Chữ Thiền chúng ta đề cập ở đây không phải để chỉ một
tông phái, nhưng là phương pháp tĩnh tâm của Phật Giáo nói chung. Đó là
thiền định.
Thiền, tiếng Phạn là dhyàna có nghĩa là tĩnh lặng, tư duy và chuyển
hóa để lắng dừng các tư tưởng loạn động, để tập trung vào một cảnh giới,
một đối tượng và để chuyển hóa các ác nghiệp thành thiện nghiệp, để đạt
tới giác ngộ giải thoát. Đây là con đường tu tập và mục tiêu chung của
tất cả các tông phái trong Phật Giáo, không riêng gì Thiền Tông mới
thiền định. Để đạt đến sự định tâm đó mỗi tông phái sử dụng các phương
thức khác nhau. Thiền Tông dùng sự tĩnh tọa để đạt đến sự tĩnh tâm, còn
các tông phái khác như Tịnh Độ Tông, Mật Tông.. có khi dùng màu sắc, có
khi dùng âm thanh làm phương thức hành trì. Trong bài này chúng ta đi
vào các tông phái dùng âm thanh làm phương thức tu tập, nhất là trong
Tịnh Độ Tông.
Pháp Âm
“Chúng ta vẫn
nghe truyền lại sự ca ngợi về âm thanh của Đức Phật vô cùng vi diệu.
Những âm thanh của Đức Phật phát ra thanh tao ngân như chuông, vang như
sóng biển, trầm ấm như tiếng đồng, bừng sáng tươi mát như rạng đông, dịu
dàng mà xác quyết, khiến cho những người chỉ nghe âm thanh của Đức
Phật, lòng tràn ngập hân hoan an ổn thanh thoát.” (Kinh Đức Phật Độ
Magandiya).
Trong các kinh khác tán thán pháp âm của Phật mạnh mẽ
như tiếng sấm sét (lôi âm) có khả năng phá vỡ vô minh vọng tưởng để đạt
Niết Bàn giải thoát, hoặc hùng dũng như tiếng sư tử gầm (sư tử hống)
vang dội khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, từ những từng trời cao
ngất đến tận địa ngục A Tỳ. Oai thần của chư Phật và Bồ Tát khi thuyết
pháp tiếng vang rền chấn động khắp nơi. Tiếng thuyết pháp đó phát ra phá
tan trăm pháp, các thiên ma đều phải hàng phục, các tà kiến ngoại đạo
đều bị bẻ gãy và trở thành suy nhược, các phiền não đều bị thu phục và
đoạn diệt. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn tán thán pháp âm của Bồ Tát Quán
Thế Âm: “Diệu âm, quán thế âm, Phạm âm, hải triều âm, thắng bỉ thế gian
âm, thị cố tu thường niệm.” Nghĩa là: tiếng vi diệu, tiếng thương đời,
tiếng như Phạm Thiên, tiếng như sóng biển, tiếng siêu việt trong thế
gian, vì thế phải nên thường xuyên trì niệm danh hiệu của Ngài.
Pháp Môn
Từ
sự ca tụng âm thanh vi diệu của Đức Phật trong kinh điển Pali đến sự
tán thán pháp âm của Chư Phật và Bồ Tát trong kinh điển Đại Thừa, từ
khởi thủy Phật Giáo đã ý thức vai trò quan trọng của âm nhạc trong vấn
đề tu trì. Âm thanh trong sáng hào hùng của Chư Phật và Bồ Tát là những
phương thức cứu độ, khiến người nghe ưu sầu tiêu tán, phiền não đoạn
trừ, tâm thiện phát sinh, tiến tu giải thoát.
Đến khi Đại Thừa
phát triển vấn đề âm nhạc đã phát triển thành pháp môn tu tập. Trong
Kinh Pháp Hoa, phẩm Diệu Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát này đã dùng mười vạn các
loại nhạc khí làm phương tiện tu tập và tấu lên những âm nhạc vi diệu
thanh thoát để cúng dường chư Phật. Các kinh Đại Thừa khác đều thấy có
sự hiện diện của âm nhạc thanh thoát từ thiên cung (thiên nhạc) trong
các buổi thuyết pháp của Chư Phật.
Điển hình là trong Kinh A Di
Đà: “Trong cõi nước của Đức Phật A Di Đà nhạc trời thanh thoát thường
trỗi lên.” “Cõi nước kia thường có các giống chim với màu sắc sặc sỡ đẹp
lạ thường như chim bạch hạc, chim khổng tước, chim anh vũ, chim xá-lợi,
chim ca-lăng-tần-già, chim cọng mạng.. các loài chim ấy ngày đêm sáu
thời hót lên những âm thanh hòa nhã. Những âm thanh ấy diễn thuyết những
giáo pháp vi diệu như Ngũ Căn, Ngũ Lục, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo
Phần… Những diệu pháp như thế khiến chúng sanh trong quốc độ đó khi nghe
xong liền phát tâm niệm tưởng đến Phật, Pháp, Tăng.” “Quốc độ của vị
Phật đó khi làn gió nhẹ thổi đến làm rung các hàng cây trân báu cùng
những mạng lưới châu báu, phát ra những âm thanh vi diệu, ví như trăm
nghìn các loại âm nhạc đồng thời trỗi lên. Ai nghe được các âm thanh đó
đều tự nhiên phát sinh tâm niệm tưởng Phật, Pháp, Tăng.”
Đến
đây âm nhạc đã được tận dụng trong việc tu trì và hóa độ. Các loài chim
đã hót lên những âm thanh vi diệu, những tiếng thanh thoát đó phát khởi
từ sự giác ngộ, những tiếng hót đó không phải chuyên chở một nội dung
Phật Pháp như những bài hát thông thường của thế gian, mà chính là những
bài thuyết pháp không lời. Người nghe dùng cảm quan trực giác của mình
để cảm nhận những giáo pháp vi diệu của Đức Phật qua phương tiện âm
nhạc vì ngôn ngữ thế gian không còn đủ khả năng chuyển tải nội dung thâm
diệu của Phật Pháp.
Trong đoạn tiếp sau đó nhạc khí đã được sử
dụng qua âm thanh cao quý của các loại châu báu để tấu lên những bản
nhạc hào hùng như trăm ngàn các loại nhạc khí đồng thời tấu lên vang
lừng khắp tam thiên đại thiên thế giới khiến người nghe phản tỉnh trở về
với tự tánh giác ngộ của mình.
Trong quá trình tu chứng, có
những vị La Hán, Bồ Tát giác ngộ bằng âm thanh. Những thời kỳ đầu của
Phật Giáo có những vị nghe pháp âm vi diệu của Phật chứng quả giải
thoát, đó là những bậc Thanh Văn. Bồ Tát Quán Thế Âm lắng nghe tiếng
kêu đau thương của thế gian để thực hành từ bi hóa độ và thực hành pháp
môn “phản văn văn tự tánh” nghĩa là trở về tự tâm để lắng nghe tiếng
giác ngộ từ bản tánh thanh tịnh của mình.
Trong Thiền Tông cũng
có những hành giả giác ngộ qua sự lắng nghe tiếng kêu khô khan của viên
sỏi ném vào bụi trúc, hay nghe tiếng thác đổ, nước chảy, mưa rơi… trong
tâm thức giác ngộ tất cả đều trở thành những pháp âm vi diệu.
Từ
những kinh điển trên đã phát khởi một pháp môn tu tập dùng âm thanh vi
diệu của âm nhạc để tu tập. Pháp môn này đã phổ biến trong các truyền
thống. Tại các Chùa thuộc truyền thống Nguyên Thủy, các sư có giọng tụng
đọc rất hay, tuy không sử dụng nhạc khí nhưng âm điệu rất hùng mạnh và
nhịp nhàng. Có khi các vị tụng các bản kinh Pali hàng giờ mà không bị
vấp váp. Qua những thời tụng kinh như vậy chúng ta có cảm tưởng như đang
được nghe thuyết pháp chính từ kim khẩu của Đức Phật. Trong truyền
thống Đại Thừa, âm nhạc đã được khai triển đến mức triệt để, nhất là
trong Mật Tông và Tịnh Độ Tông.
Với Mật Tông, âm nhạc được sử
dụng rất phong phú. Những buổi lễ trì niệm hàng giờ, có khi kéo dài từ
ngày này sang ngày khác, các vị Lạt Ma sử dụng rất nhiều các loại nhạc
khí như chuông, trống, thanh la, não bạt, ốc, linh… Kèm vào đó là các
hình ảnh đầy màu sắc của các bức tranh Phật, Bồ Tát, Mạn Đà La cùng các y
phục sặc sỡ thay đổi theo từng nghi thức. Các giọng tán tụng trầm hùng
của các thầy tạo cho buổi lễ trang nghiêm và linh thiêng.
Trong
Tịnh Độ Tông và Thiền Tông, âm nhạc chiếm một địa vị quan trọng trong
phương thức hành trì. Riêng trong Tịnh Độ Tông Việt Nam, nhạc khí sử
dụng rất phong phú như chuông, mõ, trống, tang, linh, khánh, mộc bảng,
ốc, thanh la, náo bạt, phách, chén v.v… Ngoài ra còn sử dụng thêm nhạc
bát âm (gồm có đàn nhị, đàn nguyệt, sáo, trống, kèn, sanh tiền, mõ,
phách) trong các đại lễ. Nghi lễ Phật Giáo Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm
lễ nhạc của Khổng Giáo, do đó chúng ta thấy ngoài những nhạc cụ gõ thuần
túy của chùa như chuông, mõ, tang, linh… còn sử dụng thêm các nhạc khí
bên ngoài và cả nhạc cung đình. Từ đó hình thành một nền âm nhạc Phật
Giáo Việt Nam vô cùng phong phú. Các nghi thức cũng được cử hành trong
tiết nhịp hài hòa tạo nên một không khí trang nghiêm và giải thoát. Các
điệu tán tụng cũng thay đổi tùy theo từng vùng của đất nước, âm hưởng
sâu đậm dân nhạc Việt Nam tạo nên những sắc thái riêng biệt của từng
miền.
Âm Điệu Cung Bậc
Trong các truyền
thống Phật Giáo, sự đọc tụng chú trọng vào sự thành tâm. Do đó âm điệu
mang tính chất trầm hùng và tha thiết. Các thanh âm trầm thấp này có tác
dụng làm dịu thần kinh, bớt căng thẳng và vơi phiền não; tác động vào
não bộ làm êm dịu các thần kinh cảm giác cũng như ảnh hưởng vào các
huyệt đạo quan trọng trên đầu. Khi các âm thanh trầm ấm xướng lên,
người nghe cảm thấy an lạc.
Đức Phật có âm thanh tuyệt hảo, trầm
ấm và hùng mạnh như đoạn kinh trên đã diễn tả, do đó không những giúp
cho người nghe được an lạc mà còn giúp khai mở tuệ giác để đưa đến giác
ngộ giải thoát. Trong những lúc tang tóc đau buồn, được nghe một thời
tụng kinh mọi người cảm thấy tâm tư nhẹ nhõm, hầu như những đau buồn tan
biến đi. Âm thanh trầm phát ra khi tâm hồn an tĩnh, thông thường chúng
ta hay dùng chữ “trầm tĩnh” là trong ý nghĩa đó.
Khi chúng ta
giận dữ thì không thể nào có được âm thanh trầm ấm, trái lại âm thanh
lúc đó “the thé” là âm thanh cao sắc và lạnh lùng, khiến người nghe nổi
điên. Trong lúc giận tất cả những thần kinh cảm giác bị căng thẳng, não
bộ tiết ra những độc tố làm người ta tái mặt, sự giận dữ bộc phát, tất
cả lý trí bị đẩy lùi và con người chỉ còn hành động theo bản năng bạo
động.
Vì thế để chuyển hóa sân hận, si mê, âm nhạc sử dụng trong
chùa theo cung bậc trầm thấp để làm thần kinh êm dịu, để chuyển hóa
những độc tố trong não bộ thành những tinh chất tốt thuận tiện cho việc
phát triển tâm linh. Trên căn bản đó các pháp khí (nhạc cụ) đến các
giọng đọc tụng đều theo đó làm tiêu chuẩn.
Pháp Khí
Pháp
Khí là các khí cụ, nhạc cụ để diễn tả diệu pháp của Đức Như Lai. Các
pháp khí như chuông được pha chế đồng với các kim loại khác cho âm thanh
trầm ấm, vang dội. Khi từng tiếng chuông gióng lên tan loãng vào không
gian, chìm lắng trong vô tận, đưa người về cảnh giới tịch mặc của nội
tâm. Âm ba của chuông xoáy sâu vào tâm thức con người, không những xoa
dịu thần kinh mà còn giúp con người khai mở những linh giác khác, chuyển
hóa các phiền não tạo điều kiện thuận tiện cho việc phát triển tâm
linh.
Sau khi nghe chuông mọi người cảm nhận tinh thần an lạc
thư thái vì chuông có năng lực làm cho người sống được an vui, kẻ khuất
được siêu thoát. Từ đó chuông được mệnh danh là “tiếng chuông cảnh
tỉnh.” Như cụ Chu Mạnh Trinh đã tán thán: “Thoảng bên tai một tiếng chày
kình. Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.” Chuông chùa được thỉnh
từng tiếng thong thả, khi tiếng đầu dứt mới tiếp tiếng sau, chúng ta có
thì giờ để chiêm nghiệm nội tâm.
Chuông chùa không bao giờ được
kéo dồn dập. Khi chuông phát ra những âm thanh dồn dập thì làm cho tâm
con người loạn động. Nếu chuông không có âm thanh trầm ấm thì không phải
là chuông chùa.
Trống là một pháp khí quan trọng. Tiếng trống
biểu lộ sự hào hùng dũng mãnh của Phật pháp. Giáo pháp của Đức Phật
được ví như tiếng sấm sét phá tan vô minh vọng tưởng, như tiếng sóng
biển, miên man bất tận, vang dội suốt chín từng cao và xuống đến tận
ngục A Tỳ. Sau ba hồi chuông trống Bát Nhã chúng ta cảm thấy như mọi ưu
tư phiền muộn đều được đánh bạt đi, trong tận cùng cái động như sấm sét
đó chúng ta cảm nhận nguồn an tĩnh vô biên, tâm tư rộng mở thênh thang
để chuẩn bị tiếp nhận những lời kinh giải thoát. Âm tính của trống là
trầm hùng giúp con người khai phát hùng tâm tráng chí. Trong truyền
thống Tây Tạng, trống được dùng để giữ nhịp trong lúc tụng kinh.
Mõ
là một pháp khí với âm sắc trầm ấm khô khan được sử dụng trong các chùa
thuộc truyền thống Tịnh Độ và Thiền để giữ nhịp tụng kinh. Tiếng mõ
trầm ấm vang lên theo nhịp đập của tim hòa theo tiếng tụng kinh đều đều
hùng tráng. Tiếng kinh hòa theo tiếng lòng để lắng dừng các si mê vọng
tưởng, mở rộng đôi mắt tuệ nhìn thẳng vào nội tâm của mình để chuyển ác
nghiệp thành thiện nghiệp, để biến khổ đau thành an lạc, biến thế gian
thành Niết Bàn. Chúng ta đã sơ lược một vài pháp khí quan trọng được sử
dụng trong các truyền thống. Ngoài ra các pháp khí nhỏ khác như tang,
linh, tù và, thanh la, náo bạt… cũng đều mang chung một tính chất là
phương tiện để diễn tả Pháp âm, để giúp hành giả phát triển tâm linh
hướng về giải thoát.
Thanh Giọng
Thanh
giọng chính của việc tụng kinh là thanh giọng trầm. Chúng ta có thể nói
tất cả các truyền thống đều đặt trên căn bản đó. Trong cách hành trì,
truyền thống Mật Tông, Tịnh Độ Tông và Thiền Tông đã khai triển triệt để
các phương cách tán tụng và hình thành một nền lễ nhạc Phật Giáo phong
phú. Trong Mật Tông, các vị Lạt Ma Tây Tạng đã phát triển được những
giọng đọc tụng trầm thấp tới mức độ không còn có thể nào xuống thấp hơn
được nữa với thanh giọng con người. Với giọng trầm thấp đó, các thầy đã
khai phát được những năng lực tiềm ẩn trong con người và khiến người
nghe cảm nhận nguồn an lạc thanh thoát. Khi tham dự một buổi lễ của Tây
Tạng, mọi người như cảm thấy như hòa mình vào trong không khí linh
thiêng đó và cảm nhận một nguồn năng lực an vui tràn ngập tâm hồn.
Trong
Tịnh Độ Tông cũng như Thiền Tông các điệu tán tụng rất đa dạng và phong
phú. Căn bản của các điệu tán tụng vẫn lấy thanh âm trầm thấp làm âm
căn bản và nhịp điệu đều đặn theo nhịp của tim và của hơi thở trong mục
đích an tâm. Thỉnh thoảng cũng có khi vị chủ lễ xướng giọng cao nhưng
việc đó chỉ để gia tăng hùng lực của buổi lễ. Khi lên cao cũng không cao
đến mức động tâm, loạn tưởng. Tựu trung có một làn điệu căn bản trong
các cách tán tụng của Phật Giáo Việt Nam mà thuật ngữ chuyên môn gọi là
“Hơi Thiền” hay “Thiền Vị.” Nghĩa là một làn hơi trầm ấm, nhịp nhàng với
âm điệu giải thoát, khiến người nghe tỉnh ngộ, phát tâm hướng thiện.
Sau đây chúng ta sẽ đi sâu vào các thể điệu tán tụng hành trì trong các
chùa thuộc truyền thống Đại Thừa. Phật Giáo Việt Nam là một kết hợp của
nhiều truyền thống như Tịnh Độ Tông, Thiền Tông và Mật Tông cũng như
phối hợp với các lễ nhạc của Khổng Giáo, Lão Giáo và nhạc dân tộc để
hình thành một nền lễ nhạc Phật Giáo Việt Nam rất đa diện và phong phú.
Lễ Nhạc Phật Giáo Việt Nam
Các
thể điệu hành trì của lễ nhạc Phật Giáo Việt Nam rất phong phú, ở đây
chúng ta chỉ lược qua các thể điệu chính như xướng, hô, kệ, thán, độc,
tán, tụng, trì, niệm.
Xướng Hô Kệ Thán Độc:
-Xướng là cách đọc lớn chậm rãi những bài kệ, đoạn kinh ca ngợi Tam Bảo bằng giọng trang nghiêm thành kính.
-Hô
là một điệu ngâm mạnh mẽ đầy hùng lực với mục đích “chuyển mê khai ngộ”
đưa hành giả vào sự định tâm. Ví dụ: Hô Thiền hay Hô Canh được thực
hiện vào trước các buổi tọa thiền sáng sớm hay chiều tối.
-Kệ
cũng là một điệu ngâm với âm điệu dịu dàng ngân nga để phát triển lòng
từ bi và trí tuệ. Kệ chuông Đại Hồng mỗi sáng và tối cũng như kệ trống
vào lúc sáng tinh sương để thức tỉnh người nghe.
-Thán là một
điệu ngâm sử dụng làn hơi dài và có tính chất “ai” (bi ai) để diễn tả
cảnh vô thường, sớm còn tối mất. Hơi “ai” ở đây cũng chừng mực không bi
lụy, âm điệu có hơi buồn để giúp người phản tỉnh, đi vào nội quán.
-Độc hay tuyên độc là cách đọc chậm rãi, rõ ràng, ngân nga ở những chỗ cuối câu như đọc sớ, đọc văn tế…
Năm điệu trên chỉ do một người thực hiện còn các thể điệu dưới do đại chúng hành trì.
Tán Tụng Trì Niệm
-Tán
là một điệu hát ca ngợi Phật Pháp, âm hưởng nhiều của dân nhạc từng
miền. Các điệu tán của miền Trung khác với các điệu của Nam và Bắc. Tại
miền Bắc lễ nhạc Phật Giáo chịu ảnh hưởng sâu đậm dân nhạc địa phương
như hát chèo, quan họ v.v.. Tại miền Nam cũng thế chúng ta tìm thấy hơi
hướng các điệu hò, điệu ru của dân nhạc đồng bằng sông Cửu Long. Còn lễ
nhạc tại các Chùa ở miền Trung chịu ảnh hưởng sâu đậm dân nhạc xứ Huế và
nhạc cung đình. Cũng như lễ nhạc tại các Chùa ở Bắc và Nam, lễ nhạc
Phật Giáo Huế có rất nhiều điệu tán:
-Tán rơi là điệu tán dùng làn hơi dài với nhịp lơi, ngân nga trầm bổng để diễn tả các bài kệ hay một đoạn kinh.
-Tán xắp dùng làn hơi ngắn hơn sử dụng nhịp ngắn để diễn tả các bài kệ tán thán chư Phật.
-Tán
trạo cũng dùng làn hơi ngắn như tán xắp nhưng nhịp mõ đánh “trường
canh” đều đặn. Âm điệu có hơi “ai” và chịu ảnh hưởng sâu đậm của các
điệu hò Huế.
-Tụng là cách đọc lớn tiếng, trang nghiêm thành
kính, âm điệu trầm thấp, nhịp điệu đều đặn theo sự hướng dẫn của tiếng
mõ. Có thể tụng theo hai cách: tụng theo hơi “thiền” và hơi “ai.” Hơi
“thiền” là tụng đều đặn không lên xuống trầm bổng, âm điệu hùng mạnh,
nhịp mõ đánh đều và hơi nhanh, khiến hành giả chú tâm vào lời kinh tiếng
kệ, tập trung tư tưởng vào dòng âm thanh liên tục để phát triển tuệ
giác. Còn tụng theo hơi “ai” là tụng lên xuống trầm bổng, ngân nga chậm
rãi, hành giả quán tưởng đến vô thường, khổ, vô ngã để phát triển tâm từ
bi cứu độ.
Các Phật tử Việt Nam thường hay tụng các bộ kinh như
Pháp Hoa, Địa Tạng, Phổ Môn, Di Đà, Lương Hoàng Sám, Thủy Sám, Hồng
Danh… ở đây chúng ta cần phân biệt giữa Tụng và Đọc. Tụng Kinh là phương
pháp Thiền dùng âm thanh để phát triển trí tuệ giải thoát. Còn Đọc Kinh
để nghiên cứu nghĩa lý thâm diệu của Phật pháp. Do đó trong khi Tụng
Kinh vấn đề hiểu không phải là vấn đề quan trọng, nhưng vấn đề chính yếu
là ở tâm thành, tập trung hết tư tưởng vào lời kinh tiếng kệ, qua những
âm điệu trầm bổng giúp chúng ta tìm được sự định tâm là nguồn an lạc
giải thoát.
Các bản kinh chúng ta sử dụng phần nhiều bằng Hán
Văn. Các bản dịch này do các đại sư uyên thâm Phật Pháp và văn tài quán
thế chuyển âm. Do đó lời kinh trang trọng, âm điệu dồi dào, ý tứ sâu
sắc. Các bản văn này cũng được viết theo thể biền văn, tuy là văn xuôi
nhưng khi đọc lên có âm điệu trầm bổng. Do đó có người cho rằng đọc kinh
Hán văn dễ cảm hơn. Còn các bản dịch ra quốc ngữ phần lớn thì dễ đọc,
dễ hiểu nhưng không giữ được âm điệu của nguyên văn. Nếu chúng ta có
được một bản dịch không những lời hay, nghĩa đúng mà còn giữ được âm vận
của nguyên tác, thì đó là một sự chuyển âm hoàn hảo.
-Trì là
cách đọc liên tục đều đặn các câu thần chú. Có khi đọc ra tiếng, nhưng
cũng có lúc đọc thầm. Các câu thần chú là các danh hiệu của các vị Phật,
Bồ Tát. Do đó vấn đề dịch nghĩa là điều không cần thiết. Trì Chú là
phương pháp dùng trực giác để cảm nhận các thanh âm linh thiêng của nội
tâm và của vũ trụ. Con đường này vượt qua lý trí, tâm tư chỉ tập trung
vào các thanh âm mà không cần đến ngữ nghĩa. Các câu chú này kết hợp kỳ
diệu các âm thanh lại với nhau để khi đọc lên âm ba của các thanh âm này
tác động vào các huyệt chính trên đầu mang lại cho hành giả những cảm
giác sảng khoái, sự kính tín và sự định tâm.
Những âm ba này như
tiếng sóng dạt dào, miên man bất tận, hết đợt sóng này đến đợt sóng
khác tiếp tục vỗ mạnh vào tâm thức của hành giả, cho đến lúc tâm thức si
ám vỡ ra để ánh dương quang của sự giác ngộ chói sáng, như chú gà con
phá vỡ vỏ trứng để bước vào thế giới mênh mông của sự sống. Các thiền
sinh Mỹ tu tập tại Chùa Hải Ấn (Connecticut) trì tụng câu thần chú “Om
Mani Padme Hum” (Án Ma Ni Bát Di Hồng) rất chuyên tâm.
Trước khi
tọa thiền, mọi người trì tụng chậm rãi câu thần chú trên, mỗi một hơi
thở cho một thanh âm. Tiếng thần chú vang rền, trầm hùng, uy lực của
thần chú dũng mãnh, khiến mọi người cảm nhận một sự an lạc vô biên và sự
tĩnh lặng sâu sắc. Chỉ sau năm lần trì tụng như thế tâm tư mọi người đã
lắng đọng và sẵn sàng để đi vào những giây phút nhập định sảng khoái.
Đây
chúng ta có thể nói họ đã kinh nghiệm được phần nào sự an lạc của sơ
định “ly sinh hỷ lạc”, nghĩa là đã bỏ lại bên ngoài Chùa những ưu tư
phiền muộn của cuộc sống để tìm thấy lại nguồn hạnh phúc vô biên của tự
tâm. Uy lực của thần chú vô cùng lớn lao, có thể dứt trừ nghiệp chướng,
tiêu tai giải nạn, tăng trưởng khả năng giác ngộ giải thoát.
-
Niệm có nhiều nghĩa: tụng niệm và niệm tưởng. Tụng niệm là đọc danh hiệu
của các vị Phật, Bồ Tát thành tiếng hoặc niệm thầm (mặc niệm)… Còn niệm
tưởng là đọc danh hiệu lên đồng thời quán tưởng đến hình tướng của vị
Phật hay Bồ Tát đó. Các chùa Việt Nam đều hành trì phương pháp “trì danh
niệm Phật” nghĩa là niệm tụng danh hiệu. Mỗi miền có một hay nhiều lối
trì tụng khác nhau. Có khi niệm đều với âm điệu trầm hùng, nhưng cũng có
khi niệm theo âm điệu trầm bổng. Các Chùa Trung Quốc có lối “ngũ hội
niệm Phật” rất hay.
Cách niệm này khi nhanh khi chậm, khi trầm
khi bổng… âm thanh ngân nga, dìu dặt… khiến người nghe tưởng chừng như
đang thưởng thức thiên nhạc tại thế giới Cực Lạc. Sự hành trì về Niệm
Phật cũng gần như lối trì chú, nghĩa là trì niệm đến chỗ “nhất tâm bất
loạn,” các thanh âm của danh hiệu Phật, Bồ Tát vang lên cùng với sự hiển
hiện của các Ngài trước mắt. Hành giả không còn thấy người niệm cũng
như đối tượng được niệm, tất cả hòa tan vào nhau trong một nguồn sáng vô
biên, những âm thanh trầm hùng bất diệt như tiếng sóng biển, vang dội
đến tận cùng tâm thức, phá tan đi những vọng tưởng điên đảo để hiển lộ
mặt trời giác ngộ.
Vấn Đề Hiện Đại
Qua
bao biến thiên, Phật Giáo Việt Nam luôn cùng chung số phận với đất nước.
Trong các cuộc vận động canh tân đổi mới, Phật Giáo cùng đất nước đứng
lên trong phong trào đấu tranh cho xứ sở. Đau xót trước cảnh nước mất
nhà tan, các thế hệ sĩ phu Việt Nam bằng mọi cách phải giành lại độc lập
cho dân tộc. Sau các cuộc nổi dậy của Cần Vương và Văn Thân thất bại,
từ đầu thế kỷ các nhà cách mạng tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu
Trinh đã ý thức vấn đề nâng cao dân trí là phương tiện đấu tranh hữu
hiệu, từ đó phát động phong trào đổi mới và vận động lấy chữ Quốc Ngữ
làm chữ viết chính thức.
Nhờ công cuộc canh tân đó, cách mạng đã
thành công, đất nước được độc lập. Nhưng dân tộc phải trả một giá quá
đắt, không những về nhân mạng, tài sản mà cả đến những giá trị văn hóa.
Hậu quả là ngày nay trên phương diện học thuật không còn mấy người đọc
được Hán Văn hay chữ Nôm, một gia sản văn hóa đồ sộ mà tổ tiên đã hơn
hai ngàn năm gây dựng.
Chúng ta như bị cắt đứt với quá khứ, các
văn bản, các cổ thư trong các thư viện bị mối mọt gặm nhấm, bị thời gian
tàn phá dần. Đối với Phật Giáo cũng thế, ngoài cái đau lòng vì đất nước
bị đô hộ, dân tộc bị nô lệ, đạo lý truyền thống cũng đang trước nguy cơ
tiêu diệt do thực dân cấu kết với các thế lực tôn giáo vô minh quốc tế.
Do
đó các bậc tôn túc tiền bối đã phát động phong trào chấn hưng Phật Giáo
từ đầu thế kỷ. Nhờ phong trào này Phật Giáo đã cứu nguy cho đạo pháp và
dân tộc khỏi đi vào con đường nô lệ vong bản. Trong công cuộc chấn hưng
đó, không phải Phật Giáo không có sự hy sinh. Ở đây chúng ta cố nhìn
lại những mất mát đó để tìm cách cứu vãn những giá trị truyền thống cao
quý khỏi bị chôn vùi trong tro tàn của lịch sử.
Vấn đề canh tân
ảnh hưởng trên nhiều sinh hoạt của Phật Giáo, ở đây chúng ta chỉ xét
trên phương diện tu tập. Vấn đề hành trì các nghi thức tán tụng tại các
chùa giảm thiểu rất nhiều. Chúng tôi thuộc thế hệ học tăng của những năm
sáu mươi. Chương trình đào tạo đặt nặng về kinh điển giáo lý và nhất là
thế học. Còn các nghi thức tán tụng không đặt vào chương trình đào
luyện. Vấn đề này do các chùa tự dạy và theo sở thích cá nhân của từng
người. Nghi lễ đã được giản lược đến mức tối đa, các khoa nghi, đàn
tràng, chẩn tế, bạt độ… chỉ còn một ít các vị thuộc thế hệ trước biết
được mà thôi. Các nghi thức cũng ngắn gọn và bằng quốc ngữ. Các bản kinh
Hán Văn lần lần được chuyển ngữ.
Do đó từ hình thức thờ tự cho
đến nghi thức tụng niệm đều được đơn giản hóa, mới mẻ và trẻ trung cho
thích hợp với trào lưu canh tân. Và chúng ta đã canh tân trong một “tự
ty mặc cảm lớn” với sự tủi nhục của một dân tộc nhược tiểu mất nước.
Tân Nhạc Phật Giáo
Khi
văn hóa Tây Phương tràn ngập phương Đông, các nghệ sĩ Phật tử tại gia
cũng như xuất gia biết sử dụng thông minh các phương tiện âm nhạc Tây
Phương để sáng tác nhạc Phật Giáo. Từ những bài nhạc sinh hoạt Gia Đình
Phật Tử của các huynh trưởng Phạm Mạnh Cương, Lê Cao Phan, Bửu Bác, Lê
Mộng Nguyên, Phạm Thế Mỹ, Ngô Mạnh Thu v.v… cho đến những bài Tâm Cao,
Đạo Ca, Thiền Ca… của Phạm Duy; cũng những ca khúc của Võ Tá Hân, Hoàng
Quang Huế… cũng như của các văn nghệ sĩ khác tại hải ngoại, qua sự diễn
xuất tuyệt vời của các nghệ sĩ như Thanh Thúy, Hà Thanh… đã đưa nền tân
nhạc Phật Giáo đến đỉnh cao của nghệ thuật.
Khởi hứng từ suối
nguồn tâm linh tịch mặc của đạo học phương Đông, các nhạc sĩ Việt Nam đã
sử dụng nhuần nhuyễn phương tiện kỹ thuật của âm nhạc Tây Phương để
diễn đạt những cảm ứng tâm linh, những tình cảm tôn giáo cùng những kinh
nghiệm giải thoát bản thân để sáng tác những bài chứng đạo ca, ca ngợi
sự sống, ca ngợi con người, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi lòng thương, ca
ngợi giải thoát… mở ra một hướng sáng tác mới đi sâu vào thế giới tâm
linh huyền nhiệm, với mong ước mang lại hạnh phúc cho mình cho người và
làm vơi đi những khổ đau của con người.
Vì không chuyên môn
trong lãnh vực tân nhạc và thiếu tư liệu, người viết chỉ xin ghi lại vài
dòng vắn tắt để ca ngợi hạnh nguyện Bồ Tát của các nghệ sĩ Phật tử
trong cũng như ngoài nước.
Tóm lại, Thiền Âm Thanh là một pháp
môn dùng âm thanh để tu tập, trong đó âm thanh là phương tiện để định
tâm, để khai mở những khả năng tâm linh mầu nhiệm tiềm tàng trong mỗi
người. Từ pháp âm vi diệu của Đức Phật, làm an định lòng người, mở đường
giải thoát. Để từ đó pháp môn dùng âm thanh triển khai tuệ giác được
hình thành. Từ Nguyên Thủy cho đến Đại Thừa âm thanh giữ vị trí quan
trọng, nhất là trong các truyền thống Thiền, Tịnh Độ và Mật Tông. Với sự
hỗ trợ của kinh Pháp Hoa, âm nhạc đã trở thành con đường tu tập. Phật
Giáo Việt Nam đã tiếp thu và phát triển cùng cực trong việc sử dụng âm
nhạc cho việc tu tập qua các làn điệu tán tụng trong nhà Thiền. Từ các
pháp khí đến thanh giọng âm nhạc thiền chú trọng vào sự định tâm. Các âm
điệu trầm hùng giúp con người lắng đọng tâm tư, tư duy nội hướng và
khai mở nguồn tuệ giác vô biên. Qua bao biến thiên, nhạc Thiền vẫn còn
được duy trì.
Ngày nay với những cố gắng riêng tư, với những kinh
nghiệm cá biệt, rất nhiều các Phật tử Việt Nam tại gia cũng như xuất
gia đã dùng phương tiện nhạc cụ, nhạc lý Tây phương để đóng góp tích cực
vào việc phong phú hóa nền nhạc Thiền đó. Hy vọng trong tương lai âm
nhạc Phật Giáo đạt được nhiều thành tựu cao hơn và phục hồi lại được
phong độ của nền âm nhạc tâm linh giải thoát này.
Trích: Thích Trí Hoằng, Con Đường Phát Triển Tâm Linh, Connecticut, 2002
Theo phattuvietnam