Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đi lễ - Tín ngưỡng người Việt
28/01/2013 15:47 (GMT+7)


“…Hôm qua em đi Chùa Hương,

Hoa cỏ còn mờ hơi sương…

Mùa Xuân, mùa khởi đầu một năm mới. Vạn vật từ cây cỏ, chim muông, con người đến cảnh vật, khí hậu đều đổi mới với tràn đầy sức sống. Củng cố niềm tin, củng cố tinh thần, một phần quan trọng trong cuộc sống, chúng ta thường có các sự kiện văn hóa và tín ngưỡng trong sinh hoạt.

Tín ngưỡng người Việt từ tín ngưỡng thờ phồn thực, sùng bái tự nhiên với tín ngưỡng đa thần và âm tính (thờ Mẫu), đến thờ Tam, tứ Phủ, hay thờ tứ Pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp) đến thờ thực vật, động vật (Rồng tiên, Cây lúa, Thần Lúa…) đến thờ con người như Hồn, Vía, Tổ tiên, Tổ nghề, Thành Hoàng làng, Vua tổ, Tứ bất tử (Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh).

Rồi thờ Thần linh, như Thổ công, Thần tài, Thần thánh, các anh hùng dân tộc và các tín ngưỡng tôn giáo du nhập khác như Phật, Lão, Nho, Thiên chúa, Hồi, Tin lành hay mới bản địa hóa theo nhu cầu của vùng đất mới như Cao Đài, Hòa hảo… cùng với 54 sắc tộc anh em khác nhau tạo dựng nên một cộng đồng văn hóa đa dạng trong một khuôn thể thống nhất cùng tồn tại.

Tín ngưỡng như một nơi giúp hóa giải và giúp người ta tĩnh tâm
 
Người Việt Nam, với sự cởi mở, sẵn sàng hòa nhập, chọn lựa, cùng tồn tại và duy trì các luồng văn hóa, tín ngưỡng trong suốt chiều dài giao thoa của lịch sử dân tộc, đã và đang làm phong phú bản sắc văn hóa của mình. Chính vì vậy, vào mùa Xuân có rất nhiều lễ hội, ở rất nhiều địa phương, rất nhiều tập tục, nghi lễ, văn hóa diễn ra với “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…

Các nghi lễ, tập tục, hội, v.v được thực hiện từ trên bộ máy trung ương, đến địa phương, tới từng gia đình, dòng tộc, tôn giáo và từng cá thể như Lễ Tịch điền, Khai hạ, Thần nông, Thượng nguyên, Khai ấn, Khai bút, Hội làng, Lễ Phủ, Chùa, đến Nhà thờ họ, dòng tộc và bàn thờ gia tiên, Thanh minh, tảo mộ… đều với mục đích cầu mong mùa màng tốt tươi, con người hạnh phúc, duy trì và phát triển sự sống, biết ơn công đức người đi trước, cội nguồn. Một đất nước đa dạng dân tộc, phong phú tín ngưỡng vào Xuân, các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau cùng hòa đồng với đất nước, sự giao thoa, có thể nói, rất đa dạng, rất phong phú.

“…Nho dùng Tam-cương Ngũ-thường

Đạo gìn-giữ khi giữ giàng ba Nguyên

Thích giáo nhân tam qui ngũ giới…”

       - Việt Nam Phật-Điển Tùng San -

Với nhiều người dân, gần như không phân biệt tín ngưỡng, thường đến nơi thờ tụng, đi lễ, nhất là đầu năm mới, họ có thể không biết nơi họ đến lễ không chỉ có thờ Phật, còn có cả Giáo (Lão), Khổng (Nho), Thánh (Trần, Quan Võ), Phủ, Điện (Mẫu), … như tại đền Ngọc Sơn Hà Nội, hay Tam giáo đồng đường (Nho, Lão, Phật) tại chùa- đền Tam giáo Lạng Sơn…

Trong hầu hết các chùa chiền Việt Nam, ngoài thờ phật còn có ban thờ Mẫu. Các bài trí nhiều nơi ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau, như Đền thờ Thánh nhưng… cũng có thờ Phật và Chùa thờ Phật, … cũng có ban thờ Thánh, các bên cửa có Thanh Long, Bạch hổ của Lão. Ngay cả Quán của đạo Giáo (Quán Thánh), người dân cũng đến lễ không phân biệt nhiều với Chùa và đây cũng là Đền thờ Huyền Thiên Trấn Võ!

Người đi theo đạo Thiên chúa cũng có thờ Gia tiên, thể hiện sự dung hòa, thẩm thấu và bản địa hóa các tín ngưỡng khi thâm nhập vào Việt Nam, vào người Việt. Bên Phật giáo, chúng ta có thể thấy, Tịnh độ Tông, sự năng viếng Chùa, Mồng một, hôm Rằm có lễ hòa nhuyễn với các nghi thức dân gian (lễ Sóc và lễ Vọng). Mật tông, sự hòa nhập với các tín ngưỡng dân gian Việt như cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, chú, trị tà, v.v. Thiền tông, Phật tại tâm, Tâm hướng thiện trong mọi người Việt…

Không chỉ người theo đạo, nhiều người khác đạo cũng đến các nơi thờ tự (Chùa, Đình, Miếu, Quán, Đền, nhà Thờ…),  như người theo đạo Thiên Chúa cũng đi vãn cảnh Chùa, Đền, Phủ, người theo Phật cũng đi thăm nhà Thờ như một địa điểm văn hóa, v.v...  Với đại bộ phận dân chúng, mùa Xuân, mùa các sự kiện văn hóa, tín ngưỡng, sẽ là khởi đầu tốt cho mọi ước muốn và hy vọng, các tín ngưỡng, tôn giáo và sự kiện văn hóa.

Đầu năm, mọi người đi lễ cầu may, người ta đi lễ Chùa cầu Phật, lễ Đền cầu Thánh, Mẫu, bà Chúa, Thần, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc, Đức mẹ, Chúa, v.v.

Trong nét văn hóa tâm linh không khỏi có mê tín dị đoan, tuy nhiên, tín ngưỡng cũng như một nơi giúp hóa giải và giúp người ta tĩnh tâm, gửi gắm, ước nguyện. Tâm có tĩnh thì cơ thể mới khỏe, hành động mới sáng.

Khổng giáo dậy phải học và thực hành chữ Nhân, Phật giáo nhắc nhở tâm từ bi, Thiên Chúa Giáo đề cao lòng bác ái. Tôn giáo tín ngưỡng giúp cho con người có niềm tin, có ý chí, quyết tâm và lạc quan, gắn kết cộng đồng.

Các tín ngưỡng văn hóa, các sự kiện lễ, hội, tập tục cần được duy trì, gìn giữ và phát triển những bản sắc của mình, và mỗi người cần nâng cao sự hiểu biết lịch sử, tín ngưỡng, tránh có sự lợi dụng, mê tín dị đoan hay những hành động lạm dụng làm mất đi những giá trị tốt đẹp…

Màu nhiệm của tín ngưỡng có thể khó chứng minh, nhưng sự nỗ lực của bản thân mỗi người, của cộng đồng của cả dân tộc với tinh thần lạc quan tin tưởng vào tương lai sẽ là nội lực để đưa đất nước chúng ta vượt sóng gió và vươn lên đạt các thành tựu để thành một cường quốc…

http://phathoc.net/giao-duc-doi-song/pg-thoi-dai/5AF610_di_le__tin_nguong_nguoi_viet.aspx

Các tin đã đăng:
Về đầu trang