LTS: Đức Đại lão Hòa thượng
Thích Trí Thủ (1909 - 1984), Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN là
bậc cao tăng có những cống hiến to lớn đối với Đạo pháp và Dân tộc, đặc
biệt là sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp của Phật giáo trong thế kỷ XX.
Ban Sưu tập tu viện Quảng Hương Già Lam đã dày công sưu tập các công
trình về kinh, luật, luận, thi kệ và tản văn của Đại lão Hòa thượng tập
thành bộ "Toàn tập Tâm Như - Trí Thủ" nhân ngày húy nhật lần thứ 18 của
Ngài. Công trình này vừa được tái bản đúng vào dịp kính tưởng niệm lần
thứ 27 ngày Ngài viên tịch (2 /3 / Giáp Tý - 2/3/Tân Mão) với sự bổ sung
và chỉnh lý công phu, hình thức rất trang nhã, in thành 5 tập (thay vì 3
tập trong lần in trước). GN trích phần Lời nói đầu, trân trọng giới
thiệu cùng độc giả.
Thế là gần một phần năm thế kỷ đã trôi qua, kể từ
ngày vị ân sư của chúng tôi là Hòa thượng Tâm Như Đạo Giám Trí Thủ viên
tịch. Đây là một mất mát to lớn không những đối với bản thân những người
đã thọ ân Hòa thượng mà còn đối với Đạo pháp và Dân tộc. Cuộc đời của
Hòa thượng đã có những cống hiến có tầm cỡ đối với sự nghiệp giáo dục và
hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX, do thế, đáng được
cho những người lớp sau, cụ thể là chúng tôi học tập và suy ngẫm. Chính
trong quá trình học tập và suy ngẫm này, chúng tôi đã sưu tập được những
lời dạy bảo của Ngài qua một số các công trình được viết thành văn bản.
Xét rằng, những công trình này không những hữu ích cho chúng tôi, mà
cho cả nhiều tầng lớp người khác trong tương lai, vì thế, để đền đáp lại
phần nào công ơn giáo dưỡng của Hòa thượng, chúng tôi đã mạnh dạn cho
công bố các công trình đã được chúng tôi sưu tập.
Chúng tôi biết rằng, những công trình đã sưu tập được
ấy chưa phải đã bao quát hết toàn bộ các bài viết, bài nói của Hòa
thượng trong hơn nửa thế kỷ phục vụ Đạo pháp và Dân tộc. Cụ thể là toàn
bộ các bài phát biểu bằng văn bản của Hòa thượng từ những năm 1951, khi
Ngài giữ chức vụ Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần, rồi
vào những năm 1970 Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất, cho đến những năm 1980 khi đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng
Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện chưa được sưu tập
đầy đủ và xuất bản trong lần này. Chúng tôi vẫn mạnh dạn công bố những
gì sưu tập được dưới danh nghĩa Toàn tập các tác phẩm của Hòa thượng,
trước mắt, nhằm làm tư liệu học tập và nghiên cứu cho chúng tôi và những
người khác và sau nữa để làm cơ sở cho những bổ di trong tương lai khi
việc sưu tầm có thể tiến hành với nhiều thành tựu mới.
Suốt cuộc đời mình, Hòa thượng đã phục vụ cho Đạo
pháp và Dân tộc qua nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhưng nét nổi bật, mối ưu
tư hàng đầu của Hòa thượng vẫn là vấn đề giáo dục và văn hóa. Từ những
ngày đầu xây dựng trường Phật học Việt Nam đầu tiên ở chùa Tây Thiên -
Huế vào những năm 1930, rồi thành lập Viện Cao đẳng Phật học, tiền thân
của Viện Đại học Vạn Hạnh, vào năm 1964, cho đến những ngày cuối cùng
tại Quảng Hương Già Lam, không lúc nào vấn đề giáo dục lại không được
Hòa thượng quan tâm. Hòa thượng đã đào tạo thành công nhiều lớp môn đồ
khác nhau đã và đang giữ những trọng trách của Giáo hội khắp cả nước
trong nhiều lãnh vực. Để tìm hiểu sự nghiệp giáo dục ấy, chúng ta cần
phải có những công trình của Hòa thượng trong tay. Vì thế, chúng tôi đã
thống nhất cho xuất bản Toàn tập Tâm Như - Trí Thủ nhân ngày giỗ lần thứ 18 của Ngài(1).
Khi sắp xếp các công trình của Hòa thượng để cho xuất
bản bộ Toàn tập, chúng tôi ban đầu muốn dựa trên lối sắp xếp truyền
thống là Kinh - Luật - Luận và tạp văn. Nhưng do Hòa thượng trong cuộc
đời mình đã chuyên về Luật tạng, nên công trình liên hệ đến Luật tạng
chiếm một số lượng lớn. Do vậy, Toàn tập này được sắp xếp về cơ bản vẫn
theo lối truyền thống vừa nói với một số điều chỉnh. Toàn bộ các công
trình của Hòa thượng, chúng tôi công bố trong ba tập. Tập I bao gồm các
bản dịch kinh điển ra tiếng Việt cùng các bản chú giải. Trong tập này,
chúng tôi đưa vào thêm các văn bản về các nghi thức Phật giáo do Hòa
thượng thiết định, từ những nghi thức đơn giản nhất như Sám hối, thành
hôn, . . . cho đến những nghi thức phức tạp nhất như Nghi thức Chẩn tế.
Đồng thời, chúng tôi cũng đưa vào tập này các bài thơ, câu đối, các giai
thoại về Hòa thượng. Còn tập II và tập III thì hoàn toàn dành cho những
vấn đề liên hệ tới Giới luật và Luật tạng.
***
Toàn tập trong lần tái bản này (2) căn cứ trên các tư liệu đã có trong lần xuất bản lần đầu, với cố gắng khắc phục các khuyết điểm về hình thức cũng như nội dung.
Về hình thức, chúng tôi phân loại lại các tác phẩm,
sắp đặt lại khoa mục, để có thể phân biệt được chương hay tiết trong tác
phẩm dài với bài viết ngắn, mà trong lần in trước đã không được lưu ý.
Về nội dung, chúng tôi đưa vào các văn bản Hán, mà
phần lớn là nguyên tác của Hòa thượng. Ngoài ra, là nguyên văn Hán của
các bản dịch mà Hòa thượng vừa phiên âm vừa dịch nghĩa. Trong thời
trước, vì vấn đề in chữ Hán không đơn giản, nên đại bộ phận chỉ in phần
phiên âm. Việc tìm lại các bản văn từ Hán tạng trong hiện tại khá dễ
dàng. Các sáng tác Hán văn mà nay chỉ còn lưu phần phiên âm, việc sao tả
lại nguyên Hán cũng không phải khó. Tuy nhiên, do chính tả Việt trong
các bản in trước đó, nhiều chỗ in sai dễ dẫn đến hiểu sai nghĩa. Vì vậy
chúng tôi cố tìm lại điển tích hay mẫu văn mà Hòa thượng lấy hứng từ đó
để viết. Những ức đoán của chúng tôi về tự nghĩa cũng có khi nhầm. Điều
này hy vọng sẽ được phát hiện và bổ túc.
Trong lần tái bản này, Ban Sưu tập đã cố gắng rất
nhiều để khắc phục các khuyết điểm trước đó; nhưng do nhiều hạn chế nên
vẫn tồn tại các khuyết điểm khác.
Kính mong chư vị thiện tri thức hoan hỷ lượng thứ.
Cẩn bạch Ban Sưu tập
(Theo Lời nói đầu và Cẩn bạch tái bản)
(1) Nhà Xuất bản Tổng Hợp TP.HCM, 2002.
(2) Nhà Xuất bản Phương Đông, 2011, Tu viện Quảng Hương Già Lam ấn hành,
bìa cứng, sách ấn tống không bán. (chú thích của BTV GN)