Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Trần Nhân Tông và con đường chính pháp:
Một đạo Phật đặc biệt Việt Nam
25/11/2011 10:45 (GMT+7)


Tại hội thảo Trần Nhân Tông và con đường chính pháp do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức ngày 24-11 tại Hà Nội, hơn 300 các học giả, các tăng ni phật tử, nhà nghiên cứu lịch sử và tôn giáo trong và ngoài nước, nhất là kiều bào Pháp, Đức, Mỹ… đã tham dự.

Khung cảnh hội thảo - Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Theo GS Cao Huy Thuần: “Lịch sử gọi ngài là vua Phật, là Phật hoàng. Vua Phật lãnh đạo cuộc chiến chống xâm lăng, làm sao tách rời đâu là vua, đâu là Phật trong một hành động của Ngài? Ở Nhật có tinh thần samurai trong mỗi cuộc chiến, nhưng ở VN có cả một ông vua Phật và cả một hàng ngũ tướng lĩnh thấm nhuần thiền: cứ đem so sánh, ảnh hưởng của thiền ai nhiều hơn ai trong trận thắng?

Cho nên, Phật giáo ở Việt Nam thời Trần là một hiện tượng kỳ lạ, độc đáo: không ở đâu khác, một ông vua vừa là tướng cầm quân, vừa là thiền tổ. Nơi ông vua ấy kết tinh một tư tưởng, vừa là trên cơ sở lý thuyết, vừa là nền tảng giáo dục, lại vừa là thực tiễn hành động. Đó là một đạo Phật đặc biệt Việt Nam”.

Các học giả cũng đã đi sâu phân tích mô hình vua Phật thời Trần Nhân Tông - mở rộng ra mô hình nhà nước quân chủ Đại Việt thế kỷ 10-14 với tên gọi “mô hình quân chủ tương hợp” để đi đến kết luận: lịch sử nước nhà có những bước đi riêng, xua tan “bài ca ảo" muôn thuở “Việt Nam là cái bóng của Trung Quốc” trong cái nhìn của học giả quốc tế (TS Nguyễn Quốc Tuấn - phó viện trưởng Viện Tôn giáo).

Ánh sáng độc lập tự do, tư duy về dân tộc và đất nước VN, cách nhìn đối với thiên hạ xung quanh dân tộc mình của Phật hoàng Trần nhân Tông cũng được các học giả phân tích dưới góc nhìn hiện đại và phát hiện tính thực tế cũng như sự hợp thời của tư tưởng ấy. Nhận thức về quyền lực và sự hưởng thụ vật chất của Ngài cũng đem lại nhiều khám phá mới mẻ cho các nhà nghiên cứu về Phật học và Phật hoàng (đạo sư Duy Tuệ).

Và Phật hoàng Trần Nhân Tông không còn là biểu tượng của Phật giáo VN, ngài còn là biểu tượng của một nền văn hóa rực rỡ, nói như giáo sư Cao Huy Thuần: “Không phải chỉ riêng phật tử, bất cứ người VN nào cũng hãnh diện về lịch sử nước mình có một triều đại rực rỡ như thế, nhất là  trong tình trạng xâm lấn hiện nay. Triều đại đó đã được xây dựng trên một văn hóa rực rỡ. Rực rỡ và độc lập”.

Thu Hà (Tuổi Trẻ Online)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang