mà mang trọn một
niệm lành làm thức dậy Phật tánh sẵn có trong tất cả chúng sanh, cho
nên Phật tánh không có địa vị cao thấp, không có nhơn ngã đua tranh và
cũng không vì một ý thức hệ, quyền lợi cá nhân, dân tộc hay tôn giáo để
đến phương này, vì thế Phật Giáo luôn lắng nghe và học hỏi tất cả những
gì có lợi ích cho Phật Pháp, cho chúng sanh đều được Phật Giáo dùng hết
tâm học tập và Phật Giáo Bắc Truyền là một kết quả chứng minh cho sự hòa
quyện thành công tuyệt vời của Đạo Phật.
Từ thuở vườn Nai đại khai Thánh giáo, độ
năm anh em Kiều Trần Như xuất gia làm Tăng, giáo đoàn thành lập, danh
xưng Tăng chỉ cho tu sĩ của Phật Giáo xuất hiện ở thế gian. Trong sách
Thích Thị Yếu Lãm chép: “Tiếng Phạm gọi là Tăng Già, Đông Độ xưng là
Chúng, nay lược gọi là Tăng vậy”. Trãi qua thời gian hình thành và phát
triển lớn mạnh của Phật Giáo, danh từ Tăng từ chỗ đơn thuần chỉ là tên
gọi cho tu sĩ Phật Giáo, tiến triễn hình thành danh xưng, hàm chứa đầy
đủ phẩm vị nghĩa lý Đạo Phật, từ chỗ đơn xưng danh từ biến thành phồn
nghĩa danh xưng đa từ, cũng như vậy tất cả những danh từ tôn xưng Chư
Tôn túc trong Tòng Lâm Phật Giáo Bắc Truyền đều có nguồn gốc hình thành
từ Ấn Độ và thăng hoa phát triển ở Đông Phương.
Danh Từ “Tôn Đức” là một danh từ phức
hợp được tạo thành bởi hai danh từ “Tôn Giả” và “Đại Đức” đây là một
danh từ chung, thường được dùng để tôn xưng các bậc Trưởng Lão kỳ đức,
niên cao lạp trưởng, đạo cao đức trọng của Phật Giáo. Trong sách Thích
Thị Yếu Lãm chép: “Tôn Giả. Tiếng Phạm gọi là A Lợi Di. Đông Độ xưng là
Tôn Giả, là bậc đầy đủ đức hạnh và trí huệ, đáng để tôn kính vậy”. Trong
Đại Trí Độ Luận chép: “Đại Đức. Tiếng Phạm gọi là Bà Đàn Đà. Đông Độ
xưng là Đại Đức.
Trong Luật Tạng nhiều chỗ xưng Phật là
Đại Đức”. Trong Luật Tỳ Nại Da có chép: “Phật dạy: từ đây trở về sau, từ
vị mới thọ Tỳ Kheo cho đến các bực trưởng túc Tỳ Kheo đều gọi là Đại
Đức”. Trong sách Tăng Huy Ký chép: “hạnh lành viên mãn, đức cao trọng
vọng, tôn xưng Đại Đức”. Ngoài ra trong Tòng Lâm Phật Giáo Bắc Truyền
còn có những danh từ riêng để tôn xưng các bậc Tôn Đức Tăng Già như: Sa
Môn, Đạo Sư, Tổ Sư, Thiền Sư, Trưởng Lão, Tông Sư, Pháp Chủ, Đại Sư,
Thượng Sĩ, Thượng Nhân, Đạo Nhân, Phương Trượng, Đường Thượng, Hòa
Thượng, Long Tượng.
1. Sa Môn:
Trong Kinh Trường A Hàm chép: “Sa Môn Là người xã bỏ ân ái, xuất gia
học đạo, nhiếp ngự các căn, không nhiễm các dục vọng ở bên ngoài, có
lòng từ rộng lớn không làm thương hại chúng sanh, thấy khổ không sợ,
thấy vui không ham thích, năng nhẫn như đất vậy”. Trong Kinh Niết Bàn
chép: “Tiếng Phạm gọi là Sa Môn, Đông Độ xưng là Thiện Giác”.
Trong Kinh Bảo Tích chép : “Sao gọi là
Sa Môn vì điều phục các duyên, đạt đến tịch diệt, thọ học các pháp, giới
thân thanh tịnh, thông hiểu thật nghĩa các pháp, đạt đáo giải thoát,
lìa khỏi tám pháp của thế gian, tâm kiên cố không lay động như đại địa,
hộ trì hết thảy các pháp của ta và người, ở nơi hình tướng không hề
nhiễm trước, như vẫy tay trong không trung không có chướng ngại, thành
tựu nhiều pháp như vậy gọi là Sa Môn”.
Trong Luận Du Già chép: “Sa Môn có 4: 1.
là Thắng Đạo Sa Môn tức là Chư Phật vậy, 2. là Thuyết Đạo Sa Môn chỉ
cho những vị giảng thuyết chánh pháp, 3. Hoạt Đạo Sa Môn chỉ cho những
vị chuyên tu các phẩm hạnh lành, 4. Ôi Đạo Sa Môn chỉ cho những vị không
hành Bát Thánh Đạo, tự hành tà hạnh, không phải là bực đạo đức cho nên
gọi là ôi đạo sa môn”. Trong Luật Ngũ Phần chép: “Khi Đức Phật mới thành
đạo, mọi người đều tôn xưng Ngài là Đại Sa Môn”.
2. Đạo Sư: Trong
Kinh Đại Pháp Cự Đà La Ni chép: “vì có thể đối với Đạo Bồ đề không còn
thối chuyển, không đoạn tuyệt Đạo Bồ đề, cho nên gọi là Đạo Sư”. Trong
Kinh Hoa Thủ chép : “Có thể vì chúng sanh mà nói pháp không sanh tử nữa,
ấy là Đạo Sư”. Trong Kinh Thương Chủ Thiên Tử Sở Vấn chép : “như thế
nào gọi là Đạo Sư? Bồ Tát Văn Thù trả lời: Ở trong Phật Đạo, thường có
thể làm cho chúng sanh thành thục thâm tín Phật Pháp, thì gọi là Đạo
Sư”.
Trong Kinh Phật Báo Ân chép: “Là bậc Đại
Đạo Sư, lấy con đường đi đến Niết Bàn làm lộ chính, khiến cho đắc được
vô vi thường lạc vậy”. Trong Kinh Thập Trụ Đoạn Kết chép: “người được
xưng là Đạo Sư, là người có thể khiến cho hết thảy muôn loài chúng sanh,
nhận biết được chánh đạo”.
3. Tổ Sư:
Trong sách Bảo Lâm Truyện chép: “Thái thú Kỳ Thành là Dương Huyễn Chi
hỏi Đạt Ma Tổ Sư rằng: Tây thiên truyền thừa xưng là Tổ, vậy có nghĩa
như thế nào? Đạt Ma Tổ sư trả lời: Hiểu thấu Phật tâm tông, hành trì,
liễu giải đều có thể tương ưng, thì gọi là Tổ Sư”. Thiền tông Tây thiên
truyền thừa có 32 vị Tổ, Đông độ có 6 vị tổ, Việt Nam Thiền Phái Trúc
Lâm có 3 vị Tổ. Còn các tông phái trong thập tông đều có Tổ sư riêng của
tông phái mình.
4. Thiền Sư:
Trong Kinh Thiện Trụ Ý Thiên Tử Sở Vấn chép: “Thiên Tử hỏi Ngài Văn Thù
rằng: Những vị Tỳ Kheo như thế nào thì được xưng là Thiền Sư? Ngài Văn
Thù đáp: Ở trong tất cả các Pháp, hành trì hay tư duy đều không còn chỗ
để sanh phiền não nữa, nếu biết như vậy người đó được xưng là Thiền sư.
Thậm chí cho đến các pháp có, pháp không, pháp nào có thể giữ lấy hoặc
không giữ lấy, tất cả đều không có pháp để giữ lấy, trong đời này cho
đến đời sau và trong tam giới cũng không có pháp để giữ lấy, cho đến
trong tất cả các pháp đều không có một pháp để giữ lấy, vì tất cả các
pháp đều không, chúng sanh cũng như vậy, không có gì để giữ lấy, được
như vậy thì xưng là Thiền Sư.
Không còn nhận ít nhiều, không phải là
nhận, không nhận, trong tất cá các pháp đều vô sở đắc, vì vậy mà không
còn ức niệm, nếu như không còn ức niệm thì tu hay không tu, chứng hay vô
chứng không còn, như vậy xưng là Thiền Sư”. Trong Thiền Lâm Tượng Khí
Tiên chép: “xưng là Thiền sư có hai bậc: 1. đầy đủ đức hạnh được Vua ban
thưởng ân tứ cho huy hiệu, xưng là hiệu gì đó Thiền Sư, 2. là các vị
tăng thuộc Thiền tông xưng hô các bậc tôn túc trong tông phái là Thiền
sư”. Ở nước ta có Vạn Hạnh Thiền Sư, Pháp Thuận Thiền Sư, Không Lộ Thiền
Sư, Hương Hải Thiền Sư.v.v… đều là những bậc thiền lâm long tượng, kiệt
xuất Tăng già, được triều đình vua quan kính trọng sắc phong huy hiệu.
5. Trưởng Lão:
Trong Kinh Trường A Hàm chép: “Trưởng Lão có ba bậc. 1. niên cao lạp
trưởng xưng là Trưởng Lão. 2. liễu đạt pháp tánh, đầy đủ trí đức xưng là
Trưởng Lão. 3. làm vẽ ra dáng Trưởng Lão thì gọi là giả Trưỡng Lão”.
Trong sách Truyền Đăng Lục. Thiền Lâm Quy Thức chép: “Nếu như đầy đủ Đạo
nhãn, cụ túc đức hạnh đáng để tôn kính, thì được tôn xưng là Trưởng
Lão.
Ví dụ như ở Tây Vực Ngài Tu Bồ Đề đạo
cao lạp trưởng, được tôn xưng là trưởng lão”. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm
chép: “Ngài A Nan bạch Phật rằng: nay chư Tỳ Kheo như thế nào để tự
xưng danh hiệu? Phật bảo Ngài A Nan: nếu như các vị Tỳ Kheo nhỏ tuổi nên
tôn xưng các vị đại Tỳ Kheo là Trưởng Lão...”. Trong sách Tổ Đình Sự
Uyển chép: “Nay Thiền Tông xưng các vị trụ trì là Trưởng Lão” .
6. Tông Sư:
Trong sách Thích Thị Yếu Lãm chép: “là vị thầy truyền trao Phật Tâm
Tông. Tông là tôn kính vậy. Tông sư là người thông suốt pháp không, chỉ
rõ thật pháp vốn không, cho nên được chúng sanh tôn kính vậy”.
7. Pháp Chủ:
Trong Kinh Trường A Hàm chép: “Phật là thuyết Pháp Chủ, xưa nay đều
xưng các vị Tăng thiện nghệ thuyết pháp, liễu nghĩa tất cả các pháp là
Pháp Chủ”. Pháp Chủ cũng là xưng vị của các bậc cao Tăng được triều đình
tôn kính, trong sách Thích Thị Yếu Lãm chép: “Vua Tống Hiếu Vũ sắc
phong cho Thiền sư Đạo Hiến làm Pháp Chủ chùa Tân An và Chùa Chấn. Đương
thời được tôn xưng là Vạn Nhân Pháp Chủ”. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
ngôi vị Pháp Chủ là phẩm vị cao nhất trong Tăng Đoàn.
8. Đại Sư:
Trong sách Thích Thị Yếu Lãm chép: “Đại sư là Sư phạm vậy... Đức Phật
được tôn xưng là Đại Sư của Tam Giới”. Trong Du Già Luận chép: “có thể
hóa đạo vô lượng chúng sanh, lìa khổ não đạt đến tịch diệt...lại có thể
diệt trừ hết thảy tà uế và ngoại đạo, xuất hiện trên thế gian, cho nên
được tôn hiệu là Đại Sư”. Ngoài Đức Thế Tôn được tôn xưng là Đại Sư ra
tất cả những người được tôn hiệu Đại Sư đều phải cụ túc 5 điều công đức.
Trong Du Dà Luận chép: “Lược nói về Đại
Sư có 5 công đức: 1. Giới hạnh thanh tịnh trang nghiêm, cả đời hành trì
giới luật không có gì sai thất. 2. Giỏi về kiến lập pháp tràng hoằng
pháp độ sanh. 3. Giỏi về giáo dục, học vấn uyên thâm. 4. Giỏi về tùy cơ
ứng Pháp, tùy theo chỗ nghi hoặc mà giải nghĩa, có thể lập pháp hoặc
không cần lập pháp, không còn vướng mắc trong các pháp đều có thể liễu
không. 5. Làm thầy dạy cho chúng sanh xuất ly khổ hải”.
9. Thượng Sĩ:
Trong Du Dà Luận chép: “Người không vì lợi ích của riêng mình, mà làm
chỉ vì lợi cho người khác gọi là hạ sĩ, người chỉ vì lợi cho mình không
có lợi cho người khác mà làm gọi là trung sĩ, người làm lợi cho chính
mình và cũng lợi cho người khác thì được gọi là thượng sĩ. Thượng sĩ
phải đầy đủ lợi mình lợi người và phải có tâm lớn, nguyện lớn, như vậy
cũng được xưng là Đại Sĩ”.
10. Thượng Nhân:
Trong Kinh Ma Ha Bát Nhã chép: “Như thế nào gọi là thượng nhân? Phật
dạy: nếu như Bồ Tát nhất tâm hành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, tâm
không tán loạn thì xưng là thượng nhân”. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm
chép: “Làm người sống ở trên đời có sai thì tự mình nên sửa sai, người
như vậy được gọi là thượng nhân”. Trong Thập Tụng Luật chép: “Người có
bốn loại: 1. Người thô ác; 2. Người ô trược; 3. Người bình thường; 4.
Thượng nhân. Vua Bình Sa Vương xưng đệ tử Phật là Thượng Nhân”. Trong
sách Thích Thị Yếu Lãm chép: “Trong thì đầy đủ trí đức, ngoài thì cụ túc
các thắng hạnh, ở trong người mà trên người, được xưng là Thượng Nhân”.
11. Đạo Nhân:
Trong Luận Trí Độ chép: “Người đắc đạo được xưng là Đạo Nhân, ngoài
người xuất gia ra những người ngoài thế gian cũng được xưng là Đạo
Nhân”.
12. Phương Trượng:
Trong sách Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Trụ Trì là Phương Trượng
vậy”. Trong sách Thích Thị Yếu Lãm chép: “Phương Trượng là chánh tẩm của
một ngôi chùa, là nơi ở của trụ trì, kiến trúc này có từ thời nhà Đường
Hiển Khánh trung niên, được dựng theo tích Ngài Văn Thù đến thăm ngôi
nhà nhỏ chỉ vuông vắn khoảng một trượng của ngài Duy Ma Cật ở khi thị
hiện thân bịnh, cho nên được gọi là Phương Trượng”. Vì Trụ Trì ở Phương
Trượng cho nên từ đó về sau, trong Thiền lâm thường tôn xưng Trụ Trì là
Phương Trượng.
13. Đường Thượng: Trong
sách Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Đường Đầu Hòa Thượng cũng xưng là
Đường Thượng”. Trong Tòng Lâm danh xưng Đường thượng thường được dùng
trong tôn hiệu, văn sớ và long vị của chư Tôn Túc Hòa Thượng hoặc là chư
Tôn đức trụ trì các tự viện.
14. Hòa Thượng:
Trong Luật Thiện Kiến chép: “Hòa Thượng là tiếng Thiên Trúc, tiếng Hán
dịch là biết tội, biết không tội, gọi là Hòa Thượng”. Trong Hoa Nghiêm
Âm Nghĩa của Ngài Huệ Uyển chép: “Danh từ Hòa Thượng theo tiếng của Ngũ
Thiên Tạp gọi là Ổ Ba, Trung Hoa dịch là Cận, còn gọi là Đà Da dịch là
Độc. Nghĩa là Tôn sư làm nơi chốn để cho đệ tử thân cận và học hỏi, cựu
dịch là Thân Giáo Sư”. Trong Liễu Minh Luận Chánh Truyện chép: “Tiếng
Phạm là Ưu Bà Đà Ha, dịch là Y học, y theo vị đó mà học giới định huệ,
thì vị đó là Hòa Thượng vậy”.
Trong sách Phiên Thích Danh Nghĩa Tập
chép: “Hòa Thượng tiếng Phạm gọi là Ổ Ba Thứ Ca, truyền đến nước Vu
Điền, dịch thành Hòa Thượng, truyền đến Đông Độ ngài Cưu Ma La Thập dịch
là Lực Sanh”. Trong Xá Lợi Phất Vấn Kinh chép: “Phàm là người xuất gia,
lìa khỏi cha mẹ xã bỏ ngôi nhà sanh tử, vào trong cửa Phật, thọ Pháp vi
diệu, vậy nên nương vào sức lực của thầy để sanh trưởng pháp thân, y
theo công đức của thầy để nuôi lớn trí huệ mạng...
Hòa Thượng còn được xưng là Cận Tụng, vì
đệ tử tuổi nhỏ không thể xa thầy, thường nên thân cận, để học hỏi Kinh
Luận...” . Trong sách Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Hòa Thượng tiếng
Phạm là Ổ Ba Đà Da, đây dịch là Thân Cận Giáo Sư, vì có thể dạy dỗ chúng
ta lìa khỏi nghiệp thế gian, cho nên có hai loại. 1. Thân Giáo: tức là
thọ nghiệp dạy dỗ cho ta; 2. Y Chỉ: tức là người để ta đi theo để học
đạo vậy”.
15. Long Tượng:
Trong Kinh Trung A Hàm chép: “Phật dạy Ô Đà Di, những vị Sa Môn đối với
người cho đến chư thiên, không dùng thân khẩu ý để làm hại, Ta cho rằng
những vị ấy là Long Tượng”. Danh xưng Long Tượng thường được dùng tôn
xưng những bậc cao Tăng thạc đức của Tòng lâm.
Phật Pháp Đông truyền, trãi qua hai ngàn
năm truyền thừa và phát triển, do sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà
rất nhiều danh từ của Phật Giáo sau khi được dịch thành Hán ngữ, làm
cho chúng ta có đôi chút nhầm lẫn cứ ngỡ rằng của Phật Giáo Bắc Truyền,
nhưng thực chất, tất cả những danh từ Tôn Xưng trong Tòng Lâm Phật Giáo
Bắc Truyền đều có nguồn gốc từ Ấn Độ và có cả những danh từ do chính Kim
Khẩu của Đức Phật nói ra, cũng có những từ của Phật Giáo Bắc Truyền
nhưng thiết nghĩ chỉ làm thêm nét vi diệu cho văn hóa ứng xử, xưng hô và
lòng tôn kính của hàng hậu học Phật Giáo Bắc TRuyền đối với các bậc
Trưởng Thượng, Thạc Đức Cao Tăng.