Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Phật giáo và tính chừng mực trong lối sống của người Huế
Lê Thị Lâm
11/12/2012 18:46 (GMT+7)


Khi nói đến Huế người ta vẫn thường nghĩ đây là vùng đất cố đô cổ kính, mộc mạc. Và vì thế con người nơi đây cũng cổ xưa, hiền dịu, nhẹ nhàng, trầm lặng, kín đáo….đó như là những lời khen nhưng cũng hàm chứa chút gì mỉa mai cho sự cố hủ, bảo thủ và lạc lõng giữa những đổi thay của cuộc sống hiện đại, nó kích thích tính tò mò của những người xứ lạ muốn biết và hiểu về Huế. Đó cũng là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi chua xót của chính con người nơi đây. Đâu đó ta vẫn bắt gặp nhận xét: “Huế mơ huế mộng, Huế tộng bộng hai đầu” của chính người dân Huế khi nhận xét về mình. Bởi sự cổ kính đó làm cho con người trở nên rụt rè, chậm chạp, kém năng động và bỡ ngỡ trước những đòi hỏi mới hay những thay đổi của xã hội, làm cho con người đôi khi thấy mình như người “từ hành tinh khác” đến, xa lạ, tách rời nhịp sống xô bồ.

Một đặc điểm tâm lý nào đều cũng có tính hai mặt của nó, một trong những nét tâm lý mà người ta vẫn thường nhắc đến khi nói về người Huế là tính chừng mực. Nghe qua cũng đủ thấy sự trầm lắng, bình bình của nhịp sống, không ồn ào cũng không lạnh lùng, không vui nhộn cũng không buồn rầu, không giàu có cũng không nghèo khổ, một lối sống thảnh thơi và hơi chút bàng quan với nhịp độ phát triển của xã hội, sự chuyển đổi của cơ chế thị trường, xu thế hội nhập của đất nước hầu như chẳng ảnh hưởng mấy đến nhịp sống con người nơi đây, họ vẫn từ tốn, bình thản, đủng đỉnh…không có gì gấp gáp, vồn vã như những thành phố khác, điều đó tạo nên nét riêng có của con người ở đất thiền kinh.

Tính chừng mực thể hiện rõ trong mọi lĩnh vực của đời sống, nó trở thành nét tính cách, tập tục sống đã ăn sâu trong tâm khảm của mỗ i con người, tìm về nguồn gốc của nét tính cách này ta thấy đâu đó mối liên hệ giữa tính chừng mực và văn hóa Đạo Phật nơi đây.

1. Những biểu hiện của tính chừng mực qua các hiện tượng xã hội

Tính chừng mực là thể hiện sự không quá thái cũng không quá ít về thái độ, hành vi trước một vấn đề nào đó. Điều này được thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Trong bài viết này chỉ phân tích tính chừng mực thể hiện ở các hiện tượng trong giao tiếp, trong kinh doanh và trong ăn, mặc của người Huế

1.1. Trong giao tiếp

Nếu như người Nam Bộ cởi mở, không cần các nghi thức cầu kì, thoải mái, người dân Bắc Bộ thường chú ý đến nghi thức trong giao tiếp, thì người Huế trong ứng xử lại không quá ồn ào, không lạnh lùng mà vừa phải, đằm thắm, sâu lắng. Người Huế tình c ảm chân thành, sâu sắc, hiếu khách, nhưng tất cả những sắc thái tình cảm đó được thể hiện một cách chừng mực đến mức độ vừa đủ, không quá vồn vã nhưng cũng không thờ ơ, lạnh nhạt. Thậm chí khi có mâu thuẫn họ cũng không to tiếng la mắng, quát tháo, xung đột gay gắt như người miền Bắc hay người miền Nam mà nhẹ nhàng hơn, hòa nghị hơn (nhưng cứng rắn), họ hay sợ làm mếch lòng người khác. Chẳng hạn nếu đi trên đường nhỡ quẹt xe vào nhau người miền khác có thể trợn mắt la lối, thậm chí đòi đánh nhau thì người Huế chỉ hỏi thăm nhau, nhắc nhở nhau,…

1.2. Trong kinh doanh, buôn bán cũng vừa đủ, có chừng

Thường thì những nhà hàng ở Huế quy mô không lớn, phục vụ khoảng 5 -7 người chủ yếu, đôi khi nhu cầu người mua đông đúc họ cũng không nao lòng, họ không có ý nghĩ s ẽ mở phạm vi hoạt động, kinh doanh rộng lớn hơn dù nhu cầu khách hàng rất cao. Điều này khác hẳn với tính cách của những người ở các trung tâm kinh tế phát triển, nếu người ta có một họ muốn làm cho có hai…còn người Huế chỉ cần đều đều, ổn định là được. Mộ t ví dụ về cô bán hàng cá: trong số 5 -6 người cùng bán cô này bán nhanh nhất, nhiều nhất, lúc nào cũng hết sớm hơn những người bán khác đôi khi bán giúp hàng cho những người xung quanh. Hỏi sao cô không mua thêm để bán? – “Để cho người khác bán với”???...Họ thường nghĩ bán rất sớm (buổi tối khoảng 10 giờ đã đóng quán, ăn sáng khoảng 8h30 đã hết), thế nên khách từ xa đến khó tìm mua những thứ hàng tạp hóa hay thú vui sau mười giờ đêm. Điều này không phải vì không có khách mà đôi khi khách hàng có nhu cầu nhưng họ cũng không bán thêm: đèn trong nhà vẫn vẫn sáng, khách ghé mua bảo không bán nữa, hết giờ rồi, họ thường chỉ bán trong giờ họ quy định hay trong số lượng hàng đã được quy định…

Cung cách phục vụ từ cửa hàng lớn cho đến quán ăn nhỏ đều chậm rãi, từ từ, đủng đỉnh, không vội vàng, không săn đón khách hàng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, nếu bạn bước vào hàng ăn ở Huế, bạn sẽ thấy ngồi một lúc mới có người đến hỏi, thậm chí phải gọi họ mới ra; Nếu gọi cái gì đó lâu khách nhắc nhở: “Sao lâu t hế?”- “Dạ”, “xong chưa em?”-“Dạ rồi” (nhưng mãi không thấy), “nhanh lên em ơi!”- “Dạ”, “lâu quá tôi đi đây” -“Dạ” (nhưng vẫn không thấy). Bởi vậy đôi khi khách từ xa về Huế người ta không khỏi ngỡ ngàn, không hiểu nổi ý nghĩa của từ “dạ”.

1.3. Tính chừng mực còn thể hiện qua nhu cầu thẩm mĩ, nhu cầu ẩm thực.

Trong may mặc: Người Huế không thích chọn những màu có sắc thái mạnh, quá sặc sỡ. Hay khi chọn hoa văn trên áo dài, người phụ nữ Huế không thích loại hoa to, hoa tương phản, sặc sỡ, mà thích loại hoa nhỏ, điểm một vài bông đậm hay nhạt hơn nền áo một chút. Người Huế thích mặc trang phục kín đáo, nghiêm túc, thùy mị. Chiếc áo dài Huế là một biểu hiện khá rõ nét của tính vừa phải. Áo dài Huế không ngắn như dài Sài gòn, nhưng cũng không quá dài như kiểu áo Hà Nội.

Đường xẻ của áo không cao đến mức hở hang nhưng cũng không quá bịt bùng đến không thể hiện được nét duyên dáng của cơ thể.

Trong ăn uống: Mùi vị thấm đậm -có chừng, không nhạt như người miền Bắc, không ngọt như người miền Nam. Cách bày trí: gọn, đẹp và nhỏ nhắn từ những mẫu thức ăn đến chén bát sử dụng. Chẳng hạn vào một quán ăn, nếu ở Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn người ta sử dụng một cái bát thật to, thức ăn để từng miếng lớn, còn ở Huế lại dùng cái tô, cái bát nhỏ nhắn, thức ăn được thái nhỏ hơn, gọn hơn cho vừa chỉ một miếng ăn. Vì thế nếu người ở các xứ khác đến Huế khi ăn cảm thấy vì cái gì cũng nhỏ, “không đủ đô”, còn người Huế đi các nơi khác thấy nhiều, “to khó ăn”. Người Huế hay ngại ngùng, bẽn lẽn ngay cả trong ăn uống. Món chè Huế ngọt vừa phải chứ không ngọt lịm như nhiều nơi khác.

Trong âm nhạc: Điệu hò mái nhì của Huế cũng thể hiện tính chừng mực, nó hơi buồn nhưng không tới mức bi ai, quá sầu muộn. Nó không ồn ào như nhạc của phương Tây. Điều này phù hợp với tâm hồn và tính cách của người Huế.

Trầm tĩnh, điềm đạm cũng là một nét chừng mực của người Huế. Con người Huế có thể đạp xe đi thong thả, không vội vàng trên đường phố, nếu gặp trời mưa họ vẫn từ từ thản nhiên tiến bước hoặc hơi nhanh chân một tí nhưng không chạy ào như người những nơi khác.

2. Mối liên hệ giữa tính chừng mực trong lối sống của người xứ Huế và và Đạo Phật.

Trong đời sống con người Xứ Huế, đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn, trở thành nếp nghĩ, nếp sống của người dân nơi đây. Huế là một trong ba trung tâm phật giáo lớn của cả nước, hiện nay với trên 400 ngôi chùa, trong đó có 265 niệm phật đường và số lượng người theo đạo đông đảo chiếm 60% dân số toàn tỉnh. Vì thế những ảnh hưởng của Phật giáo đã tác động khá rõ nét trong tính cách, lối sống của người Huế. Tư tưởng Phật giáo khuyến khích con người sống hướng thiện trên tinh thần phải biết nhẫn nại, tự tin vào sức mình, gieo nhân nào thì được quả ấy, người Huế luôn ý thức phải làm điều thiện để tạo nhân lành cho đời sau. Vì thế tính cách, lối sống của họ cũng không vượt quá ranh giới của sự chừng mực để sống hết mình, bởi chỉ nhờ vậy mà con người mới có thể vượt qua những o ép trong cuộc sống, mới có thể kìm nén nhu cầu của mình để phù hợp với xã hội, chấp nhận cuộc sống vốn có để con người cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn, bớt nặng nề hơn.

Bởi vậy đạo Phật thực sự là chỗ dựa tinh thần cho một bộ phận đông đảo quần chúng trong xã hội, chính những ngôi chùa Phật, những ngôi chùa làng vị tha, hướng thiện, từ bi của Đức Phật là nơi an ủi tâm hồn, giúp con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.  Với tính cách này người Huế thường chế ngự được nhiều điều, thắng không kiêu, bại không nản, bỏ bớt tham… giữ được sự an bình trong quan hệ với người xung quanh, cuộc sống nhờ đó mà tốt đẹp hơn. Nhưng cũng chính điều này tạo nên tính bảo thủ về văn hoá. Người Huế rất khó chấp nhận những thử nghiệm, đổi mới trong lối sống và cả trong ý thức văn hoá của mình, chần chừ, lừng khừng, ngại ngùng, chừng mực trong lối sống.

Cũng chính ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo mà người Huế cảm nhận bằng trực giác nhiều hơn lý tính, nên con người Huế có tính Thiền hơn Nho, trầm tĩnh, điềm đạm, sâu lắng-một biểu hiện của tính chừng mực.

3.  Những ảnh hưởng của tính chừng mực đến con người Huế

3.1. Về mặt tích cực

Tính chừng mực tạo nên nét đẹp trong phẩm chất đạo đức cần có của mỗi con người, bởi nhờ tính chừng mực mà con người sống hài hòa với thiên nhiên, hòa hợp giữa con người với con người, biết yêu thương, quan tâm và nhường nhịn lẫn nhau.  Ít tạo ra những xung khắc, xung đột trong quan hệ xã hội nhờ đó mà đến nay Huế vẫn giữ được cho mình nét đằm thắm, yên tĩnh và bình yên trong xu thế hội nhập, mở cửa của đất nước, bản sắc văn hóa không thay đổi nhiều. Tính chừng mực giúp cho con người biết vừa đủ, không mơ cao, làm cho tâm lý con người ổn định, bình thản, tạo cho họ phong cách từ tốn, nhẹ nhàng mà không phải nơi đâu cũng có.

3.2. Về mặt hạn chế

Tính chừng mực vừa tạo nên những nét đẹp vừa là nguyên nhân gây nên những mặt chế trong đời sống người Huế.

Tính chừng mực trở thành nét tính cách, thành tập tục sống của mỗi người làm cho con người không dám ước mơ, không dám vượt ra khỏi khuôn phép thông thường, vượt ra khỏi sự gò bó của lễ giáo để vươn đến những gì họ mong muốn, mọi nhu cầu đề có chừng mực mà như đã phân tích ở trên, nó thể hiện từ trong ý thức, thái độ, hành vi của con người. Điều này ảnh hưởng nhiều đến đời sống, nhất là trong kinh tế, khó giàu có được. Thực tế cho thấy Huế là vốn một trong những trung tâm kinh tế-văn hóa lớn so với nhiều vùng khác của đất nước, nhưng đến nay khi nói đến Huế người ta không nói đến sự phát triển kinh tế mà chỉ nói đến nét văn hóa cổ kính của đất “Thiền kinh”. Nhiều khu vực trước đây kinh tế kém xa Huế bây giờ đã vươn lên, vượt Huế nhiều như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương…

Tính chừng mực làm cho con người hay giữ kẻ, không dám thể hiện mình nên trong giao tiếp người khác khó lòng đoán biết tâm tư, nguyện vọng, ý đồ của họ, dễ gây nên những hiểu nhầm (thường người Huế- con gái Huế bị cho là “khinh người” - do họ ngại họ ngại tiếp xúc, dè chừng, sợ sệt đôi khi thành “kiêu” trước các chàng trai), làm cho người giao tiếp cảm thấy khó chịu, buồn, kém năng động, chậm chạp, bảo thủ, bàng quan…

Tính chừng mực làm người Huế dễ bảo, dễ nghe, thiếu tính cạnh tranh. Người nơi khác vào thực thi công trình ở Huế chia sẻ về việc giải tỏa đất đai: “Làm việc với người Huế rất khỏe, mình làm gì cũng được, đền bù giá thấp cũng không sao, chứ ngoài mình làm thế này dân vác dao chém liền…”

Trong nền kinh tế thị trường, xu thế hội nhập đòi hỏi con người năng động, biết thể hiện mình, dám nghĩ, dám làm thì với tính chừng mực kìm hãm đi sự phát triển những đức tính đó, vì thế với tính cách này người Huế khó lòng đáp ứng được yêu cầu phát kinh tế -xã hội. Tính chừng mực là cần thiết để giúp con người không đánh mất bản sắc vốn có của mình trong quá trình hội nhập, nhưng quá chừng mực sẽ trở thành bảo thủ, ngại đổi mới, kìm hãm sự phát triển của chính mỗi con người và cả cộng đồng, xã hội của mình.

* Một số biện pháp tác động để thay đổi hiện tượng về tính chừng mực của người Huế

Hiện tượng về tính chừng mực của người Huế là hiện tượng tâm lý chung của nhiều người nhưng được thể hiện trong từng cá nhân của những con người hoạt động, giao tiếp với nhau khi họ chung sống trong những điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội-văn hóa giống nhau. Từ việc đánh giá những ảnh hưởng của tính chừng mực đối với đời sống con người và cộng đồng người Huế là cơ sở định hướng cho việc đề xuất những biện pháp tác động sau:

1. Đối với cá nhân

- Mỗi người phải ý thức rằng tính chừng mực là đức tính tốt giúp con người dễ tồn tại trong xã hội, nhưng quá chừng mực sẽ trở thành bảo thủ, chập chạp, thiếu năng động, dễ mất cơ hội vì thế phải biết tùy vào những giá trị mà mình hướng tới để có mức độ thay đổi cho phù hợp, ví như trong xung đột mỗi người nên giữ sự chừng mực ứng xử có văn hóa, vừa tránh tạo ra những mất mác không đáng có. Tuy nhiên khi cần phải biết đấu tranh một cách cương quyết, thể hiện rõ ý chí, lập trường của mình.

- Biết thể hiện mình: Tính chừng mực kìm hãm con người thể hiện nhu cầu, mong muốn, ước mơ chính đáng của mình, bởi vậy để tránh đi tính rụt rè, nhút nhát, ngại, sợ….Trong cuộc sống con người phải biết mình thích gì và cần thể hiện nhu cầu đó ra bên ngoài, không nên dấu diếm một mặt làm cho bản thân không thoải mái, khó chịu, điều đó không chỉ làm khổ bản thân mà ảnh hưởng đến những người xung quanh, không có động lực để phát triển.

- Tìm cách đáp ứng những nhu cầu chính đáng của mình bởi điều đó tạo cho bản thân sự thoải mái, thích thú và khi nhu cầu được thảo mãn thì kích thích các nhu cầu khác phát triển.

- Tích cực tham gia vào các hoạt động với những loại hình, hình thức khác nhau và đi nhiều nơi để có cách nhìn nhận mới về thế giới cũng như hình thành những kĩ năng và phẩm chất mới của thời đại như: tính năng động, vượt khó, dám làm, dám chịu, hay tính độc lập, khả năng làm việc nhóm…

2. Đối với cộng đồng

- Tính chừng mực tạo nên từ những luật lệ hà khắc của xã hội tạo nên vì vậy các cấp chính quyền có liên quan cần có cơ chế thoáng giúp con người có điều kiện thể hiện mình, nói ra những điều mình muốn, tự do ngôn luận …

-   Tính chừng mực còn được tạo nên từ tư tưởng hướng thiện, nhẫn nại, luật nhân quả của phật giáo…vì vậy cần tạo cách nhìn nhận lại các quan điểm này theo hướng linh hoạt hơn. Hướng thiện, nhẫn nại là những đức tính quý giá của con người nhưng nhẫn nại không có nghĩa là nhẫn nhục, hướng thiện không có nghĩa là buông xuôi tất cả mà phải biết đấu tranh chống lại cái ác, đấu tranh bảo vệ, gìn giữ cho cái thiện…có  nghĩa đòi hỏi con người phải biết năng động hơn, thể hiện mình…để làm được điều đó Nhà nước, các cơ quan chuyên trách cần phối hợp với Ban trị sự Phật giáo để có những định hướng trong cách nhìn nhận cho đạo sinh, thực hiện theo hướng tích cực theo tinh thần Phật giáo, tránh nhìn nhận một cách phiến diện về các quan điểm của Phật giáo, bởi mục đích của đạo Phật là đem lại sự hạnh phúc cho con người. ( ở Huế có đến 80% dân số theo đạo trong đó chủ yếu là đạo Phật 60%).

- Cần có cách nhìn mới về lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh bởi đây là xu thế chính của xã hội hiện tại, ngay trong giáo dục cũng được xem là một lĩnh vực kinh doanh. Để làm được điều đó, Uỷ Ban tỉnh Thừa Thiên Huế kết hợp với sở giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục, các phương tiện truyền thông… thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục những quan điểm, cách nhìn nhận lành mạnh đến người dân về lĩnh vực kinh tế-kinh doanh như về ý nghĩa của ngành nghề; cách thức hoạt động của ngành nghề; những chính sách khuyến khích, ưu đãi của địa phương về mở rộng các loại hình sản xuất kinh doanh, những hiểu biết của họ về yêu cầu về năng lực và phẩm chất trong lĩnh vực kinh doanh, làm ăn cạnh tranh lành mạnh…

- Các ban ngành có chức năng tổ chức các lớp tập huấn, nêu gương những con người, những công ty làm việc hiệu quả và những đóng góp của họ cho xã hội:  hoạt động từ thiện, sự tôn vinh các doanh nhân vươn lên làm giàu…chứ không phải kinh doanh là hoạt đ ộng lừa đảo, dối gian…như có người đã từng nghĩ.

Cần biết rằng việc thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của con người là việc làm không dễ, không phải là ngày một ngày hai mà đạt được. Bởi vậy trong quá trình tác động cần có thời gian và đòi hỏi sự kiên trì,  nhẫn nại và tâm huyết của mỗi con người cũng như của các cơ quan chuyên trách, bởi tính chừng mực là một nét tâm lý ăn sâu, bám rễ vào tâm thức của mỗi người.   Nếu không có sự kiên trì và chịu khó cũng như không có sự tác động kết hợp nhiều mặt, nhiều bên tham gia thì khó mang lại hiệu quả.

Kết luận

Trong mỗi con người đều mang trong mình những nét tâm lý chung của cộng đồng nơi mình sinh sống vừa có những nét tâm lý riêng, tất cả những yếu tố này tạo nên bản sắc văn hóa, giá trị văn hóa, nhân cách của mỗi người. Những nét tâm lý này có thể là tích cực những cũng có thể là yếu tố gây ra những hạn chế trong nhân cách của mỗi người và giữa chúng có sự tác động lẫn nhau.

Khi con người sống trong nền văn hóa chung, tham gia các hoạt động cùng nhau thì bản thân mỗi người vừa chịu sự ảnh hưởng của điều kiện kinh tế -văn hóa- xã hội-tự nhiên nơi mình sống nhưng đồng thời chịu sự tác động lẫn nhau giữa những người cùng tham gia trong hoạt động chung. Tùy theo cách tiếp nhận, mức độ tiếp nhận khác nhau mà mỗi người chịu ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau của những nét tính cách chung này nhưng họ không thể thoát hoàn toàn ra khỏi những cái chung đó trừ khi họ sinh sống ở đó nhưng không có sự giao lưu, hoạt động cùng nhau với những con người trong cộng đồng mình, điều này rất hiếm xảy ra. Vì vậy có thể thông qua tâm lý chung của cộng đồng có thể đoán biết được phần nào tâm lý của từng cá nhân trong cộng đồng đó.

Tính chừng mực là nét tâm lý điển hình của người Huế, qua đó chúng ta có thể xét đoán tính cách cụ thể của con người thể hiện ra trong đời sống của họ. Tuy nhiên ở mỗi con người khác nhau mức độ thể hiện của tính chừng mực khác nhau. Trong xu thế phát triển mới của xã hội, đất nước, tính chừng mực là đức tính quý của con người cần được giữ gìn, nhưng giữ gìn ở mức độ nào là điều cần xem xét ở mỗi cá nhân trong từng khía cạnh khác nhau của cuộc sống để làm sao trong quá trình hội nhập phát triển, con người vừa giữ cho mình cái riêng tư nhưng có thể hòa chung vào xu thế phát triển chung của xã hội, để bản thân mỗi người, cộng đồng người đó không bị tách ra khỏi luồng phát triển chung của xã hội .

L.T.L

Học viên lớp Cao học Tâm lý học, khóa 18 Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Quốc Thành – Nguyễn Đức Sơn (2008), Đề cương bài giảng Tâm lý học xã hội , Đại học Sư phạm Hà Nội.

2. GS. TS. Vũ Dũng (2009), Tâm lý học Dân tộc, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội.

3. Đào Thế Tuấn, Một vài ý nghĩ về bản chất Văn hóa Huế , Nghiên cứu Huế,Tập 3-2002.

4. Đỗ Bang, Văn hóa Việt Nam thời Nguyễn và những vấn đề đặt ra hiện nay , Nghiên cứu Huế, tập 2-2001.

http://www.lieuquanhue.vn/van-hoa-lich-su/6724-ph%E1%BA%ADt-gi%C3%A1o-v%C3%A0-t%C3%ADnh-ch%E1%BB%ABng-m%E1%BB%B1c-trong-l%E1%BB%91i-s%E1%BB%91ng-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-hu%E1%BA%BF.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang