Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Einstein học ở Vĩnh Phúc, cuộc đời ông sẽ ra sao?
Tác giả: Hà Văn Thịnh
13/04/2012 07:31 (GMT+7)


Chủ trương mới đây của Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc không cho học sinh kém đăng ký thi đại học với lý do là bớt tốn kém cho gia đình học sinh, "định hướng" cuộc đời hộ cho các em khiến cho không ít người bất bình.

Vi phạm quyền được học?

Vì chủ trương này- vô tình đã "khai tử" niềm hy vọng của một bộ phận thế hệ trẻ. Hơn nữa, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào đi nữa thì "can thiệp" thô bạo đến cuộc đời các em, nhân danh khuyên nhủ của người thầy, cũng vẫn là vi phạm nhân phẩm, vi phạm quyền được học của học sinh, mà Luật Giáo dục không hề quy định, cũng là điều khó có thể chấp nhận!

Trước hết, người viết bài này xin được bật mí một "bí mật" đã từng công bố: Nếu không có sự cứu xét đầy trách nhiệm, và đầy tính nhân văn của Trưởng ty Giáo dục (cũ) của tỉnh Nghệ An là ông Nguyễn Tài Đại thì tôi đã kết thúc cái sự học của mình từ hồi lớp 7(!).

Số là thi chuyển cấp lên lớp 8, tôi được 8 điểm văn, 4 điểm toán = trượt. Thầy Nguyễn Tài Đại đã xem xét và kết luận rằng vì tôi đoạt giải nhất học sinh giỏi văn thành phố Vinh lớp 7, nên ưu tuyên tuyển thẳng cho dù theo nguyên tắc là trượt.

Nếu Einstein học ở Vĩnh Phúc bây giờ, cuộc đời ông sẽ ra sao?

Nói như thế để thấy rằng cái kém của môn học này, không kém ở môn học kia; thất thế lĩnh vực A về cơ hội nhưng lại tỏ ra vượt trội ở điều kiện B là điều không hề hiếm.

Mặt khác, sai lầm của nền giáo dục nước ta là đã tạo ra vô số học sinh "kém" không đúng như đòi hỏi của cuộc đời: Tôi không thích học toán, sao từ cấp trung học cơ sở, chẳng cho tôi học ban C? Cách làm này thật ra là  cũ mòn vì hàng loạt nước trên thế giới đã áp dụng từ đời thuở đời thuở nào...

Còn nếu người thầy muốn tư vấn, hướng nghiệp cho các em, hãy tư vấn, hướng nghiệp từ lúc các em mới bước vào cấp THPT. Không thể đánh đùng một cái, không cho các em đăng ký thi ĐH, với lý do tốn kém cho... gia đình họ!

Người lớn chúng ta, nhất là ngành GD không có quyền "đóng sập" cánh cửa cuộc đời với bất kỳ ai, cho dù người đó kém cỏi cách mấy. Đây không chỉ là pháp lý, cái ứng xử tối thiểu về mặt văn hóa mà còn là nguyên tắc đạo đức tối thượng, theo cách nói của GS Michael Sandle - Đại học Harvard.

A. Einstein thi trượt phổ thông mặc dù rất giỏi toán và lý

"Không có học sinh dốt, chỉ có người thầy dốt"

Tại sao không nghĩ rằng học sinh kém do rất nhiều nguyên nhân khác nhau (như trường hợp tương tự đã nêu), mà không ít em trong số đó, do người thầy, do nhà trường, do ngành GD?

Có một GS nổi tiếng đã nói: Không có học sinh dốt, chỉ có người thầy dốt! Để nhấn mạnh tới cái trách nhiệm tận cùng của người thầy, của nhà trường. Và cũng là của ngành GD. Tại sao, thầy kém, nhà trường kém, GD kém, người phải chịu lại chính là các em học sinh?

Có những nguyên nhân mà nếu điều kiện, hoàn cảnh GD thay đổi, chúng ta hoàn toàn đủ cơ sở để lấp đầy những thiếu hụt về kiến thức cho các em. Chẳng hạn thời trẻ, nếu tôi bỏ công sức để dùi mài kinh sử, học thật lực ba môn thi ĐH mà tôi đam mê, có cơ hội, thì hoàn toàn đủ khả năng để thay đổi số phận của mình.

Biết bao học sinh giỏi toán nhưng dốt tệ hại môn lịch sử, môn kỹ thuật nông nghiệp, môn thể dục? Hàng chục môn học là hệ quy chiếu để phân loại dốt - khá - giỏi, có thật đúng hay chưa?

Trong cuộc đời, một người không thể làm nổi một câu thơ nhưng hoàn toàn đủ khả năng để làm ra một loại máy móc mới là bình thường. Ai cũng biết A. Einstein thi trượt phổ thông mặc dù rất giỏi toán và lý.

Nếu Einstein học ở Vĩnh Phúc bây giờ, cuộc đời ông sẽ ra sao?

Điều rất cần phải nhấn mạnh là, không ít địa phương, cứ nhân danh "sáng tạo" rồi đưa ra hết thay đổi này đến thay đổi khác, làm dân khổ bởi những quy định... bất chấp luật pháp(!?) Làm sao có thể chấp nhận một cơ chế hành chính đứng trên luật?

Luật pháp không cho phép tồn tại cái gọi là "quyền" của cơ quan giáo dục cấp tỉnh muốn xoay vần, đảo lộn cuộc đời của lớp trẻ như thế nào tùy ý.

Chẳng lẽ người ta muốn thử nghiệm một cái gì đó có cái tên đẹp đẽ là "mới" bằng cách thí nghiệm ngay trên cuộc đời của ai đó - tức là dùng con người như là một công cụ để biện minh cho việc làm vô lý của mình?

Điều cuối cùng - cũng là điều quan trong nhất: Các nhà tâm lý giáo dục học nghĩ sao khi việc không cho học sinh kém thi ĐH là đòn đánh tàn nhẫn vào lòng tự trọng của con người? Đó là sự xúc phạm về nhân phẩm, gây nên những hậu quả và hệ lụy khó lường.

Những học sinh bị xã hội (Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phú) loại bỏ công khai, trực tiếp sẽ bị ám ảnh suốt đời về cái kiếp sống kém cỏi suốt đời. Đó là chưa nói đến cái shock của lứa tuổi trẻ chưa qua, nghĩ xa chưa đến, nếu quẫn trí, hành động bột phát..., thì sẽ ra sao?

Một nhà hiền triết đã nói rằng, mất tiền bạc có thể kiếm lại lúc khác, trong hoàn cảnh khác. Mất của cải có thể sắm lại, mất người yêu biết đâu là cơ hội để có hạnh phúc đáng trân trọng hơn.... Nhưng nếu để mất niềm tin thì sẽ mất tất cả!

Không một ai có quyền tước bỏ niềm tin của người khác, tước bỏ sự hy vọng chứng tỏ mình trước thử thách, về nỗ lực cố gắng trước sự ngặt nghèo, về ước mong thay đổi của một con người!

http://tuanvietnam.net/2012-04-12-einstein-hoc-o-vinh-phuc-cuoc-doi-ong-se-ra-sao-

Các tin đã đăng:
Về đầu trang