Trong
tuần qua, các trang mạng xã hội, báo điện tử tràn ngập thông tin và
hình ảnh phản cảm xung quanh vụ việc người dân tố cáo nhà sư
Thích Minh Phượng,
trụ trì chùa Chân Long (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) “tự ý
thay đổi tượng cổ bằng tượng mình”. Điều đáng nói ở đây nếu quý thầy làm
sai thì đã có các cấp Giáo hội và chính quyền xử lý, còn người dân làm
những hành động như vậy là không nên vì nó mang tính chất cộng đồng, xúc
phạm và bôi nhọ tôn giáo.
Trích
dẫn phần trả lời phỏng vấn của anh Hưng, người đã trực tiếp đúc nên bức
tượng Phật có khuôn mặt giống thầy trụ trì Thích Minh Phượng, được đăng
tải trên báo Đời sống và Hôn nhân số 25 ngày 14/11/2013:
“Sư thầy không yêu cầu đúc tượng chính mình”. |
Đạo đức xã hội như thế nào, khi có những hiệu ứng đám đông và cách hành xử như vậy? |
Cũng theo TT.Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Hà Nội, Phó Chánh Văn Phòng I TW GHPGVN: “Không
có chuyện tự ai đúc tượng để thờ chính bản thân mình và thờ ngay từ khi
còn sống, nhất là một vị sư trụ trì một ngôi chùa lại càng không thể có
chuyện tạc tượng bản thân mình để thay cho tượng Phật.
Thực
tế có một số trường hợp tạc tượng Phật, tượng Tổ lại có nét gì đó hao
hao giống người đứng lên chủ xướng làm, đây là điều li kì. Nhiều người
làm nghề tạc tượng dù cố gắng vẽ truyền thần theo mẫu đã cho sẵn nhưng
tác phẩm thường không được như ý. Khi hoàn thành, bức tượng của họ lại
có hơi hướng giống với hình ảnh người trực tiếp chỉ dẫn hoặc có nét gần
với chính người thợ tạc tượng. Tạc tượng là một nghệ thuật và truyền vào
pho tượng tâm hồn tình cảm của mình cho nên nhiều khi rất ảnh hưởng nét
thực của người đứng ra thực hiện. Và bức tượng được tạc nên lần này là
tượng đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tuy nhiên bức tượng này được sơn
lông mày quá đậm, tô son môi lại quá đỏ và khi làm người thợ đã thể hiện
khuôn mặt của pho tượng gần với hình thái tượng Tổ, tức là gần với
người thật khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh sư trụ trì dẫn đến
những hiểu nhầm.”
Phản
ứng trước những việc làm sai nếu có của sư Thích Minh Phượng bằng những
việc làm trái thuần phong mỹ tục và nền tảng đạo đức dân tộc, hay nói
cách khác sử dụng cách làm sai để lên án một việc sai có đáng hay không?
Hơn nữa đây là câu chuyện tâm linh và tôn giáo.
Chúng
ta thật đau lòng nếu trong Phật giáo có những con sâu làm rầu nồi canh,
nhưng cũng không kém phiền lòng khi nhìn vào cảnh hiệu ứng đám đông cư
xử như vậy với một pho tượng. Có người đã có những hành động làm ô uế sự
tôn nghiêm khi đấm, đá, tát vào mặt tượng; đội nón, đeo kính râm bêu
rếu … thậm chí là gác chân lên Tượng.
Thiết
nghĩ đến một bức ảnh bình thường cũng không bao giờ bị người dân đối xử
như vậy nữa đây lại là tượng ở chùa, tượng của một nền văn hóa tâm
linh. Người dân bức xúc trong hiệu ứng đám đông đã đành, nó thể hiện
thực trạng đáng báo động của đạo đức xã hội, các cơ quan truyền thông
đưa tin theo kiểu giật gân, xoi mói có khác nào chà đạp vào tôn giáo,
làm tổn thương niềm tin và lòng thành kính của người khác?
Tiếp
theo là trên các trang mạng xã hội tràn ngập các đoạn clip quay lại sự
việc người dân đem kéo lê tượng Phật và những câu chuyện xung quanh vụ
việc. Việc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác đã là một việc
không nên làm, thêm nữa ở đây những hình ảnh được quay lại có chủ ý và
tạo thành một loạt phóng sự.
Vẫn
biết một cơn gió thoảng chẳng thể làm lay động cành cây nhưng vẫn hy
vọng tiếng lòng của một người con chân chính sẽ trở nên tiếng chuông
thức tỉnh cho nền văn hóa đạo đức đang xuống cấp như hiện nay.
Hạnh Liên
http://tongiaovadantoc.com/c1037/20131116165016140/tu-chuyen-nguoi-dan-dem-keo-le-tuong-nghi-ve-van-hoa-dao-duc-xa-hoi.htm