Đoán thử tính cách
Sách
tử vi nói người tuổi Thìn (rồng) khoan dung, đại lượng, tràn trề sinh
lực, rất thông minh, kiên trì và vị tha. Họ thường là tâm điểm trong đám
đông và thành công khá dễ dàng trong cả cuộc sống riêng tư lẫn công
việc. Họ là người có thể gánh vác những trọng trách lớn. Đối với họ,
việc nào càng khó, họ càng có hứng thú. Nhược điểm là vì có tiềm lực lớn
nên khi làm một việc gì đó, người tuổi Thìn ưa khua chiêng gõ trống rầm
rộ. Đây là lý do để đôi khi họ phải nhận những sự gièm pha không cần
thiết. Tuy nhiên nếu ai đó muốn “khiêu chiến” trực diện với người tuổi
Thìn thì quả là hết sức sai lầm, vì rất dễ bị đè bẹp.
Người
tuổi Thìn có tính khí nóng nảy, cuồng nhiệt, chất chứa nhiều khát vọng,
hoài bão lớn nhưng không xảo quyệt, mưu mô. Họ luôn thẳng thắn trình
bày quan điểm của mình và hay kiêu hãnh về bản thân, tuy sự kiêu hãnh
này đôi lúc quá mức cần thiết. Người tuổi Thìn có khả năng gánh vác
những công việc lớn. Cuộc sống của người tuổi Thìn thường khá sung túc,
nhưng họ cũng không quá ham thích kiếm tiền.
Người
tuổi Thìn thích mình nói cho người khác nghe hơn là thích nghe người
khác nói. Tuy nhiên họ vẫn là người biết trên, biết dưới, sống hiếu
thuận, sẵn sàng giơ tay giúp đỡ kẻ yếu thế.
Tuổi
Thìn thường hướng ngoại, họ không mấy khi để tình cảm xen vào công
việc. Tổ ấm của người tuổi Thìn thường khác với các tuổi khác, ở đó sự
uy nghiêm, trang trọng phải đặt lên hàng đầu. Người tuổi Thìn cũng luôn
có mục đích sống rõ ràng.
Nam
giới sinh tuổi Nhâm thìn (1952, 2012) thuộc mệnh Trường lưu thủy (nước
chảy dài). Về cuộc sống của người tuổi này, nếu sinh vào tháng 6, 7, 11
âm lịch thì cả công việc lẫn gia trung đều tốt đẹp, đề huề. Sinh vào các
tháng còn lại dễ bị trắc trở về đường tình duyên. Nam tuổi Nhâm Thìn
trong làm ăn rất hợp các tuổi Nhâm Thìn, Bính Thân, Mậu Tuất. Còn trong
tình duyên thì ngoài 3 tuổi trên, có thể chọn tuổi Canh Dần.
Nữ
giới tuổi Nhâm Thìn cũng thuộc mệnh Trường lưu thủy, cuộc đời tiền vận,
trung vận, hậu vận đều tốt, đặc biệt từ tiền tài, danh vọng sẽ đến từ
khoảng 34 tuổi trở đi. Nữ tuổi Nhâm Thìn trong làm ăn hợp với các tuổi
Nhâm Thìn, Bính Thân, Mậu Tuất.
Tuổi
Nhâm Thìn mang mệnh “nước sông dài”, rồng gặp nước là điều vô cùng tốt
nên phỏng đoán chung tuổi này dễ thành đạt, có vị trí trong xã hội.
Đặt tên gì cho con?
Nhiều
bậc phụ huynh đang băn khoăn về việc đặt tên cho con sinh ra trong năm
nay, sao cho hợp với ngũ hành để hy vọng bé lớn lên sẽ thành đạt, vinh
hiển. Năm Nhâm Thìn mệnh là Trường lưu thủy, xét theo tương sinh trong
ngũ hành thì các tên có chứa bộ chữ thuộc hành Kim, Thủy, Mộc nên chọn,
tránh hành khắc là Thổ, Hỏa (do việc đặt tên theo phong thủy khá phức
tạp, do vậy nếu là người cầu kỳ thì nên nhờ người am hiểu lĩnh vực này
tư vấn).
Một
số người đã đưa ra các gợi ý về tên. Ví dụ hành kim có các tên: Bảo,
Cẩm, Châm, Chinh, Cương, Chí, Hiền, Cường, Kim, Linh, Loan, Ngân, Hoàng,
Giáp, Đồng, Liêm, Luyện, Phong, Quân...; Hành Thủy có Băng, Bích, Bình,
Giang, Hà, Hải, Hiệp, Lam, My, Nguyên, Thanh, Tuyết, Thắng, Triều,
Vũ...; Hành Mộc là Bách, Dương, Hạnh, Mai, Lê, Liễu, Kiệt, Lâm, Phương,
Lương, Thư, Xuân v.v... Người xưa thường nói “Rồng gặp nước” sẽ thành
công, do vậy bạn nên lưu ý bộ thủy trong tên của con mình sẽ phát huy
hết sở trường của mình.
Nếu
là người không rành về ngũ hành, phong thủy và cũng không cầu kỳ thì
cần lưu ý, do rồng là biểu tượng của sự dũng mãnh nên nếu là con trai
hãy chọn những cái tên thể hiện sự can trường, uy dũng, tránh những tên
yếu ớt hạ thấp vị thế của con rồng. Nếu là con gái, do rồng thường bay
lượn trên không nên những tên như Vân, Nhi, Ý, Nguyệt... cũng khá phù
hợp.
Rồng
còn được coi là vật tối linh tối thượng trong văn hóa truyền thống
phương Đông. Do vậy, những chữ như: Đại, Vương, Quân, Ngọc, Trân, Châu,
Cầu, Lâm, Ban, Chương, Quỳnh, Thái, Thiên, Vượng... có thể giúp tăng vận
tốt của người tuổi Thìn.
Tuy
nhiên, quan trọng hơn khi đặt tên cho con là phải thể hiện được khát
vọng tốt đẹp của cha mẹ, gia đình, đặc biệt đứa trẻ phải được nuôi dạy,
chăm chút thường xuyên, nếu không có những yếu tố này thì dù tên có đẹp
đến mấy, đúng ngũ hành, phong thủy đến mấy cũng chẳng giúp ích gì.
Bản mệnh các tuổi Thìn Nhâm Thìn: Trường Lưu Thủy (nước sông dài) Giáp Thìn: Phúc Đăng Hỏa (lửa đèn thờ) Bính Thìn: Sa Trung Thổ (đất pha cát) Mậu Thìn: Đại Lâm Mộc (cây rừng lớn) Canh Thìn: Bạch Lạp Kim (vàng chân đèn) Hậu duệ của Rồng Rồng
có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của Việt Nam. Người Việt
coi mình là hậu duệ của “con rồng, cháu tiên” (truyền thuyết Lạc Long
Quân và Âu Cơ). Vua chúa thì lấy hình ảnh con rồng làm biểu tượng cho
mình. Có rất nhiều từ gắn với chữ long: long thể (thân thể nhà vua),
long bào (áo), long mão (mũ) long ngai (ghế), long sàng (giường), v.v...
Thậm chí có những triều đại đã xăm hình ảnh rồng lên đùi các vị vua,
đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) tục này mới chấm dứt. Rồng còn
được xếp đứng đầu hàng tứ linh (long, ly, quy, phượng). Sở dĩ như vậy là
bởi rồng là linh vật biểu trưng cho sức mạnh, sự uy nghiêm và tôn quý. Rồng có mấy loại? Rồng
qua mỗi thời kỳ lại mang những vóc dáng khác nhau. Rồng thời Lý là con
vật mình dài như rắn, thân có vẩy, lưng có vây, uống cong nhiều vòng
uyển chuyển, có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong, nhọn. Đầu rồng ngẩng
cao, miệng há rộng vờn viên ngọc. Mào rồng hình ngọn lửa. Trên trán
rồng có hoa văn giống hình chữ "lôi", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa. Rồng
thời Trần xuất hiện thêm cặp sừng, đôi tay. Đầu uy nghi, thân rồng
tròn, uốn khúc nhẹ, lưng võng. Đuôi rồng khi thẳng, nhọn, khi thì xoắn
ốc. Vảy rồng lúc thì giống những cánh hoa, xếp đều đặn, có lúc chỉ là
những nét cong nhẹ nhàng. Rồng
thời Lê (thế kỷ XV) mũi to, đầu to, bờm lớn, hất ngược ra sau, không có
mào lửa. Thân rồng uốn lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn
quắp lại, rất dữ tợn. Thời
Trịnh - Nguyễn, rồng được dân gian hóa, lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh
rồng mẹ quây quần cùng đàn rồng con hay rồng đuổi bắt mồi... Sau thời
này, rồng được quay lại uy nghi như trước. Đầu rồng to, sừng ngược ra
sau, mắt mũi rất to, miệng há lộ răng nanh. H.T |
Vũ Kiệt (Tổng hợp)
Theo GiadinhNet