Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Văn hóa từ chiếc bao lì xì
15/01/2013 14:15 (GMT+7)



Nếu như những hình ảnh trong tranh Đông Hồ hay văn hóa Lý Trần thì hay biết mấy - Ảnh minh họa

Trước thực tế trong những dịp Tết, mẫu mã bao lì xì hầu hết được thiết kế và bày bán sẵn trên thị trường hầu như mang màu sắc văn hóa Trung Quốc, là sản phẩm của văn hóa Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã ưu tư: “Bao lì xì đựng tiền mừng tuổi. Ý nghĩa là mừng cho người nhận có một năm mới may mắn, như ý. Bao lì xì được người nhận tiếp xúc qua mắt, tay, và thậm chí cả các giác quan khác. Bao lì xì nhân dịp đầu năm rất ảnh hưởng đến tiềm thức của cả người trao lẫn người nhận. Nếu như  bao lì xì có những hình ảnh của các danh lam thắng cảnh Việt Nam hay những di sản văn hóa thế giới đang có trên mảnh đất hình chữ S thì tuyệt biết bao. Nếu như những hình ảnh trong tranh Đông Hồ hay văn hóa Lý Trần - thời đại thịnh vượng nhất của dân tộc để đưa lên bao lì xì thì quý giá biết nhường nào”.

Việc này, rất nhiều người, theo thói quen vẫn thường cho là không quan trọng, là chuyện vặt, vì người ta nghĩ dường như chỉ có nhu cầu sử dụng bao lì xì không nhiều, chỉ một đến vài dịp trong năm mà thôi.

Và với lợi thế mẫu mã đa dạng (dĩ nhiên là hầu hết sử dụng các hình ảnh, màu sắc theo quan niệm của văn hóa Trung Quốc, đôi khi nhập về từ Trung Quốc, Hồng Kông), đó là chưa kể đến nhiều thiết kế đẹp, bắt mắt…, thì việc tìm những bao lì xì có hình ảnh văn hóa Việt, như Tiến sĩ Hùng nói, quả là rất khó khăn. Nên, có thể thấy khi Phật tử đến chùa nhận lộc - với bao lì xì ngày Tết vẫn hình thức như vậy, có khi xa lạ với văn hóa nhà Phật, cũng là khá phổ biến.

Một số mẫu bao lì xì riêng do một ngôi chùa đặt
họa sĩ Nguyên Hải (Công ty Truyền thông Mani) thiết kế - Ảnh: Mani

Được biết, hiện nay có một số Tăng Ni ý thức việc đó, nên đã đầu tư thiết kế, in ấn bao lì xì riêng, kèm nội dung là lời Phật dạy, hoặc các thi kệ Pháp cú để tặng Phật tử trong dịp xuân về Tết đến. Việc làm đó đòi hỏi sự gia tâm suy nghĩ, và tất nhiên là tốn kém hơn, nếu không vì mục đích hoằng pháp, giới thiệu văn hóa thì chắc chắn ít ai chọn cách này.

Từ chuyện hình thức của cái bao lì xì, đến chuyện thống nhất việc ăn mặc của giới xuất gia (thường phục và pháp phục), rồi việc thờ tự tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chùa Việt như nhận thức của Trung ương Giáo hội trong việc công nhận ngày kỷ niệm vị vua - thiền sư sáng lập dòng thiền Trúc Lâm nhập Niết-bàn là sự kiện quan trọng của Phật giáo Việt Nam…, những điều mà Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra trong một vài bài viết gần đây của ông không còn là chuyện nhỏ nữa.

Hồng Ân

http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2013/01/14/1F405B/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang