Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Dùng tu sĩ Phật giáo làm mồi câu view bất chính (Bài 3: Nhà sư và pho tượng)
Minh Thạnh
19/11/2013 07:21 (GMT+7)



Nhưng là tượng sư hay chỉ là giống, thì vẫn là cảm tính, vẫn là một ca lấy người tu sĩ làm mồi câu view, về mặt bản chất là giống như những trường hợp khác.

Lần này còn tệ hại hơn, sự xúc phạm Phật giáo lên đến mức chưa từng có, khi pho tượng, được nói là Phật hoàng, được kéo ra bêu rếu giữa chợ, chụp ảnh lăng mạ dưới nhiều hình thức đội nón, đội lá, hút thuốc, mang mắt kiếng, xô đẩy…

Ở đây cần phân biệt 2 giai đoạn. Giai đoạn xảy ra sự việc và giai đoạn truyền thông về sự kiện. Giai đoạn truyền thông về sự kiện thuộc về trách nhiệm của người làm truyền thông.

Việc chụp ảnh tượng Phật hoàng đội nón, đội lá, mang mắt kiếng… nhằm xúc phạm tượng Phật phải được xem xét:

-         Hoặc là, chỉ giới hạn ở phản ứng quá khích của đám đông, tự phát do đám đông.

-         Hoặc là, chính phóng viên đạo diễn, dàn dựng chỉ huy hay gợi ý, cổ động thực hiện để có ảnh “báo chí” câu view.

Thiết tưởng, Ban Trị sự giáo hội Phật giáo địa phương cần tìm hiểu, làm cho ra lẽ việc này. Nếu điều đó có người đạo diễn, dàn dựng, giật dây thì cần có biện pháp xử lý. Nếu xúc phạm tôn giáo như thế mà không bị xử lý, họ sẽ lấn tới, làm đến cái gì nữa, chứ không chỉ đem tượng Phật ra làm trò bôi bác, chế diễu để câu view.

Tiếp tục loạt bài “Thảm họa câu view” (kỳ 5), báo Tuổi Trẻ đã chỉ ra lý do bằng tên một bài báo mới: “Không ai phạt nên cứ câu” của Hoàng Điệp. Bài báo viết: “Để một trang thông tin tổng hợp được công nhận và cấp phép cần phải có đầy đủ tư cách pháp nhân và một hợp đồng thỏa thuận được dẫn nguồn lại từ một cơ quan báo chí, nghĩa là chỉ được tổng hợp tin bài chứ không được sản xuất tin bài.

Dù pháp luật quy định như vậy nhưng có trang thông tin tổng hợp vẫn hoạt động như một tờ báo điện tử.

Biết vi phạm nhưng vẫn làm

“Cơ quan chủ quản là công ty nhưng chúng tôi có trưởng ban biên tập, có biên tập viên, có các phóng viên phụ trách chuyên mục riêng” - một người có trách nhiệm tổ chức tin bài cho trang tin tổng hợp khoe. Không được đào tạo về nghiệp vụ, không cần kiểm chứng thông tin nhưng các công ty sở hữu trang tin có đội ngũ “phóng viên” và “cộng tác viên” đông đảo. “Chỉ cần “xua” các em ấy ra đường và đặt chỉ tiêu lên vai là chúng tôi sẽ có sản phẩm” - người này nói.

Không có chức năng sản xuất tin bài nên có trang thông tin tổng hợp đã tìm cách “lách”. “Toàn bộ tin bài của các phóng viên, cộng tác viên của chúng tôi sẽ được đưa lên báo điện tử mà chúng tôi đã ký hợp đồng trước, sau đó đăng lại trên trang mạng của chúng tôi” - một người quản lý trang mạng với số lượt truy cập khá cao cho biết “mánh” của việc đưa tin bài trên trang mạng của mình như vậy. Nhưng có trang còn làm cách khác, tự sản xuất tin bài.

“Tin được sản xuất từ chính trang thông tin điện tử của chúng tôi nhưng vẫn dẫn nguồn từ tờ báo mà doanh nghiệp đã ký kết, vậy nên đôi khi cũng xảy ra những mâu thuẫn giữa cơ quan báo chí và trang tin. Chúng tôi có lợi thế là người nhiều, thông tin nhiều, nhanh nhưng không được phép xuất bản tin nên bị hạn chế nhiều mặt” - một người quản lý trang tin điện tử nói.

Người này cũng thừa nhận việc các “phóng viên” của mình đang vi phạm pháp luật, thậm chí cả trang mạng cũng đang vi phạm pháp luật nhưng không thể không sản xuất tin bài, không tuyển các sinh viên mới ra trường đang “máu” làm việc hừng hực, bởi nếu không có thông tin “hot” thì không thể câu kéo bạn đọc nhấp chuột vào trang của mình. Cũng có trường hợp cơ quan chức năng xử phạt nhưng chỉ vài triệu đồng và vẫn để trang đó hoạt động. Vài triệu đồng không là gì cả nên các trang cứ tiếp tục câu.”

Đối với nhà sư và pho tượng, nhiều trang mạng đánh cả loạt ảnh với những hành động châm chích, chế nhạo. Nếu có người chỉ huy, đạo diễn, dàn dựng để chụp ảnh, thì đã có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

Việc các trang mạng cố ý đưa một loạt ảnh như thế, dù là do người dân gây ra đi nữa cũng là vấn đề trách nhiệm. Bài trên báo Tuổi Trẻ viết:

“Gây nhiễu loạn xã hội

Luật sư Bùi Văn Kha (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định với các biện pháp chế tài hiện nay, hoàn toàn có thể xử lý được người viết, nơi phát tán thông tin.

Tuy nhiên, luật sư này nói: “Mặc dù vậy, tôi cho rằng mức xử phạt đã được quy định của luật pháp vẫn chưa đủ lớn và đủ tính chất răn đe cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm bởi mức độ hậu quả của những hành vi vi phạm này rất lớn có thể gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân hoặc tổ chức bị xâm hại. Vì vậy cần thiết phải sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 63/2007/NĐ-CP theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” hoặc hành vi “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác”” (người trích dẫn nhấn mạnh).

Còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, một trong những người tích cực tham gia cộng đồng mạng xã hội, khẳng định: “Mạng xã hội là mạng ảo nhưng những con người tham gia mạng xã hội là thật, bởi vậy mọi người cần có trách nhiệm với việc đưa thông tin, bởi những thông tin này có thể ảnh hưởng đến nhiều người khác”.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng khẳng định nếu chỉ mạng xã hội hay các trang thông tin điện tử đưa tin không thôi thì chưa đủ tạo thành hiệu ứng của xã hội hay tạo thành hiện tượng: “Rõ ràng có sự tiếp tay của các báo điện tử, theo tôi, cần xử lý ngay và thật sự nghiêm khắc đối với nhà báo ăn theo những thông tin từ mạng xã hội mà không kiểm chứng thông tin”.

Dẫn chứng về sự tiếp tay của chính các báo điện tử, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: “Việc khai thác thông tin từ Facebook để phát triển đề tài như thế nào là chuyên môn của phóng viên, nhưng cứ chăm chắm rình mò xem các người nổi tiếng viết gì lên mạng xã hội, thể hiện tâm trạng cảm xúc ra sao rồi suy luận viết bài đăng, hoặc không xác định rõ thông tin từ cá nhân sử dụng mạng xã hội nhưng cứ viết bài gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của người bị đưa thông tin sai lệch lên mạng. Pháp luật có rồi, cơ quan quản lý thông tin hoàn toàn có thể xử lý được việc đó”.

Ông Nguyên cũng nói thêm: “Tôi cho rằng ngoài việc kêu gọi cộng đồng mạng có ý thức thì các cơ quan khác như Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Công an cần vào cuộc xử lý nghiêm khắc. Các cơ quan nhà nước đã xử lý một vài cá nhân tung tin xuyên tạc trên các trang mạng cá nhân được thì không có lý gì không xử lý được các trang thông tin tổng hợp và các báo mạng khi những thông tin này đang gây nhiễu loạn xã hội và khiến bức tranh xã hội VN trở nên u ám, ảm đạm”.

Một điều cần nói thêm là không chỉ xã hội, những cá nhân, tổ chức bị các trang mạng tung tin bịa đặt bị ảnh hưởng, khiến bức tranh của xã hội ngày càng tối màu bởi những thứ “rác rưởi” được tung lên mạng mà chính bản thân các nhà báo cũng bị ảnh hưởng khi những trò lố này không ngừng được khai thác triệt để.

Khi đi viết bài về sự thật có chuột cống trong nồi hủ tiếu gõ hay không, người viết bài đã đến khu vực được nêu là nơi phát hiện sự việc. Một cặp vợ chồng đang bán hủ tiếu ven đường, trời nắng nóng, bếp lò nấu hủ tiếu cũng nóng, liên tục kéo chiếc khăn bông vắt trên vai lau mặt.

Khi chúng tôi vừa đến gần người bán hủ tiếu, người đàn ông chạy xe ôm đứng bên cạnh xua tay: “Ra chỗ khác đi, không phải là bọn nhà báo viết như thế thì là ai nữa, làm khổ người ta như vậy chưa đủ hay sao mà còn hỏi thêm nữa?”.

Không chỉ ông mà rất nhiều người dân khác luôn coi rằng những thứ rác rưởi, tào lao, vớ vẩn, thậm chí suy đồi đạo đức, đang được đăng trên mạng đều là do các nhà báo viết ra. Nhiều người không phân biệt được đâu là nhà báo thật, đâu là những người đang thực hiện những trò lố trên mạng. Và nghề báo, nhà báo bị ảnh hưởng tiêu cực rất nhiều thời gian qua có phần vì những việc như vậy.”

Như vậy là rất rõ về vấn đề trách nhiệm. Trách nhiệm còn ở phía bị hại. Phía bị hại phải phản ứng, nếu không, thì :

-         Đã  cho rằng điều đó không gây hại gì đáng kể.

-         Cũng có thể là chấp nhận việc câu view bất chính đó.

-         Gián tiếp khuyến khích hành vi tương tự tái diễn.

Đối với Phật giáo, câu view bất chính là tà ngữ. Nhưng nếu im lặng, không đòi hỏi sự trừng phạt, thì còn gì là chánh ngữ? Trách gì những kẻ có ác ý đối với Phật giáo coi tu sĩ tín đồ Phật giáo không hơn những người bán hủ tiếu gõ, thản nhiên để bịa chuyện chuột cống trong nồi hủ tiếu mà không sợ bị phản kháng gì!

Do yêu cầu nghề nghiệp, tôi cũng tiếp xúc khá nhiều với giới truyền thông, nên thấy rõ cái ý chủ quan, khinh miệt, xem thường giới Phật giáo này ở một bộ phận người làm truyền thông, kể cả những suy nghĩ phi lý nhất, kỳ cục nhất, bệnh hoạn nhất. Xin kể lại ở đây câu chuyện một phóng viên trẻ chở tôi đi họp, lúc về thì ghé ăn mì vịt. Ngồi bàn đối diện có 2 ông sư quấn y vàng cũng ăn mì vịt. Anh phóng viên trẻ móc điện thoại chuẩn bị chụp hình, chỉ chờ nhà sư cắn xé đùi vịt. Tôi ngăn lại, nói họ là sư giả, vì rất bầy hầy, bẩn thiểu, vạm vỡ, lông lá…, và có thể họ đánh mình.

Thật bất ngờ, anh phóng viên nói đại ý là không sợ, vì đi tu thì như là đã “thiến”, không đánh ai được. Tôi vừa bối rối, vừa lúng túng giải thích rằng họ có phải tu đâu mà không dám đánh. Anh phóng viên nghe cũng sợ, nên thôi, chứ không thì đã có tin ảnh “nhà sư ăn mì… vịt tiềm”.

Thực ra, trong câu view bất chính, bây giờ các nhà báo ác ý với đạo Phật không phân biệt đâu là sư thật, đâu là sư giả, và họ cũng không muốn phân biệt điều đó. Có sư lắp vào mồi câu view là được rồi. Đó là chưa kể việc họ dù biết rõ là sư giả, thì vẫn căn cứ vào chiếc áo coi là sư thật, để tác động câu view mạnh hơn. Sư giả ăn mì vịt tiềm đâu có thể thành tin, sư “thật” thì mới thành tin câu view, rồi thì ăn gà vịt cũng thường, phải ăn tới chó, mèo, khỉ, ngựa, gấu… thì mới giựt gân.

Vì vậy, xin nhắc lại điều không bao giờ thừa. Là toàn thể những người mặc áo biểu hiện là người nhà Phật, từ nhà sư cho đến tín đồ (mặc áo nhật bình, vạt hò…) đều đang là mồi của những kẻ câu view bất chính. Và không phải khi làm điều gì xấu mới trở thành mồi của họ, mà bây giờ là “thời của thông tin bị bóp méo”. Những người câu view có thể xuyên tạc, thêm thắt, phóng đại, cường điệu sự việc bằng đủ mọi cách:

-         Mục tiêu thứ nhất là phóng viên được thưởng có thể chỉ vài trăm ngàn, trang mạng tăng số người truy cập, thêm hợp đồng quảng cáo.

-         Mục tiêu thứ hai là những kẻ có ác ý với Phật giáo khoái chí hả hê, vui thích, thỏa mãn vì Phật giáo bị làm nhục, bị bôi xấu.

-         Mục tiêu thứ ba là cải đạo, là nói rằng Phật giáo đang hủ hóa, người tu Phật đạo đức giả không đáng tin theo, nên từ bỏ.

Mong rằng các nhà lãnh đạo Phật giáo đừng thụ động mà hãy phản ứng một cách thích hợp, đừng để cho những kẻ câu view bất chính có tâm lý coi người tu sĩ Phật giáo như là những người bán hủ tiếu gõ, muốn làm gì, nói gì cũng được.

Để kết thúc, chúng tôi xin dẫn lại ở đây một box đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 6/11/2013: “Thời của thông tin bị bóp méo

Diệp Lam Thu, thư ký của một tập đoàn lớn ở Trung Quốc, đúng vào ngày phát hiện mình mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối lại bất đắc dĩ trở thành “người nổi tiếng”. Trong lúc suy sụp, Diệp Lam Thu không nhường ghế cho người lớn tuổi trong chuyến xe buýt, lại còn buông lời khó chịu, cô bị một thực tập sinh đài truyền hình quay clip và sau đó đoạn clip được xuất hiện trong bản tin của đài truyền hình. Bản tin khiến cô trở thành tội đồ với bao tội danh: sự xuống cấp văn hóa của giới trẻ, vô cảm... Các giáo sư đăng đàn bình luận về cô. Giáo viên cũ của cô phát biểu cảm thấy xấu hổ về học trò dù trước đó họ từng tự hào... Hàng ngàn lượt bình luận xấu về cô trên diễn đàn.

Dẫu ngay sau ngày hôm ấy, Diệp Lam Thu được chính cô thực tập sinh quay một đoạn clip khác để gửi lời xin lỗi, cũng như giải thích đó chỉ là hành động bộc phát trong lúc nóng giận, song đoạn clip đó không lên sóng. Thay vào đó, dòng thời sự chủ lưu về sự kiện không nhường chỗ tiếp tục được những phóng viên nuôi dưỡng theo một góc nhìn khác. Họ cần hàng trăm ngàn lượt khán giả theo dõi, hàng ngàn lượt phản hồi.

Một tuần sau khi bản tin phát sóng, Lam Thu tự tử. Cô không hẳn tìm đến cái chết vì những bản án của truyền thông, của dư luận bởi cô đã mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Song nếu không có những bản án đó, có lẽ cô đã không vội vã tìm đến đoạn kết ấy.

Bộ phim Tìm kiếm (tựa tiếng Anh Caught in the web) của đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Trần Khải Ca miêu tả chân thật về một xã hội thời smartphone - với một điện thoại thông minh, người ta có thể quay hay chụp bất cứ gì và xuất bản nó; thời của Internet - người ta có thể giấu mặt để lên án bất cứ ai; thời của sự tương tác khi nhiều tờ báo, hãng tin mong muốn được bạn đọc kết nối, bấm like, phản hồi... dù hiện tượng họ phản ánh không phải là bản chất của vấn đề. Thời mà chúng ta mong muốn tiếp cận sự thật một cách nhanh chóng, đa chiều, song lại hoàn toàn có thể bị giới truyền thông bóp méo sự thật hoặc ngay chính người đưa tin cũng bị rơi vào cái bẫy muốn câu view của mình.

BÍCH DẬU”.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang