Đầu tuần, một bạn đọc Phật tử có thông tin cho tôi về bài báo “Sư trụ trì ở… biệt thự!”, đăng trên báo Người Lao Động online, thứ sáu 25/10/2013, và đề nghị tôi có ý kiến.
Bài báo chắc chắn làm giới Phật giáo quan tâm. Vì vậy, tôi thấy cần trình bày một số ý kiến riêng như sau:
1) Thực ra, bài báo “Sư trụ trì ở… biệt thự!” không kết luận dứt khoát một điều gì. Vì sư trụ trì vẫn có thể ở biệt thự, ở nhờ trong khi chùa đang xây dựng, trở thành một “công trình đang thi công”. Chuyện ở nhờ nhà bên cạnh, là nhà họ hàng, anh em trong thời gian thi công xây dựng nhà, là việc phổ biến.
Cách viết của bài báo là cách viết lập lờ, gieo vào lòng người đọc hoang mang, nhưng người viết né tránh trách nhiệm. Bài báo chỉ ghi lại điều “bàn tán xôn xao”, tức người viết biết đó là tin đồn, kể lại buổi nói chuyện, ghi nhận một số điều có thấy, dẫn lại tin đồn… Vậy thôi. Hòan toàn không có một kết luận gì rõ ràng, dứt khoát, chắc chắn, mà chỉ có đoạn cuối dẫn lại các tin đồn “Họ cho rằng…”.
Chỉ có điều là sự ngờ vực, suy diễn ngộ nhận là ắt có nơi bạn đọc. Cần thấy rõ điểm này. Bài viết có một sự tính toán và không hề kết luận, đó là một dụng ý có thể đặt vấn đề. Tất nhiên, với kiểu bài như vậy, bạn đọc không nên tự suy diễn theo định hướng người viết toan tính, vì như vậy là bị đánh bẫy.
2) Một sự suy diễn nào đó tiêu cực ở bạn đọc là điều không có lợi cho Phật giáo nói chung, không riêng gì chỉ bất lợi cho thầy trụ trì. Với người theo đạo Phật, sự suy diễn theo hướng tiêu cực sẽ làm mất tín tâm của người Phật tử đối với người tu sĩ Phật giáo. Người Phật tử nói riêng và giới Phật giáo nên thận trọng với điều này. Tác hại của việc toan tính tạo suy diễn như vậy có thể lan rộng ra ở tất cả những trường hợp tương tự, chứ không riêng gì đối với thầy trụ trì chùa Bồ đề cổ tự.
Vì vậy, rõ ràng nên coi đây là vấn đề đối với Phật giáo.
Nó cũng như những việc từng diễn ra như tung ảnh chụp nhà sư ngồi trên ghế của máy bay riêng rồi ghi chú lập lờ là nhà sư dùng máy bay riêng. Ngồi trên máy bay riêng, có thể được cho đi nhờ 1 lần, đến sở hữu máy bay riêng, là khoảng cách rất xa, cũng là 2 chuyện rất khác nhau. Người ta có thể tạo sự suy diễn tiêu cực bằng chữ “dùng”, như ở đây là chữ “ở”.
Cuối cùng, nếu chỉ là mục tiêu đánh vào sự tin tưởng của người Phật tử đối với hàng tu sĩ, gieo thất vọng, bối rối cho Phật tử và tăng ni, gây trở ngại cho việc tiếp nhận tịnh tài cúng dường xây dựng chùa Bồ đề cổ tự. Như thế, phải đặt vấn đề đối với động cơ viết bài.
3) Kính đề nghị cơ quan chức năng từ phía Phật giáo có ý kiến đối với kiểu truyền thông ghi nhận hiện tượng chỉ ở bề mặt để tạo suy diễn như vậy. Nếu không, sau nhà sư dùng chuyên cơ, nhà sư ở biệt thự, với cách cấu tạo tương tự, sẽ có nhà sư đi xe hơi bạc tỷ (chỉ ghi nhận việc nhà sư bước lên xe), nhà sư đi tour nước ngoài (chỉ ghi nhận việc nhà sư bước lên máy bay), nhà sư dùng du thuyền (chỉ ghi nhận nhà sư bước lên cầu tàu), …
Và như thế, là đủ kiểu để hạ uy tín người tu sĩ Phật giáo với cùng một cách thức. Đây sẽ là điều gây bất lợi nghiêm trọng cho Phật giáo. Từ những cơ sở chông chênh, mơ hồ, lập lờ mà tạo những suy diễn, có thể sẽ rất tai hại. Nếu để cho việc này trôi qua như một sự chấp nhận, thì sau đó, sẽ có những trường hợp cùng dạng thức với một vị sư khác.
4) Một bài báo có thể xuất phát từ một tin đồn, nhưng không thể chỉ là một cách trình bày tin đồn dưới một hình thức khác trên mặt báo. Làm như vậy sẽ gây mất uy tín cho tờ báo, tạo tai tiếng cho phóng viên và ban biên tập. Hơn nữa, do điều này ảnh hưởng đến danh dự thầy Thích Phước Tấn, đến việc xây dựng chùa Bồ Đề Cổ tự, nơi tôn trí phụng thờ hương linh những người tử nạn trong quá trình xây dựng cầu Cần Thơ, ảnh hưởng đến tín tâm của người Phật tử với tăng sĩ nói chung, ảnh hưởng đến nhìn nhận từ xã hội đối với người tu sĩ Phật giáo, đến hoạt động tiếp nhận và sử dụng tịnh tài cúng dường, có thể tạo ra những tiền lệ không hay trong hoạt động truyền thông đối với Phật giáo, vậy nên đề nghị Ban Biên tập Báo Người Lao Động và những trang mạng đã đăng bản tin “Sư trụ trì ở… biệt thự!” tiếp tục làm rõ vấn đề này.
Bằng cách cụ thể là xác định chính xác tên chủ tài sản ngôi biệt thự trệt bất động sản kế cận chùa Bồ Đề Cổ tự, nơi nhà sư Thích Phước Tấn “ở” trong khi ngôi chùa đang được xây dựng.
Việc xác minh người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tên người được cấp giấy phép xây dựng có thể thực hiện với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.
Tìm đến chính quyền địa phương xác minh sở hữu tài sản thì đúng với nghiệp vụ phóng viên hơn là tìm đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, cơ quan chỉ có thể xác định vụ việc giới hạn trong phạm vi chùa chiền.
Là vụ việc có liên hệ đến uy tín tăng sĩ Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo tỉnh Vĩnh Long nói riêng, cũng như đến uy tín thầy trụ trì Bồ Đề Cổ tự, vì vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, trụ trì chùa Bồ đề Cổ tự có trách nhiệm chủ động gửi văn bản đề nghị ban biên tập tổ chức xác minh chủ sở hữu, chủ sử dụng bất động sản đã nói.
Nếu căn biệt thự mà bài báo nói là sư trụ trì ở đó không phải là tài sản của sư trụ trì đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà là một người khác, thì đương nhiên, báo Người Lao Động và những trang mạng đã đăng tải bài trên phải thông tin trung thực đến rộng rãi bạn đọc, tránh việc suy diễn không đúng với sự thật, gây phương hại đối với uy tín người tu sĩ Phật giáo, đối với việc tiếp nhận tịnh tài xây dựng chùa Bồ Đề Cổ tự, cũng như phương hại uy tín của Giáo hội Phật giáo địa phương và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy sư trụ trì Bồ đề Cổ tự là chủ sử dụng đất, chủ sở hữu căn biệt thự và bất động sản liền kề ngôi chùa, thì đề nghị sư trụ trì có ý kiến giải trình, cũng như đăng tải ý kiến đánh giá sự việc của Giáo hội Phật giáo địa phương tỉnh Vĩnh Long.
Việc xác minh như thế có giá trị như việc thẩm định bài viết nói trên. Nếu như bài viết việc đưa một tin đồn lên cơ quan truyền thông, như bài viết đã thể hiện ngay ở câu mở đầu: “bàn tán xôn xao về việc sư trụ trì Bồ đề cổ tự (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh) mua đất xây biệt thự trị giá cả chục tỷ đồng để ở sát cạnh chùa” mà nay qua xác minh, có thể khẳng định là tin đồn thất thiệt (ở đây theo theo tin đồn đăng báo có 3 yếu tố: mua, xây và trị giá), thì đối với một tờ báo lớn và có uy tín như báo Người Lao Động, thiết tưởng, không cần đề cập đến quy trình xử lý việc đăng tải một tin, ngay từ đầu đã biết chắc là tin đồn, chưa được xác minh và sau đó xác minh ra là thất thiệt. (1)
MT
(1) Bài “Sư trụ trì ở… biệt thự!” có những cái nhìn thể hiện xuất phát điểm không thân thiện của người viết đối với Phật giáo. Chẳng hạn như box với tiêu đề in đậm, xét chất liệu của thùng tam bảo ở chùa Bồ đề Cổ tự. Thùng tam bảo bằng gì thì có gì cần lưu ý? Chất liệu thùng gỗ hay sắt thì sao lại là vấn đề để nhấn mạng? Quan trọng là việc bảo quản và sử dụng tiền cúng dường, không phải ở chất liệu thùng đựng tiền, nhất là trong bối cảnh nơi đặt thùng quyên góp ở một công trường đang thi công.
Năm 1978, khi mới bắt đầu đi chùa Ấn Quang, tôi thấy thùng quyên góp cúng dường Phật sự Giáo hội đặt phía sau văn phòng trụ sở giáo hội lúc bấy giờ trông 3 mặt là một két sắt lớn.
Hiện nay thùng phước điền đặt trong chính điện có cửa và chấn song kiến cố còn bị kẻ trộm đột nhập, đập vỡ, khoét lỗ.
Nhấn mạnh một chi tiết và chủ quan, nêu lên sự khác thường của nó một cách cường điệu, phải chăng là do điểm nhìn không khách quan đối với tu sĩ Phật giáo của tác giả?