Trong hàng ngàn lời dạy của
Đức Phật, Ngài dành rất ít - ba hay bốn bài kinh, tùy theo cách bạn đo đếm - đặc
biệt dành cho trẻ em. Nếu ta nhìn vào độ sâu, độ trải rộng của các kinh tạng,
thật khó nghĩ tại sao Đức Phật lại có quá ít kinh giáo dục con trẻ: có phải vì
để theo được con đường của Phật, người ta cần có tâm chín chắn hơn và chí nguyện
mạnh mẽ hơn? Hay chỉ vì xã hội Ấn Độ 2.600 năm về trước, trong các gia đình đã
có đầy đủ những lời khuyên dạy trẻ - và nếu một thành viên trưởng thành trong
gia đình đi theo Phật, thì tự nhiên
con trẻ trong nhà cũng hấp thụ những
bài học và văn hóa Phật giáo. Hay có lẽ - và đây chỉ là phán đoán của cá nhân
tôi - rằng vì những điều cốt lõi mà Đức Phật dạy cho trẻ đã bao trùm tất cả các
pháp, nên không cần phải nói thêm nhiều. Hay Đức Phật đang làm điều mà các bậc
cha mẹ hay thầy cô hoàn hảo nhất làm - là đơn giản hóa các giáo điều phức tạp đến
mức tối đa, cấp thiết nhất - và thể hiện bài giảng theo phương cách để đứa trẻ
có thể áp dụng trong đời sống?
Đứa trẻ
mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là con của Đức Phật, Rahula - tiếng Pali
có nghĩa là “ràng buộc” hay “xiềng xích”. Các Phật tử đều biết là Đức Phật đã rời
bỏ gia đình vào ngày mà đứa con duy nhất của Ngài ra đời - người cha nào mà có
thể làm chuyện đó? (Chúng ta tất biết có không ít người). Nhưng trong trường hợp
của Đức Phật, việc từ bỏ tình phụ tử và cuộc sống vương giả phản ảnh sự suy
nghĩ thâm sâu của Ngài rằng hạnh phúc vô điều kiện, bền vững có thể có được -
và rằng khi từ bỏ gia đình, từ bỏ những ràng buộc trong đời sống tình cảm và
tâm linh, Ngài có thể cuối cùng đem lại cho họ hạnh phúc bất tử mà Ngài đã tìm
được cho bản thân.
Khi Rahula được bảy tuổi, chú trở thành đệ tử của
cha mình và bắt đầu được dạy dỗ để trở thành một tu sĩ. Trong một bài kinh có
tên “Giáo giới Rahula” (Trung bộ 61), Đức Phật đã truyền trao cho con
trai của mình những hạt giống giáo lý quan trọng nhất. Ngài bắt đầu bằng việc
nhấn mạnh đến sự trọng đại của tính chân thật - ám chỉ rằng nếu Rahula muốn tìm
ra sự thật, thì trước hết tự mình phải sống chân thật. Sau đó Ngài nói đến việc
sử dụng những hành động của mình như tấm gương soi. Ngài dạy Rahula rằng, trước
khi làm bất cứ việc gì, hãy tự hỏi mình: Việc tôi sắp làm đây thiện hay bất
thiện? Sẽ đem lại lợi ích hay tai hại? Nếu thấy có hại, thì đừng làm. Nếu tốt, thì cứ tiến hành, thử nghiệm. Tuy
nhiên, khi đang thực hiện các hành động đó, cũng hỏi như trên. Nếu thấy nó đem
lại tai hại, dừng ngay. Nếu không, tiếp tục thực hiện. Rồi ngay cả sau khi hoàn
tất, cũng hỏi những câu đó - Điều đó thiện hay bất thiện? Nếu con thấy điều lúc đầu có vẻ tốt, thực
sự cuối cùng là xấu, thì hãy trao đổi với huynh đệ, và nhất quyết không bao giờ
lặp lại lỗi lầm đó nữa. Nhưng nếu, theo lời Đức Phật, “khi quán chiếu [về thân,
khẩu hay ý], mà con thấy rằng nó không đưa đến ưu phiền… Nó là một hành động
thiện xảo mang lại kết quả tốt đẹp, ảnh hưởng tốt đẹp, thì tâm con trong sáng,
vui tươi, tu tập ngày đêm với các tâm thiện đó”. Đức Phật đã dạy con trai về sự quan trọng của
việc học hỏi từ các lỗi lầm của mình, việc phải chịu trách nhiệm cho các hành động
của mình, và vun trồng tâm bi mẫn. Quan trọng không kém là việc Đức Phật dạy
con về chủ đích của hành động và hậu quả của chúng sẽ như thế nào - với những
hành động mang lại kết quả tức thời hay dài lâu sau này. Ngài cũng dạy Rahula về
căn bản của Tứ diệu đế: ý thức rằng khổ là do các hành động trong quá khứ hay
hiện tại gây ra, rằng nếu chịu khó quan sát, chúng ta có thể biết cách hành động
ngày càng tốt đẹp hơn, cho đến chỗ hoàn toàn tuyệt hảo, hoàn toàn tự tại.
Đức Phật có lợi
thế trong việc giáo dục trẻ em vì Ngài sống trong một xứ sở mà việc giáo dục và
thực hành tâm linh là một phần của cuộc sống. Đối với chúng ta, những người muốn
dạy dỗ con cái theo các giá trị của Phật giáo, phải xây dựng từ cái không hiện
hữu - một hệ thống hỗ trợ giáo dục Phật pháp cho trẻ em. Tuy nhiên, chúng ta
không phải bắt đầu từ con số không - kinh Rahula và nhiều giáo thuyết
khác là nơi đặc biệt để bắt đầu, và sự trải nghiệm cũng như niềm tin của bản
thân chúng ta đóng góp không nhỏ - nhưng ta cũng cần nhiều sự nâng đỡ khác. Những
câu chuyện hay hoạt động thú vị có thể giúp trẻ em thấy được sự quan trọng của
giáo lý, trong khi người lớn, bạn bè và các thành viên cộng đồng có thể đóng
góp kinh nghiệm, trí tuệ và kỹ năng để dạy thiền và giúp trẻ em trên con đường
đạo.
...
Là Phật tử,
chúng ta cũng là những nhà tiên phong trong việc cố gắng xây dựng một nền văn
hóa tôn giáo, đạo đức cho bản thân và gia đình, trong một xã hội vật chất không
đóng góp được gì cho tầm nhìn của chúng ta. Nhưng cái được của việc dạy Phật
pháp cho con trẻ buộc chúng ta phải là những nhà tiên phong thiện xảo. Trong một
chừng mực nào đó, dường như việc đem trẻ em (và những thực tại nhân sinh) vào
Phật giáo là biên địa cuối cùng của hầu hết các trung tâm tu tập, được tạo lập
như một kiểu tu tập hiếm có (ngay cả trong các nước mà Phật giáo là quốc giáo).
Đó không phải là việc mướn người coi trẻ khi chúng ta hành thiền, dầu là cách tổ
chức coi trẻ hữu hiệu, tiết kiệm - chứ chưa nói đến việc dạy Phật pháp cho trẻ
- cũng là một công việc tốn nhiều thì giờ, công sức. Trẻ ở quanh ta khi ta thực
hành có thể giúp trẻ làm quen với các hoạt động của ta, nhưng không có nhiều
ích lợi cho chúng.
Tạo dựng một cuộc sống theo Phật giáo cho con cái
có nghĩa là chúng ta phải sắp xếp lại cách giáo dục, hoặc trở nên là những người
tình nguyện viên đóng góp nhiều thời gian, nghiên cứu các phương cách giáo dục,
thiết lập các chương trình, làm lồng đèn Vesak bằng giấy và các lá cờ có lời
kinh với các em nhỏ, hay dạy thiền ở trường học. Đó có thể là một công việc rất
khó nhọc. Khi Willa, đứa con gái 8 tuổi
của tôi cùng đi đến một tu viện thăm bạn tôi; sau đó, nó nói: “Tại sao con phải
trở thành Phật tử chứ? Vừa xấu, vừa chán”. Có nghĩa là: ở đó không có việc gì cho
trẻ làm, không có gì có thể tô hồng, hay làm đẹp về điều đó, nên con dứt khoát
không theo việc mà mẹ quá coi trọng. Tuy nhiên, một năm sau, con gái bắt đầu
kéo tôi vào những câu chuyện về sự liên hệ giữa nghiệp và sự may mắn. Nó khẳng
định rằng người ta có thể tin vào cả hai: “Ta tự tạo ra nghiệp của mình, và ta
cũng tự tạo ra sự may mắn cho mình, cho nên may mắn phải là một phần của nghiệp”.
Tôi cũng may mắn được cộng tác với một trường học kia về chương trình dạy thiền
cho trẻ, nên con gái cũng được học thiền mà không phải vướng víu nếu như phải học
thẳng từ cha mẹ, và có thể tự mình chứng nghiệm giá trị của thiền.
Điều tuyệt vời của dự án này là chúng tôi tái tạo
lại hình thức lửa trại thời xa xưa, đồng thời cũng quan tâm đến phản ứng của trẻ.
Chúng tôi tập chúng tánh rộng lượng, nhấn mạnh về sự quan trọng của việc làm việc
gì cho xong việc đó như là sự chủ tâm, hay lúc ngồi thiền, cho đến khi nó trở
nên một khả năng nhuần nhuyễn - vì đó là lúc việc làm của ta có kết quả, được
thoải mái. Trong quá trình này, chính sự tu tập của chúng tôi cũng được tiến
triển, nhưng điểm nhấn ở đây là chúng tôi đang trao cho trẻ những điều thực sự
giá trị.
Trong kinh Rahula, Đức Phật đã dạy con trai kết duyên với các vị
cao niên trí tuệ hầu giúp chú có những lựa chọn khôn ngoan - những người mà
Rahula có thể tin cậy và gửi gắm tâm tư. Nếu các bậc cha mẹ có thể tự biến vai
trò của mình thành bạn của con cái - của chúng ta hay của người - là chúng ta
đã phục vụ chúng tốt… Ngày nay, chúng ta sống trong thời điểm lần đầu tiên mới
có là con cái chúng ta tin nghe theo bạn bè hay giới truyền thông để ứng xử
trong xã hội hơn là nghe theo các bậc lão niên trong gia đình. Nếu chúng ta
không muốn những Người Nhện, Người Sắt trở thành thần tượng của con cái mình
thì ta phải dành được và duy trì được niềm kính tin của chúng…
Mary Talbot - Diệu
Liên Lý Thu Linh
(Trích dịch từ Teaching
Your Children Buddhist Values, Tạp chí Tricycle, mùa thu 2008)