Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
KHI NGƯỜI TA LỚN
10/03/2018 15:57 (GMT+7)


Nói với tuổi “teen”


Teen, đó là lứa tuổi từ 10 – 19 theo quy định của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO). Trong suốt 9 – 10
năm trời đó, các em phải trải qua một giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống với nhiều bất trắc, nguy cơ, nhưng cũng đầy tiềm năng và triển vọng. Các em như con sâu nằm trong kén, phải vặn mình chuyển hóa để trở thành một cánh bướm đầy màu sắc nhởn nhơ bay lượn giữa bầu trời xanh.
Đó là lứa tuổi với nhiều thay đổi lớn lao và đột ngột, làm ngỡ ngàng không chỉ cho người lớn mà còn
cho chính các em. Thế giới bí mật của những thay đổi đột ngột về thể chất đó nếu không được hướng
dẫn thấu đáo, tường tận, sẽ gây hoang mang, sợ hãi không cần thiết, dễ dẫn đến những hành vi có hại
không ngờ. Nhưng những thay đổi trong cảm xúc, trong các mối quan hệ trong gia đình và xã hội mới
thật là phức tạp, đáng lo ngại. Tình trạng tự tử, bỏ nhà đi bụi, tâm thần ngày càng báo động ở lứa tuổi này trong nhịp sống thay đổi nhanh chóng nhiều khi vượt cả ra ngoài tầm kiểm soát. Điều cốt lõi lại chính là ở các em, chính bản thân các em, không phải ai khác.
Chỉ có ta mới cứu nổi ta thôi. Ta cần trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với cuộc sống. Trang bị
từ bên trong kia. Nội lực mà thâm hậu rồi thì không còn sợ tác động gì từ bên ngoài. Sự tự trui rèn này
không thể dựa vào nhà trường, dựa vào bè bạn, người ngoài được. Mỗi người tự trang bị cho mình, để có thể đứng trên đôi chân của mình. Gần đây nhiều bạn trẻ mới mười tám đôi mươi đã là những tấm gương sáng lập nghiệp, vào đời, tiến thân bằng con đường riêng của mình, thật đáng khâm phục. Bên cạnh đó cũng không ít những trường hợp gục ngã, đáng tiếc trong khi tưởng là có nhiều điều kiện tốt nhất để vươn lên. Vấn đề là ý chí, là nghị lực. Cái mà không ai có thể cung cấp, biếu tặng cho ta được.
Về sức khỏe, một hành vi hình thành từ lứa tuổi teen sẽ có tác động kéo dài suốt cả cuộc đời. Một teen
uống rượu sẽ nhanh chóng thành một người nghiện rượu, một teen hút thuốc sẽ nhanh chóng góp phần
gia tăng tỷ lệ tử vong vì ung thư phổi trong tương lai…
Một bác sĩ chuyên khoa tuổi teen sau nhiều năm chiêm nghiệm bảo: Chỉ có mỗi một liều thuốc để chữa, đó là thời gian! Phải, chỉ có thời gian, vì không bao lâu nữa, một teen hôm nào sẽ trở thành một người lớn, chững chạc vào đời và cái tuổi mộng mơ “một thời trẻ dại” kia đã lùi vào dĩ vãng, đã xóa dần trong ký ức, cho đến một hôm trong gia đình bỗng xuất hiện một làn sóng teen mới, một dòng thác lũ mới đang ào ạt kéo đến. Không có gì ngăn được sóng, chặn được thác, mà chỉ có cách khơi dòng để làm… thủy điện!
Một cậu bé thấy tội nghiệp một con sâu bướm đang oằn mình trong tổ kén đã xé toang cái kén giúp sâu mau chóng được giải thoát, nhưng lạ thay, con bướm non đã trở nên què quặt, lăn lộn mà không cất cánh bay lên được nữa. Bướm non cần trải nghiệm, trui rèn, cần bước qua những nỗi khó khăn kia để hoàn thành một tiến trình hóa bướm. Teen cũng vậy. Đó là lúc học thành người, học nên người.
Những bài viết nhỏ này dành cho em, và có thể cho cả các bậc phụ huynh, nhằm chia sẻ ít nhiều kinh nghiệm của một người thầy thuốc, một phụ huynh và cũng là một… teen cách đây hơn nửa thế kỷ… về rèn luyện trí đức, về học hành thi cử, về lối sống, về mối quan hệ cha mẹ và con cái…
Tuổi “hồng” là một tuổi đặc biệt, rất đặc biệt. Nó không còn “xanh” nữa, mà nó cũng chưa hẳn “đỏ”, nói khác đi, nó đang chuyển từ xanh sang đỏ, chuyển từ sống sít qua chín chắn. Cái giai đoạn đó tuyệt đẹp nhưng cũng rình rập rất nhiều nguy cơ. Đó là tuổi chuyển tiếp, có những thay đổi lớn và đột ngột. Tự dưng cao vọt lên, tự dưng bể tiếng, tự dưng xuất tinh đầy quần, tự dưng kinh nguyệt, tự dưng tim rung động, ngất ngây, đau khổ. Người ta lãng mạn, mộng mơ, lý tưởng, muốn chứng tỏ, đó là thời điểm dễ bị… dụ nhất vào những cuộc đua đòi, thuốc lá, ma túy, tốc độ. Sự kiểm soát bên ngoài bởi cha mẹ, thầy cô không còn nữa, vì “con đã lớn”, mà chuyển thành sự tự kiểm soát, kiểm soát bên trong, mà sự kiểm soát này chưa định hình, chưa kinh nghiệm. Người ta nhiều lúc muốn là người lớn để tự lập, tự quyết mà nhiều lúc lại cứ muốn là trẻ con để được nuông chiều. Đây là lúc mà cả “hai phe” đều cần sự hiểu nhau, phe cha mẹ và phe con cái. Cha mẹ lúc đó cũng… khổ lắm, loay hoay lắm, vì họ cũng bước vào một lứa tuổi khác, cũng nhiều xáo trộn tâm sinh lý khác, tuổi hườm hườm và cha mẹ con cái cứ thế mà… ngút nhau, hầm hầm nhau, cay đắng nhau, thương mà không thể tỏ bày như xưa nữa.
Đó là lúc tuổi “teen” rất cần một sự thấu cảm và giúp đỡ của người lớn, cần có sự tôn trọng, biết lắng nghe, biết giữ bí mật, chân thành chia sẻ của người lớn. Người lớn, không nhất thiết là cha mẹ. “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”! Cần có một ông chú, ông cậu, bà dì, bà cô. Cần có một thầy cô giáo. Ông cha cố cũng được. Ông sư cũng tốt. Một người đàn anh, đàn chị để có thể chia sẻ. Hoặc một bác sĩ. Một phòng tham vấn, tại sao không?

Sài Gòn, 2017
Bs. Đỗ Hồng Ngọc


http://www.dohongngoc.com/web/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang