1 . Cuộc sống của
thầy và Lý Liên Kiệt rất khác nhau, một vị hoạt động trong giới võ
thuật, còn một vị sống trong môi trường tôn giáo, song dù ở lĩnh vực
nào, hai vị đều có một thời gian dài tôi luyện không ngừng, luôn là
những người có ý chí mạnh mẽ vượt qua chính mình, bước qua những khó
khăn, thách thức trong cuộc sống. Hôm nay, chúng tôi rất mong thầy và
anh chia sẻ những kinh nghiệm quý báo đó với đại chúng .
- HT.Thích Thánh Nghiêm : Việc
tôi luyện của tôi thật sự không có gì ghê gớm lắm đâu, đơn giản chỉ là
sự quyết tâm duy trì "ý nguyện ban đầu" của mình mà thôi. Những "ý
nguyện ban đầu" ấy đối với tôi rất quan trọng cho đời sống sau này, bởi
nó là hoài bảo tu tập, là mục tiêu cơ bản trong cuộc sống để chúng ta
hướng đến.
Mười bốn tuổi được xuất gia, đó là mục
tiêu cuộc sống của tôi. Thực hiện trọn vẹn mục tiêu, chí nguyện đó, tôi
luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi thứ trong hiện tại, còn vấn đề làm
"nhà sư" ra sao thì từ trước đến giờ tôi ít khi nghĩ đến. Theo tôi, mỗi
người chúng ta đều có nhân duyên, phúc đức riêng - một phần là do phúc
báo đời trước để lại; một phần là do sự nỗ lực của bản thân kết hợp với
môi trường sống hiện tại mà tạo nên. Do vậy, chúng ta sẽ khó có thể chắc
chắn được điều gì xảy ra ở tương lai . Điều mà ta quan tâm nhất là khi
gặp phải những tình huống khó khăn, sự cám dỗ của danh lợi, bạn sẽ làm
gì để đối trị, chế ngự nó. Người xuất gia, thường phải tránh xa sự cám
dỗ của nữ sắc. Sự cám dỗ này được ví như chiếc lồng đền đỏ, và chính ánh
sáng hấp dẫn lung linh phát ra từ nó đã cảnh báo tôi chính niệm không
được chạm vào. Đó chính là những thách thức mà tôi kiên trì thực tập
trong rất nhiều năm qua.
- Lý Liên Kiệt : Cuộc sống tôi có nhiều biến
động. Tám tuổi, tôi bắt đầu học võ. Lúc đó khái niệm võ thuật đối với
tôi rất mơ hồ! Người ta bảo, tôi có năng khiếu võ thuật bẩm sinh , thế
là tôi quyết định theo nghề mà không có chút dự nào cả. Sự động viên
khuyến khích của các huynh đệ đồng môn là động lực khiến tôi kiên trì
tập luyện, tham gia các cuộc thi đấu võ thuật lớn nhỏ. Chính nhờ vào sự
chăm chỉ đó, danh hiệu giải thưởng toàn năng đã mỉm cưới với tôi. Giải
thưởng đã đem đến cho tôi có một số tiền vừa đủ để trang trải đời sống
cá nhân, đồng thời có chút ít tài chính phụ giúp cho gia đình mình. Tôi
rất hạnh phúc, tự hào về những gì mình đạt được.
Trong phim ảnh, võ thuật là bộ môn quan
trọng không thể thiếu. Vì thế thông qua các vai diễn, tôi hy vọng bộ môn
võ thuật mà mình đeo đuổi được truyền bá một cách rộng rãi hơn. Tôi
nghĩ rằng, dù bạn thuộc dân tộc, màu da nào hay đang sống hoặc làm việc
trong lĩnh vực nào chăng nữa, đều cần đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chỉ
có khỏe mạnh không thôi thì chưa đủ, mà điều cần thiết hơn nữa là bạn
phải có sự an lạc, thanh thản nơi tâm hồn. Bởi lẽ, sự an tịnh tâm hồn
đối với đời con người vô cùng quan trọng, vì có một tâm hồn an tịnh, một
lý tưởng sống tốt sẽ có tác dụng lớn đến tình trạng sức khỏe cá nhân,
gia đình và cộng đồng xã hội.
2. Kính thỉnh Thầy, Lý Liên
Kiệt chia sẻ với đại chúng một chút về sự trãi nghiệm của mình trong đời
sống tu tập và con đường sự nghiệp của mình.
- Lý Liên Kiệt : Khi đạt huy chương võ thuật
toàn năng Trung Quốc, tôi còn rất trẻ. Song bộ môn võ thuật đã có hơn
nghìn năm, và để đạt đến địa vị toàn năng đúng nghĩa thật không phải dễ
dàng! Vì thế, tôi đã tầm sư học khắp nơi. Mỗi lần bái sư, các thầy đều
mong tôi phấn đấu tập luyện đi theo con đường võ thuật trọn đời . Tuy
nhiên, để đạt đến mức võ thuật toàn năng, thì tối thấy nó còn xa vời
lắm. Vì vậy, tôi đã quyết định bỏ đi ý định tìm cầu ấy, và bắt đầu hướng
mình vào đời sống nội tâm để tìm hiểu những vấn đề mà trước kia mình
chưa bao giờ nghĩ đến. Đồng thời, dựa trên sự hiểu biết của bản thân kết
hợp với lý thuyết căn bản để nâng cao tinh thần võ học.
Nói đến võ thuật là nói đến quy luật âm
dương, mà quy luật này đơn giản chỉ là những gì thuộc về thế giới tương
đối. Tôi đã vận dụng lý thuyết tương đối này vào cuộc sống, từ đó hiểu
thêm về sự mâu thuẫn. khổ đau nơi con người. Mặc dù, lúc đó tôi chưa
thấm nhuần giáo lý của nhà Phật, song tôi đã biết quán chiếu và đặt mình
vào vai trò người khác bằng cái tâm cởi mở, khoang dung hơn.
Bước đột phá lớn nhất trong cuộc đơi tôi
là sau khi tôi chính thức trở thành Phật tử. Năm 1997, tôi quy y tam
bảo. Lúc ấy, tôi có ý định rút lui khỏi làng giải trí, vứt bỏ hết các
hoạt động nghệ thuật để chuyên tâm tu hành, thâm nhập Phật pháp. Song
thầy tôi đã góp ý cho tôi về việc rút lui này, ông mong mỏi tôi tiếp tục
tham gia làng giải trí. Ông bảo, nhiêm vụ của tôi vô cùng lớn lao, và
lúc đó tôi cũng ngầm hiểu nhiệm vụ ấy là gì rồi. Trãi qua 5 năm học
Phật, gặp gỡ rất nhiều vị thầy đạo cao đức trọng, tiếp được nhiều kinh
nghiệm tu tập ở các thầy, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng và thanh tịnh
hơn. Giờ đây trong hội trường này, tôi có thể chia sẻ với mọi người
rắng, tôi có một gia đình rất hạnh phúc.
Đối với sự nghiệp, tôi luôn nhìn nhận một
vấn đề nào đó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Vì sau khi hoàn thành một bộ
phim, chúng tôi phải luôn đối diện với nhiều ý kiến trái chiều về bộ
phim đó . Trong những đánh giá ấy là một chuổi của cảm xúc của người
xem, có hài lòng, có chê trách, có tán tưởng ..v.v. Nói thật là, bây giờ
tôi chẳng hề chạy theo sự khen chê bên ngoài, mà tôi lưu tâm hơn đến
quá trình làm việc và phấn đấu của bản thân. Cho nên mỗi ngày đối diện
với những điều thị phi, tôi đều cảm thấy ít phiền não hơn. Có thể nói,
Phật pháp giúp tôi chuyển hóa rất nhiều điều trong cuộc sống.
- HT.Thích Thánh Nghiêm : Trong quan niệm
truyền thống , tu hành có nghĩa là phải cạo tóc xuất gia, ẩn mình trong
chùa tụng kinh, ngồi thiền. Tuy nhiên, đây cũng là một cách tu hành của
đạo Phật, song chúng nên biết tu hành có 2 loại : Giải thoát đạo, Bồ tát
đạo.
Giải thoát đạo có nghĩa là đoạn trừ được
phiền não nơi mình, tự mình từ có thể trút bỏ hết mọi phiền não của thế
gian để được giải thoát. Đây là phương pháp tu hành cần có một thời gian
dài, hơn nữa hành giả cần phải xa lánh nơi đông đút và ồn ào.
Bồ tát đạo, tức là hành giả phát Bồ đề
tâm, lấy tâm Từ bi rộng lớn mà phát tâm tu hành , phương pháp tu này khó
khăn hơn một chút. Bởi vì, trong một môi trường hổn loạn, đầy dẫy những
thú vui, cám dỗ của xã hội, hành giả tự mình có thể chính niệm gìn giữ
thân tâm, không bị tác động bởi thế giới bên ngoài. Đồng thời, đem sự
giác ngộ của mình cảm hóa, tác động lại hoàn cảnh sống. Có thể xem đây
là một thách thức lớn.
Lý Liên Kiệt tiếp tục dấn thân vào sự
nghiệp phim ảnh là hình thức tu bồ tát hạnh. Mục đích phát triển sự
nghiệp điện ảnh này không vì danh, không vì lợi, mà thông qua sự ảnh
hưởng lớn về mặt hình ảnh của mìnhđể truyền bá chính pháp. Ngòai ra, đây
là môi trường tốt để ứng dụng phật pháp cho bản thân , lấy Phật pháp
làm kim chỉ nam cho cuộc sống đời mình.
Phật pháp mầu nhiệm và diệu dụng, cho nên
rất cần người kế thừa, hoằng dương chính pháp một cách rộng rãi. Hoằng
dương chính pháp là lấy thân mình làm gương cho kẻ hậu học, thuyết pháp
giáo hóa chúng sinh; lấy tâm của mình, quán chiếu cuộc sống và chia sẻ
kinh nghiệm của mình với mọi người có cùng hoàn cảnh, môi trường sống.
Đây là phương pháp rất dễ cảm hóa được lòng người, đồng thời là việc
hoằng pháp chân chính của hành giả học Phật.
Tại đại lục, Trung Quốc, số lượng người tu theo Phật giáo không nhiều.
Còn ở Châu Á, Lý Liên Kiệt có sức ảnh hướng rất lớn. Cho nên nhiệm vụ mà
Lý Liên Kiệt đối với Phật pháp là việc hoằng pháp lợi sinh trong chính
công việc và thông qua sự nghiệp phim ảnh của mình.
3. Lúc Thầy 40 tuổi như Lý
Liện Kiệt bây giờ, Thầy đã có quyết định làm một việc rất quan trọng,
thỉnh thầy chia sẻ cùng đại chúng quyết định ấy là gì, và suy nghĩ của
thầy ra sao?
- HT.Thích Thánh Nghiêm : Tôi quyết định du
học ở Nhật Bản khi tôi 39 tuổi. Sau khi đến Nhật, tôi gặp không ít khó
khăn vì không có sự giúp đỡ nhiều về mặt tài chính từ quê nhà. Và đó
chính là thách thức lớn khiến tôi có thể quay lại Đài Loan bất kỳ lúc
nào, một khi điều kiện, kinh phí học tập của tôi bị bế tắc. Dù vậy,
nhưng tôi kiên quyết không vứt chiếc áo nhà tu để đi làm thêm. Lúc ấy,
tôi đã kiên trì và vượt qua mọi khó khăn. Năm 40 tuổi, tôi đã hoàn thành
luận văn thạc sỹ, và chuẩn bị mọi thủ tục để trở về Đài loan.
Giáo sư hướng dẫn động viên, sách tấn tôi
, ông bảo : Trước kia, người nhật đến trung Quốc cầu pháp vô cùng gian
nan, khổ cực, chứ không phải dễ dàng như bây giờ. Tôi thấy, Phật giáo
trung quốc hiện nay, tăng tài rất ít, Thầy nên ở lại tiếp tục hoàn tất
học vị cao nhất rồi sau hãy trở về quê hương , có như vậy thì Phật giáo
nước nhà mới có thể phục hưng như thời kỳ trước. Nếu Thầy có tâm nguyện
học tiếp, thì tôi nghĩ khóa học trong ba năm để đạt văn bằng học vị tiến
sỹ cũng chẳng là bao lâu, và chính nhờ thành quả học tập này sẽ giúp
thầy thuận tiện hơn khi trở về Đài Loan phụng sự đạo pháp. Tôi nghĩ thầy
cũng đừng lo lắng quá vấn đề tài chính, cũng như về điều kiện sống hiện
nay ở đây. Nếu tình huống bắt buột, cuộc sống của thầy quá khó khăn quá
thì không có cách nào khác tôi sẽ giúp thầy hóa duyên.
Có một câu nói của giáo sư mà đến bây giờ
tôi nhớ mãi : "Đạo Tâm chi trung hữu y thực, y thực chi trung vô đạo
Tâm". Câu này có nghĩa là : Chỉ cần tôi có tâm bồ đề, có tâm nguyện, có
tậm phục vụ chúng sinh, thì việc ăn mặc và điều kiện sống ở đây không
phải là vấn đề lớn nữa. Song nếu tôi chỉ tìm cầu, đam mê nhiều quá về
vật chất, thì cả một đời tu tập cũng khó thể sinh khởi được tâm nguyện
rộng lớn phục vụ chúng sinh.
4. Quá khứ là ảo ảnh, tương
lai là vọng tưởng, cho nên chúng ta chỉ có thể nắm bắt được giờ phút
hiện tại. Lý Liên Kiệt, điều mà anh hy vọng lớn nhất hiện nay là gi?
- Lý Liên Kiệt:
Ngày xưa, trong phim võ thuật, các anh hùng đều là những bậc toàn trí
toàn năng hơn người, họ còn dùng sức mạnh để đánh bại, đàn áp đối phương
để khẳng định sức mạnh, thế lực của mình. Nhưng theo quan điểm tôi, vị
anh hùng đúng nghĩa phải là người lấy sức mạnh của mình để chống lại
những kẻ hung hăng bạo ác, hộ quốc an dân, thực hành bồ tát hạnh. Đó là
hình ảnh mà tôi hướng đến trong các bộ phim, và là điều tôi tâm đắc nhất
trong quá trình tìm hiểu Phật pháp . Dẫu biết rằng, trong đời sống xã
hội hiện nay để làm điều nầy thật là không dễ . Đạo Phật dạy "nhất tâm
niệm Phật", chúng ta có vận dụng vào trong cuộc sống bằng câu " nhất tâm
làm việc", nhắm nhắc nhở chúng ta khi đối diện với công việc nào đó
trong cuộc sống, cần phải chuyên tâm nhất ý, không nên suy đoán mong
lung. Cho nên trong công việc, tôi chỉ làm hết khả năng của mình mà
không trông mong vào mỗi bộ phim của mình lúc nào cũng thấm nhuần tinh
thần Phật pháp. Song thông qua công việc, tôi có cơ hội đi đến nhiều nơi
trên thế giới, tiếp xúc với giới truyền thông đại chúng, tôi có thể tự
tin chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm tu tập cũng như sự diệu dụng
của Phật pháp đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
5. Cuối cùng, hai vị có điều gì muốn nói với độc giả ở đây.
- Lý Liên Kiệt: Mỗi
người chúng ta đều có niềm tin tôn giáo khác nhau, song cho dù bạn là
tín đồ tôn giáo nào đi nữa thì nó cũng không phải là điều quan trọng.
Điều quan trọng nhất trong đời người là : "Chư Ác mạc tác - chúng thiện
phụng hành" (Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện). Tôi
nghĩ rằng, dù bạn sống ở bất cứ xã hội nào đi chăng nữa thì lời dạy đầy
ý nghĩa sẽ giúp cho bạn rất nhiều trong cuộc sống, hướng bạn thích ứng
vối mỗi hoàn cảnh một cách tốt hơn. Nói cách khác, lời dạy này là phương
thức sống có giá trị cho mỗi người chúng ta.
- HT.Thích Thánh Nghiêm: Mục
đích quan trọng của buổi pháp đàm đầy ý nghĩa này là giúp đại chúng
hiểu rõ hơn về con đường , sự nghiệp và việc học Phật của diễn viên,
Phật tử Lý Liên Kiệt. Qua đó giúp mọi người hiểu thêm về sự lợi ích của
Phật pháp trong đời sống hiện đại. Học Phật không phải là mê tín theo
cách nghĩ thông thường, mà thông qua việc học Phật có thể khiến chúng ta
hiểu biết giá trị chân thật của cuộc sống để độ mình và độ người. Độ
mình được gọi là tự giác, là tu hành. Độ người được gọi là giác tha, là
hoằng pháp cứu giúp chúng sinh. Tôi rất cám ơn sự chia sẻ chân thành của
Lý Liên Kiệt, bởi thông qua cuộc trò chuyện này, chúng ta có một cái
nhìn nhận phong phú hơn về Phật pháp ở một góc độ khác. Theo tôi đây là
một cuộc đối thoại có giá trị và ý nghĩa.
(Trích từ cuộc đối thọai của cố HT.Thích Thánh Nghiêm và DV. Lý Liên Kiệt)