Chùa Một Cột đang bị "Tây hóa"
Chùa Một Cột nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội, có nguồn gốc từ một giấc mơ lành của vua Lý Thái Tông (1028 - 1054).
Từ nhiều thế kỷ nay, chùa Một Cột được xem là một trong những di tích
lịch sử có giá trị rất lớn về mặt văn hóa và kiến trúc. Nhưng gần đây,
di tích này đã “bất ngờ” có những thay đổi theo chiều hướng "phá cách"
khiến nhiều khách tham quan ngạc nhiên và bức xúc. Thậm chí, nhiều nhà
nghiên cứu văn hóa cho rằng, di tích lịch sử quan trọng này đang bị
"Tây hóa".
Khi bước vào gian chính điện thờ Phật Quan Âm, không khó nhận thấy
một giàn đèn chùm to theo phong cách “Tây” chuyên dùng cho các nhà thờ
hoặc các dinh thự lớn, được treo lên trên cao, nghiễm nhiên thay thế
cho lồng đèn dùng cho các chùa truyền thống ở Việt Nam.
Không hiểu vì lý do gì mà những người có trách nhiệm trông coi chùa
Một Cột lại có thể để chùm đèn này xuất hiện ở một công trình kiến trúc
nổi tiếng như vậy và đương nhiên nó không hề ăn nhập gì với nhau cả về
mặt văn hóa và kiến trúc.
Ngạc nhiên hơn, ở 4 phía mái chùa vẫn được treo đèn lồng hình hoa sen
nhưng duy chỉ gian chính điện lại được thay thế bằng đèn chùm khiến
nhiều người đặt câu hỏi lớn khi đặt chân đến chùa Một Cột: Liệu đây là
chùa "Tây" hay chùa "Ta" (!)
|
Chùa Một Cột
|
Chưa dừng lại ở đó, gần đây, ở chùa Một Cột, bất ngờ có hai cặp sư tử
đá được đặt trước lối vào. Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa truyền
thống, đền chùa Việt Nam thường không đặt sư tử đá.
Sư tử đá về mặt kiến trúc thường được đặt ở dinh thự, các nhà quan
lại quý tộc và là truyền thống của Trung Quốc. Trong cảnh quan kiến
trúc chùa Một Cột, hình ảnh của sư tử đá rõ ràng là không phù hợp, nhất
là chùa Một Cột lại nằm ở trung tâm chính trị văn hóa Ba Đình.
Di tích chùa Một Cột mỗi ngày đón hàng nghìn lượt du khách trong và
ngoài nước nhưng những hình ảnh văn hóa "ngoại lai" này không hiểu vì
sao vẫn có thể tồn tại.
|
Đèn chùm phương Tây xuất hiện tại gian thờ Phật Quan Âm
ở chùa Một Cột khiến nhiều du khách rất bất ngờ vì sự "phá cách" này
|
Chùm đèn "Tây Phương" tại chùa Một Cột có giá bạc tỷ
Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng PV cũng được gặp trực tiếp thày Đại
Đức đang trụ trì chùa Một Cột để tìm hiểu rõ việc chùa có những "chi
tiết lạ".
- Thưa Đại Đức, có một số ý kiến
cho rằng việc chùa Một Cột xuất hiện đèn chùm Tây phương trong chùa là
bất hợp lý cả về mặt văn hóa và kiến trúc. Đại đức có ý kiến gì về
quan điểm này?
Đại đức Thích Tâm Kiên: - Tôi cho rằng việc có đèn
chùm có mục đích làm đẹp hơn cho chùa chứ không có gì là phản khoa học
hay văn hóa và Phật giáo. Giàn đèn chùm hiện nay đang được treo ở cửa
Tam bảo, thờ Tổ và thờ Phật Quan Âm do một thí chủ người Hà Nội tặng
cách đây 4 năm.
Thực tế, trước đây, chùa cũng đã dùng đèn chùm của Liên Xô để treo.
Sau đó, vào năm 2008 đã trang tố lại toàn bộ hoành phi câu đối. Khi
chuẩn bị hoàn thành thì có có vị thí chủ xin dâng tặng giàn đèn chùm
như hiện nay làm bằng vàng tây trị giá khoảng 400 triệu, ở trong chùa
có 5 giàn đèn tất cả.
- Nhà chùa đã nhận được ý kiến phản hồi trực tiếp về việc này lần nào chưa, thưa Đại Đức?
Từ khi sử dụng đèn chùm ở chùa, nhà chùa vẫn chưa nhận được các ý kiến phản hồi trực tiếp nào cả.
- Ngoài đèn chùm Tây phương, cặp sư tử đá xuất hiện ngay trước
cửa chùa Một Cột cũng nhận được rất nhiều phản hồi trái chiều, quan
điểm của thầy về những ý kiến này liệu có đúng không?
Trước hết, cần phải hiểu rằng, Chùa Một Cột nằm phía tây
Hoàng thành Thăng long, là long mạch của đất nước. Trong khi đó, sư tử
là linh khí của tôn giáo, sức sống của Phật giáo nên mới được đặt vào
đó để giữ được linh khí của đất nước. Thực tế, sư tử là một con linh
thú, ở chùa Hương cũng có hai chú sư tử đá trấn cửa, chùa Trấn Quốc
cũng có chứ không riêng chùa Một Cột.
|
Đại Đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột
|
Nói đến sư tử thì phải hiểu thêm rằng đạo Phật ra đời tại Ấn Độ du
nhập vào Trung Quốc và truyền vào Việt Nam. Sư tử là linh thú của Phật
giáo. Về đời quá khứ có Đức Phật hiệu là “Nam mô Sư tử hống Phật”. Sư
tử lông sắc vàng là tiền thân của Đức Phật Thích Ca, khi Đức Phật
thuyết pháp ngài thường tọa trên Tòa sư tử, sư tử màu xanh là Linh vật
của Đức Văn Phù Bồ Tát, trong những ngôi chùa Việt thường có hai ông Hộ
pháp ngự tọa trên lưng sư tử trấn giữ cửa chùa.
Được biết, Thượng tọa Thích Thanh Nhã – Phó ban trị sự Phật giáo Hà
Nội, trụ trì chùa Trấn Quốc cũng đặt tạc một đôi sư tử đá to đề bài trí
ở chùa Trấn Quốc.
- Thưa Đại Đức, việc đặt sư tử đá có nhận được những ý kiến đánh
giá từ phía các nhà sư ở Hà Nội không khi nhiều người cho rằng đó là
“văn hóa ngoại lai” từ Trung Quốc?
Các nhà sư khác cũng cho rằng sư tử là tốt cho nhà chùa. Ở
Việt Nam bình thường dùng hai con chó đá giữ nhà, nếu cho rằng dùng sư
tử mang văn hóa Trung hoa thì phải hiểu là Phật giáo của Việt Nam là
Phật giáo Đại thừa du nhập từ Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, cái gì đúng thì mình làm, cái gì đúng mà hợp lòng dân thì mình chấp thuận thôi.
|
Hai pho tượng sư tử đá trước cửa chùa Một Cột
|
Nhà chùa sẵn sàng nghe ý kiến đóng góp và không chủ quan, nếu có hội
thảo khoa học cho rằng sư tử để đây được thì nhà chùa sẽ để. Còn nếu
không được thì nhà chùa sẽ tặng chùa khác vì đây là do tiền của cá nhân
tôi bỏ ra mua chứ ko phải của Phật tử đóng góp.
- Việc tu sửa các công trình kiến trúc cổ phải dựa trên hiện
trạng và nguyên gốc nên nếu thay đổi như vậy liệu có hợp lý không thưa
Đại đức?
Chùa Một Cột trong thời gian tới cũng chuẩn bị trùng tu tôn tạo và
thống nhất. Dự kiến sẽ còn 3 cuộc hội thảo của UBND quận Ba Đình đứng
lên làm chủ đầu tư và các nhà khoa học, các nhà văn hóa, nghiên cứu
lịch sử học.
Nhà chùa không bảo thủ mà sẽ lắng nghe các ý kiến dung hòa, cái gì
đẹp là đẹp cho Phật, cho cảnh, hài hòa cho mọi người thì nhà chùa làm.
- Phía Quận Ba Đình có phản hồi không hướng dẫn nhà chùa việc
treo đèn chùm và đặt sư tử đá, điều này có chính xác không thưa Đại
đức?
Việc treo đèn chùm và đặt sư tử đá ở chùa, quận Ba Đình
không chỉ đạo làm việc đó. Thực ra, về gốc gác thì chùa Một Cột không
có sư tử đá trấn cửa. Nhưng nếu tốt cho Long mạch và hợp với mọi người
thì nhà chùa sẽ làm.
Trước khi mua về tôi cũng đã có nghiên cứu cẩn thận vì di tích chùa
Một Cột là “đặc biệt” trong “đặc biệt” khi nó lại ở trong quảng trường
Ba Đình.
Thượng tọa Thích Thanh Nhã, phó ban trị sự Phật giáo Hà Nôi cũng rất
ủng hộ việc làm này. Tôi không nghĩ tới các vấn đề nhạy cảm sẽ xảy ra
sau này mà chỉ nghĩ đơn giản dâng lên để tốt cho đất nước cho mọi
người, Quốc thái dân an, cầu cho mọi người.
Đạo Phật là đạo từ bi nên cái gì mình làm tốt đẹp cho mọi người thì làm chứ không nghĩ gây cái gì.
- Xin cám ơn Đại đức !
Theo Hoàng Lâm - GDVN