Kết quả là đang khoẻ mạnh bình thường, ông sụt mất 5kg, cơ thể suy kiệt, ốm yếu. May thay, được thầy thuốc chỉ dẫn, ông trở lại ăn uống bình thường, thỉnh thoảng có ăn gạo lứt, muối mè. Nay ông khoẻ mạnh trở lại và cân nặng 60kg.
Trường hợp ông Q là ví dụ điển hình về việc sùng bái và sử dụng quá đáng gạo lứt, muối mè. Vì sao và có nên dùng gạo lứt, muối mè nữa hay không?
Theo quan niệm của đông y, cũng như mọi sinh vật, ở con người, vật chất được cấu trúc theo một tỷ lệ âm dương phù hợp. Từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể cũng như quá trình chuyển hoá, tác động qua lại của âm dương duy trì hoạt động sống của cơ thể.
Quá trình sống, tiêu thụ và sản sinh năng lượng cũng là quá trình tiêu trưởng của âm dương. Trong quá trình tiêu trưởng, chuyển hoá ấy, âm dương luôn luôn biến đổi, lúc thăng lúc giáng, khi vơi khi đầy. Nhưng quá trình ấy phải đảm bảo giữ thăng bằng, quân bình, để âm không lấn át dương và ngược lại.
Cơ thể bảo đảm được quân bình âm dương thì khoẻ mạnh, thoải mái. Ngược lại mất quân bình âm dương thì, tuỳ mức độ, sẽ khó chịu, suy yếu hoặc mắc bệnh tật.
Âm dương là nguồn gốc của sinh mạng, của khí huyết, bởi vậy biết chọn lọc thức ăn có âm dương hoà hợp với âm dương của cơ thể thì khí huyết được cân bằng, cơ thể khoẻ mạnh, sung mãn.
Dựa trên lý luận về âm dương, giáo sư G.Ohsawa trong tác phẩm “Thuyết âm dương trong thuật trường sinh” (1955) phân tích khá đầy đủ các khía cạnh khoa học và thực tiễn để đưa ra phương pháp dưỡng sinh bằng cách ăn gạo lứt với muối mè (vừng).
Phương pháp dưỡng sinh của Oskawa là phương pháp chữa bệnh bằng cách ăn uống được nhiều người biết đến, chủ yếu là dùng ngũ cốc, nhất là gạo lứt và muối mè (vừng), lấy cơ sở âm dương là gốc.
Phải thừa nhận đây là một phương pháp đạt hiệu quả. Tuy nhiên, việc áp dụng phải có hướng dẫn và thích ứng với điều kiện cụ thể của từng người, từng thời gian, chứ không phải trường diễn ăn gạo lứt muối mè.
Cái hay của phương pháp này là hướng con người về gần với tự nhiên. Chủ trương chữa bệnh thông qua thức ăn để quân bình âm dương, giải trừ chất độc trong cơ thể do ăn uống quá dư thừa và tuỳ tiện theo kiểu ăn cho “sướng miệng” như đại đa số trong chúng ta hiện nay đang áp dụng.
Tuy nhiên phương pháp Oshawa lại tuyệt đối hoá và độc tôn phương pháp của mình.
Ai cũng biết, gạo lứt, muối mè có rất nhiều ưu điểm khi ăn và có tác dụng nhất định đối với một số bệnh (đặc biệt là những bệnh có căn nguyên từ việc ăn uống quá dư thừa, ăn uống xô bồ).
Mặt khác ai cũng biết rằng gạo lứt và muối mè chỉ thoả mãn một số nhất định các nhu cầu về dinh dưỡng cũng như chỉ có tác dụng với một số bệnh tật. Chứ không phải gạo lứt, muối mè có thể thoả mãn tất cả các nhu cầu về dinh dưỡng, và gạo lứt, muối mè càng không thể chữa được bách bệnh.
Chính vì thế mà trong khuyến cáo của mình, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên nên ăn đủ về lượng, cân đối giữa các chất dinh dưỡng với khoảng 15 loại thực phẩm mỗi ngày.
Nói cách khác, ăn uống đa dạng và luôn luôn thay đổi là cách ăn đúng đắn và khoa học hơn cả.
Chúng ta không phản bác việc ăn gạo lứt muối mè, nhưng chúng ta phản bác việc quá khích, độc tôn chỉ ăn gạo lứt, muối mè mà không cần ăn thêm bất kỳ thức ăn nào khác.
Trong vài trường hợp đối với bệnh nhân suy nhược cơ thể lâu ngày (thậm chí với cả người đang khoẻ mạnh, bình thường), nếu chỉ ăn thuần gạo lứt muối mè lâu ngày, có thể gây nguy hại hoặc ít nhất cũng làm cho cơ thể suy nhược trầm trọng hơn vì thiếu những chất dinh dưỡng mà trong gạo lứt, muối mè không có.
Thực ra phương pháp Oshawa là một kiểu tiết thực đặc biệt, có tác dụng giải độc (nhờ các chất chống oxy hoá có trong gạo lứt, muối mè) và làm quân bình âm dương trong cơ thể, góp phần chữa các bệnh do mất cân bằng âm dương hay ăn uống quá nhiều, ăn uống xô bồ dẫn tới tình trạng tích độc trong cơ thể.
Đối với các bệnh do thiếu ăn, suy dinh dưỡng hoặc không phải do mất quân binh âm dương, không tích độc trong cơ thể, phương pháp ăn gạo lứt, muối mè là không thích hợp.
Do vậy đối với người già yếu, suy nhược, thiếu dinh dưỡng, cần phải thận trọng và tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng phương pháp ăn này.
(Tiền Phong)