Tiếp tục loạt bài Phật sự hôm nay, hướng đến Hội thảo Hướng
dẫn Phật tử năm 2011, với chủ đề “Phật hóa gia đình và đạo đức xã hội”,
sau đây, chúng tôi có cuộc trao đổi ý kiến với Thượng tọa Thích Chơn
Không, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, về
những vấn đề xung quanh chương trình Phật hóa gia đình do Thượng tọa
soạn thảo và đệ trình.
Cư sĩ Minh Thạnh (CSMT): Bạch Thượng tọa, chương trình Phật hóa
gia đình hướng đến mục tiêu 100% thành viên trong gia đình quy y Tam
bảo, 100% thọ ngũ giới đối với trẻ em từ 10 tuổi trở lên… Như vậy, nếu
trong hôn nhân, gia đình có thành viên chuyển sang tôn giáo của phía hôn
phối, hoặc trong gia đình có con dâu hay con rể là người vẫn giữ tôn
giáo khác, thì gia đình đã được đạt chuẩn Phật hóa gia đình có còn giữ
được chuẩn?
Thượng tọa Thích Chơn Không (TTTCK): Tiêu chuẩn Phật
hóa gia đình đã rất rõ ràng, vậy nếu có những thay đổi như đạo hữu vừa
nêu ra, thì chắc chắn không thể coi là đạt chuẩn nữa.
CSMT: Bạch Thượng tọa, như thế, thì ngoài mục tiêu hướng tới Phật
hóa gia đình đạt chuẩn 100% quy y, thọ giới, Phật giáo chúng ta còn
phải luôn coi trọng mục tiêu giữ vững kết quả đã đạt được đối với từng
gia đình cụ thể. Vậy, suy ra, một trong những mục tiêu lớn của hoạt động
Phật hóa gia đình là giữ gìn Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân
tộc?
TTTCK: Đương nhiên phải là như vậy. Cuộc sống luôn
luôn là sự vận động không ngừng. Do đó, Phật sự phải luôn có sự thích
ứng với cuộc sống. Không phải cấp xong giấy chứng nhận Phật hóa gia đình
là thầy trụ trì có thể yên tâm rằng gia đình đó chắc chắn sẽ giữ vững
mãi mãi kết quả đã đạt được.
Thầy trụ trì, người giữ vai trò nòng cốt trong chương trình Phật hóa
gia đình, phải luôn luôn bên cạnh các gia đình đã được Phật hóa, kịp
thời quan tâm hỗ trợ khi có vấn đề đối với thành quả Phật hóa gia đình.
Các bậc phụ huynh trưởng thượng trong gia đình có trách nhiệm phải
theo sát con cháu mình, và khi phát hiện thấy vấn đề ảnh hưởng đến việc
Phật hóa gia đình mình, thì phải thông báo với thầy trụ trì, hoặc vị bổn
sư, để kịp thời có biện pháp giải quyết, nhằm giữ gìn kết quả Phật hóa
gia đình 100%.
Nếu toàn bộ gia đình đã Phật hóa, nhưng vì lý do nào đó, một thành
viên trong gia đình chuyển sang tôn giáo khác, hoặc chỉ có một hai thành
viên trong gia đình không quy y, thọ giới, thì đó là điều hết sức đáng
tiếc.
CSMT: Bạch Thượng tọa, chương trình Phật hóa gia đình đã được
triển khai thử nghiệm ở chùa Thiên Tôn, quận 5, TPHCM trong thời gian
qua. Vậy Thượng tọa có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình
thực hiện chương trình. Tiến đến chuẩn Phật hóa gia đình và giữ vững
chuẩn Phật hóa gia đình, thưa thượng tọa, quá trình nào là khó khăn hơn?
TTTCK: Kinh nghiệm thì có thể chia sẻ với đạo hữu
hàng tuần, hàng tháng không hết, vì mỗi gia đình là một trường hợp để
chúng ta cùng tinh tấn trong Phật sự, với đủ mọi hoàn cảnh, mọi diễn
biến phức tạp mà cuộc sống mang tới.
Tuy nhiên, theo đạo hữu, quá trình Phật hóa gia đình hay quá trình giữ vững kết quả Phật hóa gia đình là khó khăn hơn?
CSMT: Bạch Thượng tọa, con nghĩ là việc giữ vững kết quả Phật hóa
gia đình, tức là giữ gìn tuyệt đối tín tâm người Phật tử trong tôn giáo
truyền thống dân tộc, là khó khăn hơn, vì thời gian của quá trình này
là không hạn định. Rất có thể sau 10, 15 năm lại xảy ra “sự cố”, mà thầy
trụ trì và các bậc trưởng thượng trong gia đình phải cùng nhau phối
hợp, dồn hết tâm lực để giải quyết.
TTTCK: Đúng vậy đó đạo hữu. Ở nhiều gia đình, tiến đến đạt chuẩn Phật hóa gia đình là điều không khó.
Khi con cái còn nhỏ, cha mẹ theo đạo Phật thì con cái cũng sẽ theo
đạo Phật. Gia đình đạt ngay chuẩn Phật hóa gia đình. Thêm em bé nào ra
đời là thầy tổ chức quy y ngay cho bé ấy.
Ngày cháu bé thôi nôi trong các gia đình đã đạt chuẩn Phật hóa gia đình cũng là ngày cháu bé trở thành người Phật tử.
Nhưng khi các em, các cháu trưởng thành, thì vấn đề giữ vững tín tâm
trở nên phức tạp hơn. Có tôn giáo đòi hỏi người phối ngẫu với tín đồ
phải cải đạo sang tôn giáo của họ. Đây là sự khởi đầu của một tiến trình
thuyết phục khó khăn, lâu dài, bền bỉ, đòi hỏi cả thầy trụ trì lẫn các
bậc trưởng thượng trong gia đình quyết tâm, kiên nhẫn, khéo léo.
Tất nhiên, mục tiêu hàng đầu vẫn là giữ vững tín tâm của con em, đệ
tử mình, giữ vững kết quả Phật hóa gia đình, tức là sao cho chẳng những
các em, các cháu mình không bỏ đạo Phật, mà phải thuyết phục được người
hôn phối quy y, thọ giới, trở thành Phật tử, hơn nữa, là Phật tử thuần
thành, siêng năng đi chùa lễ Phật, tạo tác thiện nghiệp…
Nếu cô dâu hoặc chú rể không trở thành Phật tử, thì coi như nhà chùa
và gia đình đã thất bại trong hoạt động giữ gìn kết quả Phật hóa gia
đình.
CSMT: Bạch thượng tọa, quá trình triển khai thử nghiệm chương trình Phật hóa gia đình ở chùa Thiên Tôn đạt kết quả ra sao?
TTTCK: Tất nhiên, việc không giữ được thành quả Phật hóa gia đình cũng có.
Tuy nhiên, ở đây, phải thấy 2 hoạt động diễn ra song song:
- Thất bại khi em cháu trong gia đình mình, đệ tử chùa mình phải
cải sang đạo khác hoặc là con dâu con rể vẫn không quy y, thọ giới.
- Được coi là thành công khi thuyết phục được con dâu, con rể từ
đạo khác quy y thọ giới, trở thành Phật tử. Như vậy, là chẳng những
thành quả Phật hóa gia đình được giữ vững, mà nhà chùa và gia đình còn
hóa độ được thêm Phật tử.
Ở chùa Thiên Tôn, số trường hợp thành công theo như so sánh kể trên
nhiều hơn. Nhiều gia đình tất cả con dâu, con rể đều trở thành Phật tử,
và thế hệ cháu nội, cháu ngoại cũng vậy. Ngày rằm, mùng một cả đại gia
đình thuê xe 12 chỗ đến chở tất cả mọi người ông bà cha mẹ con cháu cùng
đi chùa rất đông vui.
CSMT: Luôn luôn phải chịu áp lực giữ vững kết quả Phật hóa gia
đình, chắc chắn người trụ trì, nếu triển khai chương trình Phật hóa gia
đình, phải luôn luôn căng thẳng với những trường hợp như thế?
TTTCK: Đã chọn con đường phục vụ chúng sinh thì mình
phải hy sinh thôi. Kinh nghiệm là khi biết các cháu trong gia đình đã
lớn, thầy trụ trì phải nhắc nhở các bậc phụ huynh về việc theo sát các
cháu trong quan hệ tình cảm suốt quá trình đi đến hôn nhân.
Phật giáo không yêu cầu người Phật tử chỉ lập gia đình với người cùng
tôn giáo, nhưng người Phật tử giữ vai trò trưởng thượng và nhà chùa
cũng cần xem những trường hợp phải giữ vững kết quả Phật hóa gia đình là
những trường hợp tu trì hạnh hóa độ chúng sinh.
Phật giáo không ép buộc theo đạo, cũng như không ép buộc giữ đạo,
nhưng Phật giáo cũng yêu cầu người Phật tử trưởng thượng, thầy bổn sư,
thầy trụ trì phải thân giáo, khẩu giáo, ý giáo với con em, đệ tử mình,
hướng chúng giữ vững tín tâm, khi lập gia đình thì đưa cả gia đình quy
ngưỡng Phật pháp, luôn luôn tinh tấn tiến thêm một bước trong việc Phật
hóa gia đình.
Khi có trường hợp phía Phật tử báo với thầy trụ trì là trong gia đình
nảy sinh vấn đề có thể ảnh hưởng đến kết quả Phật hóa gia đình, thì
thầy trụ trì phải quan tâm đến việc gia tăng giáo hóa đối với gia đình
đó, dành sự chú ý đặc biệt, xem gia đình như thế là những gia đình
trọng điểm trong chương trình Phật hóa gia đình.
Thầy trụ trì phải đặt mình ở vị trí là người hướng dẫn tinh thần, là
bậc trưởng thượng về phía tín ngưỡng tâm linh đối với mọi người trong
gia đình, đặc biệt là đối với các em cháu đến tuổi trưởng thành. Trách
nhiệm của người thầy trụ trì đối với các em, các cháu trong tương lai
sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cũng nặng nề như trách nhiệm cha mẹ các
em, các cháu đối với sự trưởng thành của các em, các cháu.
Người thầy, trong Phật sự hướng dẫn Phật tử, phải luôn luôn bồi đắp
cho các em các cháu lòng yêu đạo Phật, niềm tự hào của đạo Phật, để em
mình, cháu mình gắn bó ngày càng mật thiết với đạo Phật. Đó là cơ sở để
giữ gìn kết quả Phật hóa gia đình, giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo
truyền thống của dân tộc.
CSMT: Xin chân thành cảm ơn Thượng tọa về cuộc trao đổi ý kiến
hôm nay. Kính mong Thượng tọa tiếp tục dành những buổi chia sẻ kinh
nghiệm quý báu trong Phật sự Phật hóa gia đình. Câu cuối cùng xin được
hỏi là thượng tọa có nhận xét và góp ý gì đối với trang tin
Phattuvietnam.net?
TTTCK:Thầy là một bạn đọc thường xuyên của
Phattuvietnam.net. Thầy nhận thấy trang tin đã có nhiều đóng góp quan
trọng trong Phật sự, đặc biệt trong hoạt động hướng dẫn Phật tử. Nhiều
tin, bài ý kiến phản hồi của Phật tử đăng trên trang tin đã giúp cho các
thầy hiểu hơn về các Phật tử, giúp định hướng tốt hơn trong việc hoạch
định Phật sự hướng dẫn Phật tử.
Thầy mong trang tin sẽ chú ý nhiều hơn nữa đến việc cung cấp những
cách nhìn toàn diện đối với Phật sự, như đã làm rất có kết quả trong
thời gian qua.
Riêng thầy và thầy nghĩ quý tôn đức hòa thượng, thượng tọa, tăng ni
Phật tử đều muốn nghe nhiều, đọc nhiều những ý kiến phản biện.
Chỉ có những luận điểm, ý kiến tán thán, ghi nhận thành tích thì chỉ
làm vui lòng người đọc, nhưng không giúp ích nhiều cho Phật sự, không
góp phần tích cực trong việc giải quyết vấn đề luôn luôn nảy sinh. Thầy
nghĩ rằng trang tin Phattuvietnam.net có khả năng, có thuận lợi thực
hiện tốt hơn nữa việc truyền thông phản biện.
CSMT: Xin cảm ơn về những lời góp ý, chỉ bảo của thượng tọa.