Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đi lễ đầu xuân: Xin đừng hạ thấp Phật, Thánh!
11/02/2011 11:05 (GMT+7)

Quả nhiên những ngày đầu xuân, một việc rất dễ gặp ở mọi đền, chùa, phủ là  hình ảnh những tờ bạc lẻ 500, 1000 đồng được đặt lễ. Và ở các chùa, đền, phủ đông đúc thì những đồng tiền này bị “xả” xuống như… rác.

Đừng làm khó cho nhà chùa!

Theo quan niệm nhà Phật và của phật tử thì đó là tiền giọt dầu, tiền nhang đèn nhưng trên thực tế thì đó là tiền xây sửa chùa, nơi thờ tự, tiền để nhà chùa làm từ thiện và đóng góp cho xã hội.

Vậy nên việc người đi lễ mang tới quá  nhiều tiền lễ, nhà chùa thu gom không xuể, người đi lễ khác thì coi là mệnh giá thấp nên giẫm dưới chân không thương tiếc. Đây đã là điểm rất không hay của người muốn mong cầu. Đi lễ “xả” tiền lẻ như rác có còn thành tâm?

Phóng viên Vietnam+ đã tìm hiểu từ một số nơi thờ tự thì được biết rằng xử lý, gom xếp, phủi đếm những đồng tiền lẻ đặt lễ này là cả một cuộc vật lộn vất vả của sư sãi, của những người đến giúp việc ở cửa Phật, đền thờ Thánh.

Việc thôi tung tiền lẻ rắc các ban thờ mà dồn vào một lần dâng bằng tờ bạc có mệnh giá lớn hơn để giảm gánh nặng “xử lý” tiền lẻ cho nhà chùa. Đồng thời cũng đỡ có những cảnh trái mắt như người cố ném tiền lẻ ở trên ban lại đang giẫm vào tiền của người lễ trước dưới chân. Vừa lãng phí vừa có gì đó nhẫn tâm. Không hề hợp với tâm của người đi lễ Phật.

Phổ biến tình trạng, nhiều người đi lễ hòm công đức thì không cho tiền vào mà cứ gài tiền lẻ vào hoa, vào tượng, vào cành quả, đĩa oản để sau đó tiền lại rơi lả tả. Các bõ già giúp việc nhà chùa còng lưng đi nhặt, đi tháo gỡ tiền rồi lại khốn khổ để nhét vào hòm công đức. Đó là điều thật trái mắt và vô lý.

Xin đừng lãng phí!

Tại các đền, chùa cách đây mấy năm hương khói nghi ngút cay mờ cả mắt nhưng bây giờ  không khí cũng khá trong sạch, nhẹ nhàng vì mỗi người chỉ đốt một cây hương, hoặc thuận theo lễ bằng hương vòng đã thắp sẵn của nhà chùa, nhà đền, cửa phủ.

Khói hương những ngày nào làm cay mắt người đi lễ, bạc lẻ hôm nay cũng gây phản cảm không kém. Song các chùa lại không thể treo biển kêu gọi hãy lễ bằng tiền chẵn. Và người người cứ vung vãi tiền lẻ và tưởng đó là hay. Lạ thay có người còn  "dâng" lễ bằng những tờ bạc 200 đồng, những đồng xu mới 200, 500 đồng thì không biết còn có thể tiêu được ở đâu nữa.

Chuyện ai cũng thấy mà thật khó điều chỉnh. Chị Lụa ở phố Nguyễn Du nói: “Thực ra định mang 30 hay 50 nghìn đồng đi lễ thì hãy đặt vào một ban chính, hay cho vào hôm công đức, sao lại phải đổi ra tiền lẻ rắc khắp nơi để mất bao công gom nhặt. Cuối cùng chỉ lợi cho cánh đổi tiền ăn phần trăm ở cửa đền, chùa.”

Có cách nào chăng?


Anh Châu-phố Hàng Buồm nói: "Ai đã đi Thái Lan đều đã thấy cách họ dùng tiền mua những đồng xu lễ rất hay. Tiếng thả tiền lễ trong dãy lư đồng thánh thót rất thú. Đất nước sùng đạo Phật như thế và họ cách làm như vậy, lẽ nào ta không tìm cách nào thích hợp hơn hiện tại. Nhiều người lo đặt tiền chẵn thì dễ bị kẻ gian 'thó' mất trên bàn thờ. Vậy thì xu thả kia nào có tiêu được ở ngoài xã hội."

Nhà báo Nguyễn Mạnh-Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết: “Tôi tìm hiểu thì thấy, tâm lý người dân thấy lo lắng khi xuất hiện trước mỗi ban thờ mà không hề đặt “giọt dầu” thì chưa thành tâm, thấy có lỗi với Thánh, với Phật. Không hiểu sao họ có thể nghĩ Thánh, Phật lại nhìn theo tiền mới phù hộ, mới trợ giúp họ.”

PGS Lê Trường Phát trao đổi rõ ràng: "Người ta còn coi “trần sao âm vậy” nên cứ như "quan hệ song phương" với thánh thần. Họ có thể khấn: Con đặt tiền thế này mong được thế kia. Và còn hứa…nếu ngài phù hộ thì con sẽ lễ tạ. Thật đáng xem xét lại! Có cách nào chăng? Từ ý thức mỗi người thì chưa đủ, còn cần sự vận động, nhắc nhở từ chính các nhà chùa như chuyện đốt hương trước đây. Tôi nghiên cứu văn hóa dân gian và thường đi lễ chùa. Song tôi bao giờ cũng để tiền vào một hòm công đức chính chứ không chia lẻ tứ tung."

Theo PGS.Tiến sĩ Trần Đình Hượu từng viết trong tác phẩm “Đến hiện đại từ truyền thống” : “Tin thần chung của văn hóa Việt Nam là Thiết thực, Linh hoạt, Dung hòa” theo nghĩa đẹp nhất của các từ này. Song xem ra, chưa mấy ai hiểu đúng.

“Thiết thực, Linh hoạt, Dung hòa” chính là đừng tạo ra những phức tạp khó khăn mà hãy uyển chuyển sao cho hợp tình hợp lý. Khi đi lễ Phật phải cốt ở mộ đạo, thành tâm chứ không thể “trần tục” thậm chí “thực dụng” hóa các Thần - Phật, trong khi thực tâm lại rất tôn sùng. Vô tình hóa ra có khi ta làm khổ thêm cho các bậc tu hành mà mình rất nể trọng./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang