Theo bước chân mở cõi của Chúa Nguyễn Hoàng thế kỷ XVI, người Việt đã tiến về phương Nam lập làng sinh sống. Lịch sử hình thành khác nhau nên làng Việt Bắc bộ và làng Việt Nam bộ cũng mang những nét đặc trưng riêng biệt. Nghiên cứu Làng và quan hệ dòng họ của người Việt Nam bộ của Gs Ngô Văn Lệđã chỉ ra và lý giải những đặc trưng này. Bee.net.vn trân trọng giới thiệu.
Làng hình thành với sự phát triển ruộng đất tư hữu
Quá
trình hình thành các làng Việt Nam Bộ diễn ra hoàn toàn khác so với
việc hình thành các làng Việt Bắc Bộ. Quá trình khẩn hoang lập làng diễn
ra trực tiếp bởi những người nông dân Việt vì nhiều lý do đã có mặt
trước khi được tổ chức thành những đơn vị hành chính (trước năm 1698).
Do vậy, ruộng đất khẩn hoang của người nào được phép trở thành sở hữu
riêng của người đó. Tình hình này diễn ra trong một khoảng thời gian dài
từ thế kỷ XVII, XVIII và ở nửa đầu thế kỷ XIX.
Như
vậy, sự hình thành các xã thôn hầu như tách rời và không phụ thuộc vào
chế độ ruộng đất công. Sự hình thành các làng Việt Nam Bộ gắn liền với
sự phát triển của ruộng đất tư hữu. Theo một kết quả nghiên cứu dựa trên
các số liệu đo đạc lập địa ba năm 1836 thì ruộng đất công chiếm một tỉ
lệ rất thấp so với đất sở hữu cá nhân . Do điều kiện lịch sử và tự nhiên
ở đồng bằng Nam Bộ cho đến đầu thế kỷ XIX ruộng đất công đã không tự
xuất hiện. Sau năm 1836 nhà Nguyễn dùng nhiều biện pháp nhằm gia tăng
diện tích ruộng công. Nhưng nhìn chung công điền cũng chỉ chiếm một tỷ
lệ khiêm tốn.
|
Làng Nam bộ |
Làng
Việt Nam Bộ ra đời không bị chi phối hoặc bị chi phối nhưng rất yếu ớt
của chế độ ruộng công nên người nông dân không bị quá lệ thuộc vào làng,
họ có thể di chuyển khá tự do có lẽ cũng vì thế mà quan niệm chính cư,
ngụ cư không chi phối các thành viên của một làng. Nguồn gốc hình thành
các làng Việt Nam Bộ cũng như không bị chi phối bởi chế độ ruộng công đã
làm cho làng Việt có xu hướng mở, người nông dân năng động hơn.
Người
tiểu nông tuy vẫn mang nặng tình làng nghĩa xóm, nhưng tính cách và vai
trò của họ không bị hòa tan trong cộng đồng, tính năng động làm cho họ
tùy ý lựa chọn phương thức hoạt động kinh tế của mình. Và có lẽ cũng
chính vì thế họ ít bị chi phối bởi các mối quan hệ khác như người nông
dân Việt Bắc Bộ, ngay cả khi người Pháp chiếm xong Nam Bộ, họ cũng không
làm gì hơn để thay đổi tình hình. Trái lại, họ càng đẩy nhanh quá trình
tư hữu hóa ruộng đất với sự tham gia tích cực của các địa chủ người
Pháp, làm cho bộ phận nông dân không có ruộng đất tăng lên.
Cơ cấu và sự vận hành của làng Việt Nam bộ
Cơ
cấu tổ chức và sự vận hành của làng Việt cũng là nét khá độc đáo lôi
cuốn sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Một loạt các bài viết đề cập đến
những nội dung này đã được tập hợp đăng trong cuốn Nông thôn Việt Nam
trong lịch sử (tập II). Toan Anh, Nguyễn Văn Huyên trong các công trình
của mình cũng dành khá nhiều trang nói về tổ chức làng xã cổ truyền Việt
Nam và trong chừng mực nhất định đã nêu lên những khác biệt giữa làng
Việt Bắc Bộ và làng Việt Nam Bộ. Trần Từ vào năm 1984 đã công bố công
trình nghiên cứu về “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ" .
Đây
được coi là công trình hoàn chỉnh (ít ra cho đến thời điểm này) nghiên
cứu một cách toàn diện cơ cấu tổ chức làng xã cổ truyền của người Việt ở
Bắc Bộ. Các công trình nghiên cứu về cơ cấu làng Việt Bắc Bộ đều khẳng
định có sự hiện diện của các tổ chức phi quan phương bên cạnh các tổ
chức quan phương. Các tổ chức quan phương (hay bộ máy quản lý làng) do
Nhà nước trung ương tập quyền áp đặt lên các làng, theo những quy định
chung. Và bộ máy tổ chức này về cơ bản có sự thống nhất của toàn bộ vùng
đồng bắng Bắc Bộ xét trên phương diện tổ chức cũng như chức năng nhiệm
vụ.
Thông
qua các tổ chức quan phương Nhà nước thể hiện quyền lực đến các công
dân của mình trong việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tổ chức
phi quan phương không nằm trong hệ thống của bộ máy hành chính, nó ẩn
tàng trong các làng Việt và vận hành theo những nét rất riêng của từng
loại tổ chức. Hoạt động của các tổ chức phi quan phương tạo nên sự kết
dính giữa các thành viên trong tổ chức của mình. Đây là một nét rất khác
trong cơ cấu tổ chức làng Việt Bắc Bộ so với làng Việt Nam Bộ.
|
Người Nam bộ |
Các
làng Việt Nam Bộ là các làng khai phá ngay từ khi hình thành đã thể
hiện vai trò của mình. Mặt khác các thành viên của các làng Việt Nam Bộ
được tập hợp từ các vùng khác nhau, nên mối quan hệ thân tộc không có cơ
sở để thể hiện vai trò của mình, các nghiên cứu trước đây cũng như các
công trình gần đây không thấy có làng nào có giáp. Và vì những lý do đó
các tổ chức phi quan phương không có điều kiện phát triển ở làng Việt
Nam Bộ.
Các
tổ chức phi quan phương ở làng Việt Bắc Bộ trong bối cảnh hiện nay vẫn
thể hiện rõ vai trò của mình trong đời sống thường nhật của người nông
dân. Trong khi đó các tổ chức phi quan phương tại các làng Việt Nam Bộ
vẫn vắng bóng, nếu có cũng thể hiện rất yếu ớt vai trò của mình.
Trong
bối cảnh chung của làng Việt Bắc Bộ với sự tồn tại song hành của các tổ
chức quan phương và phi quan phương giữ vai trò quan trọng để điều hòa
chung làm cho các làng Việt Bắc Bộ dù phức tạp, vẫn là một tế bào xã hội
vận hành như một đơn vị thống nhất là hương ước. Hầu hết các làng Việt
Bắc Bộ đều có hương ước. Làng nào có hương ước ấy, tùy truyền thống của
từng làng mà hương ước đề cập đến những vấn đề cụ thể.
Tuy
nhiên, nội dung của hương ước của các làng lại có nội dung tương đối
giống nhau. Vì hương ước không phải là bộ luật chung cho các làng, nên
hình thức thể hiện những vấn đề cần đề cập tới của từng làng cũng khác
nhau. Những nội dung mà hương ước các làng thường đề cập đến bao gồm:
1) Những trường hợp thưởng công (ví như thưởng cho người bắt được trộm cướp)
2)
Những trường hợp phạt tội, thường là các tội nhẹ mà pháp lý của Nhà
nước quân chủ chính thức không giải quyết (trộm cắp vặt, ẩu đả thông
thường, bất kính đối với bề trên)
3)
Những trường hợp đền bù cho người vì quyền lợi chung của cả làng chịu
hy sinh (ví như bị thương, hay bỏ mình trong khi chống lại quân cướp)
4)
Những trường hợp suy tôn người đã bỏ của, bỏ sức để làm việc ích chung
cho cả làng (ví như tu bổ chùa làng, xây cầu, đắp cống)
5) Những trường hợp cấm đoán hoặc nhằm bảo vệ đạo lý (ví như cấm cờ bạc, trai gái).
Và
“dù không phải là bộ luật hoàn chỉnh, hương ước với những điều quy định
về một số nét sinh hoạt riêng biệt của làng xã, vẫn đóng vai trò một
cương lĩnh. Có thể còn khá chung chung, nhưng dù sao vẫn đáng được xem
là một cương lĩnh về nếp sống hàng ngày của làng xã, mà mọi cá nhân, mọi
tổ chức, trong làng, trong xã phải tuân thủ” . Các hương ước của từng
làng tác động trực tiếp đến các thành viên của làng.
Các
thành viên trong làng dù thuộc tổ chức phi quan phương nào cũng đều có
trách nhiệm thực hiện hương ước. Mỗi thành viên trong làng với trách
nhiệm của mình đối với làng, đối với một tổ chức nào đó mà họ là một
thành viên, vì danh dự của làng, của gia đình và của chính cá nhân mà
tuân thủ tự giác, thực hiện những điều đã được ghi trong hương ước.
Các
làng Việt Nam Bộ không có hương ước. Không có các tổ chức phi quan
phương, không có hương ước, các làng Việt Nam Bộ ngay từ khi hình thành
đã sớm chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước. Nhưng xét trên phương
diện quản lý thì sự ràng buộc các thành viên ở các làng Việt Bắc Bộ chặt
chẽ hơn so với các làng Việt Nam Bộ. Tại các làng Việt Bắc Bộ đất đai
có hạn, các quan hệ dòng họ ràng buộc, những quy định của hương ước đã
làm cho người nông dân Việt không năng động, khó có thể vượt qua sự thụ
động.
Trái
lại, thiên nhiên Nam Bộ khá ưu đãi và hào phóng với con người, lại
không có tâm lý phân biệt người chính cư và người ngụ cư, nên một khi, ở
nơi ở cũ họ cảm thấy không còn sống được nữa thì họ sẵn sàng rời để đến
những nơi khác lập nghiệp.
Cũng
cần phải nhấn mạnh thêm do làng Việt Nam Bộ không được thiết lập trên
nền tảng ruộng công nên vai trò của làng có phần nào bị hạ thấp so với
làng Việt Bắc Bộ. Bởi vì ở đây, làng không phải làm chức năng kiểm soát,
phân chia việc khai thác đất đai và đương nhiên cũng không có chức năng
điều hòa sử dụng các nguồn nước.
Những
công việc đó không theo thể chế của làng và thường do những tư nhân
trực tiếp canh tác giải quyết. Và có lẽ do cơ chế vận hành của làng Việt
Nam Bộ như vậy, nên ở Nam Bộ các làng không có hương ước như những làng
Việt Bắc Bộ. Trong chế độ sở hữu ruộng đất Nam Bộ có một hiện tượng khá
phổ biến, nó khác biệt hoàn toàn so với tình hình ở Bắc Bộ. Đó là hiện
tượng ruộng phụ canh.
Ruộng
phụ canh không chỉ ở làng bên, mà còn ở nhiều làng, nhiều tổng, thậm
chí ở tỉnh khác. Cơ chế sở hữu đất canh tác như vậy đã dẫn đến sự giao
lưu giữa các vùng, không có những cơ sở kinh tế để tạo thành những “ốc
đảo” như những làng Việt Bắc Bộ, làm cho cơ cấu kinh tế nông thôn Nam Bộ
không khép kín cũng không đòi hỏi sự thỏa mãn bằng một quy mô dân số
nhất định của làng.
Cũng
cần lưu ý đến sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa cộng đồng người Việt
với các cộng đồng người khác ở Nam Bộ. Khi người Việt di dân đến vùng
đất mới thì trước đó đã có các tộc người khác đặc biệt là người Khmer
sinh sống. Các tộc người này đã góp phần cùng người Việt khai hoang, cải
tạo để có được đồng ruộng phì nhiêu, bốn mùa cây trái. Trong quá trình
cộng cư, trong quá trình khai hoang và đặc biệt trong giai đoạn lịch sử
sau này, trong quá trình chống ngoại xâm để bảo vệ sự sống còn của quốc
gia dân tộc, của từng tộc người, đã diễn ra quá trình giao lưu văn hóa
giữa các tộc người đã hình thành nên những giá trị văn hóa chung cho cả
Nam Bộ – văn minh miệt vườn.
Ở
Nam Bộ đã sớm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng
hóa. Ở làng Việt Nam Bộ do không tồn tại chế độ sở hữu công cộng, nên
ngay từ đầu đã xác lập sở hữu tư nhân, tạo nên tính năng động của người
tiểu nông. Người nông dân Nam Bộ do những ưu đãi của thiên nhiên, không
có phong cách “tích cốc phòng cơ” mà luôn gắn bó với thị trường.
Để
gia nhập thị trường không thể duy trì nền sản xuất nhỏ theo hướng tự
cung tự cấp, mà phải hướng tới việc huy động mọi nguồn lực, vốn liếng để
sản xuất cho rẻ, cho nhanh đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không phải
ngẫu nhiên mà ngay trước những năm 30 của thế kỷ XIX đã thấy có sự tích
tụ đất đai rất lớn ở Nam Bộ.
Cùng
với việc sản xuất hàng hóa là việc hình thành các đô thị, nhưng đô thị ở
vùng này không mang đậm nét tàn dư của công xã nông thôn. Đô thị ở đồng
bằng sông Cửu Long hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu của một nông thôn
sản xuất hàng hóa, mở rộng giao lưu buôn bán với tất cả các vùng. Trở
thành đầu mối giao dịch với các nơi. Người nông dân Nam Bộ không kỳ thị
đối với buôn bán. Tâm lý đó của người nông dân Nam Bộ được thể hiện rõ
qua câu ca dao quen thuộc đã đi vào lòng người bao thế hệ:
Đạo nào vui bằng đạo đi buôn,
Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông.
Sự
phát triển kinh tế hàng hóa ở Nam Bộ kích thích giao lưu quốc tế làm
cho hoạt động của làng Việt Nam Bộ năng động hơn so với làng Việt Bắc
Bộ.
Ngô Văn Lệ
Nguồn link: http://bee.net.vn/channel/1984/201109/Lang-va-quan-he-dong-ho-cua-nguoi-Viet-Nam-bo-1811029/
Trích Làng và quan hệ dòng họ của người Việt Nam bộ, trong Đề tài cấp nhà nước Đặc trưng tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng cư dân Nam Bộ, 6/2011.