Tết Đoan Ngọ, tại cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ có lễ hội trái cây rất lớn. Người xe tấp nập, ken đặc nô nức trẩy hội. Trái cây bày ra khắp nơi, trái nào trái nấy to tròn trông thật đẹp mắt. Chính quyền địa phương còn tổ chức thi trái cây. Vậy là những củ, quả to nhất, đẹp nhất, có hình thù kỳ lạ nhất; nào là những mâm trái cây được sắp đẹp nhất, công phu nhất... được trưng bày càng tô điểm thêm cho ngày mùng 5 thêm phong phú và vui tươi hơn.

Mặc dù có nguồn gốc từ ngoại nhập, nhưng Tết Đoan Ngọ từ lâu đã được Việt hóa, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Và “Tết Đoan Ngọ đã trở thành một trong những ngày lễ Tết trong năm của đồng bào ta, kể cả những cư dân đô thị làm những ngành nghề khác ngoài nông nghiệp - nhưng vốn gốc gác từ nông thôn hay hậu duệ của những người nông dân. Những thị dân ngày này ăn Tết Đoan Ngọ, cúng mùng 5 tháng 5 nhưng có lẽ lại mang một ý nghĩa khác - như cầu xin khỏe mạnh, ăn nên làm ra... Tết Đoan Ngọ cũng là dịp các chợ trái cây tấp nập hơn cung ứng cho nhu cầu cúng bái của nhân dân, đặc biệt ở Nam Bộ, tháng 5 là mùa thu hoạch nhiều loại trái cây đặc sản như chôm chôm, sầu riêng... trên các sông rạch rộn rịp hàng đoàn ghe thuyền chở trái cây lên thành phố.

(...) Dẫu ở Trung Hoa hay Việt Nam, dẫu ở nông thôn hay thành thị và dẫu mang ý nghĩa nào thì Tết Đoan Ngọ vẫn là một trong những lễ, Tết truyền thống đáng trân trọng của các dân tộc Á Đông chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng, Mạnh.” (4)

Tam Đức

Các tin đã đăng:
Về đầu trang