Sự
phát triển của giáo dục không thể thiếu vai trò của người thầy. “Một
chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Nói về vai trò người thầy Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có
giáo dục”.
Thầy
giáo Chu Văn An thế kỉ 14 là biểu tượng của nhân cách làm thầy. Thế kỷ
20 có bậc thầy vĩ đại Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nền giáo dục cách
mạng. Cho đến ngày nay lớp lớp con cháu noi gương Người giữ gìn và phát
huy các giá trị truyền thống để nền giáo dục Việt Nam đậm đà bản sắc dân
tộc mà vẫn hội nhập quốc tế trong thời đại khoa học – công nghệ đang
phát triển như vũ bão.
|
Ảnh MH (Nguồn: Internet) |
Ở
mọi thời đại, người thầy luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của các
thế hệ tiếp nối. Người thầy chân chính thường đánh thức, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò với tấm lòng nhẫn lại, bền bỉ và
bằng cả cái tâm trong sáng của mình. Cách đây hơn 200 năm, người thầy
đầu tiên của đất Nam Bộ - Võ Trường Toản đã nói đến trách nhiệm và đóng góp của những người làm nghề giáo, đó là đạo lý “Lương sư, hưng quốc”, nghĩa là quốc gia có những người thầy giỏi và
có một nền giáo dục tốt, thì sẽ hưng thịnh. "Lương sư, hưng quốc" vừa
nhắc nhở trọng trách, vừa ngợi ca những người thầy vừa có tầm, vừa có
tâm và có đạo hạnh. Trong tinh thần đó, vinh danh công lao của nhà giáo chính là bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã dạy mình, đồng thời thể hiện niềm tôn quý đối với truyền thống giáo dục, truyền thống văn hoá dân tộc.
“Lương
sư” hiểu đơn giản là làm thầy phải là người vừa có nhân cách, phẩm chất
đạo đức tốt lại vừa có năng lực chuyên môn. Thật ra đây chỉ là một diễn
giải khác về “đạo làm thầy” đã được các bậc thức giả từ cổ chí kim ra
sức khái luận. Đạo lí nói thì dễ, luận bàn thì nhiều nhưng quan trọng là
hiểu như thế nào và thực hiện ra sao mới là điều đáng nói. Những lời đó
của người thầy vốn được mệnh danh là “Gia Định xử sĩ" ấy quả là một
nhận định tinh tường, sáng suốt ngay trong chính thời của ông và ngay cả
thời đại hôm nay. Trong quá trình phát triển đi lên của sự nghiệp giáo
dục không thể thiếu vai trò của người thầy nói chung và mỗi cá nhân nhà giáo nói riêng. Không chỉ vậy, đội ngũ nhà giáo còn có vai trò không thể phủ nhận đối với sự phát triển và tương lai của đất nước nói chung.
Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với
đội ngũ nhà giáo, để nêu rõ ví trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo
viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, để phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và
cô giáo; để các thế hệ học sinh tri ân người đã dạy dỗ mình, ngày
28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định lấy ngày
20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó, ngày 20/11 cũng là
ngày hội của giáo giới Việt Nam và cũng là ngày mà toàn xã hội dành cho các thầy giáo, cô giáo sự quan tâm sâu sắc.
Cả
nước ta hiện nay có khoảng 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Con số này
đã chứng tỏ sự nỗ lực trong xây dựng đội ngũ nhà giáo ở nước ta. Điều
này thể hiện sự quan tâm ủng hộ to lớn của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với giáo dục. Đội ngũ nhà giáo đông đảo hiện nay đang thực sự đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Những
năm gần đây, tiếc rằng vẫn còn có các thầy giáo, cô giáo có biểu hiện
tha hóa về đạo đức. Đặc biệt nguy hại khi điều này chẳng những tác động
tiêu cực đến ngành Giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhân dân,
làm xấu đi hình tượng của những người làm nghề dạy học.
Người
xưa cho rằng: “Làm người khó, mà làm thầy người ta cũng chẳng dễ”. Làm
người khó vì phải có thiên tư, có học vấn, có kiến thức, có khí tượng.
Còn muốn làm thầy người ta, thì ngoài những điều đó ra phải có tông chỉ,
có giáo nghĩa, có pháp tướng, có cái “tâm”. Nếu tông chỉ không vững vàng,
pháp tướng không thông suốt, giáo nghĩa không rõ ràng, tâm không trong
sáng thì cũng chưa thể làm thầy người ta được. Phải nắm chắc được tông
chỉ, phân tích được giáo nghĩa, giải minh được pháp tướng. Không phải dễ
dàng mà trở thành một nhà sư phạm khi chưa hội tụ những “tiêu chuẩn”
trong cái đạo làm thầy. Nhưng cái “đạo làm thầy” này được công nhận như
thế nào, thực hiện bằng phương cách gì? “Đạo làm thầy” đến từ trong bản
thân mỗi người thầy của chúng ta, chỉ có sự tự giác về bổn phận làm thầy
mới tạo nên những tấm gương sáng cho “sự nghiệp trồng người” đầy gian
lao, thử thách.
Người làm thầy phải am hiểu “đạo” của mình mới hoàn thành tốt trách nhiệm bản thân đối
với xã hội, đất nước. Suy cho cùng, “Lương sư” chính là hình tượng muôn
đời của một người thầy trọn nghĩa đã được “đúc, tạc” trong sử sách, điển
tích kim cổ. Trong quá trình phát triển đi lên của sự nghiệp giáo dục
của nước ta, nếu có nhiều lương sư chắc chắn sẽ đào tạo nên nhiều người
tài giúp ích cho nước nhà ngày càng phát triển, ngày càng giàu mạnh,
theo kịp bước tiến nền văn minh trí tuệ của nhân loại.