Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Nghệ thuật uống trà!
Viên Ngộ
05/07/2011 21:43 (GMT+7)

Tuy nhiên, uống trà như thế nào để thiết lập được sự truyền thông tốt đẹp giữa các thành viên trong một tổ chức, những người thân yêu trong gia đình hiểu nhau và thương yêu nhau nhiều hơn là vấn đề hết sức quan trọng, mà đòi hỏi mỗi người cần phải biết nghệ thuật của việc uống trà. Thông thường, chúng ta uống trà chỉ vì quan hệ làm kinh tế hoặc ngồi lại bàn tán, bình phẩm những thông tin thời sự đó đây, chứ ta không có mặt thực sự để thưởng thức hương vị thơm ngon của trà, cũng như không tiếp xúc trọn vẹn với người bạn đang ngồi bên cạnh. Theo kinh nghiệm của người xưa cho thấy, nếu chúng ta uống trà với thái độ nôn nóng, hấp tấp và hờ hững với hiện tại thì chẳng có ít lợi gì cả, mà trái lại bỏ phí khá nhiều thì giờ vô bổ. Bởi thói quen của ta, mỗi khi ngồi lại uống trà thì hay nói những câu chuyện mang tính chất lý luận hơn thua, dẫn đến việc tranh cãi và cuối cùng tạo ra sự xung đột mất đoàn kết, cho nên chư vị tiền bối đã nhắc nhở chúng ta nhớ rằng: “Bất đắc đơn thượng tương tụ bãi trà, dạ tọa tạp thoại. (Không được trên đơn xúm nhau bày trà, ngồi đêm, nói tạp)”(Luật Sa Di). Do đó, uống trà như thế nào để cho tâm hồn được lắng đọng yên tịnh, nhằm khai mở sự hiểu biết và tình thương yêu trong ta biểu hiện, thì cả một nghệ thuật lớn lao, mà tự mỗi người cần phải chiêm nghiệm.


Nghệ thuật là phương thức giàu tính sáng tạo và khế hợp với thực tại, mà bất cứ ngành nghề nào cũng cần biết đến. Ví như, một người bình thường muốn trở thành cầu thủ bóng đá xuất sắc, thì vị ấy phải biết những nguyên tắc, kỷ thuật trong việc luyện tập chơi bóng và cộng thêm phần nhạy bén sáng tạo của tự thân thì người ấy sẽ dễ dàng đạt được kết quả tốt đẹp. Uống trà cũng vậy, đòi hỏi bạn phải có thái độ bình thản và thong dong trong khi thưởng thức trà. Nếu bạn thực sự để hết tâm tư vào tách trà đang uống, mà không suy tính những công chuyện khác thì ngay trong giây phút ấy bạn sẽ thấu hiểu được, thế nào là nghệ thuật uống trà.
Ở các nước láng giềng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng và Trung Hoa, họ đều có những phong cách uống trà khá vững chãi. Đặc biệt ở Nhật Bản, đa số dân chúng của họ đều biết các kỷ thuật pha chế trà và thưởng thức trà với phong thái nhẹ nhàng và sâu lắng, nên được mệnh danh là Trà đạo. Tại Việt Nam của chúng ta, mặc dù chưa phát triển mô hình trà đạo, nhưng hầu hết mọi người dân ai ai cũng biết uống trà. Mỗi buổi sáng thức dậy, các vị ở độ tuổi trung niên trở lên thường uống một vài ấm trà nóng trước khi họ vác cuốc ra đồng hoặc lái xe đi làm việc. Đối với các nhà thơ, nhà văn và những người làm công tác báo chí thì việc uống trà trở nên quá quen thuộc. Bởi nhâm nhi một vài tách trà sẽ giúp cho tâm trí họ tỉnh táo và sáng suốt hơn trong khi đặt bút viết bài. Mặt khác, hương vị của trà thật nhẹ nhàng và dễ chịu, không chứa đựng các chất kích thích giống như bia hoặc rượu, nên tâm tư người thưởng thức trà rất dễ dàng trầm tĩnh và sâu lắng.

           
 Ở chốn Thiền môn, các vị xuất gia lấy trà làm bạn đạo. Bởi nếp sống ở trong chùa rất đơn giản; mỗi khi huynh đệ có cơ duyên hội ngộ bên nhau thì chỉ tiếp đãi bằng một vài ấm trà, để rồi cùng nhau thưởng thức và trao đổi những kinh nghiệm tu hành, cũng như chiêm nghiệm lại chính bản thân mình trong quá trình học đạo. Thỉnh thoảng giữa tình huynh - đệ và Thầy - trò vẫn có những hiểu lầm hay buồn phiền lẫn nhau, nhưng khi ngồi lại bên nhau để uống trà và chia sẻ đạo lý thì yếu tố tiêu cực kia tự động được hóa giải một cách nhanh chống. Đây chính là nghệ thuật khá độc đáo, mà đòi hỏi trong khi uống trà, chúng ta cần phải có thái độ bình thản mới có thể thấy ra được sự thật ấy.
Qua những lần uống trà, người viết đã tùy hứng làm mấy vần thơ ngắn, để nói lên tâm trạng của mình như sau:

Trà thơm một chén, nâng trên tay
Ý lặng hòa chung, cảnh hiện bày
Hương trà tỏa ngát, tâm tỏ rạng
Thâm sâu trà đạo, ở nơi đây.
        
 Khi nâng chén trà lên uống, bạn phải rõ biết từng diễn biến đang xảy ra ở nơi thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại. Nghĩa là bạn tiếp xúc trọn vẹn với thực tại ở đây, mà không để cho tâm ý của mình rong ruỗi hay phiêu du một nơi nào khác. Khi tâm hồn tĩnh lặng và sáng tỏ thực sự, bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon của trà, đồng thời trạng thái an lạc, hạnh phúc cũng từ đây mà biểu hiện. Nếu bạn uống trà được như vậy, thì đó chính là đỉnh cao của nghệ thuật trà đạo.

Trong bối cảnh của xã hội ngày nay, đa phần con người bận rộn quá nhiều; bởi do áp lực từ công việc và học hành, nên ít ai có thì giờ rảnh rỗi ngồi yên để nhâm nhi từng tách trà. Vì đáp ứng nhu cầu cuộc sống, cho nên từ sáng sớm thức dậy mãi đến chiều tối, tâm ý lúc nào cũng suy tính, lo toan và tất bật ngược xuôi trên mọi nẻo đường. Nhiều lúc những người thân thương trong gia đình hiếm khi có cơ hội ngồi lại bên nhau để tâm tình, chia sẻ. Bởi ai cũng tranh thủ muốn kiếm cho thật nhiều tiền, để xây dựng nhà cửa khang trang và mua sắm nhiều tiện nghi sang trọng khác, nhằm đáp ứng mục tiêu mà con người hướng tới…

Mặc dù của cải vật chất đầy đủ và người ta mặc sức ăn chơi, hưởng thụ như thế. Nhưng, về phương diện tinh thần thì bất cứ ai cũng có thể gặp phải những bế tắc và bất an xảy ra trong cuộc sống, dù ít hay nhiều. Từ những chuyện trắc trở tình cảm giữa vợ đối với chồng, cha mẹ và con cái cũng như việc giảng dạy của các thầy cô giáo đối với những em sinh viên, học sinh… gặp rất nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp.

Để điều chỉnh nhận thức sai lầm và hóa giải những bế tắc trong cuộc sống, bạn cần phải thường trực trở về với chính mình. Mỗi ngày, bạn nên dành một ít thì giờ để ngồi yên và lắng đọng tâm tư, nhằm hóa giải những bế tắc, căng thẳng ở thân tâm mình. Trong đó, việc uống trà với trạng thái bình thản và thong dong cũng là vấn đề vô cùng quan trọng, bởi nó có khả năng giúp cho tâm trí bạn trở nên an tịnh và trong sáng. Thực ra, nghệ thuật uống trà rất đơn giản, không quá nặng nề về các hình thức, nghi lễ… nhưng nó mang lại chất lượng tốt đẹp cho đời sống của bạn. Mỗi khi nâng tách trà lên uống, bạn chỉ cần để hết tâm ý vào tách trà và có mặt trọn vẹn với phút giây ấy, mà không cần phải tính toán hay nghĩ ngợi chuyện gì cả, thì đó chính là nội dung sâu sắc nhất của nghệ thuật uống trà.

Viên Ngộ

Các tin đã đăng:
Về đầu trang