Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Xin đừng bỏ rơi Phật tử "hồ đa" chúng con!!!
Nguyễn Thanh Tùng
26/02/2011 15:29 (GMT+7)


Sau khi đọc bài viết “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” của thầy Lệ Thọ, lòng con dâng trào bao nổi buồn khó tả.

Mặc dù con đã có  hơn 20 năm sinh hoạt trong GĐPTVN, đã thọ giới Thập Thiện, đã qua chương trình huấn luyện huynh trưởng sơ cấp Lộc Uyển, đang học hàm thụ bậc Trì; nói như một vài anh em áo lam ít nhiều con cũng đã có chút vốn liếng Phật pháp “lận lưng”, nhưng con luôn xem mình thuộc thành phần “hồ đa”.

Những  ngày qua con luôn trăn trở liệu những  cư sĩ “hồ đa” như con có được quý thầy chiếu cố tới chăn?

Con càng buồn hơn khi nghĩ đến số phận của hàng trăm phật tử quê nhà của con. Một miền quê nghèo chỉ toàn cát trằng, thiếu thốn vật chất, dân trí thấp, và nghèo cả Phật pháp sẽ ra sao?

Ở quê con gần như 100% Phật tử đều thuộc thành phần  “hồ đa”. Phật tử quê con thậm chí nếu hỏi Tam bảo là gì? Chắc chắn có nhiều người chưa biết. Nhưng con cuối đầu kính xin chư tôn đức đừng vội chê họ.

Con biết rõ mặc dù Phật tử quê con không am hiểu nhiều về Phật học, xong đức tin nơi Tam Bảo rất tràn đầy. Bằng chứng hơn 80% dân số địa phương là Phật tử hoặc người yêu đạo Phật.

Họ biết vâng lời chư tăng dạy phải siêng năng niệm Phật, sám hối và làm điều lành. Họ đã một lòng  thệ nguyện “Thà chết giữ đạo” dưới thời ông Diệm rồi thì xá gì mấy cái chuyện cải đạo tầm phào gần đây,  làm sao có thể lay chuyển được tín tâm của bổn đạo nơi đây?

Kính bạch quý thầy! Vì sao con cúi xin quý thầy chớ vội trách Phật tử “hồ đa” quê con? Đơn giản một điều rằng chùa chúng con đã thành lập đến nay tròn 50 năm (1961 – 2011) mà chưa có đến lấy một quý thầy hay quý sư cô đến trụ trì, hướng dẫn Phật tử tu học đúng chính pháp.

Ban Hộ Tự bao lần đệ trình đơn lên Ban Trị Sự xin thỉnh sư về “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”. Giáo Hội tỉnh cũng đã có quan tâm giới thiệu một vài nhân sự đến thăm chùa nhưng rồi cùng một mẫu số chung, bao thầy, sư cô được giới thiệu đến, nhìn chùa nhỏ, quê nghèo, lắc đầu rồi tạm biệt.

Quý sứ giả Như Lai nào cũng nói “Chắc chúng ta chưa đủ duyên”. Vậy duyên ở đây là gì? Có phải do Phật tử quá nghèo? Có phải do chùa quá nhỏ? Có phải do trình độ Phật tử quá thấp không thể lĩnh hội được pháp môn và lời giảng của quý sứ giả?

Hay là sứ giả của chúng ta chưa đủ nhiệt tâm gắn bó nơi vùng sâu vùng xa, nơi mà đức tin có thừa chỉ có điều đời sống vật chất chưa sung túc? Và việc Phật tử quê con đến giờ vẫn thuộc “hồ đa” lỗi là do Phật tử chúng con ngu dốt???

Kính bạch chư tôn đức! Cúi xin quý ngài cũng đừng hiểu lầm ý con rằng sứ giả của Như Lai còn suy tính, chọn lựa chùa to, Phật lớn. Con tuyệt nhiên một lòng không có ý đó. Mà con chỉ thắc mắc sau khi đọc bài của thầy Thanh Thắng đăng trên Phattuvietnam.Net, con tự nghĩ tại sao bên tôn giáo bạn tu sĩ họ nhiệt tình đến vậy? Sao họ sốt sắn tiếp cận mà không từ lao khổ đến thế? Động lực nào khiến họ quan tâm đến những người  còn “hồ đa” về chúa như vây?

Giá mà chư sứ giả của Như Lai có được một 1/3 lòng nhiệt thành như họ chắc các Phật tử “hồ đa” về Phật pháp vùng sâu như chúng con ơn nhuần mưa pháp, thấm đợm lời Phật dạy biết bao!

Nhưng ôi thôi, hiện nay với chúng con ước nguyện ấy vẫn còn “xa xỉ” lắm lắm vậy.

Hàng chủ nhật đi ngang nhà thờ, con thấy đông đảo con chiên hành lễ, có cả người hướng đẫn, giảng đạo,….rất là chuyên nghiệp. Ở quê con, để thỉnh một sứ giả Như Lai về thuyết giảng âu rất là nhiêu khê (con phải nói như vậy).

Phần vì giảng sư lực lượng quá mỏng, phần vì quý thầy, cô Phật sự đa đoan nên việc đưa ánh sang Phật pháp đến vùng sâu, vùng xa vẫn còn bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó lễ tiết thỉnh giảng sư cũng không phải đơn giản. Với trình độ Phật pháp của quần chúng phật tử quê con thiếu sót hay câu chữ bái thỉnh chưa chuẩn là việc chắc chắn có. Có vị giảng sư rộng lượng tha thứ và chỉ dạy thì còn đỡ, có vị nghiêm khắc phê bình, trách móc thẳng trên giảng tòa cũng đủ làm cho Ban Hộ Tự một phen khiếp vía.

Ấy cho nên mỗi lần có nhu cầu thỉnh giảng sử Ban Hộ Tự phải cân nhắc, lựa chọn lắm mới dám thỉnh chứ nhở kẻo thất lễ với quý giảng sư sợ tổn phước !!!

Một điều mà người viết luôn canh cánh ưu tư (chẳng dám so sánh) bên tôn giáo bạn,  tu sĩ họ tự tìm tới giảng đạo, truyền đạo cho tín đồ họ.  Trong khi đó tại quê con, cũng có vài vị tôn túc đủ để bố trí vào các chức vị trong các ban bệ, ấy vậy mà cả năm chẳng có vị nào buồn đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc tu học của Phật tử. Chư vị chỉ đến dự khi có sự cung thỉnh đầy đủ lễ tiết; còn không thì thôi, phật tử tại gia thì cứ tại gia tự túc mà tu.

Nhớ cách đây chừng 10 năm thầy cố vấn giáo hạnh chúng con rất quan tâm đến chùa nhỏ vùng sâu, vùng xa như chúng con. Hàng năm, thầy  năm bảy lần về thăm bổn đạo để sách tấn, khuyến khích, động viên và cả kiểm tra việc tu học của Phật tử.

Ngài rất từ bi, khi chúng con có gì sai ngài ân cần chỉ dạy, rồi động viên, khích lệ. Cá biệt một dạo nọ, có vài thành viên trong Ban Hộ Tự bất đồng quan điểm với nhau, thầy nghe được, thầy chủ động đến chùa giải  hòa mà không báo trước.

Thầy luôn chăm lo phát triển bổn đạo đến độ tới kỳ bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, Quốc Hội, thân chinh thầy về nhắc nhở tín đồ phải đi bầu cử đông đủ để làm trong nghĩa vụ công dân, vv và vv…bao kỉ niệm đẹp về một bậc ân sự khả kính.

Nhưng từ ngày thầy về với chư Phật chư tổ, chốn già lam lạnh lẽ, đơn côi, như con mất cha cù bất cù bơ. Âu cũng có lẽ do Phật tử nơi đây thiếu phước, vụng  tu hay do bây giờ xăng dầu lên giá nên chư sứ giả Như Lai quê con chưa tới được vùng sâu, vùng biên cương hải đảo!

Nói đến đây người viết muốn trào nước mắt! Thời ấy, thời bổn đạo được quan tâm đã qua rồi, đã “vang bóng một thời”. Nhiều khi con buồn cho duyên nghiệp mà con không dám kêu than.

Con chỉ biết nghĩ đến công hạnh và đức độ của cố ân sư mà ráng siêng năng tu niệm cho qua được cái túc duyên hẩm hiu này.

Nhìn thấy người ta sốt sắng truyền đạo mà ngẫm quê mình sao lắm đổi buồn đau! Phật tử tại gia cứ tại gia tu hoài biết liệu có tu đúng chính pháp chăng huống gì làm sao chúng con dám mong mỏi sẽ có một ngày đến được bờ giác?

Ngày hội thảo Hoằng Pháp toàn quốc đang tới gần, không biết Ban Tổ Chức có thảo luận về tình hình nhiều chùa vùng sâu, vùng xa trắng sư trụ trì, vắng bóng sứ giả Như Lai hướng dẫn?

Liệu sau hội thảo này những vùng quê nghèo như người viết có được mưa nhuần thấm nhủ lời vàng ngọc cửa Bậc trời người tôn kính?

Hay vẫn cứ còn phải chịu cảnh “hồ đa” cư sĩ tại gia tự tu, tự chứng?

Bao nổi xúc cảm buồn buâng quơ trước giờ khai mạc hội thảo chẳng biết chư tôn đức lãnh đạo có thấu đến tình cảnh của nhiều Phật tử thôn quê như chúng con chăng???

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/3/chanhung/13497.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang