Jizo là một trong những vị Bồ-tát được người Nhật sùng kính nhất,
được người Nhật coi là vị cứu tinh có khả năng xoa dịu những đau khổ mà
con người phải gánh chịu khi xuống địa ngục. Những bức tượng Jizo (Địa
Tạng) này hé lộ những bí mật về Phật giáo ở Nhật Bản.
Jizo và truyền thuyết về vị Bồ Tát bảo vệ trẻ con
Vùng núi lửa Chausudake, quận Tochigi, Nhật Bản, ngoài cảnh quan thiên
nhiên kỳ vĩ, hoang vu, những người đã từng đặt chân đến nơi đây đều
không thể bỏ qua việc chiêm ngưỡng hàng trăm bức tượng nhỏ nằm san sát
bên nhau tạo thành một đội quân huyền bí.
Người ta gọi chúng
là những bức tượng nhỏ Jizo. Jizo (hay còn gọi là Ngài Địa Tạng) là một
trong những vị Bồ-tát được người Nhật Bản sùng kính nhất, được coi như
vị cứu tinh có khả năng xoa dịu những khổ đau mà con người phải gánh
chịu khi xuống địa ngục, mang lại sức khỏe, thành công trong cuộc sống.
Hình ảnh Bồ-tát Jizo có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi trên đất nước mặt
trời mọc, nhưng chỉ ở Chausudake mới có những bức tượng được tạc từ
những hòn đá núi lửa đen, tạo nên một khung cảnh âm u, huyền bí đến khó
quên.
Những bức tượng đứng san sát nhau, phần lớn đội mũ màu đỏ, mang yếm
vải, hai bàn tay rất to chắp trước ngực và cùng hướng mặt về một phía.
Trong quan niệm của người Nhật Bản, Bồ-tát Jizo rất thương yêu trẻ em,
và vì thế Ngài là vị Bồ Tát có một sứ mệnh rất đặc biệt là bảo vệ trẻ
em. Chính vì vậy mà những bức tượng đều mang hình dáng đáng yêu và
khuôn mặt bầu bĩnh của trẻ thơ.
Theo sự tin tưởng của người Phật tử Nhật Bản, lứa tuổi
trẻ con vì trí óc còn non nớt chưa phát triển nên không thể phân biệt
được phải trái, cũng như không thể thấu hiểu được những giáo lý của đạo
Phật.
Dĩ nhiên vì không thông hiểu giáo lý, chúng không thể tu
tập để đạt đến giác ngộ, vì thế nên tuy ngây thơ vô tội, sau khi từ
giã cõi đời chúng không thể sinh vào cảnh giới Phật, kể cả cảnh giới
Tịnh Độ. Ngược lại chúng bị rơi vào cõi u mê mờ mịt.
Huyền
thoại Á Đông thường đề cập đến một dòng sông mà người chết trong giai
đoạn thân trung ấm cần phải vượt qua, đó là sông Nại Hà. Theo truyền
thuyết của Nhật Bản, những trẻ con sau khi chết đều tụ tập lại bên dòng
sông này.
Do lòng thương nhớ khôn nguôi đến những người thân
yêu, tại đây những đứa trẻ đã nhặt những hòn đá cuội xếp thành một ngôi
nhà để tưởng nhớ đến cha mẹ, anh chị em mình.
Một số huyền
thoại cho rằng chính trong lúc này Bồ-tát Jizo đã hiện ra để chơi với
chúng, khuyến khích chúng, giúp chúng xây dựng những ngôi nhà trẻ con
nhằm tích lũy công đức để nhờ đó có thể vượt qua dòng sông Nại Hà,
trong khi chờ đợi chúng lớn khôn với đầy đủ trí phán đoán để có thể đi
đầu thai sang kiếp khác.
Tuy nhiên trong số những truyền thuyết này, cũng có chuyện đã kể lại một cách thương tâm và ghê rợn hơn.
Truyện mô tả không khí bên bờ sông Nại Hà rất là đìu hiu và thê lương,
trẻ con thì không ngớt khóc than vì không còn cha mẹ để nương tựa, bấu
víu.
Trong lúc này, một mụ phù thuỷ độc ác tên là Datsuba với
một con mắt cháy đỏ hung dữ hiện ra, lột hết áo quần của tất cả bọn trẻ
treo lên cành cây.
Mụ không ngớt nguyền rủa chúng là do chết
yểu nên chúng đã không hoàn tất bổn phận của người con là phải săn sóc,
giúp đỡ cha mẹ lúc cha mẹ già yếu. Để bù lại, mỗi ngày mụ bắt chúng
phải ở trần truồng xây những căn nhà bằng đá cuội như là một sự trừng
phạt.
Nhưng rồi cứ mỗi buổi chiều tối, khi những căn nhà đã sắp
hoàn thành xong thì một bầy quỷ hung ác, đầu sừng răng nanh hiện ra,
dùng gậy sắt đập phá hết tất cả những công trình xây dựng của bọn trẻ,
miệng chúng không ngừng la lối nạt nộ.
Những pho tượng Bồ-tát Jizo của Nhật Bản
Chính lúc này thì Bồ-tát Jizo hiện ra và bọn trẻ vội
vàng chạy đến chui vào tăng bào của Ngài để tìm chỗ ẩn trốn. Những đứa
nhỏ hơn vì chạy không kịp thì vội đeo vào cánh tay hay thiền trượng của
Ngài.
Bồ-tát Jizo liền an ủi vỗ về chúng: “Không có gì các con phải sợ hãi cả. Từ đây ta là Mẹ, là Cha của các con.”
Khi đó bọn quỷ đã xúm lại đòi Bồ-tát Jizo phải trao đám trẻ con lại
cho chúng, nhưng Ngài đã dùng uy lực của mình phóng ra những vầng hào
quang rực rỡ khiến bọn chúng đều khiếp sợ bỏ đi.
Huyền thoại
này của người Nhật đã mô tả lại những nỗi khổ đau mà ngay cả một đứa
trẻ nhỏ bé ngây thơ vô tội cũng phải gánh chịu ở thế giới bên kia, và
chỉ có Bồ-tát Jizo là người duy nhất đã cứu vớt những linh hồn bé nhỏ
đó.
Bồ-tát Jizo trong tín ngưỡng của người Nhật Bản
Chính vì tin tưởng vào dòng sông Nại Hà này cũng như vào Bồ-tát Jizo mà
người Nhật Bản trong hàng thế kỷ qua đã xây dựng lên rất nhiều đền
đài, lăng tẩm để thờ phụng Ngài dọc theo các bờ sông hay các ghềnh đá
bên cạnh bờ biển.
Có nơi người ta sắp xếp hàng trăm bức tượng
nhỏ khuôn mặt của Bồ-tát Jizo cùng với đồ chơi trẻ con xen kẽ bên cạnh
những hòn đá tưởng niệm.
Lâu ngày, những mộ tháp càng lớn dần
lên do những người tin tưởng đến viếng thăm bỏ thêm vào những viên đá,
không phải chỉ để tưởng nhớ đến những đứa con thân yêu của mình, mà cho
cả những linh hồn của những trẻ thơ bất hạnh đã đi qua cõi đời này kể
cả những trẻ đã chết ngay từ lúc chưa sinh.
Bồ-tát Jizo, như đã nói ở trên, không phải chỉ là vị Bồ Tát bảo vệ
trẻ con mà theo truyền thuyết của Nhật Bản, đặc biệt là dưới thời đại
Hean, đã xuất hiện dưới hình dạng của một đứa trẻ.
Triều đại
Hean có thể được coi như là một triều đại đen tối trong lịch sử Nhật
Bản. Chiến tranh, xã hội rối loạn, tai ương và dịch bệnh lan tràn khắp
nơi tạo nên bao thảm cảnh đau thương, khốn khổ cho mọi người.
Những tín đồ Phật tử thuần thành tin rằng đây là giai đoạn mạt pháp đã
đến và trước những thảm cảnh này, may ra chỉ có những năng lực Bồ-tát
mới có thể cứu vãn được.
Thế là người ta dốc lòng tin tưởng vào năng lực cứu độ của Bồ-tát Jizo, và câu chuyện đã được truyền tụng như sau:
Dưới triều đại của Hoàng đế Go-Ichido, bệnh đậu mùa phát triển và lan
tràn nhanh chóng. Lưỡi hái của tử thần đã cuốn đi không biết bao nhiêu
là sinh mạng. Nó không chừa bất cứ ai, bất kể quan hay dân, quý tộc hay
kẻ bần hàn.
Trước nỗi khổ đau lớn lao này của nhân sinh, với
lòng từ bi vô lượng, một nhà sư tên Ninko không biết làm cách gì khác
hơn là cầu nguyện đến sự giúp đỡ của chư vị Bồ-tát.
Đêm đó
trong giấc mơ, nhà sư Ninko trông thấy một đứa trẻ với khuôn mặt thanh
tú xuất hiện, nói với ngài: “Nay thì nhà ngươi đã thấy rõ sự vô thường
của kiếp sống”.
“Vâng, những người tôi vừa mới nói chuyện với
họ hồi sáng đây, tối đã mất rồi. Ngay cả chúng ta đang hạnh phúc hôm
nay nhưng ngày mai những khổ đau, thương tâm sẽ xảy đến. Không có gì là
vĩnh cửu”, sư Ninko trả lời.
Đứa trẻ mỉm cười: “Không có gì để
phải than trách trước những đau thương của kiếp sống. Có lúc nào mà
con người lại không có những khổ đau? Nếu một người muốn giải thoát
khỏi những nỗi khổ đau, họ nên nghe theo những lời dạy của Bồ-tát
Jizo”.
Sư Ninko tỉnh giấc và vội vàng chạy đến tìm Kojo, nhà
điêu khắc tượng nổi tiếng ở địa phương và nhờ ông ta đúc một pho tượng
Bồ-tát Jizo.
Khi bức tượng hoàn thành, sư Ninko tổ chức một
buổi lễ khánh thành và thuyết giảng một thời pháp về giáo lý và công
năng của Bồ-tát Jizo. Tăng chúng và quần chúng Phật tử hoàn toàn chuyển
động bởi thời pháp này và hết lòng quy ngưỡng vào Bồ-tát Jizo.
Tất cả những người có mặt tại ngôi chùa, và tất cả những ai đến tham dự
buổi lễ khánh thành này đều thoát qua khỏi kiếp nạn đậu mùa.
Những kẻ kiêu hãnh, không tin tưởng đều bị cuốn đi trong cơn dịch bệnh
này. Bệnh đậu mùa cũng đã chấm dứt không lâu sau đó, nhưng cư dân do
lòng tin tưởng vì được cứu thoát trong tai ương vừa qua vẫn tiếp tục
tôn sùng và thờ phụng Bồ-tát Jizo.
Ngoài “những pho tượng thần
bí” gồm hàng trăm bức tượng Bồ-tát Jizo ở vùng núi lửa Chausudake,
ngày nay, ở những thành phố lớn đông đúc và nhộn nhịp của Nhật Bản,
người ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những bàn thờ nhỏ thờ Bồ-tát Jizo ở
một vài góc phố, vài ngã tư đường.
Ở những nơi thờ phụng lớn
hơn, người ta còn thấy Phật tử dâng cúng lên Ngài những bộ quần áo trẻ
con, những đôi giày, dép Nhật Bản, vì người ta tin tưởng rằng Bồ-tát
Jizo đã phải đi mòn không biết bao nhiêu là gót giày, lui tới không
ngừng trên khắp đất nước Nhật để an ủi, săn sóc bất cứ ai cần đến sự
giúp đỡ của Ngài.
Đặc biệt khi người ta dâng cúng lên Ngài
những bộ quần áo trẻ con là vì do niềm tin theo truyền thuyết, Ngài là
người rất yêu thích trẻ con, là vị thần hộ mệnh của những trẻ thơ bất
hạnh. Đây có thể nói là một nét độc đáo, đầy ý nghĩa của Phật giáo Nhật
Bản.
Theo Hồng Anh - VTC