Những kinh điển quan trọng bậc nhất đều [đã được dịch qua] Tạng văn và có vô số những bậc đạo sư ở ngay tại Tây Tạng. Nhưng mọi thứ đã xảy ra như là một ngạc nhiên chấn động khi mà vào thế kỷ thứ mười ba, đạo quân xâm lăng của người Hồi giáo đã hủy diệt tu viện Atisha ở miền Đông Ấn. Người Hồi giáo thời đó thường có những cuộc hành quân trên giải đất nay là A phú hãn và Pakistan; họ gây chiến suốt dọc bình nguyên sông Hằng từ Tây sang Đông. Trong gần hai trăm năm họ cướp phá và thiêu đốt hàng trăm tu viện vì những pho tượng Phật đã làm cho những người Hồi [với tinh thần] bài trừ thánh tượng phải thất kinh. Cuối cùng họ đã dừng chân tại Vikramashila, tu viện vĩ đại cuối cùng còn sót lại.
Tại Vikramashika, người Hồi tàn sát các nhà sư. Các toà thư viện bị đốt cháy trong nhiều ngày. Những kẻ tấn công đã đập phá các pho tượng Phật và vàng bạc, châu ngọc trang hoàng những pho tượng này đều bị cướp đi. Các đạo quân này đã triệt hạ từng tu viện một thành bình địa, cho đến viên gạch cuối cùng của cái nền nhà cũng không còn, gồm khoảng một chục tu viện mà trước đây đã từng lừng lững trong sương mờ buổi sớm. Họ đào bứng hết lên và quăng bỏ tất cả xuống sông Hằng. Cuộc tàn phá đã được hoàn tất: không còn có thể xác định được vị trí của Vikramashika nữa.
Hình ảnh của sự hủy diệt của Phật giáo tại Ấn độ -- sự mỉa mai khi Phật giáo đã bị hoại diệt ngay trên nơi đã sinh ra; điều này đã ám ảnh tôi (Thomas Laird) trong nhiều thập niên. Tôi thật nóng lòng để được thảo luận với đức Đạt Lai Lạt Ma bằng cách nào Phật giáo đã bị hoại diệt ngay trên quê hương của giáo pháp ấy.
“Phật giáo đã bị hủy diệt như thế naò?” Tôi (TL) hỏi: “Phải chăng chỉ vì những cuộc tấn công của người Hồi giáo?”
“Không có gì xảy ra chỉ vì một nguyên do [duy nhất], Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. Trước đây có một học giả , nay đã mất, đã gửi cho tôi một cuốn sách ông ta viết về quan điểm của ông với ba lý do khiến Phật giáo suy thoái tại Ấn.”
“Thứ nhất, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, các thí chủ của các tu viện đã ngày càng tỏ vẻ nghiêng về các truyền thống phi Phật giáo. Thứ nhì, có những thế lực bên ngoài như Hồi giáo và các thế lực khác -- họ cố tình tiêu diệt Phật giáo. Thứ ba, chính các tu viện và các nhà sư đã trở nên giàu có và gom góp được nhiều vàng bạc dưới danh nghĩa của Mật Điển, [nhưng họ đã] sa đọa trong rượu chè và sắc dục. Những chuyện như thế này đã xảy ra. Cho nên dân chúng mất niềm tin, có người đâm oán ghét các nhà sư và không còn tin tưởng các nhà sư nữa. Do đó, tôi thấy là không chỉ có một mà là có nhiều nguyên do.”
Tôi rất ngạc nhiên khi nghe ngài qui tội cho người theo Phật giáo trong những biến cố như vậy, trong khi tôi vẫn luôn cho rằng người Hồi giáo phải chịu trách nhiệm. Tôi gặng hỏi: “Thực vậy sao? Ngài không trách người Hồi giáo ư?”
“Tôi (ĐLLM) nghĩ rằng trong trường hợp của người Tây tạng cũng như trường hợp của người Ấn, [ta thấy] có khuynh hướng đi tìm những nguyên nhân bên ngoài. Khuynh hướng nhìn vào những thế lực bên ngoài đã ăn sâu vào tâm trí con người và rất khó loại bỏ. Chúng ta chẳng thể làm đuợc gì nhiều đối với những người khác, đối với những thế lực bên ngoài. Nhưng chính chúng ta, nếu chúng ta không hành trì, không giữ gìn giới luật cho nghiêm ngặt thì tôn giáo của chúng ta sẽ trở thành đạo đức giả (hypocritical). Thật là như vậy. Do đó, đây chính là lịch sử đích thực của Phật giáo tại Ấn Độ và Tây tạng.”
Tôi bàng hoàng khi thấy trong mọi trường hợp, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhìn nhận lỗi lầm nơi bản thân trước khi ngài tìm lỗi nơi người khác. Ngài nhận lỗi nơi Phật giáo trước khi tìm nơi những tôn giáo khác. Ngài đã nhận lỗi trước tiên nơi bản thân, quốc gia của ngài và tôn giáo của ngài. Khuynh hướng này đã uốn nắn cách ngài xét nhìn lịch sử, giống như [khuynh hướng] của chúng ta cũng uốn nắn cái nhìn của chúng ta. Theo sự hiểu biết của tôi, một hiểu biết thuần lý trí, thì đây là một trong những thệ nguyện của một bậc Bồ Tát. Nhưng lắng nghe câu chuyện ngài trình bày rằng sự hủy diệt của Phật Giáo trên xứ Ấn không ít thì nhiều là lỗi của những người Phật tử, điều này đã làm cho sự hiểu biết ấy thực sự sống dậy một cách đau buốt nhức nhối. Tôi biết rằng ngài đúng nhưng tôi chưa hề gặp ai thực sự làm gì với lý tưởng này ngoại trừ là chuyện mồm mép mà thôi.
Lẽ ra, tôi không nên ngạc nhiên khi cuộc nói chuyện với Đức Đạt Lai Lạt Ma về lịch sử Tậy tạng dẫn đến những điều tổng thể và bao quát hơn là chỉ nghiên cứu về một quốc gia, nhưng tôi vẫn đã ngạc nhiên. Càng nói chuyện với ngài, ngài càng làm cho tôi phải ngạc nhiên trong nhiều trường hợp mà tôi không có chuẩn bị trước. Thật không có gì mơ hồ về khả năng tâm linh của ngài. Đó là lời khuyên dạy thực tiễn.
Thomas Laird - Quảng Hiệt chuyển ngữ (Thư Viện Hoa Sen)
Nguồn: http://www.tricycle.com/issues/books/3800-1.html Trích sách: Câu Chuyện Của Tây Tạng: Đối Thoại Với Đức Đạt Lai Lạt Ma Tác Giả: Thomas Laird Nhà xuất bản/phát hành: Grove/ Atlantic, Inc./ Grove Press (2006) Quảng Hiệt chuyển Việt ngữ/ Tâm Bảo Đàn hiệu đính (4/2008)