Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tình hình Phật Giáo Triều Tiên hiện nay
Trần Trúc-Lâm
09/04/2011 20:43 (GMT+7)

Từng bị lãng quên một thời gian dài nơi rừng sâu, nay đã trở lại sinh hoạt nơi thị thành. Nhiều chùa chiền đã được xây dựng trở lại trong thành phố. Thiền phái Tào Khê đã đóng một vai trò trung tâm trong quá trình hoằng dương Chánh Pháp trong suốt chiều dài lịch sử của xứ sở này. Phật giáo đã có nhiều sự phục hưng đáng kể, trong đó các tăng sĩ chân tu của thiền phái Tào Khê đã thay thế những tăng sĩ có gia đình để trù trì những ngôi chùa trước đây từng bị quân Nhật chiếm đóng bổ nhiệm.

 Ở bắc Hàn, tin tức gần đây cho biết là nhà nước cộng sản đã nới lỏng các sinh hoạt tôn giáo, nhất là Phật giáo. Có 60% dân chúng theo Phật giáo. Hơn 300 ngôi chùa được tu bổ và hoạt động. Bản dịch Bộ Đại tạng Kinh ra tiếng Hàn ở thế kỷ 13 nay được in ấn phát hành rộng rãi thành gồm 25 cuốn. Trong khi ấy nhà nước bắc Hàn chỉ chính thức cho 2 thánh đường Protestant Pongsu Church của Tin Lành và Catholic Changchung Cathedral của Công giáo La Mã được hành lễ. Trong hiến pháp năm 1992 của bắc Hàn, điều 68 ghi “bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và xây dựng nơi thờ phượng”; nhưng điều ấy còn qui định “Không ai được phép dùng tôn giáo như là phương tiện để đưa quyền lực ngoại bang vào đất nước, hay để hủy diệt trật tự xã hội và nhà nước. “ đủ cho thấy chính quyền bắc Hàn thừa biết quyền lực khuynh đảo của các tổ chức truyền giáo “tin lành” của Anh Mỹ.

 Hiện tại ở Triều Tiên có tất cả là 18 tông phái Phật giáo khác nhau xuất phát từ bốn tông phái chính là Thiền tông, Mật tông, Pháp Hoa tông và Hoa Nghiêm tông. Tất cả đều theo truyền thống Phật giáo Đại thừa. Trong 18 tông phái trên, nổi bật và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất là Thiền phái Tào Khê đã được thiền sư Tae-go (Thái Cổ: 1301-1382) sáng lập. Hiện có khoảng 1632 ngôi chùa là chi nhánh ở khắp trong và ngoài Triều Tiên, và có khoảng 18.000 tăng ni và khoảng 6.000.000 tín đồ qui y theo phái này.

   Như một truyền thống lâu đời, Phật giáo nam Hàn đẩy mạnh các công tác giáo dục xã hội, tham gia và đáp ứng các nhu cầu quần chúng hiện nay. Hầu hết các ngôi chùa đều có xây dựng nhà trẻ và trường tiểu học. Các tăng sĩ Triều Tiên đều đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực giáo dục phổ cập. Hiện tại Phật Giáo Triều Tiên điều hành nhiều trường Phật học sơ và trung đẳng toàn quốc, và một trường Đại Học Phật giáo ở Dong-Guk, trường này có chi nhánh ở Seoul và Kyongju, đặt biệt đào tạo tăng ni. Một số lượng lớn nam nữ Phật Tử Hàn đã xuất gia để trở thành rường cột cho giáo hội Phật giáo Nam Hàn ngày nay. Những phát triển của Ni giới gần đây cũng được phát triển mạnh mẽ. Có rất nhiều chương trình tu học cho mọi giới trong xã hội.

 Có nhiều vị sư Mỹ gốc Hàn đã quay về cố quốc để hoằng hóa, ví dụ Hòa thượng Hyon Gak Sunin, một công dân Mỹ tốt nghiệp trường đạo Harvard Divinity School, đã xuất gia trở thành một Tăng sĩ Phật giáo, và hiện đang trụ trì chùa Hwagyesa tại Hán Thành.

 Dù đạo Tin Lành vẫn đang ở thế thượng phong tuy nhiên gần đây, một vài vụ xì-căng-đan không mấy tốt đẹp đã xảy ra nên làm cho tín đồ hoang mang và suy ngẫm xét lại sự tương hợp giữa Tin Lành và dân tộc Hàn. Năm 2006, Mục sư Kim Hong-Do trưởng Hội thánh Kumran tại Mangwoo-dong (Hán Thành), đã bị tòa kết tội lừa gạt và biển thủ 3.2 tỉ Hàn tệ (khoảng 3,375,000 USD). Ông này đã cường điệu vào năm 2004 rằng Chúa đã trừng phạt những nạn nhân của cơn Sóng thần Tsunami ở nam Á vì không chịu tin theo đạo Tin Lành. Trước đó vào năm 2003, Mục sư Jang Hyo-Hee Chủ tịch Hội Đồng Tin Lành Hàn Quốc, lớn nhất tại Nam Hàn, đã nhảy lầu tự tử từ một cao ốc, khi người chồng của ngưòi tình nhân trở về nhà bất thần trong lúc hai người đang tằng tịu.

 Người dân Hàn quốc đang từ từ ý thức được cái giá đắt của suy đồi đạo đức phải trả cho thứ văn hóa vật chất và tiêu thụ của tây phương đã cấy vào tâm thức người dân Hàn quốc, và rằng họ không thể dùng thẻ tín dụng để trả giá hạnh phúc lâu dài, và loại Phúc Âm Tin Lành của Mỹ đang được rao truyền trên đất nước họ, nhất là từ những con múa rối Tin Lành giả hiệu (pseudo-Christian puppets) thối nát, nên nhiều Phật tử nhận ra vai trò của Phật giáo, một vốn liếng truyền thống lâu đời, có thể cống hiến một viên thuốc trị độc cho xã hội. Vị Sa môn Mỹ gốc Hàn nầy đã tuyên bố: “Chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta chỉ tìm được tự do thật sự không phải trong sự cầu chứng vô kiểm soát, mà trong sự chế ngự và điều phục được dục vọng. Rằng hạnh phúc đích thực không nằm trong sự gia tăng thủ đắc của cải, mà trong tâm an bình và lòng hoan hỉ”.

 Một du sinh Việt nam hiện đang học đại học ở Nam Hàn nhận xét không khí sinh hoạt Phật giáo ở đất nước này còn được phổ cập trên các phương tiên truyền thông. Phật giáo có một kênh truyền hình phát sóng cho công đồng học tập và tìm hiểu. Những ngày lễ lớn, các ngã tư đường phố đều treo cờ hoa. Điển hình là ngày Lễ Phật Đản, được tổ chức long trọng, về đêm bầu trời tràn ngập pháo hoa đón mừng Khánh đản.

  Tuy khoảng cách của giới trẻ với sinh hoạt Chùa ở Hàn chưa rút ngắn nhanh như mong muốn vì xã hội vẫn còn tất bật chạy theo đua đòi vật chất, nhưng càng ngày càng có đông giới trẻ Triều Tiên đã chú ý và tham gia vào các sinh hoạt Phật Pháp như ghi danh theo học các khóa giáo lý, khóa tu thiền ngắn hạn, công tác từ thiện xã hội... Những sách viết về Phật giáo của Sư ông Nhất Hạnh đang được bày bán rất nhiều ở các nhà sách và rất được giới trẻ hâm mộ tìm hiểu sau cuộc hoằng hoá thuyết pháp của Hòa thượng tại Nam Hàn gần đây . Đối với họ công đức trình bày làm mới đạo Phật của Sư Ông để thích hợp với lối sống hiện đại thiết thực hơn, nhờ vậy đã thu hút giới trẻ có cách nhìn thấu đáo hơn về một tôn giáo cổ truyền của dân tộc Hàn..

 Lại nữa kỷ nghệ du lịch đang giúp phục hồi vai trò quan trọng của Phật giáo tại quốc gia nầy, và bảo đảm cho di sãn lâu đời được bảo tồn liên tục. Chùa chiền được mở cữa cho công chúng viếng thăm, và Tổng cục Du lịch Hàn quốc đã hợp tác và triễn khai thành công chương trình “Ngụ tại Chùa” (Temple Stay Program) để đẩy mạnh kỹ nghệ du lịch trong dịp giải vô địch bóng đá quốc tế World Cup 2002. Dân chúng và du khách nước ngoài đã có thể trú ngụ tại chùa, sống như một nhà tu, ngắn thì một ngày, dài thì ba tháng. Thu nhập từ “dịch vụ” nầy, thường được gọi là “công quả” đã được sử dụng để trùng tu lại chính ngôi chùa. Lúc đầu, chương trình nầy còn khiêm nhường, chỉ 14 chùa tham gia. Nhưng bây giờ thì đã tăng lên gấp ba, có đến 50 chùa tham dự. Trong năm 2005, đã có hơn 50,000 “thí chủ” trả tiền để được “ngụ tại chùa”. 

 Dựa vào những chứng cớ hiện nay người ta tin tưởng rằng Phật giáo Triều Tiên đang trên đà phát triển mạnh và đầy lạc quan ở tương lai. Vì thế các nhà lãnh đạo quốc gia và các Giáo Hội Phật giáo ở Đông Nam Á nên nghiên cứu kỹ bài học của Triều Tiên để rút tĩa kinh nghiệm hầu kịp thời đối đầu với những mưu ma chước quỉ của tây phương hòng khuynh đảo đất nước mình, đồng thời học hỏi cách phục hưng của Phật Giáo Triều Tiên trong thời đại mới.

 

TrầnTrúc-Lâm


      Tháng Tư, 2007.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang