Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Xuân Quý Tỵ, nhớ chuyện cũ ở Vân Đường
02/02/2013 12:31 (GMT+7)





Cụ Vương Hồng Sển (trái) và cư sĩ Trần Đình Sơn

Nhìn trong lòng dĩa thấy vẽ đủ “Rắn rít cóc nhái", tôi buột miệng thày lay: "Chà, thưa cụ, năm ni là năm tuổi của cháu mà xuất hành được gặp rắn ở Vân Đường, chắc hên lắm, tha hồ mà đường mây rong ruổi...” Cụ cười lớn quay nhìn tôi bảo: "Chưa chắc, đây không chỉ có rắn mà còn có cả rít, cóc tía nữa. À, mà ở Huế Cao Sơn có từng gặp cái dĩa nào vẽ giống như vầy chưa?”. Tôi đáp “Dạ chưa, ngoài nớ người ta ưa thích những điển tích cao siêu như: Văn Vương cầu hiền, Thái công điếu vị, Hổ khê tam tiếu... hoặc các kiểu chúc tụng cát tường như: Long phụng trình tường, long vân khánh hội... chứ cái dĩa ni cháu thấy vẽ mấy con vật dị hợm, không biết điển tích chi lạ quá!"

Đắc ý, lão sư dạy chúng tôi: "Người chơi cổ ngoạn phải biết sưu tầm những vật phẩm lạ lùng, kỳ quái mà ít người biết mới gọi là lịch duyệt, lão luyện. Chứ cứ nghe ngóng rồi mua sắm những thứ ai cũng biết, nhiều người có thì còn chi thú vị. Tôi cho đó là hạng tầm thường, mới học chơi đồ xưa, vật cũ. Nay đến tuổi xa trời gần đất rồi nên tôi rút ruột chỉ cho các em ẩn ý chứa đựng trong cái dĩa báo đời này. Nó làm cho tôi phải mở tủ xỉa đủ bốn mươi sáu ngàn đồng cho lão Đàng hôm gần Tết đó (2).

“Lấy bốn chữ DĨ HỮU THIÊN HẠ ra đoán thử thì nghe đâu dường như Hồng Tú Toàn (hay ai đó vào thời đó) đặt ra hiệu DĨ HỮU THIÊN HẠ và chơi chữ hiểu ngầm, người nào làm chủ vật này sẽ làm chủ được thiên hạ, và vin theo đó mà nói thì lời đoán của mình rằng dĩa độ 150 năm là trúng phong phóc rồi, và tự khen lấy mình . . .

Nay bước qua ngón sở trường, lấy kinh nghiệm của một người chơi đồ cổ lão luyện mà nói, sau khi nhìn thật kỹ toàn bức tiểu họa trên dĩa thì quả quyết đấy là một bức tranh ẩn tự, vẽ trên một trăm năm về trước. Và cứ theo mắt tôi, tôi xin tán rộng để cho độc giả và người thành thạo xét lại. Trên  đĩa không phải hai con ếch hay hai con nhái, mà quả  thật đó là một cặp cóc (một vợ, một chồng đủ âm dương) và tôi nói “cóc" vì da nổi xù xì, một con da màu trắng và một con da màu lam (xanh lơ) . . . Ngoài ra con vật vẽ nằm trên lá, thì rõ lá này là lá sen dưới nước, rong rêu xung quanh và con vật ấy không phải là con sâu hoặc con tằm, mà quả là con rít (ngô công). Vì vẽ con vật có chưn dài thấy rõ, nếu là sâu hoặc tằm thì chưn cẳng giấu dưới và không dài như thế ấy, không ló ra như thế ấy. Ngoài rít nằm trên lá sen và hai con cóc tía, đối diện với hai cóc, lại thấy vẽ rõ ràng là một con rắn đang nằm trong hang lú đầu ra ngoài lè lưỡi tới trước y như thèm khát mồi tự thưở nào! Món mồi này là giống gì? Và ở đâu? Không cần nhìn xa, mồi ấy hoặc là con rít dưới nước hoặc hai cóc nọ đối diện với rắn ta . . . Ở đây, trên dĩa 46,000 đồng này, rắn không bao giờ ăn rít và chỉ mong nuốt tươi tỷ như một trong hai cóc nọ, hoặc xơi luôn hai cóc mới vừa bụng rắn. Hiểu sơ như vậy rồi nay bàn rộng thêm. Tôi có thể hiểu riêng cho tôi và hoang mang tưởng tượng, giả tỷ nếu hai cóc trên đĩa, con da trắng là cóc đất Bắc, con có da mục xù xì là cóc miền Nam, rồi tưởng tượng thêm nửa hai cóc phân làm hai chỗ (bị qua phân) và tưởng cho rắn nằm trong hang là: "Tàu Phỉ", “Tàu đỏ" rồi muốn hiểu ra sao thì mặc tình cứ hiểu lấy. Và đây là miếng nghề tranh thủ, giành thế giành phương , nóng bỏng là hải đảo Trường Sa và tật ham nói ba hoa không bỏ, đây đích thị là cảnh tam phân đỉnh túc trong Tam quốc chí của thời buổi hiện đại này. Nếu cóc biết phận mặc cho rít trêu chọc, đừng tham đừng táp rít và đừng nhúc nhích rời khỏi chỗ đứng yên của mình, thì “ rắn" đâu có cớ gì mà táp được. Nhược bằng cóc không an phận, quyết nhảy vào cuộc để nuốt con rít nọ, cóc mất chưn đứng như vậy sẽ tự làm mồi ngon cho rắn rồi.

Và tám chữ “Tế khan nhĩ đẳng hà nhật tương phục" tôi hiểu rộng theo tôi là “chúng bây thuộc loại hạ cấp , nhưng biết bao giờ chúng bây mới biết dung thứ  cho nhau để cùng sống chung hòa bình.”(3)

Chuyện cái dĩa cụ  Vương đã viết in trong tập sách: "Tạp bút năm Nhâm Thân 1992", rất tiếc lần in đó không có ảnh minh họa nên gây nhiều thắc mắc, tranh luận. Riêng tôi, từ ngày được cụ cho xem dĩa quý đã nhập tâm cố gắng tìm kiếm một cái như thế để bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Nhưng suốt bốn mươi năm trôi qua mà vô duyên chưa gặp được cái thứ hai. Nay tôi xin công bố hình ảnh, giới thiệu rõ ràng để giới yêu thích cổ ngoạn hiểu thêm.


Dưới đáy dĩa ghi: DĨ HỮU THIÊN HẠ, nghĩa: Lấy tình thân  ái mà sống với đời.

Trong lòng dĩa vẽ: "Rắn , rít , cóc nhái" ghi câu “TẾ KHAN NHĨ ĐẲNG HÀ NHẬT TƯƠNG PHỤC". Nghĩa: xem kỷ chúng mày đến ngày nào mới chịu phục tùng nhau.

Bốn mươi năm trước, nước nhà đang bị chia cắt phân tranh, Vương tiền bối ngắm cảnh vẽ đọc minh văn mà suy nghiệm, luận bàn theo ý mình như trên. Nay bỏ lại Vân Đường quạnh vắng, chủ nhân cưỡi hạc lên tiên đã mười sáu xuân thu, bộ sưu tập cổ vật quý hiếm được đưa về giữ  gìn tại Viện Bảo Tàng lịch sử Việt Nam (TP HCM). Mừng Xuân Quý Tỵ, nhắc lại chuyện cũ ở Vân Đường, hy vọng các bạn hiếu cổ, các nhà uyên bác văn học Hán Nôm suy nghiệm, công bố thêm nhiều kiến giải mới mẻ, thú vị hơn về lời cảnh báo ý nhị được người xưa lưu lại cho hậu thế trên chiếc dĩa này.

Ghi chú:
    (1) Vân Đường: tên ngôi nhà chính của cụ Vương
    (2) Lão Đàng: tức ông Hoàng Đàng, một người chuyên mua bán đồ xưa ở Huế
    (3) Vương Hồng Sển. Tạp bút năm Nhâm Thân 1992, trang 201 – 207 (NXB TRẺ , TP HCM 2003)

Trần Đình Sơn

http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2013/02/02/3BC212/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang