Chị đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất
của thời niên thiếu ở Huế, cách sống và cách giáo dưỡng của cha mẹ đã
giúp chị điều gì khi bước vào môi trường khoa học xứ người?
Tôi mất cha năm lên bốn tuổi, chính nhờ sự tận tuỵ,
tình thương vô bờ, sự hy sinh lớn lao của mẹ tôi, và phải nói, nhờ vào
bàn tay ấm áp của đại gia đình, sự giúp đỡ âm thầm mà thâm sâu của bà
nội và bà cô, tôi được đi học bình thường như những thanh thiếu niên
cùng thế hệ. Chính hai vị lão phu nhân này đã góp phần không nhỏ hun đúc
ý chí học hỏi cho tôi. Trong trường hợp của tôi, thân giáo đến từ bà
nội, bà cô và mẹ đóng vai trò quan trọng. Lối sống lễ giáo trong gia
đình tôn ti trật tự có sẵn đã tạo nên “cái khung” tự nhiên cho cung cách
ứng xử, đôi khi chật hẹp nhưng cần thiết cho cuộc sống chung. Vào thời
ấy, đôi khi tôi muốn “tháo cũi sổ lồng” – và cơ hội đến khi tôi được
học bổng du học. Những tưởng tôi sẽ ngang tàng phá vỡ mọi khuôn phép,
nhưng bỗng nhiên ở xứ người tôi lại “thủ cựu”, và chính qua đó, sự tự
trọng dè dặt, đã giúp tôi ngẩng cao đầu. Trong khi mẹ tôi tận tuỵ lo
cho tôi ăn học, bà nội tôi là người giáo dục tinh thần. Bà không cầm
roi như lối giáo dục nam quyền, bà chỉ kể chuyện – đó là một trong
những lý do tại sao tôi dùng phương pháp kể chuyện với con tôi sau này.
Là nữ giáo thụ cho các cung nữ, bà nội tôi có lối kể chuyện uyên bác
và thu hút. Bà kể cho tôi chuyện cha tôi, bác tôi, ông nội tôi, các
nhân vật lịch sử, văn chương, các tuồng tích, họ đã đi học như thế nào,
bác tôi đã tiến thân từ anh học trò nghèo mồ côi cha cho đến khi thi
đỗ làm quan, nhiều thật nhiều chuyện những con người trong nghèo khó
khắc phục hoàn cảnh bằng ý chí, tâm huyết và tài năng để tiến thân.
Giấc mơ học thành tài của tôi đến từ câu chuyện ấy, ý chí phấn đấu
trong hoàn cảnh khó khăn đã giúp tôi mạnh mẽ không lùi bước. Trong lúc
ấy, bà cô tôi, một mệnh phụ cao quý lại cho tôi hình ảnh của người phụ
nữ tự tin, thành đạt, thương người, hiếu thảo, thuần đạo. Còn mẹ tôi,
là đức hy sinh xả thân của bà. Tôi nghĩ rằng “thân giáo” đóng vai trò
quan trọng trong giáo dục. Nếu người lớn không có kỷ cương, vô đạo thì
người trẻ sẽ theo gương ấy mà vô kỷ cương, vô hạnh. Chính nhờ thân giáo
ấy, mà khi tôi “đi đứng” ở nước người, nhận được sự tôn trọng.
Thử thách nào là lớn nhất với chị để có thể kiên
định với con đường nghiên cứu triết học suốt bao năm qua, trong một thế
giới sống gấp và thực dụng? Chị nghĩ gì về sự đứt gãy của thế hệ tiếp
nối trong lĩnh vực nghiên cứu và dịch thuật triết học?
Trước tiên tôi đã chọn triết học vì “yêu” chứ không
nghĩ đến mục đích thực dụng. Với điểm học tốt, tôi đã có thể chọn những
môn khác như y khoa, vật lý học… Khi yêu thì một liều ba bảy cũng liều
cho nên thử thách nào, vật chất hay chướng ngại tinh thần, cũng đều
“giải giáp” trước tình yêu ấy. Yêu triết học cũng có nghĩa là yêu gấp
đôi đó (cười): yêu cái tình yêu chân lý, lẽ sống của con người. Nó chính
là phương thức cho tôi sức mạnh vượt qua những khó khăn trong đời
người. Tôi nghĩ rằng phương pháp triết học giúp chúng ta đạt được cái
nhìn thấu đáo về kỹ năng “người”, điều kiện hiện sinh, trách nhiệm đạo
đức, để vượt lao lý và đạt quân bình nội tâm, làm cho cuộc sống giữa ta
và người có ý nghĩa. Triết học giúp thao luyện trí tuệ – tâm trí cũng
giống như thao luyện thân xác. Triết học đem lại sự tự tin và lòng tin
vào sức mạnh trí tuệ, phẩm giá con người.
Khủng hoảng
lớn nhất là chúng ta đánh mất niềm tin vào sự trung tín, như là cơ sở
của tương quan giữa người và người trong giao tiếp, người này bỗng
thành kẻ cắp của người kia và ngược lại. |
Theo tôi, sự bỏ qua triết học trong chương trình giáo
dục hiện nay là một sai sót lớn. Tây phương đã có một thời xao lãng,
nhưng chương trình trung học vẫn không thể bỏ qua các môn thuộc lĩnh vực
triết học. Hiện nay, vai trò của triết học trong việc giáo hoá, đào
tạo được đánh giá quan trọng. Trong mê cung của chủ nghĩa thực dụng vật
chất, cần có một kim chỉ nam hướng dẫn con người có tư duy đúng đắn,
tự chủ và độc lập. Trước sau, tôi vẫn nghĩ đưa triết học vào chương
trình giáo dục tại Việt Nam, nếu Việt Nam muốn tiên tiến trong công
cuộc giáo dục, đào tạo con người toàn diện.
Ngoài dịch sách, chị còn là tác giả của nhiều tiểu
luận về triết học, tôn giáo và nhiều bài ký sự, tuỳ bút… Nhìn lại quá
trình nghiên cứu của mình, chị nghiệm ra điều gì quý giá nhất?
Có thể nói, sáng tạo là điều quý giá nhất, trong nghĩa
sáng tạo là khả năng tổng hợp sinh động cái cũ, vốn liếng tri thức nhân
loại đã có để sản sinh cái mới, có như thế sáng tạo mới có ý nghĩa
nhân bản. Tôi thích câu trả lời của Trần Nhân Tông: “Mỗi lần nêu ra một
lần mới”, cũng trong ý nghĩa ấy, tôi thấy mình cần… mới hơn nữa.
Là người đeo đuổi nhiều năm để giành và giữ lại
phần đất tổ tiên ở chính quê hương mình, chị có đau đớn nhiều không khi
nghĩ đến những người dân thấp cổ bé họng trước làn sóng đô thị hoá đang
đẩy họ vào cảnh bần cùng, không chốn nương thân?
Mỗi một phút giây tôi khiếu nại để giành lại và giữ
được mảnh đất của tổ tiên là mỗi phút mỗi giây thấm nghiệm sâu xa nhất
sự đau khổ của người dân thấp cổ bé họng đã bị tước đoạt đất sống. Phải
nói là tôi đau, thật đau, trên từng thớ thịt với họ. Từ năm 1963, ý
thức về quê hương đất nước đã cho tôi động cơ dấn thân – ngay cả ước mơ
trên chuyến du học của tôi cũng nằm trong thao thức hoài bão của thế
hệ thanh niên chúng tôi thời ấy ở miền Nam – ước mơ đó là học thành tài
để xây dựng quê hương, để xoá tan mặc cảm “nô lệ da vàng”, thân phận
nhược tiểu như Trịnh Công Sơn từng hát. Chúng tôi hẹn nhau như thế. Đối
với tôi, căn nhà tổ tiên cũng chính là quê hương. Không giữ được nhà
sao giữ được nước? Tôi tin rằng chân lý sẽ thắng, công bình sẽ thắng,
dù hoàn cảnh, cơ chế xã hội đầy rẫy bất hạnh, bất công.
Là người dịch khá nhiều tác phẩm triết học và dịch
thơ, quan điểm của chị về dịch triết, dịch thơ? Vì sao chị lại chọn
Hölderlin?
Từ hơn 40 năm nay, tôi vẫn không thay đổi quan điểm
dịch của tôi là dịch đúng và chính xác. Tôi cố gắng bỏ cái tôi định kiến
trong khi dịch hầu mong chuyển tải tâm tư của nguyên bản. Tôi ý thức
rõ trách nhiệm này. Tôi thích thơ Hölderlin, bởi vì trong thơ ông tính
chất tư duy triết học, thao thức của ông và thời đại ông đã biến thành
thơ, đã hoá thần. Một so sánh nhỏ tuy không cân đối: tỷ như Trịnh Công
Sơn của chúng ta hát triết lý của thập niên 1960 không chút gượng ép,
anh trở thành ve sầu của thế hệ chúng tôi.
Viết khá nhiều cho tạp chí Văn hoá Phật giáo, đó có
phải là cách để chị đưa triết học, nhất là triết học Phật giáo đến với
thập loại chúng sinh? Viết cho người đọc bình dân, chị có gặp khó khăn
nhiều không?
Tôi mong muốn lý giải đạo Phật trong một tinh thần so
sánh mới, chứ không sáo mòn theo cách giảng giáo lý truyền thống. Nếu
nói bình dân hoá, thì những khảo luận của tôi chưa đạt và cũng không
mong muốn đạt tiêu chuẩn ấy, tôi mong văn hoá đọc của người Việt hôm nay
tìm cái khó hơn là cái dễ.
Làm thế nào để chị có thể bắt kịp hơi thở nóng hổi
của cuộc sống hôm nay, nhất là những chuyện thời sự của quê nhà, để lý
giải nó với một ngôn ngữ bình dị?
Hơi nóng của một lò… sát sinh có nóng hơn không? Lắm
lúc cảm giác bị thiêu cháy rất cụ thể, nhưng bất chợt trăng trên lá dừa,
hoa cau thơm im lặng trong nắng mai, có hiệu lực làm lành, đưa tôi có
thể trở về. Heidegger gọi sự xuống dốc của Âu châu trong thời hậu hiện
đại là “sự lãng quên thể tính” (Seinsvergessenheit). Quê nhà đang trên
đà bị Tây phương hoá một cách thực dụng, bắt chước rập khuôn ngay cả
phế thải văn minh Tây phương. Tôi gọi là sự đánh mất bản thể, lãng quên
nguồn gốc hai lần, nhất là trên phương diện đạo đức. Vì thế càng phải
gấp hơn sự chấn chỉnh giáo dục toàn diện.
Chị nghĩ sao khi sự trong sáng của tiếng Việt đang
bị cuộc sống thực dụng và văn chương thực dụng làm hoen ố, trong đó có
sự tiếp tay không nhỏ của những nhà… dịch ẩu?
Theo tôi, sự trong sáng của tiếng Việt đang bị đe doạ
không phải do chuyện dịch sách ẩu, đó chỉ là chuyện nhỏ. Thảm hoạ lớn
hơn và hiện diện khắp nơi ngay trên đầu lưỡi của mỗi người, là dùng ngôn
ngữ để nguỵ trang, nói dối công khai. Cả người nói và người nghe đều
biết là dối, nhưng vẫn lặp lại, cho đến khi sự dối thành thật và cái
trung tín của ngôn ngữ biến mất. Khủng hoảng lớn nhất là chúng ta đánh
mất niềm tin vào sự trung tín, như là cơ sở của tương quan giữa người và
người trong giao tiếp, người này bỗng thành kẻ cắp của người kia và
ngược lại. Hình như trong mỗi giao tiếp chẳng ai tin ai được, làm sao
cha mẹ dạy bảo được con, trò vâng lời thầy? Mọi việc trở thành những thứ
bán chác. Di hại này quá lớn cho thế hệ trẻ.
Khi đồng tiền
ngự trị thì giá trị tinh thần của con người, tính cao quý của con người
chỉ là những con số. Thức giấc nửa khuya, tôi có nỗi sợ hãi của một
người đang nghe cơn địa chấn lung lay đất sống. |
Đọc những bài chị viết về tết, về Huế, về ngày Phật
đản xa xưa… thấy xúc động lạ thường. Dường như nỗi nhớ đã giúp chị
chiêm nghiệm ra nhiều điều quý giá?
Đúng là cái vốn xã hội trong quá khứ đã gắn kết tôi với
quê hương, những điều thật đẹp mà tôi đã trải qua và tôi muốn chia sẻ
những điều đẹp ấy cho những người quanh tôi hôm nay. Cuộc sống ấy đơn
giản, khiêm nhường nhưng đã có những giá trị thật cao, hơn gấp trăm ngàn
lần đời sống xa hoa, phù phiếm đầy giả tạo. Những giá trị ấy nuôi
dưỡng tâm hồn con người. Tôi đã mang theo những giá trị ấy trên đường
đi đến xứ người, và một phần của nó đã giúp tôi sánh vai được với bạn
bè năm châu. Trong nhiều cuộc nói chuyện với con về những khủng hoảng,
những thất bại mà chính tôi gặp phải, tôi thường bảo con, không thể
quay lưng với con người. Giá trị đời sống nằm ngay ở chỗ vẫn tin vào
tính thiện của con người, vì “giết người đi thì ta ở với ai?”
Những bài viết của chị luôn kèm theo những bức ảnh
rất thơ mà chính chị là tác giả, thú vui nào đã giúp chị giữ được sự
xanh tươi trong cách nghĩ, cách sống?
Thẩm mỹ, yêu cái đẹp, nghệ thuật là điều không thể
thiếu trong cuộc sống. Nietzsche cho rằng chỉ có hiện sinh thẩm mỹ là
thứ tồn tại được truy nhận. Ông còn đi xa hơn khi cho rằng giáo dục con
người trước hết nên là giáo dục thẩm mỹ, chính cái đẹp làm nên cuộc
sống có ý nghĩa, chứ không phải khoa học. Tôi ủng hộ phần nào quan điểm
của ông, nếu không có nghệ thuật, hiện sinh trở nên khập khiễng, nghệ
thuật có thể làm hoà mâu thuẫn giữa chủ thể và đối tượng, sáng tạo hoà
điệu đã bị phá vỡ giữa con người và thế giới chung quanh. Cho nên thơ
như ngôn ngữ hoà nhập và cái nhìn qua nhiếp ảnh đều tạo tác chung, cái
này không bù trừ cho cái kia mà làm nổi bật lẫn nhau. Thiền sư đạt đạo
là một nghệ sĩ đầy cảm xúc về cuộc sống, cho nên đến với đạo Phật bằng
tâm hồn nghệ sĩ cũng nằm trong ý hướng mà Nietzsche đã nhận định.
Nấu một món ăn thật ngon cho bạn bè, ôm được con sau
nhiều ngày xa cách, mặc một chiếc áo đẹp với gout tinh tế, ăn được một
trái giáng châu từ vườn Huế, ngắm được một đoá hoa hải đường mới nở
trong vườn hay thảo luận với người thức giả, đều là những thú vui, và
đôi khi chọn cô đơn, “tôi chọn ngồi thật yên” như lời nhạc Trịnh Công
Sơn.
Chị có sợ không khi mỗi ngày đọc báo, lại thấy cuộc
sống đầy những tiêu cực, khủng hoảng, nhất là khủng hoảng tinh thần
đang lan tràn như một bệnh dịch?
Giá trị đạo đức đang bị huỷ hoại đến phải rên xiết. Dạo
sau này khi trở về Việt Nam tôi ngủ không yên, tâm trạng bất an đến từ
những khủng hoảng chung quanh hàng ngày đọc, nghe, thấy, va chạm. Tình
trạng phân hoá xã hội gắt gao một cách phi lý, o bán cháo ngồi trước
nhà chỉ mong mỗi ngày lời được mấy chục ngàn đồng để nuôi cả gia đình, o
bán bánh ngày nào cũng rao trước cửa hy vọng chủ nhà mua vài ngàn
bánh, lại nghe thấy đọc thấy các đại gia giàu hàng ngàn tỉ, đi xe
khủng, đám cưới khủng. Bất an trên đường phố, bất an khi thấy mỗi người
đều vay nợ để sống... và đồng tiền làm bá chủ trong cuộc sống vay mượn
này. Khi đồng tiền ngự trị thì giá trị tinh thần của con người, tính
cao quý của con người chỉ là những con số. Thức giấc nửa khuya, tôi có
nỗi sợ hãi của một người đang nghe cơn địa chấn lung lay đất sống.
Cách để chị tìm thấy sự tĩnh lặng và suy tư giữa bộn bề bất trắc?
Nếu không tập luyện được duy trì hơi thở ngay trong hỗn
loạn thì có lẽ tôi sẽ bị suy sụp tinh thần. Trong lúc quán hơi thở,
tôi tự nhủ mình không bỏ cuộc, và muốn cùng với những người đồng cảm
bắt đầu một cuộc hành trình văn hoá khác, khiêm tốn nhưng đầy tình
người.
Làm thế nào để sống một cách bình thường như câu chúc mà chị thường dành cho bạn bè mỗi lúc chia tay?
Trước sau thì vẫn: “Chữ tình là chữ khởi đầu…”
thực hiện: Kim Yến
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường