Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Trần Nhân Tông và con đường chính pháp
Trần Văn Quân
25/11/2011 10:57 (GMT+7)

 Hà Nội, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Trần Nhân Tông và con đường chính pháp" và lễ giỗ.

Cuộc Hội thảo này không chủ trương đề cập lại những khía cạnh và vấn đề lịch sử đã rõ (như tiểu sử, thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, chiến công…) mà chủ yếu tập trung phân tích, đánh giá và làm rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhằm tôn vinh đúng mức tầm vóc và vị thế của Người, đặc biệt là những bài học lớn về tư tưởng khai giải nội lực con người và dân tộc, qua con đường gắn kết đạo - đời, tinh thần nhập thế tích cực (với triết lí căn bản "Vui đạo giữa đời thường"), đề cao bổn phận công dân và sự nghiệp dân nước làm trọng, tinh giản Phật sự, trong sáng đường tu, chống mê tín dị đoan, dẫn đích cho con người sớm nhận ra cõi phúc lạc Niết Bàn ngay trong lòng mình, trong gia đình mình, trong hiện hữu. Đó chính là công cuộc lớn nhằm xác lập chuẩn đạo trong giáo hóa độ sinh, mở đường lớn mạnh và vượt thoát toàn dân tộc - mà vì nó, Trần Nhân Tông dấn thân và dâng hiến trọn đời.

Cuộc Hội thảo thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận, từ các nhà học giả, các nhà nghiên cứu chuyên ngành, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội, tôn giáo… ở trong nước và quốc tế. Ban Tổ chức Hội thảo và Lễ giỗ Phật hoàng lần thứ 703 đã nhận được hơn 50 tham luận chính (trong đó có 7 tham luận được gửi tới từ Pháp, Hoa Kỳ, CH LB Đức, CH Séc,…). Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tham luận của mình hoan hỉ viết: "Đây là lần đầu tiên chúng ta mở một cuộc Hội thảo khoa học chính thức, hoàn toàn tập trung và đi thẳng vào cốt lõi tư tưởng Trần Nhân Tông, một vấn đề lớn và sâu sắc, cần cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, trong đó có sự phát triển đúng hướng của Phật giáo Việt Nam. Điều đó thật đáng quý, nhất là khi nhìn nhận vấn đề không chỉ phù hợp và hữu ích cho dân tộc chúng ta, mà còn cho cả thời đại và nhân loại".

Ngay sau Hội thảo (sáng 24-11-2011), cũng tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, nơi in đậm dấu tích và hình bóng của các thế hệ cha ông, Lễ giỗ Phật hoàng lần thứ 703 được tổ chức trọng thể vào sáng 25-11-2011 (tức mùng 1 tháng 11 Tân Mão) với sự đăng kí tham gia của đông đảo các quan khách, đồng bào, tăng ni phật tử trong và ngoài nước, thể hiện sự ngưỡng vọng và thiết tha đối với Phật hoàng, nhất là con đường chính pháp mà Người đã cất công khai lối dựng nền từ thế kỉ XIII vì dân tộc, vì con người và nhân loại.

Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là một nhân vật lịch sử vĩ đại, anh hùng dân tộc thế kỉ XIII, là nhà chính trị - quân sự - ngoại giao - văn hóa kiệt xuất. Ông còn là một nhà tư tưởng lớn vượt qua thời đại mình, mà nhiều giá trị sâu sắc đầy tính nhân văn ở tầm nhân loại cho đến nay dường như vẫn còn chưa được phân định, nhận thức và tôn vinh một cách rõ ràng, đúng mức.

Về đời làm vua (lên ngôi năm 21 tuổi - 1279, nhường ngôi năm 1293 và làm Thái Thượng Hoàng đến năm 1298), Ông là một vị vua anh minh, văn võ kiêm tài, lòng nhân cái thế. Là nhà chính trị - tuy mới ngoài 20 tuổi, ông tỏ rõ tài thao lược trong trị quốc an dân, coi trọng hòa hiếu, cố kết lòng người, giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia, hưng thịnh đất nước, tận tụy và kiên gan trong tìm đường khai giải nội lực con người và dân tộc, những mong lớn mạnh và vượt thoát. Là thiên tài quân sự, Trần Nhân Tông trực tiếp tổ chức và chỉ huy hai cuộc kháng Nguyên, cùng quân dân Đại Việt kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh vệ quốc vĩ đại thế kỉ XIII. Là nhà ngoại giao lịch lãm và thông tuệ - ông luôn luôn tôn cao thể diện quốc gia và cốt cách Quân vương Đại Việt: Rắn mà không giòn, nhu mà không hèn, nhường mà không mất, kính mà không thẹn, nhịn mà không thua. Là nhà văn hóa - tư tưởng, ông có công cắm mốc cho nền văn học thành văn nước nhà viết bằng chữ Nôm, với những tác phẩm truyền đời. Hơn thế, ông còn là ngọn cờ đầu trong công cuộc giáo hóa con người, bồi đắp nền thuần phong mĩ tục, thực hiện sống hòa giải và yêu thương, vững bước và kiên gan cách tân Phật pháp, với lời tuyên bố hào hùng và có sức lay động muôn người, muôn thế hệ Việt Nam: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông ngàn thuở vững âu vàng".

Về đời đi tu (1298 -1308), cho dù lẽ thường "cái quan định luận" thì trên thực tế hơn 700 năm qua, hậu thế vẫn chưa thể và chưa thực sự "lặn ngụp" với tiền nhân, ngõ hầu cất công soi tỏ nhiều giá trị và tầm mức cao dày của Phật hoàng, nhất là về hành trạng và tư tưởng lớn của ông, trong đó có vấn đề sự thật vì đâu mà quyết định đi tu, động cơ nào và mục tiêu nào trên con đường gian nan (chứ không hề ngon ngọt gì) và rất đỗi cao thiêng ấy? Để thành Phật ư? Hay còn vì những gì thôi thúc Người dấn bước một cách dứt khoát và mạnh mẽ đến thế?

Về Phật, ông không chỉ dẫn hướng cho con người tìm Phật ở ngay trong chính lòng mình, trong nhà mình mà còn sáng suốt đưa ra những định nghĩa mới về các Phật. Ví như Thích Ca là "Tích nhân nghì, tu đạo đức", Di Lặc là "Cầm giới hạnh, đoạn gian tham", Di Đà là "Tính sáng soi", Tịnh Độ - Quốc độ Phật là "Lòng trong sạch"…

Cổ kim, chưa từng có một triết nhân nào chỉ ra con đường sáng của nghiệp sống một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ thấy, dễ nghe và dễ thuận theo đến thế. Đó chính là con đường sáng nhất, là ngọn đèn pha ngay lành nhất cho nhân loại trên hành trình đi tìm hạnh phúc.

Về Tăng - đây chính là đối tượng quan trọng mà Phật hoàng hướng tới trong công cuộc cách tân ngôi nhà Phật giáo Đại Việt thế kỉ XIII. Bởi đó là lực lượng lòng cốt, gánh vác sứ mạng trao truyền Phật Pháp, bảo đảm sự phát triển bền vững của Đạo Phật. Nhưng đây cũng là mắt xích - là chỗ dễ và thường làm nảy sinh các phức tạp và rối rắm trong đường tu, tạo nguy cơ khiến dột nát chính ngôi nhà Phật giáo. Tất cả những vấn đề này đã được nhìn nhận rõ qua các tham luận chính tại Hội thảo.

Đó là hình ảnh cao trọng và ngời sáng không chỉ thuộc về Trần Nhân Tông và thời đại, mà chính là của tâm hồn Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, nhân cách Việt Nam, vị thế Việt Nam. Vì thế chúng ta có quyền tự hào: Đạo Phật Trần Nhân Tông, con đường Phật Thiền chính pháp Trần Nhân Tông chính là đạo Phật Việt Nam, là con đường chấn hưng Phật giáo Việt Nam, góp phần đắc lực vào hành trình phát triển đúng hướng của Phật giáo, nhằm xây dựng một đời sống ngay lành, ổn định cho mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội, trực chỉ vị thế dân tộc Việt Nam, nơi chốn "Cố hương" để tìm về của số đông người trên thế gian này.

Theo: Người cao tuổi

Các tin đã đăng:
Về đầu trang