Công đức ăn chay
Một số người có
duyên lành trải qua kinh nghiệm cận tử, sau khi thoát nạn thì thay đổi
hoàn toàn từ nhận thức, quan niệm sống đến hành xử theo hướng thiện
lành. Thế giới mà họ chiêu cảm được bằng kinh nghiệm cận tử đã đánh thức
lương tri, phát tâm phục thiện và tin tưởng sâu sắc vào nhân quả thiện
ác. Lúc bấy giờ, cảnh giới đan xen hay thế giới đa thù không phải là lý
thuyết nữa mà là điều họ đã trải nghiệm. Sứ mạng cao cả nhất đối với họ
từ đây cho đến cuối đời là chuẩn bị hành trang thiện lành cho đời sau
đồng thời khuyến tấn mọi người sống đạo đức, nhân nghĩa.
Truyện Sự tích cứu vật phóng sanh kể rằng: “Cố Thuận Chi là một
người hiền đức, chuyên ăn chay. Một hôm ông nằm ngủ, rồi ngủ luôn một
giấc suốt bảy ngày đêm, khiến cho người nhà phải một phen hú vía.
Sau khi tỉnh giấc, ông thuật lại với mọi người trong nhà: Quả thực là
một cuộc hành trình vô cùng ý nghĩa! Đêm ấy, ta đang nằm ngủ mơ màng thì
thấy có người đến gọi: Đã ngủ rồi sao? Hóa ra đó là Pháp sư Đạo Quang,
vị Đại sư mà hàng ngày ta luôn kính trọng. Ngài nói: Cố cư sĩ, chúng ta
hãy đi nghe kinh nhé! Tự nhiên ta cảm thấy vô cùng thích thú, liền đáp:
Đi thì đi!
Thế là cùng đi đến một đạo tràng rất to lớn rộng rãi, trang nghiêm sạch
sẽ và có khá đông thính chúng đến nghe kinh. Pháp đường phía trước thì
giảng kinh Kim Cương, còn pháp đường phía sau thì giảng kinh Báo Ân.
Vị cao tăng giảng kinh Báo Ân đến lúc kết thúc dạy rằng: Các cư sĩ tại
gia ăn thịt thì điều cần nhất phải giữ giới không sát sinh, một là để
siêu độ cho cha mẹ, hai là để tiêu trừ tội nghiệp của chính mình. Còn
những Phật tử có đạo tâm từng ăn chay thì phải cố gắng giữ gìn kiên
định.
Kế đến Pháp sư Đạo Quang dẫn ta đi đến một nơi mà vừa mới chạm mắt đã phải kinh hồn, đó là một cái hồ máu!
Ở chính giữa hồ máu có một người đàn bà khóc la thảm thiết, trên thân bà
thì vô số những con ốc, con giun đang bò qua, bò lại. Pháp sư giảng
giải một cách rõ rằng: Thân mẫu hiện tại của ngươi nhờ công đức ăn chay,
làm phước nên được cứu độ, còn người trong hồ ấy chính là thân mẫu
trong đời quá khứ của ngươi, vì bà ta thích ăn thịt vịt nên mới ra nông
nỗi ấy! Nếu ngươi muốn cứu độ bà thoát khỏi khổ báo thì hãy cố gắng tụng
chú Đại bi và Vãng sanh.
Đó chính là giấc mộng vừa rồi của ta.
Từ đó, Cố Thuận Chi càng tin tưởng công đức to lớn của việc trì trai và lòng tin ấy ngày càng kiên cố hơn”.
Mỗi người tùy theo phước đức hay tội báo của mình mà có một cận tử
nghiệp và sự chiêu cảm khác nhau. Cố cư sĩ hiện đời chuyên tâm tu tập,
ăn chay, niệm Phật, trì kinh, nghe pháp nên nghiệp cận tử của ông là
được theo vị pháp sư mà ông hằng kính ngưỡng vào giảng đường nghe pháp.
Và nhờ phước lực huân tu trường chay, trưởng dưỡng lòng từ, không sát
hại chúng sanh nên chiêu cảm được gặp vị cao tăng giảng kinh Báo Ân ca
ngợi công đức hiếu thuận, trong đó ăn chay không những tiêu trừ nghiệp
chướng cho chính mình mà còn có thể góp phần để cứu độ cha mẹ và những
thân nhân quá vãng.
Ngày nay, người ăn chay ngày càng đông và mục đích ăn chay của họ cũng
khác biệt, có thể ăn chay vì sức khỏe, dưỡng sinh, trị bệnh hoặc vì
thương tưởng chúng sanh, trau dồi nhân cách và phát triển từ bi. Dù ăn
chay với mục tiêu nào đi nữa cũng góp phần hạn chế bớt sự giết hại, nuôi
dưỡng sự sống, bảo vệ môi trường… và giúp người ăn chay hiền thiện
hơn.
Tuy chúng ta chưa hội đủ duyên lành để cơ cảm và trải nghiệm những giá
trị của tu tập ăn chay như cư sĩ Cố Thuận Chi nhưng "giấc mộng" của ông
đã nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người hãy tôn trọng sự sống, giảm bớt sự sát
hại và nuôi dưỡng lòng từ bằng chính việc thực tập ăn chay trong đời
sống hàng ngày.
Tác giả bài viết: Thường Tâm - Quảng Tánh
Nguồn tin: www.thichquangtanh.com